Cuộc đời đầy bão táp của cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung

Thứ Tư, 02/09/2009, 21:15
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung, người được giải Nobel Hòa bình vì đã nỗ lực hòa giải trên bán đảo Triều Tiên, vừa qua đời ở tuổi 85 tại Bệnh viện Severance ở Seoul hôm 18/8 sau mấy tuần vật lộn với chứng bệnh viêm phổi. Cuộc đời và sự nghiệp chính trị đầy bão táp của ông Kim Dae-jung gắn liền với những biến cố lịch sử và là một câu chuyện hấp dẫn.
Kim Dae-jung sinh ngày 6/1/1924 tại một vùng quê thuộc tỉnh Cholla. Ngôi nhà  chứa đầy kỷ niệm thiêng liêng của Kim Dae-Jung thời niên thiếu vẫn là nơi ông thỉnh thoảng về thăm. Và mỗi lần về thăm quê, ông vẫn thường dừng chân ở khu mộ của gia đình tọa lạc trên một sườn đồi gần nhà.

Kim Dae-Jung xuất thân trong một gia đình trung nông ở Ha Eui, thuộc tỉnh Cholla, trong giai đoạn Triều Tiên bị Nhật Bản đô hộ. Ông kể lại rằng, mình là một đứa trẻ bị sinh khó, lúc mới ra đời rất yếu ớt và mấy năm sau vẫn còn còi cọc, ốm yếu. Đến tuổi đi học, vì giới quân phiệt Nhật muốn đồng hóa dân tộc Triều Tiên nên ở Trường tiểu học Ha Eui, Kim Dae-jung và các bạn phải học hoàn toàn bằng tiếng Nhật - thứ ngôn ngữ mà cho đến sau này ông vẫn sử dụng thông thạo. 

Sau đó, gia đình ông chuyển ra thành phố cảng Mokpo khá tấp nập. Kim Dae-jung vào học trường trung học thương mại. Tháng 8/1945, phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh. Triều Tiên được giải phóng. Chàng thanh niên Kim Dae-jung  hăng hái tham gia các hoạt động xã hội và đứng đầu một nhóm thanh niên yêu nước ủng hộ quan điểm cánh tả.

Chính quyền quân sự Mỹ ở Nam Triều Tiên từ năm 1945 đến 1948 đã bắt và giam giữ ông nhiều lần trong thời gian đó vì bị nghi ngờ ông thuộc tổ chức của những người ủng hộ chủ nghĩa cộng sản.

Sau đó, ông lao vào hoạt động kinh doanh. Vốn là một thanh niên tháo vát, Kim Dae-jung nhanh chóng thành đạt trên lĩnh vực kinh doanh. Lúc mới 26 tuổi, Kim Dae-jung là một trong những người giàu có nhất ở Mokpo. Khi ấy, Kim Dae-jung là một ông chủ của một công ty tàu biển và một tờ báo địa phương.

Trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh Triều Tiên, quân đội miền Bắc chiếm được Mokpo. Kim Dae-Jung lại bị bắt giam và đứng trước nguy cơ bị tử hình vì bị cho rằng là một kẻ bóc lột công nhân. Nhưng đột nhiên, quân đội miền Bắc rút đi và Kim Dae-jung được tự do cùng một số người khác.

Kim Dae-jung trở lại nghề kinh doanh và tiếp tục hoạt động chính trị trong phe đối lập đấu tranh chống lại các cuộc bầu cử mà thực chất là những trò hề dân chủ. Năm 1959, Kim Dae-jung thất bại trong kinh doanh. Ông bị phá sản trong các chiến dịch chống lại nhà cầm quyền. Trong thời gian này, ông bị khánh kiệt đến nỗi chẳng giúp được gì cho cô em gái bị bệnh tim mà chết. Sau này ông vẫn bị ám ảnh về nỗi đau buồn đó.

