Cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Mỹ với các lãnh đạo EU

Thứ Ba, 06/06/2017, 07:49
Những bất đồng từ Hội nghị Thượng đỉnh G7 và NATO giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với các lãnh đạo đồng minh ở châu Âu đang tiếp tục mở rộng thành cuộc khẩu chiến giữa đôi bờ Đại Tây Dương.

Trong một diễn biến mới nhất của cuộc “đấu khẩu” này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên mạng xã hội Twitter vào sáng sớm 30-5 để ghi những dòng bình luận gay gắt, trong đó ông tuyên bố rằng các chính sách của nước Đức là “rất xấu” đối với Mỹ. Trước đó vài tiếng, vào ngày 29-5, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cũng đã tuyên bố rằng những “chính sách thiển cận” của chính quyền Mỹ đang làm suy yếu phương Tây.

Trong các dòng Twitter của mình, ông Trump đã đưa ra những tính toán sòng phẳng, như việc nước Đức có thặng dư mậu dịch lớn trong làm ăn với Mỹ, rồi nước Đức chi trả ít hơn rất nhiều so với mức cần phải chi trả cho ngân sách quân sự chung của khối NATO. Ông cho rằng điều này “rất xấu” cho nước Mỹ, vì nước Mỹ luôn là quốc gia gánh chịu phần ngân sách lớn nhất cho NATO. Ông tuyên bố “tình trạng này sẽ phải thay đổi”.

Điều ông Trump muốn nói đến chính là cam kết vào năm 2014 của nước Mỹ rằng nước này sẽ chi 2% GDP cho quốc phòng. Trong khi đó, nước Đức hiện tại chỉ chi khoảng 1,2% cho quốc phòng. Con số này đang tăng dần, nhưng giới lãnh đạo Đức thừa nhận cho dù đang có chiều hướng tăng, nhưng chi phí quốc phòng hàng năm của Đức sẽ không tới 2% GDP, theo mục tiêu đặt ra cho năm 2024.

Cuộc “đấu khẩu” giữa Washington và Berlin là điểm nhức nhối nhất trong toàn bộ câu chuyện bất đồng quan điểm giữa hai bờ Đại Tây Dương. Mối bất đồng này đã bắt đầu xuất hiện kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống, với những quyết sách được ông triển khai nhằm hiện thực hóa các tuyên bố lúc tranh cử. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump thường xuyên công kích EU, đặt vấn đề đối với giá trị của EU, hoan nghênh cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý việc rời khỏi EU của nước Anh và thể hiện cái nhìn tích cực đối với các chính khách “chống EU” của châu Âu, như bà Marine Le Pen ở Pháp.

Không những thế, ông còn triển khai các chính sách mà đồng minh châu Âu cảm thấy “bất an”, đồng thời ông còn chủ trương có quan hệ thân thiện với nước Nga, xem Nga như một đối tác quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng nhất thế giới.

Bất đồng càng trầm trọng thêm qua chuyến công du của Tổng thống Trump trong tuần lễ cuối tháng 5-2017 đến châu Âu và dự Hội nghị thượng đỉnh G7 và hội nghị thường niên với các đồng minh NATO, đáng chú ý nhất là ông đã không chấp thuận thông qua điều 5 của điều ước phòng vệ chung của khối. Còn tại hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Trump đã một mình chống 6 nước còn lại (gồm Đức, Pháp, Anh, Italia, Canada và Nhật Bản) trong khi những nước này tiếp tục duy trì cam kết Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, thì ông Trump nói thẳng rằng ông “cần thời gian để quyết định vấn đề này”.

Ông Trump đã “1 chống 6” tại hội nghị G7 vừa qua.

Và không cần nhiều thời gian hơn, trong bài phát biểu tại Vườn Hồng Nhà Trắng ngày 1-6, ông tuyên bố: “Mỹ sẽ dừng thực hiện Hiệp định Paris, kết thúc gánh nặng tài chính và kinh tế mà thỏa thuận này tạo ra cho Mỹ”. Cần nhắc lại: Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được gần 200 nước thông qua tại Pháp vào tháng 12-2015; nhất trí cắt giảm lượng khí CO2 và khí thải khác từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu.

Theo Hiệp định này, Mỹ cam kết cho đến năm 2025, họ sẽ cắt giảm lượng khí thải 26 - 28% so với mức năm 2005. Tuyên bố rút khỏi hiệp định về biến đổi khí hậu, Tổng thống Trump cho rằng hiệp định này được ký dưới thời  tổng thống Barack Obama, mang lại cho các nước khác lợi thế trước ngành công nghiệp Mỹ, phá hủy việc làm ở Mỹ. “Tôi không thể ủng hộ một thỏa thuận trừng phạt Mỹ trong khi nó không quy định nghĩa vụ có ý nghĩa nào đối với những nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới”, Trump nói trước khi nêu cụ thể là Trung Quốc và Ấn Độ.

Quyết định của ông Trump tạo ra sự phẫn nộ tại Mỹ và thế giới. Cựu tổng thống Obama nói động thái trên nghĩa là Mỹ “đang gia nhập một nhóm nước từ chối tương lai”. Đức tuyên bố Mỹ “đang gây hại” cho toàn bộ hành tinh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker gọi quyết định của ông Trump là “sai lầm nghiêm trọng”.

Tại hội nghị khối NATO và G7 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã không thể kiềm chế được sự bực tức và nỗi thất vọng với đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương. Phát biểu ngay sau khi hai cuộc hội nghị kết thúc, bà Merkel cho rằng, “thời kỳ chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nước khác đã chấm dứt, theo một mức độ nào đó”. Merkel tuyên bố, nước Đức và châu Âu nói chung “sẽ phải nắm lấy vận mệnh trong tay mình” và không thể tiếp tục “phụ thuộc vào sự lãnh đạo của nước Mỹ” nữa.

Jim Townsend, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đức phê phán Tổng thống Trump vì những hành động nêu trên của ông, cho rằng ông Trump không cần thiết phải “tạo ra sự rạn nứt” giữa các đồng minh cũ (ám chỉ Mỹ và châu Âu) với nhau.

Thái độ của bà Merkel và ông Townsend cho thấy khi đụng chạm vấn đề hệ trọng của quốc gia thì giữa các đối thủ chính trị lớn trong nước Đức (bà Merkel và ông Townsend) cũng đang có sự đồng quan điểm với nhau. Đặc biệt, việc bày tỏ quan điểm “xa lánh Washington” trong thời điểm hiện nay còn là hành động nhạy cảm, mang ý nghĩa chính trị rất quan trọng, có thể tạo lợi thế cho cuộc bầu cử Quốc hội Đức sắp tới.

Cả bà Merkel và ông Townsend đều có thể giành được lá phiếu của thành phần cử tri chống Trump thông qua việc thể hiện quan điểm và động thái mà họ vừa thực hiện. Thực tế đã chứng minh rõ ràng: Các nhà quan sát chính trị ở Đức nhận định, vụ “cãi vã” với ông Trump trên thực tế đã mang lại lợi ích lớn cho chiến dịch tranh cử của bà Merkel, vì nó thể hiện cho cử tri Đức thấy bà đích thực là một “nhân tố tạo sự ổn định và chắc chắn” trong những thời khắc bất ổn của đất nước.

An Châu (tổng hợp)
.
.