Cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert dính bê bối: Giấy không bọc được lửa

Thứ Hai, 12/05/2014, 18:10

Truyền thông Israel đưa tin, Tòa án Tel Aviv đã kết tội cựu Thủ tướng Ehud Olmert với tội danh nhận hối lộ liên quan tới một dự án bất động sản lớn khi còn giữ chức Thị trưởng Jerusalem. Theo Hãng tin Reuters, ông Olmert bị kết tội nhận hối lộ trong hai vụ riêng rẽ, trong đó một vụ liên quan đến dự án xây dựng tổ hợp chung cư Holyland ở Jerusalem. Vụ bê bối này cùng với những cáo buộc tham nhũng khác đã khiến ông phải từ chức Thủ tướng hồi năm 2008.

Tháng 9/2009, Ehud Olmert đã từng phải trình diện tại một phiên xét xử của Tòa án Jerusalem, trở thành vị cựu thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Israel đối mặt với những cáo buộc hình sự. Tuy nhiên, do chưa có đủ bằng chứng nên ông Olmert đã “tạm thời thoát tội”, nhưng vẫn chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan điều tra. 

Phát biểu với báo giới trước khi bước vào phòng xử án, ông Olmert nói: “Đây là một ngày không dễ dàng đối với tôi. Ba năm qua, tôi là mục tiêu của một chiến dịch phỉ báng phi nhân đạo”.

Và Ehud Olmert tiếp tục khẳng định mình vô tội, tuyên bố sẽ chứng minh sự trong sạch trước tòa cho tới khi giành lại được công lý.

Vụ bê bối thế kỷ và hiệu ứng "Holyland"

Một số lượng khá nhỏ các tòa nhà đã được xây dựng ở Jerusalem trong vài năm gần đây, nhưng không có tòa nhà nào gây khó chịu cho người dân bằng tòa nhà thuộc dự án Holyland Park, thường được biết đến với cái tên "Holyland". Vào những năm 90 thế kỷ trước, dự án Holyland bị các nhà quản lý quy hoạch từ chối cấp phép vì sự lỏng lẻo và không chuyên nghiệp.

Tuy vậy, vài năm sau đó, Ủy ban Kế hoạch và Xây dựng Jerusalem đã chấp thuận một phiên bản mở rộng khá lớn của dự án, bất chấp các cuộc biểu tình phản đối của người dân và các nhóm hoạt động vì môi trường. Điều gì đã khiến những nhà cầm quyền đổi ý và làm điều này? Rõ ràng, đã có hàng triệu USD được dùng để mua chuộc những người nắm quyền.

Sau đó, việc nhận hối lộ của những quan chức chính phủ và Jerusalem bị phanh phui. Kết luận điều tra đã được Viện Kiểm sát chuyển cho Tòa án Tel Aviv. Theo đó, phía cơ quan hành pháp Israel đã thu thập một loạt những bằng chứng gian lận tài chính của quan chức có liên quan đến việc xây dựng khu liên hợp nhà ở cao cấp Holyland tại Jerusalem. Trong đó có cựu Thủ tướng Ehud Olmert, bị cáo buộc đã nhận tiền "bôi trơn" để bật đèn xanh cho các công ty địa ốc thực hiện các dự án đầu tư trong thập niên 90, khi ông Olmert còn là Thị trưởng Jerusalem.

Trong đó, chỉ riêng việc "giúp đỡ" Tập đoàn Holyland Park Ltd. xây dựng khu dân cư sang trọng Holyland ở Jerusalem, ông Olmert đã bỏ túi gần 500.000 USD. Đổi lại, Tập đoàn Holyland Park Ltd. được giảm thuế, được cấp thêm nhiều giấy phép xây dựng và các khoản lợi ích khác có trị giá lên tới hàng chục triệu USD.

Vợ chồng cựu Thủ tướng E. Olmert đứng trước nguy cơ bị khởi tố

Dự án Holyland bắt đầu được triển khai từ giữa những năm 90. Khi đó, chủ thầu Hillel Charney đã may mắn giành được một khu đất để xây khách sạn. Sau đó, Charney đã chạy chọt được giấy phép xây dựng trên khu đất này một tổ hợp nhà ở quy mô lớn trên một mặt bằng diện tích lớn gấp 3 lần quy định trước đó. Theo số liệu của Viện Kiểm sát, các thủ tục làm giấy tờ trên cũng như những điều khoản ưu đãi trái phép về thuế phía nhà thầu giành được nhờ một khoản hối lộ lớn, ước tính tổng trị giá tới 500.000 USD.

