Vụ bê bối của Tổng thống Đức Christian Wulff:

Cười người hôm trước … hôm sau người cười!

Thứ Sáu, 06/01/2012, 13:45

Tổng thống Đức Christian Wulff đang phải đương đầu với những nghi vấn tham nhũng trong quan hệ với giới chức thương gia hàng đầu nước này. Chuyện rắc rối của ông Wulff bắt đầu nảy sinh sau khi báo chí tung hê những thông tin về một "khoản tín dụng ưu đãi" mà vị Tổng thống này từng nhận từ vợ một người bạn là thương gia. Thương vụ trên được ký kết từ hồi chính trị gia này còn là người lãnh đạo chính phủ vùng Hạ Saxonia và được các nghị sĩ địa phương đánh giá là vi phạm các đạo luật liên bang.

Ngay sau đó còn xuất hiện một loạt lời cáo buộc khác, khiến ông Wulff phải nhờ đến các luật sư tìm cách biện hộ cho mình. Với những lời kêu gọi từ chức ngày càng nhiều nhằm vào ông Wulff, vụ bê bối cá nhân trên đã nhanh chóng bùng phát trở thành cuộc đối đầu gay gắt giữa hai phe nhóm chính trị: Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel và phe đối lập.

Khoản tín dụng ưu đãi

Vụ bê bối chính trị cỡ lớn tại nước Đức lần này lại bùng phát vào đúng thời điểm Tổng thống Christian Wulff đang có chuyến viếng thăm chính thức tại Kuwait, trước khi quay trở về vào ngày 13/12. Trước đó đúng một ngày (12/12), tờ Bild tung ra một thông tin khẳng định, Tổng thống bị cáo buộc đã lừa dối Nghị viện bang Hạ Saxonia.

Trong tay tờ Bild có nhiều tài liệu làm bằng chứng cho thấy, ông Wulff vào năm 2008 - khi đang làm Thủ hiến bang Hạ Saxoni - đã nhận khoản tín dụng ưu đãi 500 ngàn euro của Edith Geerkens, phu nhân của người bạn triệu phú Egon Geerkens.

Những rắc rối của vụ việc này thực ra không nằm ở khoản tín dụng mà ông Wulff đã vay, mà là từ việc ông này đã cố tình lờ không thông báo về chuyện này cho quốc hội bang, trước đó đã có yêu cầu phải công khai hóa những mối quan hệ của chính trị gia này với các thương gia vì một lý do khác.

Cụ thể là các nghị sĩ Hạ Saxonia vào tháng 1/2010 đã có được thông tin khẳng định, Wulff cùng với bà vợ Bettina vào lễ Giáng sinh năm 2009 đã có chuyến đi nghỉ tại Florida (Mỹ), là nơi cả hai đã nghỉ chân tại một biệt thự của nhà Geerkens. Trong chuyến đi này, vợ chồng nhà Wulff đã bay bằng vé hạng thương gia, trong khi lại trả tiền như vé phổ thông.

Ngay khi đó, hai nghị sĩ của đảng Xanh là Stefan Wenzel và Ursula Helmhold đã yêu cầu Wulff phải giải thích. Trước câu hỏi liệu có "mối quan hệ làm ăn" với Egon Geerkens, ông Wulff trước mặt toàn thể các nghị sĩ bang đã quả quyết khẳng định là "không", đồng thời bổ sung không có bất cứ một thương vụ nào với nhà triệu phú trên từ 10 năm qua. Tuy nhiên theo điều tra của Bild, Edith Geerkens đã cho Wulff vay khoản tiền 500 ngàn euro với các điều kiện ưu đãi. Chính trị gia này đã dùng khoản tiền trên để thanh toán tiền nhà và một mảnh đất mua với giá 415 ngàn euro.

