Cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ bị truy tố về tội tham nhũng

Thứ Năm, 09/04/2015, 16:25
Ngày 1/4, sau 2 năm bị điều tra, Thượng nghị sĩ (TNS) Robert Menendez, 61 tuổi, vị dân biểu nổi tiếng của đảng Dân chủ Mỹ từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, một trong 50 nghị sĩ có quyền lực nhất nước Mỹ đã bị truy tố với 14 cáo buộc, trong đó có 8 tội danh tham nhũng. Nếu bị kết tội tham nhũng và nhận hối lộ qua hình thức quà biếu, ông R. Menendez sẽ lĩnh mức án tối thiểu là 15 năm tù giam.

Cuộc điều tra kéo dài 2 năm

TNS Robert Menendez bị cáo buộc tội danh tham nhũng, do đã lợi dụng vai trò TNS của mình để giúp đỡ bác sĩ nhãn khoa Salomon Melgen, một người bạn lâu năm của Menendez đang hành nghề ở thành phố Miami (tiểu bang Florida); đổi lại  Menendez nhận được những món quà tặng trị giá cả triệu USD, nhưng lại cố tình "đánh lận con đen" không khai báo minh bạch theo luật định.

Cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Robert Menendez trong cuộc họp báo ở New Jersey hôm 1/4. Ảnh: AP.

Cáo trạng truy tố vạch rõ vào đầu năm 2013, Menendez đã được Melgen, cũng là một nhà tài trợ trong các chiến dịch tranh cử của người bạn thân, mời tới Cộng hòa Dominica "du hí" bằng chuyên cơ riêng, tới khi trở về được tặng số quà trị giá 58.000USD nhưng đã giấu nhẹm không khai nộp theo quy định của Quốc hội.

Ông Melgen còn là người đóng góp nhiều khoản tiền lớn cho các chiến dịch vận động tranh cử của đảng Dân chủ. Chứng cứ được tìm thấy tại văn phòng làm việc của bác sĩ Melgen cho thấy, nhờ có sự can thiệp của ông R.Menendez, Melgen đã nhận được khá nhiều tiền bồi hoàn (khoảng 9 triệu USD) từ ngân sách chương trình y tế Medicare của chính phủ trong năm 2012.

Trước đó năm 2012, TNS R. Menendez đã lạm dụng danh nghĩa dân biểu, cố tình can thiệp vào bản hợp đồng của Chính phủ Mỹ cung cấp hệ thống thiết bị soi chiếu X-ray cho lực lượng Hải quan và Biên phòng Dominia, giúp Công ty tư nhân ICSSI của bác sĩ Melgen đã thắng thầu, gây thiệt hại cho các công ty chuyên ngành của nhà nước.

Còn vào cuối tháng 10/2014, R. Menendez bị FBI tình nghi đã lợi dụng ảnh hưởng của mình, tạo điều kiện để 2 anh em trùm tài phiệt Ngân hàng Ecuador là Roberto Isaias và William Isaias được hưởng quy chế cư trú vĩnh viễn trên đất Mỹ, bất chấp yêu cầu đòi dẫn độ từ phía Ecuador do anh em nhà Isaias đã phạm tội lừa đảo và gian lận tài chính. Năm 2015, Menendez đã lạm quyền khi trực tiếp hối thúc Trung tâm Medicare và Medicaid Services (CMS), một cơ quan chuyên về bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi của Chính phủ Mỹ, nhằm thay đổi chính sách bồi hoàn của CMS giúp ông S. Melgen có thể nhận được hàng triệu USD tiền đền bù như đã đề cập ở trên.

Tờ Washington Post cho hay, cuộc điều tra nhằm vào ông R.Menendez được tiến hành từ trung tuần tháng 5/2013. Ban đầu, FBI đã cử một số nhân viên gặp mặt anh em trùm bất động sản ở Palm Beach là Alfonson "Alfy" và Jose "Pepe" Fanjul. Các câu hỏi thẩm vấn được đưa ra xoay quanh vấn đề hoạt động của công ty nhà Fanjul tại Palm Beach  và mối quan hệ giữa hai anh em nhà Fanjul với ông Menendez.

TNS Menendez luôn phản đối các quyết sách của Tổng thống Obama.

Đồng thời, FBI cũng phải làm rõ những thông tin về việc anh em nhà Fanjul đã giúp R.Menendez được tái cử trong cuộc bầu cử năm 2012 như thế nào và liệu có thế lực nào đứng đằng sau giúp ông Menendez được bầu chọn làm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hay không vì lúc đó đang vướng phải scandal liên quan đến lạm dụng chức quyền.

R. Menendez (phải) cùng người bạn "chí cốt" S. Melgen trong một buổi tiệc.

Tiếp đó, FBI còn kiểm tra nguồn thông tin về những cáo buộc quan hệ với gái mại dâm ở Dominica nhằm vào TNS Menendez. Một nhân viên của FBI, chuyên trách chống tội phạm mại dâm và buôn người đã được một người đưa tin tên là Pete Williams cung cấp thông tin rằng, trong các chuyến thăm Dominica theo lời mời của bác sĩ Melgen, ông Menendez đã tham gia hoạt động mua dâm, đặc biệt là vào mùa hè năm 2012.