Hai năm sau, Tổng thống Syngman Rhee bị hạ bệ, Kim Dae-jung được bầu vào Quốc hội. Nhưng chỉ 3 ngày sau đó, tướng Park Chung-hee tiến hành cuộc đảo chính quân sự và lên nắm quyền. Kim Dae-jung lại bị ném vào nhà tù bởi chính quyền quân sự Park Chung-hee. Danh tiếng của Kim Dae-jung vượt khỏi Mokpo và đặt ông vào vị trí thách thức địa vị của Park Chung-hee.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc năm 1971, ứng cử viên Kim Dae-jung đưa ra chính sách "Tam hòa" trong quan hệ với CHDCND Triều Tiên: Hòa bình trao đổi, Hòa bình chung sống, Hòa bình thống nhất. Với tài hùng biện và chính sách hòa bình, Kim Dae-jung giành được 45% số phiếu bầu.

Nhưng đó là con số được công bố, còn theo các nhà nghiên cứu chính trị Hàn Quốc lúc đó cho rằng, nếu tính đúng thì có lẽ Kim Dae-jung đã giành thắng lợi trước đương kim Tổng thống Park Chung-hee.

Không những thế, ngay trong năm tiếp theo, Park Chung-hee tuyên bố đất nước trong tình trạng chiến tranh và đặt phe đối lập vào thế bất hợp pháp. Cục Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA) trở thành cơ quan có quyền lực nhất ở miền Nam bán đảo Triều Tiên. KCIA đã nhiều lần thực hiện âm mưu ám hại Kim Dae-jung. Lần đầu tiên Kim Dae-jung đối mặt với cái chết trong gang tấc là vào khoảng một tháng sau cuộc bầu cử tổng thống năm 1971.

Hôm đó, ông đang ngồi trong một chiếc xe hơi cùng viên trợ lý Kwon No-kap. Bỗng nhiên một chiếc xe tải mà sau đó ông chắc chắn là của KCIA đã phóng như bay lao vào xe Kim Dae-jung. Nhưng cả hai may mắn thoát chết. Kim Dae-jung bị thương nặng và ra viện với một cái chân khập khiễng như sau này chúng ta vẫn thấy.

Sau khi bị ám sát hụt lần thứ nhất, Kim Dae-jung trốn qua Nhật Bản để tiếp tục hoạt động với những cái tên giả để tránh sự theo dõi của KCIA. Nhưng KCIA vẫn chưa buông tha ông.

Ngày 8/8/1973, Kim Dae-jung đang ăn cơm trưa một cách bí mật cùng một lãnh tụ đối lập khác của Nam Triều Tiên. Sau khi ăn xong, ông đi bộ về khách sạn Grand ở một khu phố sầm uất của thủ đô Tokyo. Khi Kim Dae-jung tới hành lang và dừng chân trước phòng 2211, đột nhiên có 6 người lạ mặt xuất hiện.

Chúng đấm đá ông túi bụi và nhét một miếng giẻ tẩm ête bịt miệng ông. Sau đó chúng trói và bịt mặt ông bằng một tấm vải đen chỉ chừa lỗ mũi rồi đưa lên một chiếc xe ôtô chờ sẵn. Tối hôm đó, bọn bắt cóc đưa Kim Dae-jung đến Osaka. Chúng ném ông lên một chiếc xuồng máy và đưa ra biển. Chúng cột chân tay ông vào những vật nặng, ông nghe bọn chúng bàn bạc là làm thế nào để có thể dìm ông xuống biển mà sau đó xác không thể nổi lên được.

Lúc đó, ông nghĩ là cuộc đời sắp kết thúc. Nhưng đột nhiên, ông nghe thấy tiếng máy bay. Qua băng bịt mặt, ông cảm thấy một tia chớp chói lòa. Sau này, khi kể lại cho người viết tiểu sử, ông khẳng định đó chính là máy bay do thám của CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ).

Bỗng máy bay rà xuống thấp rồi như có một vật gì lạ rơi xuống xuồng. Sau đó chiếc xuồng quay trở lại. Sau này một quan chức cao cấp Hàn Quốc tiết lộ KCIA là tác giả vụ bắt cóc và ám sát nổi tiếng đó. Nhưng vì sao CIA lại biết và ra tay hành động cứu Kim Dae-jung đúng lúc thì người ta có nhiều cách lý giải.