Nhân chứng quan trọng nhất của vụ án là một doanh nhân, tên tắt là S, đóng vai trò trung gian đưa - nhận hối lộ giữa Tập đoàn Holyland Park Ltd. và ông Olmert. Ông khai chính Ehud Olmert, ông Lupolianski (lúc đó giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch và Xây dựng Jerusalem) và các quan chức khác đã gợi ý rằng Tập đoàn Holyland Park Ltd. phải chi đậm nếu muốn công việc trôi chảy. Ông Olmert và Lupolianski còn hứa sẽ trả cho ông S một khoản hoa hồng xứng đáng.

Ehud Olmert, trước những cáo buộc này, đã tuyên bố không hề nhận hối lộ, đồng thời so sánh kết luận buộc tội từ phía Viện Kiểm sát chẳng khác gì "những câu chuyện thần thoại kiểu Nghìn lẻ một đêm". Trong tuyên bố báo chí của mình, ông Olmert khẳng định, bản thân ông với tư cách một cựu nguyên thủ đã bị tước quyền được tham dự những phiên điều trần sơ bộ theo như luật pháp quy định.

"Đây là một trò bê bối thực sự, được dựng lên nhằm gây áp lực lên tòa án phải xem xét những cáo buộc khác chống lại ông Olmert" - cơ quan phát ngôn của cựu Thủ tướng Israel đánh giá.

Vẫn còn che giấu

Theo báo chí Israel, Cục Giám sát tài chính Israel dự định trong vài ngày tới sẽ thẩm vấn ông Ehud Olmert cùng vợ là Aliza về việc đã nhận được một khoản tiền hạ giá lớn khi mua ngôi nhà tại Jerusalem. Điều tra cho thấy, căn hộ cao cấp tại địa chỉ số 8 đường Cremieux có diện tích 360m2 đã được ông Olmert mua vào tháng 10/2004 với giá 1,2 triệu USD - trong khi giá thị trường vào thời điểm đó từ 1,6-1,8 triệu USD. Điều đó có nghĩa là cựu Thủ tướng của Israel đã "tiết kiệm" được gần nửa triệu USD tiền mua nhà.

Các điều tra viên còn đặt nhiều câu hỏi về việc, làm thế nào mà công ty đã bán và chịu trách nhiệm trùng tu ngôi nhà của ông Olmert lại nhận được giấy phép tháo dỡ, sửa chữa một cách nhanh chóng đến vậy đối với khu nhà trên tại Jerusalem? Cụ thể là tòa nhà, nơi có căn hộ của ông Olmert, nằm ở vị trí được coi là khu bảo tồn về lịch sử. Với diện tích mặt bằng cũ là 330m2, nhà thầu đã bán căn hộ cho ông Olmert muốn mở rộng mặt bằng xây dựng lên thành 750m2.

Cựu Thủ tướng Ehud Olmert, cùng nhiều quan chức, bị cáo buộc đã nhận tiền "bôi trơn" để bật đèn xanh cho dự án Holyland Park khi ông Olmert còn là Thị trưởng Jerusalem.

Để làm được điều này, cần phải có được giấy phép của Hội đồng thành phố Jerusalem nhằm gỡ bỏ tòa nhà cũ và xây dựng cái mới. Thông thường, việc nhận được giấy phép tương tự từ Hội đồng thành phố Jerusalem là rất phức tạp, nhất là đối với những căn nhà tại khu trung tâm cổ kính.

Các tài liệu thu thập được cho thấy, ông Olmert dường như đã liên hệ để giúp nhà thầu có được các giấy phép cần thiết. Cựu Thủ tướng sẽ phải giải thích với thanh tra viên nhà nước Micha Lindenstrauss rằng liệu khoản tiền "tiết kiệm" được trên khi mua nhà có phải để đổi lấy việc nhận được giấy phép nhanh chóng hay không?

Sau khi thanh tra viên Micha Lindenstrauss và cố vấn đặc biệt của chính phủ về tham nhũng Yaakov Borovsky nghiên cứu kỹ tất cả những tài liệu có thể vạch tội cựu Thủ tướng về chuyện gian lận, hồ sơ sẽ tiếp tục được chuyển sang Viện Kiểm sát. Đa phần người dân Israel đều tin rằng, bước tiếp theo sẽ là việc khởi tố vụ án hình sự đối với vợ chồng Olmert.

Được biết là các hồ sơ sau khi được điều tra rõ ràng sẽ được bàn giao cho ông Menachem Mazuz, người có thẩm quyền quyết định khởi tố những vụ án hình sự liên quan tới các quan chức cấp cao. Hiện chưa có phản ứng chính thức của cựu Thủ tướng Israel về lời buộc tội trên.

Cơ quan báo chí của chính phủ khẳng định, họ vẫn chưa nhận được giấy triệu tập từ Cục Giám sát tài chính, đồng thời tỏ ý nghi ngờ về việc, những cơ quan trên đã tiếp xúc với báo chí đầu tiên chứ không phải với chính ông Ehud Olmert.

