Cuộc đấu Nhà Trắng-FBI bước vào giai đoạn hai

Thứ Tư, 07/02/2018, 14:58
Phe của Tổng thống Donald Trump vừa có phản pháo đầu tiên trước phe đối lập và FBI sau hơn một năm bị công kích liên quan tới yếu tố Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Ngay sau khi tuyên bố trúng cử tổng thống, chính xác hơn là trong quá trình tranh cử, ứng cử viên Donald Trump đã bị phe đối lập cáo buộc có tình cảm với cá nhân Tổng thống Nga Putin, người mà cả thế giới phương Tây đang hùa nhau cấm vận do liên quan tới vấn đề Ukraine.

Ngay sau khi vào Nhà Trắng, làn sóng công kích ông Trump liên quan tới yếu tố Nga ngày càng trở nên ác liệt và có thể nói vấn đề này chưa bao giờ ngớt trong chính trường Mỹ trong suốt hơn một năm qua.

Tổng thống Donald Trump.

Bản báo cáo minh oan

Trong cuộc so găng này, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) gần như là đại diện của phe Dân chủ đối lập. Nhiều cuộc thẩm vấn, bắt bớ, cách chức, từ nhiệm đã diễn ra trong giới thân cận của ông Trump. Báo chí Mỹ gần đây nói rằng vòng kim cô của FBI đang siết chặt gia đình tổng thống.

Cuối tháng 10-2017, Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, cựu Giám đốc FBI 2 đời tổng thống, truy tố 3 nhân vật trong mặt trận tranh cử của ông Trump. Họ bị xem là có liên hệ chặt chẽ với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin - đã bị 17 cơ quan tình báo Mỹ chính thức xem là xen vào bầu cử 2016 với mục tiêu lũng đoạn cơ cấu dân chủ Mỹ, triệt hạ đối thủ Hillary Clinton và giúp ông Trump làm tổng thống.

Vào thời khắc tưởng chừng, như báo chí phương Tây bàn luận, Tổng thống Trump có khả năng bị phế truất vì “nhờ Nga giúp đỡ để thắng cử” thì vào ngày 2-2-2018, Nhà Trắng đã bật đèn xanh cho Hạ viện Mỹ công bố bản báo cáo do Ủy ban Tình báo thực hiện.

Tác giả báo cáo dài chưa tới 4 trang, nghị sĩ bang California, Devin Nunes, một người thân cận với Tổng thống Donald Trump, chỉ trích FBI “lạm quyền trong việc theo dõi chiến dịch tranh cử tổng thống”.

Cựu cố vấn chính sách đối ngoại Carter Page.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Bản báo cáo này đưa ra một loạt cáo buộc về hành vi sai trái của FBI và Bộ Tư pháp Mỹ trong việc thụ đắc một trát của tòa án theo Đạo luật Do thám tình báo nước ngoài, gọi tắt theo tên tiếng Anh là FISA, để theo dõi Carter Page, cựu cố vấn chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.

Cụ thể, nó nhắm mục tiêu vào việc FBI sử dụng thông tin của cựu điệp viên người Anh, Christopher Steele, người đã thu thập một tập hồ sơ chứa một số cáo buộc về những mối liên hệ giữa ông Trump, các cộng sự của ông và Nga.

Báo cáo nói rằng FBI và Bộ Tư pháp đã không báo cáo đầy đủ với tòa án FISA về vai trò của ông Steele trong nỗ lực tìm kiếm thông tin bất lợi về đối thủ tranh cử. Nỗ lực tìm kiếm thông tin này do ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton tài trợ thông qua một công ty luật ở Washington.

Tài liệu này cũng nhắm mục tiêu vào một số quan chức cao cấp của FBI và Bộ Tư pháp. Trong số này có cựu Thứ trưởng Bộ Tư pháp Thứ cấp Bruce Ohr, người mà bản báo cáo nói là đã biết về thiên kiến chống Trump của ông Steele và có vợ làm việc tại công ty đứng đằng sau nỗ lực tìm kiếm thông tin này.

Báo cáo của Ủy ban Tình báo này cho thấy sự xác nhận chính thức đầu tiên của chính phủ về một trát FISA bí mật và rằng ông Page đã là đối tượng bị theo dõi. Những thông tin như thế này thường được coi là thuộc loại thông tin an ninh quốc gia được giữ kín nhất và hầu như không bao giờ được tiết lộ ra công chúng.

Mặc dù bản báo cáo nêu lo ngại về các phương thức của FBI, song nó cũng xác nhận FBI và Bộ Tư pháp tin rằng có cơ sở xác đáng cho thấy ông Page khi đó đang hoạt động như một điệp viên của một cường quốc nước ngoài và thẩm phán đã tán đồng với lập luận này - 4 lần.