Về sau, bà vợ ông Kim là Lee Hee-ho nói với Donald Gregg, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo CIA và là Đại sứ Mỹ ở Seoul rằng: "Ông đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cứu chồng tôi thoát chết khi ông ấy bị bắt cóc vào năm 1973, và sau đó cũng đã giúp vợ chồng tôi rất nhiều".

Trong 3 năm tiếp theo, Kim Dae-jung bị quản thúc tại gia. Năm 1976, ông tiếp tục hoạt động chính trị và lại bị bắt, bị kết án 8 năm tù. Năm 1978, Kim Dae-jung bị đưa vào một bệnh viện đặc biệt, nhưng đó là một hình thức giam giữ đặc biệt.--PageBreak--

Năm 1979, ông được thả ra sau khi Tổng thống Park Chung-hee bị nhân viên trưởng tình báo của mình ám sát vào cuối năm 1979. Vài tuần sau cái chết của Park Chung-hee, lãnh đạo quân đội Chun Doo-hwan nắm chính quyền. 5 tháng sau, hàng chục nghìn người ở thành phố Gwangju, một trong những nơi ủng hộ quan trọng của ông Kim, xuống đường để phản đối chính đảng quân sự đang cầm quyền. Quân đội đã đàn áp cuộc nổi dậy tại Gwangju, giết chết khoảng 200 người.

Vụ đàn áp đẫm máu này trở thành chứng tích đau thương cho cả thế giới về thời kỳ quân đội nắm quyền tại Hàn Quốc. Phía quân đội tố cáo ông Kim đã xúi giục bạo loạn, và một tòa án quân sự kết án tử hình ông. Washington một lần nữa lại can thiệp, bản án được giảm xuống còn chung thân, rồi lại thành 20 năm. Ông Kim vẫn không thoái bước. Về sau khi bản án trở thành án treo, năm 1983 ông qua Mỹ sống lưu vong. Năm 1986, ông Kim Dae-jung trở về nước.

Nhưng vừa đặt chân về đến Seoul, ông lại bị bắt giữ và bị giam lỏng tại quê nhà. Nhưng sau đó ông lại tiếp tục tham gia hoạt động chính trị khi nền chính trị Hàn Quốc có sự thay đổi nhất định. Ông Kim đã 3 lần thất bại trong các cuộc bầu cử tổng thống trước khi giành được chiến thắng trong cuộc chạy đua lần thứ tư vào tháng 12/1997 và sau đó lên cầm quyền vào năm 1998.

Còn cựu Tổng thống Chun Doo-hwan sau này bị kết án tử hình vì vụ thảm sát Gwangju. Nhưng sau khi Kim Dae-jung đắc cử tổng thống, ông đã đồng ý với người tiền nhiệm là Kim Yong-sam ân xá cho Chun Doo-hwan, người đã định tiêu diệt ông.

Lên làm Tổng thống, ông phải thừa kế một đất nước Hàn Quốc đang bên bờ vực thẳm, bị suy sụp bởi cuộc khủng hoảng tài chính khi đó đang tàn phá kinh tế của cả châu Á. Nhưng ông đã chứng tỏ bản lĩnh chính trị, trong cải cách, tái cơ cấu và hiện đại hóa toàn bộ các hoạt động quản lý đất nước, tổ chức lại nền kinh tế. Năm 2001, Hàn Quốc đã làm được một việc phi thường là trả toàn bộ nợ cho Quỹ Tiền tệ quốc tế trước thời hạn 3 năm.

Nhưng thành quả lớn nhất của ông Kim Dae-jung là trong lĩnh vực ngoại giao. Ông chủ trương chính sách đối ngoại cởi mở, bắt tay với CHDCND Triều Tiên mà chính sách Ánh dương là một sự cụ thể hóa tư tưởng này.