Tháng 12/2012, 2 gái mại dâm người Dominica còn xuất hiện trong một đoạn băng video đăng tải trên trang web Daily Caller, kể rằng họ đã được trả tiền để quan hệ tình dục với ông Menendez. Nhưng tại phiên tòa xét xử hồi tháng 3-2013, 3 phụ nữ người Dominica khác lại khai rằng họ đã được một luật sư người Dominica trả tiền để "thêu dệt" những câu chuyện không hay về cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Các cuộc điều tra tiếp sau đó ở Dominica cho thấy nhà hoạt động thuộc đảng Cộng hòa Roger Stone đã đạo diễn phi vụ này. Nhưng khi bị FBI thẩm vấn, Roger Stone vẫn chỉ thừa nhận rằng ông ta không ưa ông Menendez nhưng phủ nhận việc tạo dựng bằng chứng giả về tư cách đạo đức của ông này.

Nghi vấn động cơ chính trị

Cũng cần nói thêm để độc giả hiểu rằng, không như nhiều quốc gia phương Tây khác, ở Mỹ không áp dụng quy chế miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với giới dân biểu tại nhiệm, đề phòng họ lợi dụng sự ưu tiên này để dễ bề thao túng pháp luật vì mục đích cá nhân.

Các nhân viên FBI đã thu giữ được nhiều bằng chứng quan trọng tại văn phòng làm việc của bác sĩ Solomon Melgen. Ảnh: Getty Imagines.

Ông Menendez là người Mỹ Latinh thứ 6 được bầu chọn vào Thượng viện Mỹ. Hồ sơ cá nhân cho biết, R.Menendez là người Mỹ gốc Cuba. Cha của ông là Mario Menendez, làm nghề thợ mộc, còn mẹ của ông là Evangelina, làm nghề thợ may.

Thuở nhỏ, Menendez học hành rất giỏi, có tài hùng biện và đến năm 20 tuổi đã được bầu vào Liên đoàn Giáo dục thành phố. Năm 1988, ông được bầu chọn làm đại biểu khóa 33 của Quốc hội bang New Jersey. Năm 1992, ông trở thành TNS của bang New Jersey. R. Menendez trúng cử vào Thượng viện Mỹ trong vai trò đại diện cho tiểu bang New Jersey từ đầu năm 2006, giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ từ tháng 2/2013 đến ngày 3/1/2015, thay thế TNS John Kerry được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tuy là thành viên cùng đảng Dân chủ với người đứng đầu Nhà Trắng, nhưng TNS Menendez thường "vào hùa" với giới dân biểu thuộc đảng Cộng hòa đối lập, phản bác các chính sách của Tổng thống B. Obama như Chương trình bảo hiểm y tế cho người có thu nhập thấp (Obamacare), dỡ bỏ cấm vận tiến tới bình thường hóa quan hệ với Cuba, đàm phán trực tiếp với Cộng hòa Hồi giáo Iran về chương trình hạt nhân của nước này…

Đầu năm 2015, TNS Menendez được Tạp chí The Union City Reporter, tiểu bang New Jersey bình chọn đứng đầu danh sách 50 nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử hơn 2 thế kỷ tồn tại tiểu bang này, cũng là nơi có mật độ dân số cao nhất ở Mỹ. Ngoài ra ông Menendez cũng nổi tiếng như là thành viên nhóm dân biểu gốc Cuba đầu tiên tại Thượng viện, 2 người còn lại là TNS Marco Rubio của tiểu bang Florida và TNS Ted Cruz của tiểu bang Texas, người vừa tuyên bố sẽ ra tranh cử chức tổng thống Mỹ vào năm 2016.

Sau khi nhận được quyết định truy tố từ Bộ Tư pháp, TNS Menendez đã gửi một bức thư tới TNS Harry Reid, thủ lĩnh phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện cho biết sẽ tạm thời rời bỏ vai trò "đầu tàu" của mình trong Thượng viện Mỹ, sẵn sàng hầu tòa khi có lệnh triệu tập.

Tuyên bố với báo chí, ông Menendez nói: "Tôi rất giận vì các công tố viên Bộ Tư pháp không phân biệt được giữa tình bạn bè và tham nhũng". Cựu Chủ tịch Ủy ban Đối  ngoại Thượng viện Mỹ cho biết, ông rất giận dữ trước những cáo buộc nói trên và sẽ chống lại chúng đến cùng.

Phát ngôn viên của ông Menendez cho hay, cáo buộc tham nhũng được đưa ra nhằm làm giảm uy tín của ông Menendez. Trong khi đó, nhiều người bạn và đồng minh của Menendez đã gọi đây là những "hành động bẩn thỉu" do một số thành viên của đảng Cộng hòa tại bang New Jersey tạo dựng nhằm hạ bệ ông bởi cuộc điều tra năm 2013 được tiến hành dựa trên lá thư khiếu nại của các thành viên đảng Cộng hòa gửi lên Quốc hội Mỹ.

Ngược lại, đảng Cộng hòa cũng không bỏ qua cơ hội này để khoét sâu vào điều mà họ gọi là sự chia rẽ nội bộ đảng Dân chủ. Nói về việc TNS Menendez là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ các nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Obama với Cuba và Iran, Thượng nghị sĩ Ted Cruz của đảng Cộng hòa còn cho rằng, cáo buộc tham nhũng nhằm vào cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện là động cơ chính trị và Nhà Trắng muốn bịt miệng những ai dám lên tiếng phản đối mình.

Trần Hồng - Sông Thương (tổng hợp)
.
.