Báo cáo của Ủy ban Tình báo Mỹ chỉ trích FBI “lạm quyền trong việc theo dõi chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump”.

Bản báo cáo cũng làm sáng tỏ một phần thời biểu của cuộc điều tra Nga, cho thấy ông Page đã bị theo dõi suốt nhiều tháng. Theo bản báo cáo, Bộ Tư pháp và FBI đã xin được trát FISA nhắm vào ông Page vào ngày 21-10-2016, và sau đó xin tòa chấp thuận thêm 3 lần nữa. Vì các trát FISA phải được gia hạn mỗi 90 ngày, bản báo cáo cho thấy chính phủ đã theo dõi những liên lạc của ông Page suốt gần một năm.

Toàn bộ cuộc điều tra Nga đều từ Papadopoulos mà ra. Theo bản báo cáo, thông tin về cựu cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump, George Papadopoulos, "đã kích hoạt việc mở một cuộc điều tra phản gián của FBI vào cuối tháng 7-2016". Đây là một chi tiết quan trọng bởi vì ông Trump và các đồng minh của ông trong đảng Cộng hòa đã tìm cách làm suy yếu cuộc điều tra Nga bằng cách nói rằng tất cả đều khởi nguồn từ hồ sơ của ông Steele.

Bản báo cáo không cung cấp thêm chi tiết về thông tin mà FBI nhận được về Papadopoulos. Nhưng dường như nó xác nhận một phần thông tin được loan tải trong một bài báo của tờ The New York Times vào cuối năm ngoái rằng chính những lo ngại của FBI về Papadopoulos đã khơi ra cuộc điều tra. Papadopoulos nhận tội đã khai man với FBI vào năm ngoái.

Hồ sơ tòa án cho thấy người này đã có nhiều cuộc tiếp xúc với những người tự xưng là có liên hệ với Chính phủ Nga bắt đầu vào mùa xuân năm 2016. Hồ sơ tòa án còn cho thấy Papadopoulos đã biết là người Nga có thông tin gây tổn hại đối với bà Hillary Clinton dưới hình thức "hàng ngàn email" trước khi thông tin đó được công khai.

Bản báo cáo nói rằng một tập hợp các báo cáo của ông Steele "tạo thành một phần thiết yếu" của hồ sơ xin trát FISA nhắm vào ông Page, nhưng bản báo cáo không xác định chính xác thông tin nào được sử dụng hoặc bao nhiêu thông tin được sử dụng. Nó cũng nói rằng hồ sơ xin trát FISA dựa vào một bài báo của Yahoo News vào tháng 9-2016, và tuyên bố rằng thông tin trong bài báo đó cũng từ ông Steele mà ra.

Báo cáo dẫn lời cựu Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe nói với Ủy ban Tình báo Hạ viện vào tháng 12-2017 rằng "lẽ ra sẽ không có trát do thám nào được xin cấp" từ tòa án FISA "nếu không có thông tin từ hồ sơ Steele".

Theo bản báo cáo, hồ sơ xin cấp trát FISA cũng bao gồm "thành tích cung cấp thông tin khả tín của ông Steele trong quá khứ về các vấn đề không liên quan khác".

Những phản bác

Sau khi Nhà Trắng công bố bản báo cáo được cho là “minh oan” cho ông Trump, thì giới quan sát cho rằng khó mà thẩm định được tính chính xác của bản báo cáo bởi vì phần lớn những thông tin làm nền tảng cho những tuyên bố trong đó đều được liệt vào diện được bảo mật hoặc bí mật. Bản báo cáo dẫn một hồ sơ xin trát FISA ban đầu - một tài liệu thường bao gồm hàng chục trang giấy - cũng như 3 hồ sơn xin tòa gia hạn trát.

Không có hồ sơ nào trong số này được phép công khai. Tương tự, bản ghi cuộc phỏng vấn kín của Ủy ban Tình báo Hạ viện với ông McCabe và các quan chức cao cấp khác của FBI từng tiếp xúc với ông Steele đều không được công khai.

Một câu hỏi dai dẳng kể từ khi tập hồ sơ Steele được Buzzfeed News đăng tải vào năm ngoái là: FBI đã chứng thực được bao nhiêu phần thông tin trong đó? Theo báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, không nhiều vào thời điểm mà FBI có được trát FISA nhắm vào ông Page. Báo cáo dẫn lời Trợ lý Giám đốc FBI Bill Priestap nói rằng sự chứng thực của FBI đối với tập hồ sơ còn ở giai đoạn "sơ khai" khi tòa án cấp trát do thám FISA đầu tiên.

Báo cáo cũng nói rằng một "đơn vị độc lập" bên trong FBI đã thực hiện một "báo cáo chứng thực nguồn tin" về thông tin mà ông Steele cung cấp và nhận thấy rằng nó "chỉ được chứng thực rất ít ỏi". Nhưng không có những tài liệu nền tảng hoặc bản ghi lời khai chứng của ông Priestap, khó mà đánh giá được bản ghi chú này mô tả chính xác tới mức nào.

