Cuộc khủng hoảng chính trị Thái Lan đã nhuốm máu và “cái nút” của vấn đề

Thứ Sáu, 16/04/2010, 16:35
Cuộc đối đầu chính trị suốt hơn một tháng qua giữa phe "áo đỏ" và Chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã lên đến đỉnh điểm căng thẳng khi xung đột nổ ra hôm thứ Bảy (10/4) mà hậu quả, theo trang điện tử của báo Bangkok Post,  21 người bị chết và 858 người bị thương.

Thông  tấn xã Thái Lan TNA gọi đây là "Ngày thứ Bảy đen". Báo Dân tộc  (Thái Lan) mô tả "cuộc đàn áp của quân đội đã để lại một con đường đầy máu".  Còn tờ Bangkok Post thì bình luận:  "Đây là một trong những vụ đổ máu nghiêm trọng nhất trong lịch sử xứ Chùa Vàng".

Trong vụ đụng độ này, liệu có bàn tay của "bên thứ ba"? Tại cuộc họp báo ở Bangkok ngày 12/4, vẫn theo tin của báo mạng Bangkok Post,  Chủ tịch đảng Puea Thai, tướng Chavalit Yongchaiyudh,  cho rằng ông  Abhisit đã mắc một sai lầm lớn khi ra lệnh cho binh lính dùng vũ lực để giải tán những người biểu tình "áo đỏ", vì chính điều đó đã khiến cho "bên thứ ba" lợi dụng nhảy vào và gây ra bạo lực. Tướng Chavalit không chỉ đích danh "bên thứ ba", nhưng ông nói "hầu hết mọi người đều biết bên thứ ba là ai".

Ý kiến trên của tướng Chavalit  phù hợp với thông tin do người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan đưa ra trong cuộc họp báo được phát trên truyền hình tối 11/4 rằng lực lượng an ninh đã dùng đạn thật, nhưng chỉ bắn chỉ thiên và rằng những điều tra ban đầu cho thấy lựu đạn và đạn được dùng trong vụ xung đột "không thuộc loại của quân đội".

Báo mạng Bangkok Post dẫn lời Thủ tướng Abhisit phát biểu trên truyền hình chiều 12/4 nói rằng, một nhóm khủng bố có vũ trang đã trà trộn vào những người biểu tình "áo đỏ" đêm thứ Bảy vừa qua (10/4) để xúi giục  bạo lực gây ra đổ máu. 

Tuy nhiên, người ta không biết ai đứng sau "nhóm khủng bố có vũ trang" này.

Như vậy, cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan  đã nhuốm máu và càng trở nên phức tạp.

Súng đã nổ và máu đã đổ trên đường phố Bangkok. Nhưng những người biểu tình "áo đỏ" do Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) dẫn đầu vẫn không tỏ dấu hiệu nhân nhượng, thậm chí còn lớn tiếng đòi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva phải từ chức ngay lập tức. Theo tin của các hãng AP và Tân Hoa xã được TTXVN trích thuật, Jatuporn Prompan, một thủ lĩnh cốt cán của lực lượng biểu tình, tuyên bố ngày 11/4 rằng "sẽ không có thêm cuộc thương lượng nào nữa" và rằng phe "ao đỏ" sẽ "không bao giờ thương lượng với những kẻ giết người".

Về phần mình, mặc dù kiên quyết không chấp nhận yêu sách mà ông cho là vô lý của những người biểu tình, nhưng Thủ tướng Abhisit  buộc phải có động thái "xả van điều áp".  Trong tuyên bố được phát trên truyền hình tối hôm 10/4, ông loan báo chính phủ đã tạm ngừng các chiến dịch giành lại những khu vực do "áo đỏ" kiểm soát.

Phân tích cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan, phần đông các ý kiến cho rằng "cái nút" của vấn đề là giải tán Hạ viện và tiến hành bầu cử trước thời hạn, nhưng vướng mắc quan trọng nhất mà hai bên - Chính phủ của Thủ tướng Abhisit và phe "áo đỏ" - chưa đạt được nhất trí là thời gian biểu giải tán Hạ viện.  Trong hai vòng thương lượng diễn ra ngày 28 và 29/3, các đại diện của UDD một mực đòi giải tán Hạ viện ngay trong vòng 15 ngày để tiến hành bầu cử, sau khi bầu cử xong thì mới thảo luận quy định về sửa đổi Hiến pháp, nhưng phía Chính phủ lại cho rằng chỉ khi nào hoàn tất việc sửa đổi Hiến pháp, mới có thể tiến hành giải tán Hạ viện.

Quá trình sửa đổi Hiến pháp, nếu được tiến hành,  theo Phó thủ tướng Thái Lan  Suthep Thaugsuban, có thể phải đến cuối năm 2010 mới hoàn thành.  Phe "áo đỏ" không chấp nhận điều mà họ coi là "thủ thuật câu giờ" của Chính phủ. Thế là đàm phán đổ vỡ.

Trong một diễn biến mới, theo tin trên trang điện tử của báo Bangkok Post, Chủ tịch đảng Puea Thai, tướng Chavalit Yongchaiyudh, ngày 12/4 đã nhắc lại lời kêu gọi của ông rằng, Thủ tướng Abhisit  phải giải tán Hạ viện ngay lập tức.

