Cựu Thống đốc New York Mario Coumo và di sản của những giá trị cấp tiến

Thứ Năm, 15/01/2015, 16:15
Ngay trong ngày đầu năm mới 2015, ông Mario Coumo, Thống đốc tiểu bang New York 3 nhiệm kỳ (1983 - 1994) đã qua đời ở tuổi 82 tại nhà riêng ở Mahattan sau một cơn trụy tim, chỉ vài giờ trước khi con trai ông, ông Andrew Coumo tuyên thệ nhậm chức Thống đốc New York nhiệm kỳ II sau khi tái đắc cử hồi tháng 11/2014. Là một chính trị gia khuynh hướng cấp tiến, với tài hùng biện và lòng tận tụy cùng những chính sách cấp tiến đã giúp Mario Coumo trở thành một chính trị gia có uy tín và dành được nhiều thiện cảm của người dân Mỹ.

Xuất thân trong một gia đình di dân người Italia, Mario Coumo sinh ngày 15/6/1932 tại khu Briarwood, quận Queens, thành phố New York. Gia đình ông mở một cửa hàng nhỏ ở South Jamaica. Trước khi bắt đầu sự nghiệp pháp lý và chính trị, Mario Coumo từng là một cầu thủ bóng chày, tuy nhiên do ông bị thương trong một trận đấu nên phải từ bỏ môn thể thao này.

Cha con Thống đốc New York Mario Coumo (phải) trong ngày ông Andrew đắc cử Thống đốc nhiệm kỳ đầu tiên năm 2006. Ảnh: Getty images.

Ông tốt nghiệp khoa Luật Đại học St. John năm 1956, sau đó Mario Coumo giúp việc cho thẩm phán Adrian P. Burke tại Tòa phúc thẩm New York. Ngoài công việc này, ông còn là giáo viên trợ giảng tại Đại học St. John. Năm 1974, Mario Coumo thất bại trong cuộc tranh cử đầu tiên vào chức vụ Phó thống đốc New York, nhưng hơn 3 năm sau, ông đắc cử Thống đốc New York vào tháng 11/1982, trở thành người Mỹ gốc Italia đầu tiên được bổ nhiệm vào cương vị này. Ông tái đắc cử vị trí này vào các năm 1986 và 1990.

Trong 12 năm trên cương vị Thống đốc, ông đã thành công khi tạo ra công ăn việc làm cho hơn nửa triệu người và dẫn dắt New York vượt qua hai cuộc suy thoái lớn. Ông đã thúc đẩy một trong những kế hoạch phát triển kinh tế lớn nhất trong lịch sử New York, được biết đến dưới cái tên "New York, New York".

Kế hoạch này dự kiến đầu tư 32 tỉ USD để phát triển các khu vực tư nhân, và tạo ra 300.000 việc làm mới bổ sung trong vòng một thập niên. Vào thời điểm đó, cũng giống như ở các tiểu bang khác, một mạng lưới quan trọng các cơ sở công nghệ cao được xây dựng và nguồn đầu tư nước ngoài vào tiểu bang tăng lên đáng kể.

Khoản tiền 50 tỉ USD đã được đầu tư vào chương trình xây dựng các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, đường sá và những cây cầu, ví dụ như Trường trung học Stuyvesant, Công viên tiểu bang Riverbank, và hoàn thành việc xây dựng Thành phố Công viên Battery (Battery Park City).

Bên cạnh đó, Thống đốc Mario Coumo còn nổi tiếng nhờ vào các chương trình phát triển xã hội. Ông thiết lập các chương trình hỗ trợ người vô gia cư, điều trị ma túy, sáng kiến đầu tiên chống lại căn bệnh thế kỷ AIDS được công nhận trên toàn quốc, và chương trình quan trọng nhất phải nhắc đến của Mario Coumo là chương trình giúp đỡ các bệnh nhân tâm thần và chương trình "Thập kỷ của trẻ em" (The Decade of the Child) nhằm giúp đỡ các em nhỏ.

Trong 3 nhiệm kỳ của ông, ngân sách tiểu bang tăng từ 28 tỉ USD lên 62 tỉ USD. Ông cho đóng cửa Nhà máy Điện nguyên tử Shoreham ở Long Island, xây thêm 30 nhà tù và nhiều lần phủ quyết các dự luật tái lập án tử hình. Là người theo Công giáo, cá nhân ông phản đối việc phá thai, tuy nhiên ông chủ trương để cho người phụ nữ có quyền quyết định và tin rằng, tiểu bang không có quyền cấm. Mario Cuomo còn là người nổi tiếng về tài hùng biện khi đọc bài diễn văn chính trong Đại hội đảng Dân chủ năm 1984 mang tựa  đề "The tale of two cities", kể lại kinh nghiệm về cuộc sống thuở thiếu thời trong một cửa hàng tạp hóa của gia đình.

Mặc dù được sự ủng hộ của nhiều đại biểu đảng Dân chủ, nhưng ông đã không ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 1988 và để Walter Mondale trở thành ứng cử viên của đảng này. Năm 1991, ông quyết định không tham gia cuộc vận động tranh cử sơ bộ ở New Hampshire.

Theo đó, để ngỏ cánh cửa cho ông Bill Clinton, một Thống đốc chưa có tên tuổi ở Arkansas. Thành tích đạt được tại New Hampshire mở đường cho ông Clinton thắng cử và trở thành Tổng thống thứ 42 của Mỹ, thay ông George H.W. Bush. Năm 1993, Mario Cuomo từ chối đề nghị của Tổng thống Clinton khi chỉ định ông vào vị trí thẩm phán Tối cao Pháp viện. Ông giải thích rằng, ông muốn tiếp tục hoạt động chính trị vì những mục tiêu lý tưởng của đất nước.

Ngay sau khi biết tin ông Mario Coumo qua đời, Tổng thống Obama đã gửi lời chia buồn tới con trai ông,Thống đốc Andrew Cuomo và gia đình. Tổng thống Obama đã gọi cố Thống đốc Mario Cuomo là "Nhà vô địch tiêu biểu của những giá trị cấp tiến, tranh đấu không mỏi mệt cho công bằng xã hội bằng nhân cách, lòng khoan dung, sự thẳng thắn và cố gắng tạo cơ hội cho mọi người".

Về phần mình, tân Thống đốc New York đã ra lệnh treo cờ rủ trên mọi công sở ở tiểu bang New York để vinh danh thân phụ của mình. Trong bài diễn văn nhậm chức, ông Andrew Cuomo nghẹn ngào: "Cha tôi hiện hữu trong trái tim và tâm trí của mọi người ở đây. Cảm hứng và di sản của ông, cũng như kinh nghiệm của ông, chính là những điều đưa tiểu bang đến thời điểm này".

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.