Cựu Phó Tổng thống Al Gore và kế hoạch trở lại chính trường

Thứ Bảy, 16/06/2007, 15:50

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận được công bố vào đầu tháng 5/2007 bởi Hãng Thông tấn Atlanta Progressive News cho biết uy tín của ông Al Gore, cựu Phó tổng thống Mỹ, ngày càng tăng cao tại Mỹ. Có đến 62,5% người dân Mỹ được hỏi đã ủng hộ việc ông Al Gore quay lại chính trường.

Trên thực tế, ông Al Gore cũng sắp sẵn việc quay lại chính trường, nhưng lại không thông qua các cuộc vận động trong nội bộ đảng Dân chủ như Nghị sĩ Hillary Clinton hay Nghị sĩ Barack Obama, mà thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT), vấn đề đang được người dân Mỹ quan tâm nhất hiện nay.

Sau phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ công nhận chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hòa George W. Bush trước đối thủ thuộc đảng Dân chủ Al Gore trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2000, tưởng đâu người nguyên là Phó tổng thống Mỹ suốt 8 năm liền sẽ rời bỏ chính trường mãi mãi.

Thế nhưng, kể từ đầu năm 2005 đến nay, ông Al Gore lại âm thầm gây dựng lại tên tuổi của mình qua việc đi khắp nước Mỹ, từ vùng Alaska băng giá cho đến các vùng hẻo lánh ở dãy Núi Đá của bang Idaho, để vận động, thuyết giảng về BVMT.

Theo nhận định của William Galston, một chuyên gia vận động tranh cử của đảng Dân chủ, thì: “Ôâng Al Gore muốn gây dựng lại tên tuổi và từ  đó trở lại chính trường thông qua các hoạt động BVMT, vấn đề không những được người Mỹ mà cả cộng đồng quốc tế cùng quan tâm hiện nay. Càng ngày, ông càng được đánh giá là sự lựa chọn khôn ngoan nhất của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008”.

Nhận định này của chuyên gia William Galston cũng có cơ sở vì dựa vào sự yếu thế của hai ứng cử viên khác của đảng Dân chủ là Nghị sĩ Hillary Clinton, với các cuộc vận động gây chia rẽ nội bộ đảng Dân chủ hơn là đoàn kết lại để tăng cường sức mạnh và Nghị sĩ Barack Obama, một chính trị gia ít tên tuổi và thiếu kinh nghiệm.

Bắt đầu từ năm 2005, ông Al Gore đi khắp nơi để thuyết giảng về sự thay đổi khác thường của khí hậu, sự nóng dần của trái đất có nguyên nhân do con người gây ra. Không những chỉ trích chính sách quân sự của Mỹ, ông Al Gore còn "nã pháo" vào chính sách cai quản độc đoán của chính quyền sau sự kiện 11/9/2001, chương trình nghe lén các cuộc điện đàm của người dân. Cuối cùng, ông Al Gore quyết định lấy việc đấu tranh BVMT để đối đầu với chính sách phát triển kinh tế phi môi trường của chính quyền Bush.

Phương tiện để tuyên truyền cho cuộc vận động BVMT của ông Al Gore là các bộ phim tài liệu được thực hiện bởi một nhóm công tác do Laurie David, một đạo diễn chuyên làm phim về đề tài BVMT, phụ trách. Và một trong những bộ phim tài liệu về đề tài BVMT được nhóm Al Gore thực hiện có nhan đề “Một sự thật khiến mọi người phải quan tâm” đã thành công lớn khi được trao giải thưởng Cành Cọ vàng tại Liên hoan phim quốc tế Cannes năm 2006 đồng thời được xếp vào danh sách những bộ phim tài liệu hay nhất mọi thời đại.

Tại Mỹ, thành công của bộ phim “Một sự thật khiến mọi người phải quan tâm” đã tác động mạnh đến dư luận. Ngay cả Thống đốc bang California Arnold Swarzenegger, sau khi xem xong bộ phim đã phải xếp xó chiếc xe Hummer thời thượng nhưng "uống" xăng như nước của mình.

Thành công của bộ phim “Một sự thật khiến mọi người phải quan tâm” không những đánh dấu sự tỏa sáng của ông Al Gore mà còn được xem như lời tuyên chiến với thái độ không quan tâm đến môi trường của chính quyền Bush.

Các buổi diễn thuyết của ông Al Gore đều đầy ắp người theo dõi, cho dù có diễn ra tại các thành phố lớn như New York, Washington, Houston hay Chicago hoặc tại các thị trấn hẻo lánh ở miền Trung Tây nước Mỹ. Đã có lúc ông Al Gore không giấu giếm tham vọng trở lại chính trường của mình qua việc trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Fox News: “Tôi là Al Gore và tôi sẽ trở thành tổng thống sắp tới của nước Mỹ”.

Mới đây, khi thuyết giảng về đề tài BVMT trước 1.500 khách mời, toàn là lãnh đạo các nhà máy, công ty, xí nghiệp hoạt động tại thung lũng Silicon, một giám đốc công ty đã nêu câu hỏi là liệu ông có ra tranh cử vào chức vụ tổng thống Mỹ năm 2008 hay không, và câu hỏi được ông Al Gore thẳng thắn trả lời là: “Tôi thích câu hỏi này, nhưng nếu tham gia tranh cử tôi sẽ vận động cử tri theo kiểu cách riêng của mình nhằm làm thay đổi suy nghĩ và tư duy của người dân”.

Người ta cho rằng đây là bước chuẩn bị quan trọng để đề ra các phương pháp vận động mới và hiệu quả một khi ông Al Gore tuyên bố trở lại chính trường để tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008, nhất là khi mùa vận động tranh cử trong nội bộ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sắp diễn ra vào tháng 8/2007.

Chuyên gia vận động tranh cử William Galston nhận định: “Mọi khả năng đều có thể xảy ra vào giây phút cuối. Ôâng Al Gore giờ đây đã lấy lại tiếng tăm, có các nguồn tài chính dồi dào và nhất là sự ủng hộ của đông đảo người dân Mỹ. Đó là những điều kiện tiên quyết để ông có thể quay lại chính trường một khi thời cơ đến vào một ngày không xa”.

Trở lại chính trường hay không trở lại chính trường, ra tranh cử hay không tranh cử, đó là điều mà người dân Mỹ đang mong đợi câu trả lời chính thức của ông Al Gore. Đến tháng 8/2007, ông sẽ phải đưa ra quyết định chính thức về việc trở lại chính trường của mình.

Sau hai lần thất bại của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2000 và năm 2004, dư luận Mỹ đang đón chờ một sự kiện, đó là sự trở lại chính trường của cựu Phó tổng thống Al Gore, một nhà BVMT chân chính đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Mỹ

Hà Văn (Theo Le Monde)
.
.