Không phải lần đầu tiên

Những nghi ngờ về gian lận tài chính đối với ông Olmert thật ra đã có từ lâu. Ngay từ trước cuộc bầu cử Quốc hội tháng 3/2006 (kết quả là ông Olmert trở thành thủ tướng mới), nhà báo Yoav Yitzhak đã từng có bài viết về các vụ gian lận bất động sản. Tuy nhiên vào thời điểm đó, ông Olmert - được coi là người có khả năng kế thừa duy nhất chính sách của người tiền nhiệm Ariel Sharon - lại đang có được sự ủng hộ và uy tín rất cao.

Báo chí Israel đã đồng lòng đứng lên bảo vệ ông Olmert, đồng thời gọi Yitzhak là "tên hề định nổi danh bằng cách thổi phồng thực tế".

Khi đó không ai có ý định thổi phồng vụ việc. Tuy nhiên, khi cuộc chiến tại Liban có dấu hiệu lắng xuống với kết quả không khả quan đối với Israel (đa phần đều đổ lỗi cho sự thiếu kinh nghiệm và quyết đoán của Ehud Olmert), người dân và báo chí nước này đã không còn ý định khoan dung cho ông Olmert, mà nhớ đến "chuyện cũ" khiến chỉ số uy tín của người đứng đầu Chính phủ Israel sụt giảm thảm hại vào thời điểm đó (từ 78% xuống còn 40%).

Cuộc chiến Liban lần hai do ông Olmert khởi xướng đã bị các chuyên gia đánh giá là chiến dịch quân sự thất bại nhất trong lịch sử Israel. Công luận nước này đã có những chỉ trích đặc biệt gay gắt nhằm vào Ehud Olmert và cả cựu Bộ trưởng Quốc phòng Amir Peres, những người được cho là phải chịu trách nhiệm chính cho những sai lầm quân sự trên. Không phải ngẫu nhiên mà Olmert đã phải ra tự bào chữa cho mình trước một ủy ban đặc biệt vì những cáo buộc sai lầm dẫn tới hậu quả nguy hiểm cho đất nước.

Chính vì vậy, không có gì quá ngạc nhiên khi các cơ quan tòa án đã quyết định phải "tính sổ" với những vi phạm trong quá khứ của vị cựu Thủ tướng này. Những nỗ lực đẩy mạnh điều tra nhằm vào Ehud Olmert được xem là sự thay đổi đáng kể. Bởi lẽ, mới 5 - 7 năm trước đây, các cơ quan tòa án Israel còn không có thói quen điều tra nghiêm túc về những chuyện hối lộ trong quá khứ liên quan đến những công ty nhỏ không quá nổi tiếng.

Cần phải nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên ông Ehud Olmert dính dáng tới những vụ bê bối tham nhũng kiểu này. Mùa xuân năm 2008, ông Olmert bị nghi ngờ nhận hối lộ từ thương gia người Mỹ Moris Talanski. Theo như giải thích của cựu Thủ tướng, đó hoàn toàn chỉ là những khoản quyên góp hợp pháp cho chiến dịch tái tranh cử của ông vào chiếc ghế Thị trưởng Jerusalem.

Sau khi Talanski được triệu hồi tới tòa án để giải thích về "sự giúp đỡ tài chính không vụ lợi" dành cho Olmert, mọi hoạt động điều tra đã bị ngưng lại vì không đủ chứng cứ. Ngay cả những đối thủ chính trị quyết liệt nhất đối với cựu Thủ tướng Israel khi đó cũng không thể tìm ra bằng chứng đáng kể nào để trình lên các cơ quan hành pháp và công luận. Người ta đã không chứng minh được những quyền lợi kinh tế của thương gia Talanski tại Israel.

Dù sao, Olmert vẫn buộc phải từ chức sau làn sóng cáo buộc tham nhũng vào tháng 9/2008. Sau một số nỗ lực điều tra, bước đầu đã chứng minh được, ông Olmert trong giai đoạn 2002-2006 đã có những chuyến đi nước ngoài bằng tiền của các tổ chức phi chính phủ. Vị cựu Thủ tướng này còn có dịp "tích lũy" cho mình nhiều kẻ thù (đặc biệt trong phe cánh hữu) ngay từ trước những cuộc xung đột với người Palestine và Liban trong giai đoạn 2005-2009.

Việc lạm dụng quyền hành của Ehud Olmert còn liên quan đến việc bổ nhiệm nhân sự, được đánh giá vì quyền lợi của giới trùm tư bản. Viện Kiểm sát mới có thể mở lại cuộc điều tra với một mức độ mới. Ngoài ra, còn có thông tin khẳng định rằng cáo buộc tham nhũng không loại trừ khả năng còn nhằm vào cả đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Avigdor Liberman, với những "móc nối ngầm" với ông Olmert. Tuy nhiên, đây có phải sự thực hay không, thì chỉ có Ehud Olmert mới biết rõ!?

Trần Quân - Anh Doãn (theo Reuters)
.
.