Trước câu hỏi của các phóng viên về khoản tín dụng đáng ngờ, Tổng thống Đức đã từ chối trả lời ngay trong chuyến đi tới Kuwait. Nhiệm vụ khó khăn này được thư ký báo chí Olaf Glaeseker đảm trách thay tại Đức. Quan chức này tuyên bố, ông Wulff ngay từ tháng 1/2010 đã có câu trả lời cụ thể và rõ ràng đối với hai nghị sĩ. Còn Văn phòng Tổng thống cũng nhấn mạnh, thỏa thuận của khoản tín dụng chỉ liên quan tới những khoản tiền riêng của Edith Geerkens.

Chỉ trích nhằm vào Wulff từ phía Nghị viện Hạ Saxonia được dựa trên cái gọi là "đạo luật bộ trưởng", trong đó ngăn cấm các thành viên chính phủ bang này nhận những khoản tín dụng ưu đãi. Đạo luật này được thông qua sau vụ bê bối của Gerhard Glogowski - người đứng đầu bang Hạ Saxonia từ tháng 10/1998 đến tháng 12/1999 đã phải từ chức sau khi bị phát hiện đám cưới của ông ta đã nhận một phần "tiền tài trợ" từ các doanh nghiệp lớn.

Áp lực ngày càng tăng từ phía các phương tiện truyền thông đại chúng đã khiến cho Wulff phải dần xuống nước. Đầu tiên là phát biểu trước Quốc hội trong năm 2010, khi ông giải thích: "Tôi thừa nhận lúc đó cũng từng nảy sinh một cảm giác không đúng nào đó, và giờ đây tôi cảm thấy hối tiếc về chuyện này".  Wulff cho rằng khi đó tốt hơn hết nên nói ra câu chuyện này, vì đó là việc "chẳng có gì đáng phải che giấu". Trong khi các luật sư của Wulff lại tìm cách thuyết phục tất cả bằng một lý lẽ khác: tiền vay được lấy từ tài khoản của Edith Geerkens, chứ không liên quan gì đến chồng bà ta.

Tổng thống Đức cuối cùng lại bị chính người bạn Egon Geerkens "chơi" lại khi tiết lộ nhiều chi tiết bất lợi trong một bài trả lời phỏng vấn trên tờ Spiegel. Đầu tiên, thương gia này khẳng định đã đích thân tham gia vào các cuộc bàn bạc về khoản tín dụng. Ông này còn nhấn mạnh, các điều kiện ưu đãi của khoản tín dụng xuất phát chủ yếu từ mối quan hệ của bản thân với Wulff. Thứ hai, cho dù tài khoản cho vay được mở dưới tên của vợ, nhưng Egon có đủ giấy tờ chứng minh có khả năng tiếp cận nó. Chưa kể khoản tiền trả nợ sau đó đã được chuyển vào một tài khoản khác có đứng tên cả hai vợ chồng.

Chỉ vài ngày sau bài phỏng vấn này, luật sư Gernot Lehr của Tổng thống cũng thừa nhận với tờ Welt rằng, Egon Geerkens quả thật có tham gia vào bàn bạc về khoản tín dụng, nhưng thuần túy chỉ bởi lý do có am hiểu về bất động sản và muốn giúp đỡ bạn. Còn chính Edith là người đưa ra quyết định cho vay, và cũng chỉ có bà ta là người ký vào hợp đồng này.

Thủ tướng Angela Merkel (phải ) đang phải ra sức bảo vệ cho Tổng thống Wulff (trái) vì số phận của liên minh cầm quyền.

Những người bạn thương gia

Đòn tấn công nhằm vào Tổng thống Đức không chỉ bắt nguồn từ "khoản tín dụng đáng ngờ" trên. Các đại diện của đảng Xanh và đảng Dân chủ xã hội (SPD) trong Nghị viện Hạ Saxonia còn yêu cầu Wulff phải giải trình về tất cả những kỳ nghỉ mà ông này đã tham gia cùng với những người bạn thương gia của mình trong thời gian làm việc tại chính phủ bang (từ 2003-2010).