"Ánh dương" với phương châm thống nhất theo 3 giai đoạn gồm: thống nhất, tự chủ; hòa bình và dân chủ. Trong giai đoạn 1, hai miền Triều Tiên sẽ thành lập thống nhất thành liên bang; giai đoạn 2, liên bang sẽ bao gồm chính quyền tự trị các khu vực Bắc và Nam; tiến tới giai đoạn 3 hai miền có thể chọn một trong hai phương thức thành lập một chính phủ trung ương tập quyền hoặc chính phủ tự trị theo khu vực.

Người dân Hàn Quốc đến chia buồn cùng gia quyến cố Tổng thống Kim Dae-jung.

Trong nhiệm kỳ của mình, tháng 6/2000, ông đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử với nhà lãnh đạo tối cao CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il. Sự kiện này mở ra tiến trình hòa giải, hòa hợp giữa hai miền Triều Tiên trong suốt gần một thập niên sau đó. Những dự án hợp tác liên Triều diễn ra sau cuộc gặp thượng đỉnh trên đã đóng góp rất lớn làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Năm 2000, ông được giải Nobel Hòa bình vì đã đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Hàn Quốc và vùng Đông Á nói chung, cùng với nỗ lực cổ vũ cho nền hòa bình và sự hòa giải với CHDCND Triều Tiên nói riêng. Ông là người Hàn Quốc đầu tiên và duy nhất đoạt giải Nobel.

Sau vụ người kế nhiệm ông là cựu Tổng thống Roh Moo-hyun qua đời, giờ đây Hàn Quốc lại mất đi một nhân vật thứ hai tích cực nhất trong chủ trương chính sách hòa dịu với CHDCND Triều Tiên.

Tổng thống Lee Myung-bak, một người theo đường lối bảo thủ, nói: "Chúng ta vừa mất đi một nhà lãnh đạo chính trị lỗi lạc. Những thành tựu của ông cùng khát vọng để có được một nền dân chủ và sự hòa giải liên Triều sẽ mãi mãi ở trong tâm khảm của mọi người". Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, người từng là Thứ trưởng Ngoại giao dưới thời ông Kim Dae-jung cũng đã đến viếng ông tại bệnh viện.

Sự ra đi của ông Kim Dae-jung diễn ra giữa lúc những căng thẳng về vấn đề hạt nhân và quan hệ liên Triều đang có dấu hiệu dịu bớt. Ngày 15/8/2009, nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Triều Tiên thoát khỏi ách đô hộ của Nhật, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đề nghị: "Cùng với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, việc giảm trừ vũ khí quy ước của CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc phải là chủ đề của các cuộc thảo luận sắp tới".

Ông Lee Myung-bak khẳng định Seoul sẵn sàng tiến hành đối thoại và hợp tác với Bình Nhưỡng trên tất cả các vấn đề, vào bất kỳ thời điểm nào và ở mọi cấp. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Hàn Quốc kêu gọi giảm trừ vũ khí quy ước.

Hai ngày sau tuyên bố trên của Tổng thống Lee Myung-bak, Hãng tin Nhà nước Triều Tiên (KCNA) ngày 17/8 cho biết, Bình Nhưỡng đã đồng ý nối lại các chuyến du lịch đến khu nghỉ mát Kumgang và thành phố Kaesong thuộc CHDCND Triều Tiên. Các hoạt động này đã bị tạm ngưng từ đầu năm ngoái.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng đã đồng ý nối lại chương trình đoàn tụ các gia đình ở hai miền Triều Tiên, theo đó họ sẽ được sum họp ở Kumgang vào lễ thu hoạch mùa thu Chuseok vào ngày 3/10 tới. CHDCND Triều Tiên cũng thông báo đồng ý nới lỏng quy định hạn chế qua lại biên giới và đẩy mạnh hoạt động của khu công nghiệp chung ở Kaesong.

Được tin ông Kim Dae-jung qua đời, ngày 19/8, Bình Nhưỡng đã đề nghị cử một phái đoàn sang Seoul dự tang lễ cựu Tổng thống Kim Dae-jung. Ngay lập tức, Bộ Thống nhất của Hàn Quốc đã chấp nhận đề xuất này

Quế Anh - Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.