Tướng Chavalit nhấn mạnh: "Cách duy nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay là ông Abhisit phải giải tán ngay Hạ viện". Quan điểm này của ông Chavalit phù hợp với yêu sách của phe "áo đỏ".

Trước đó, ngày 11/4, đã có tin nói rằng Chính phủ Thái đang cân nhắc tiến hành một cuộc bầu cử vào tháng 10 - sớm hơn 3 tháng so với đề nghị gần đây nhất. Tin này cũng cho rằng giải tán Quốc hội có thể là lựa chọn tốt nhất cho chính phủ, và rằng khung thời gian có thể nhất cho việc giải tán Quốc hội là 6 tháng.

Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan ngày 12/4 đã bác bỏ tin trên. Người phát ngôn Chính phủ Panitan Wattanayagorn cho biết, cho đến nay, chưa có cuộc thương lượng nào giữa chính phủ và những người "áo đỏ" về thời điểm tổ chức bầu cử.

Dẫu sao, người ta vẫn tin rằng, việc giải tán Hạ viện để bầu cử sớm  chính là "chìa khóa" để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan. Nhưng vấn đề là ở chỗ khi nào giải tán và ai là người thực sự có vai trò quyết định trong việc đưa ra thời gian biểu cho việc giải tán Hạ viện ?

Đài RFI của Pháp, trong một bài phân tích phát đi đêm 11/4, cho rằng trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Thái Lan, nếu như các nhà phân tích vẫn còn tranh luận với nhau xem ai thắng ai thua trong cuộc tranh giành quyền lực giữa một bên là phe "áo đỏ" thân cựu Thủ tướng Thaksin và bên kia  là Thủ tướng Abhisit, thì ngược lại, họ đều có cùng một nhận định: Quyền lực chính trị thực sự tại Thái Lan là ở đằng sau hậu trường và tại đó, quân đội đóng vai trò quyết định.

Vẫn theo RFI,  từ năm 1932 đến nay, tức là kể từ cuộc "cách mạng đẫm máu" do một nhóm quân nhân và dân sự tiến hành, dẫn đến việc thiết lập chế độ quân chủ lập hiến tại Thái Lan, đất nước này đã trải qua 18 cuộc đảo chính hoặc âm mưu đảo chính. Gần đây nhất là vụ lật đổ chính quyền của Thủ tướng Thaksin vào tháng 9/2006.

 Đài RFI đưa lại tin AFP dẫn lời ông Thongchai Winichakul, chuyên gia phân tích chính trị Thái Lan thuộc Đại học Wisconsin - Madison (Mỹ),  dùng sự tích "Aladin và cây đèn thần" để nói về vai trò của quân đội Thái Lan: "Cuộc đảo chính năm 2006 đã làm cho thần đèn thoát ra khỏi cái bình".

Tình hình chính trị đã dẫn đến việc phải nhờ đến quân đội ra tay, tái lập trật tự và đây là cơ hội để quân đội trở lại chính trường. Giới quan sát cho rằng vận mệnh chính trị của Thủ tướng Abhisit và liên minh cầm quyền tại Thái Lan hiện nay tùy thuộc vào sự ủng hộ của quân đội và tướng Anupong Paojinda, Tổng tư lệnh.

Ông Paul Chambers, chuyên gia về Thái Lan thuộc Trường đại học Heidelberg (Đức) được RFI dẫn lời,  nhận định rằng tướng Anupong nắm quyền chỉ huy quân đội, còn Abhisit lãnh đạo liên minh cầm quyền. Do vậy, họ có lợi ích chung là liên kết với nhau.

Theo giới phân tích, trong cuộc khủng hoảng hiện nay, quân đội đứng đằng sau, bật đèn xanh cho các quyết định của Abhisit, như chấp nhận đàm phán với phe "áo đỏ", đồng ý tổ chức tổng tuyển cử sớm. Để bảo đảm vai trò của mình, quân đội sẽ không chấp nhận cho tổ chức tổng tuyển cử trước ngày 1/10/2010, vì, vào thời điểm đó, tướng Anupong sẽ về hưu và ông muốn chỉ định nhân vật số hai hiện nay trong quân đội Thái Lan là tướng Prayuth Chan-ocha lên thay. Về mặt thủ tục, việc chỉ định này phải được chính phủ chuẩn y và đương nhiên, theo nguyên văn lời RFI, "việc chuẩn y này sẽ thuận buồm xuôi gió với một chính phủ do quân đội điều khiển".

Trong những tháng qua, có nhiều tin đồn về sự chia rẽ trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội và những âm mưu chính trị. Nhưng, vẫn theo lời chuyên gia Paul Chambers được RFI trích dẫn, dường như quân đội cũng đang kiềm giữ tình hình, không muốn thực hiện một cuộc đảo chính nữa, để tạo cho Thái Lan hình ảnh về cái gọi là một nền dân chủ tuyển cử. Còn ở đằng sau hậu trường, quân đội vẫn giữ được những đặc quyền của mình.

Dẫu sao, đó cũng chỉ là những nhận định mang tính "chẩn đoán lâm sàng" của các nhà phân tích thời cuộc. Mọi khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị Thái Lan hiện nay vẫn đang để ngỏ

N.Q.U.
.
.