Các luật sư của Tổng thống giải thích rằng, thân chủ của mình đi nghỉ chủ yếu với tư cách "những người bạn lâu năm", chứ không hề dính líu gì tới công việc của Wulff trên cương vị Thủ tướng bang cũng như trái với luật pháp bang. Tuy nhiên, các phóng viên dù sao cũng "nhắc nhở" ông Wulff về những hành động được cho là vận động quyền lợi kinh doanh cho Baumgartl tại Quốc hội. Cần nói thêm, Baumgartl là người sáng lập ra tập đoàn bảo hiểm tài chính Talanx và hiện đang lãnh đạo Hội đồng giám sát của tập đoàn từ năm 2006.

Điều tra còn phát hiện ra một chi tiết cho thấy, chính Baumgartl là người đã chi tiền cho chiến dịch quảng cáo cuốn sách "Besser die Wahrheit" (Tốt hơn sự thật) của Wulff vào năm 2007. Được phát hành đúng vào dịp diễn ra bầu cử Quốc hội Hạ Saxonia, chiến dịch quảng bá cho cuốn sách đã ngốn 40 ngàn euro. Ấn bản này, thực chất là tuyển tập những cuộc trả lời phỏng vấn của Wulff về chính trị và cuộc sống riêng tư, đã từng là một trong những công cụ chính của Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) trong chiến dịch tranh cử vào Quốc hội. Đảng này đã mua tới vài ngàn bản sách để làm quà tặng trong quá trình tuyên truyền tranh cử.

Luật sư Gernot Lehr lại tiếp tục là người phải đứng ra thanh minh thay cho Tổng thống. Theo như lời ông này, Wulff "không biết gì về việc tay thương gia đã bỏ tiền cho cuốn sách".

Nguy cơ trả giá

Ông Christian Wulff đã phải đối đầu với một làn sóng chỉ trích đặc biệt gay gắt ngay sau khi những thông tin bất lợi xuất hiện trên báo chí. Chỉ một tuần sau vụ bê bối bùng phát (ngày 17/12), nghị sĩ Erwin Lotter từ đảng Dân chủ tự do (FDP) là người đầu tiên nói về khả năng từ chức của Wulff. "Từ chức ngay lập tức là điều cần thiết để bảo tồn lòng tự trọng và thể hiện tinh thần chịu trách nhiệm" - ông Lotter tuyên bố.

Tổng thư ký Andrea Nahles của SPD dù không quyết liệt bằng, nhưng cũng yêu cầu Tổng thống phải thể hiện lòng tôn trọng đối với người dân Đức và các thể chế dân chủ bằng cách giải thích rõ ràng về quan hệ của mình với nhà Geerkens. Phản ứng về vụ bê bối còn xuất phát cả từ phía đại diện của giáo hội. Tổng giám mục, Hồng y giáo chủ Joachim Meisner cũng "nhắc khéo" rằng, nếu những lời buộc tội Wulff quả thực có cơ sở, ông nên tự nguyện từ chức. Ông Meisner còn khuyên Tổng thống nên từ bỏ truyền thống đọc lời chúc mừng Giáng sinh gửi toàn thể người dân để tránh gây… phản cảm.

Bản thân ông Wulff cho biết không có ý định từ chức vì những rắc rối trên. Đương kim Tổng thống hiện vẫn đang nhận được sự ủng hộ của các đại diện liên minh cầm quyền trong Quốc hội - Liên minh CDU/CSU và FDP. Tân Tổng thư ký FDP Patrick Doering, sau khi khẳng định tuyên bố của nghị sĩ Erwin Lotter không đại diện cho đảng, đã tuyên bố Wulff là người đảm đương tốt các trọng trách của mình, trong khi những lời cáo buộc chỉ là điều bịa đặt. Ngay trong nội bộ CDU, Wulff vẫn nhận được sự hậu thuẫn vững chắc, đặc biệt là từ Thủ tướng Angela Merkel, người khẳng định vẫn hoàn toàn tin tưởng vào Tổng thống.

Liên minh cầm quyền ủng hộ Wulff ngay cả ở cấp chính quyền địa phương. Ngày 19/12 vừa rồi, "Hội đồng nguyên lão" của Nghị viện Hạ Saxonia theo yêu cầu của các đảng phái đối lập đã nhóm họp để bàn về khả năng buộc tội Wulff. Tuy nhiên cuộc họp chỉ kéo dài có 10 phút, do đại diện của CDU và FDP (chiếm đa số không chỉ trong hội đồng mà còn cả trong Quốc hội) đã khước từ chuyện bàn về vấn đề trên, đồng thời "khuyên" phe đối lập nên mang những yêu sách của mình ra tòa án.