Ngày 3-2, thành viên đảng Dân chủ cao cấp của Ủy ban, nghị sĩ Adam Schiff từ bang California, phản bác cách thức mà bản báo cáo mô tả các phát biểu của ông McCabe, nói rằng vị cựu Phó Giám đốc FBI khi đó đang phát biểu một cách chung chung về việc các hồ sơ xin trát FISA phụ thuộc vào "mỗi một thành phần" được đưa vào trong đó ra sao.

Nhưng Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, nghị sĩ Cộng hòa Devin Nunes từ California, cùng ngày nói trên đài Fox News rằng cách thức mà bản báo cáo mô tả những phát biểu của ông McCabe là "sự tổng kết một cuộc phỏng vấn dài và chắc chắn đó là điều mà ông ta đã nói". Ông lưu ý rằng những nhân chứng khác cũng nói "những điều tương tự".

FBI đã bày tỏ "những lo ngại nghiêm trọng về việc loại bỏ những dữ kiện quan trọng" trong bản báo cáo và kêu gọi không công khai nó. Viết trên Twitter, ông Comey gọi bản báo cáo là "không trung thực và gây ngộ nhận". Giám đốc FBI Christopher Wray đã gửi một thông điệp tới các nhân viên của mình dường như nhằm vực dậy tinh thần của họ sau khi bản báo cáo được công bố.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, nghị sĩ Cộng hòa Devin Nunes, tác giả của báo cáo trên.

"Tôi vẫn tin tưởng quyết tâm chung của chúng ta làm nhiệm vụ của mình một cách độc lập và đúng nguyên tắc", ông Wray nói trong một thông điệp.

Phe Dân chủ thì lập luận rằng bản ghi chú 4 trang này mô tả không chính xác thông tin mật hết sức nhạy cảm và nhắm mục đích làm suy yếu cuộc điều tra hình sự của ông Mueller, được khởi động vào tháng 5-2017 và tiếp nối một cuộc điều tra trước đó của FBI.

Jerrold Nadler, nghị sĩ Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện, nói trong một thông cáo rằng quyết định của ông Trump công bố bản báo cáo là "một phần trong nỗ lực tuyên truyền có phối hợp nhằm làm mất uy tín, vô hiệu hóa và đánh bại cuộc điều tra Nga".

Một số nhân vật theo đảng Cộng hòa cũng lên tiếng chỉ trích việc công bố bản báo cáo này.

Việc công bố bản báo cáo này một lần nữa khơi ra khả năng ông Trump có thể sử dụng nó như một cái cớ để sa thải công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người đang tiến hành cuộc điều tra, hoặc Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein, người giám sát ông Mueller. Viết trên Twitter từ khu điền trang của ông ở Palm Beach, bang Florida, ông Trump nói bản báo cáo "hoàn toàn minh oan" cho ông, nhưng nói thêm "vụ săn phù thủy (ý nói cuộc điều tra của ông Mueller) liên quan tới Nga cứ dây dưa mãi. Không có sự thông đồng và không có cản trở gì hết".

Ông gọi cuộc điều tra này là "một nỗi ô nhục của nước Mỹ". Khi được các phóng viên hỏi liệu ông có tin tưởng hay liệu ông sẽ sa thải ông Rosenstein hay không, ông Trump trả lời: "Các người tự suy ra đi".

Chưa biết đòn phản công của phe Cộng hòa sẽ cho kết quả ra sao, nhưng theo tiết lộ của CNN ngày 2-2, dường như trong một cuộc gặp riêng hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Mỹ đã hỏi ông Rod Rosenstein “có ủng hộ” ông hay không, và cuộc điều tra dưới sự chỉ đạo của công tố viên đặc biêt Muller đi theo hướng nào. CNN cho rằng cuộc trao đổi này một lần nữa làm dấy lên nhiều nghi vấn về ý đồ hiển nhiên của ông Donald Trump can thiệp vào cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Theo giới bình luận chính trị Mỹ, sa thải ông Rosenstein dường như sẽ kích hoạt một cơn bão lửa chính trị cho tổng thống, giống như việc ông sa thải Giám đốc FBI James Comey vào năm ngoái. Ông Mueller đang điều tra xem liệu ông Trump có cản trở công lý hay không trong việc tìm cách ngăn chặn cuộc điều tra Nga.

Theo quan điểm của ông Trump, báo cáo của Ủy ban Tình báo đủ để mọi người hoài nghi về tính trung thực trong cuộc điều tra mà công tố viên đặc biệt Robert Mueller, nổi tiếng là trung thực và chính trực, đang tiến hành.

M.T. (tổng hợp)
.
.