Giữa lúc này, Kênh Truyền hình ARD cho công bố kết quả một cuộc thăm dò ý kiến đáng chú ý. Theo đó có tới 70% người được hỏi cho biết vẫn muốn Wulff làm Tổng thống. Trong khi dữ liệu của Cơ quan Nghiên cứu xã hội học Forsa cho biết, 31% người Đức cảm thấy bớt kính trọng Tổng thống vì vụ bê bối tín dụng. Trong khi đại đa số (63%) không thay đổi quan điểm vì chuyện này. Có điều dân chúng không phải là người quyết định số phận của ông Wulff. Tại Đức, Tổng thống (là người chủ yếu chỉ đảm trách những chức năng đại diện) sẽ do Quốc hội liên bang bầu với thời hạn 5 năm.

Xét tổng thể, vụ bê bối xung quanh cá nhân Tổng thống đã bùng phát trở thành cuộc đối đầu chính trị giữa liên minh cầm quyền và phe đối lập, kết quả của nó sẽ ảnh hưởng đáng kể tới tương quan lực lượng trên chính trường Đức. Cụ thể như đối với cá nhân bà Merkel cũng như bản thân liên minh cầm quyền, việc đánh mất chiếc ghế tổng thống là người đại diện cho đảng sẽ là một thất bại nghiêm trọng - nhất là trong bối cảnh đồng minh FDP trong liên minh cầm quyền đang bị giảm sút uy tín nghiêm trọng cũng như những diễn biến phức tạp của cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Một số nhà quan sát nhân vụ bê bối này còn mỉa mai rằng, đương kim Tổng thống Đức đang lâm vào tình cảnh "Cười người hôm trước… hôm sau người cười!". Vấn đề là ông Wulff trong quá khứ đã không ít lần chỉ trích gay gắt những vụ bê bối tương tự. Như vào năm 1999, người tiền nhiệm Gerhard Glogowski trên cương vị Thủ hiến bang Hạ Saxonia đã phải hứng chịu một loạt cáo buộc: đám cưới của ông ta được nhà máy bia địa phương bao đồ uống, chuyến đi tới Ai Cập được các thương gia địa phương đài thọ v.v… Wulff khi đó khẳng định, đã nhìn thấy trong những vụ việc này các quyền lợi  cá nhân không xứng đáng với cương vị của một thủ hiến.

Wulff đã phản ứng gay gắt nhất với vụ bê bối của cựu Tổng thống Đức Johannes Rau, khi báo chí vào năm 2000 đã phát hiện ra Ngân hàng WestLB đã chi trả tiền vé máy bay cho ông này trong thời kỳ còn là Thủ hiến  bang Nordrhein-Westfalen. Sau khi mọi thông tin được tung lên báo chí, Wulff đã yêu cầu ông Johannes Rau phải từ chức với tuyên bố "cảm thấy đau đớn vì đất nước không có một vị tổng thống xứng đáng".

Đến năm 2006, sau khi cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder đồng ý nhận một vị trí lãnh đạo tại Tập đoàn Gazprom của Nga, đã rộ lên nhiều mối nghi ngờ tham nhũng trong quan hệ của tập đoàn trên với chính phủ dưới thời ông này. Wulff cũng xuất hiện trong danh sách những chính trị gia tỏ ra bất bình nhất. Ông này tuyên bố, các quan chức cần phải tỉnh táo né tránh những mối quan hệ đáng ngờ với giới thương gia. Trong vụ Bộ trưởng Y tế Ulla Schmidt vào năm 2009 phải giải thích về chuyện sử dụng xe công trong thời gian đi nghỉ, Wulff đưa ra "lời khuyên" rằng, những chuyến đi cá nhân cần phải được thanh toán bằng tiền bạc của cá nhân

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.