Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi sinh

Thứ Sáu, 05/10/2012, 10:15

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đánh dấu trở lại chính trường bằng chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu chọn lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ tự do (LDP) hôm 26/9, mở ra khả năng quay trở lại cầm quyền nếu đảng của ông giành thắng lợi trong một cuộc bầu cử sớm mà Thủ tướng Yoshihiko Noda đã hứa.

Khả năng này đang rất cao vì Chính phủ của Thủ tướng Noda đang có tỉ lệ ủng hộ của cử tri rất thấp do không thể giúp đất nước thoát ra khỏi những khó khăn về kinh tế. Theo kết quả thăm dò của Đài NHK, tỉ lệ cử tri hài lòng với đảng cầm quyền DPJ vào khoảng 30%, trong khi có đến 53% không hài lòng. Thủ tướng Noda đã cam kết tổ chức cuộc bầu cử sớm để đổi lấy việc đảng LDP ủng hộ ông thông qua chính sách tăng gấp đôi thuế tiêu thụ hàng hóa. Đây là một nước cờ liều lĩnh của Thủ tướng Noda, và hiện tại nó đang khiến ông phải trả giá.

Đột ngột rời khỏi chức Thủ tướng Nhật cách đây 5 năm (ngày 26/9/2007, vì lý do bị bệnh đường ruột), Shinzo Abe là một trong những vị thủ tướng Nhật tại vị không quá 1 năm trong hơn một thập niên qua, khi nước Nhật chứng kiến việc thay thủ tướng xoành xoạch. Kể từ đó, ông Abe gần như biến mất trên chính trường Nhật. Cho đến trước cuộc bầu chọn lãnh đạo đảng LDP ngày 26/9 vừa qua, Abe vẫn chưa thể hiện mình, tụt lại phía sau, xếp thứ nhì sau cựu lãnh đạo quốc phòng Shigeru Ishiba tại vòng một cuộc bỏ phiếu gồm 5 ứng cử viên, để rồi làm cuộc lội ngược dòng ngoạn mục ở vòng hai, với 108 phiếu so với 89 phiếu của ông Ishiba.

Trở thành lãnh đạo đảng LDP, Abe đã hứa hẹn sẽ làm nhiều việc để trước hết là đưa LDP trở lại vị thế của một đảng cầm quyền. Đồng thời, Abe cũng hứa hẹn, khi LDP giành lại quyền lực, bản thân ông lên làm Thủ tướng, sẽ làm hết sức mình để đưa kinh tế nước Nhật ra khỏi trì trệ, đồng thời khôi phục niềm kiêu hãnh quốc gia, cùng hàng loạt lời hứa hẹn khác. "Đất và biển của chúng ta đang bị đe dọa, và nền kinh tế đã tụt dốc sau nhiều năm giảm phát. Chúng ta phải tự giải thoát mình ra khỏi hoàn cảnh khó khăn này và xây dựng lại một nước Nhật hùng mạnh, và đó chính là sứ mạng của tôi".

Đây gần như là một "tuyên ngôn chính trị" cho sự trở lại của Abe, đánh dấu một quyết tâm mới của một chính khách mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa rất mạnh. Và chính điều đó làm cho nhiều người nghĩ đến một tương lai không êm ả cho Đông Bắc Á một khi LDP giành chính quyền và Abe lên làm Thủ tướng Nhật, nhất là trong bối cảnh nước Nhật đang có những tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng (Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc).

Với tinh thần dân tộc chủ nghĩa, Abe sẽ không chấp nhận nhượng bộ trong các vụ tranh chấp nói trên. Trong lần làm Thủ tướng Nhật trước đây (năm 2006-2007), Abe đã triển khai một chương trình hành động mang đậm tính dân tộc. Chính Abe là người đã yêu cầu Quốc hội Nhật sửa đổi Hiến pháp thái bình để nâng cấp Cục Phòng vệ lên thành Bộ Quốc phòng, đồng thời vận động để nước Nhật có vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

Ngoài ra, Abe cũng yêu cầu cải cách giáo dục để dạy cho học sinh Nhật tinh thần yêu nước cao độ. Tuy đã cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc - vốn đã bị đóng băng do cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi liên tục viếng thăm Đền Yasukuni, nơi thờ các chiến binh Nhật tử trận trong Thế chiến II - nhưng bản thân Abe lại không thừa nhận những tội ác mà lính Nhật từng gây ra đối với phụ nữ Trung Quốc, Hàn Quốc trong chiến tranh.

Đảo Senkaku/ Điếu Ngư.

Cuộc bầu cử mà Thủ tướng Noda hứa có thể sẽ diễn ra vào mùa hè năm 2013. Từ đây đến đó là cả một quãng đường không dài nhưng cũng không thể nói là quá ngắn, thậm chí là đủ để một chính khách lão luyện lật ngược tình thế. Tình hình hiện nay cho thấy Thủ tướng Noda phải nỗ lực tối đa để ít nhất là duy trì tỉ lệ ủng hộ như hiện nay, không để tụt thấp hơn. Để làm được điều này, Noda phải nỗ lực giải bài toán khó khăn của nền kinh tế.

Duy trì thái độ cứng rắn với Trung Quốc để được cử tri tin tưởng mình như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, vững vàng, nhưng đồng thời căng thẳng với Trung Quốc cũng đang đe dọa làm hại nền kinh tế Nhật vốn phụ thuộc vào Trung Quốc ở một số lĩnh vực, như nguyên liệu đất hiếm cần cho công nghiệp điện tử,… chưa kể những thiệt hại về thị trường tiêu thụ hàng hóa vốn cần cho sự hồi phục của nền kinh tế. Đây chính là lý do dẫn đến cuộc gặp hôm 25/9 giữa Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì bên lề khóa họp thứ 67 của Đại hội đồng LHQ, với kết quả được mô tả là "hết sức u ám".

Nhưng với quan điểm dân tộc chủ nghĩa của Abe, chắc chắn các cuộc đàm phán với Trung Quốc sẽ còn u ám hơn. Lập trường của ông Abe là "không có vụ tranh chấp nào ở đây", vì "không cần bàn cãi, các hòn đảo đó đã thuộc về Nhật". Ông còn tuyên bố sẽ có hành động mạnh mẽ để bảo vệ các hòn đảo Senkaku, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Nhật Bản. Và với lập trường dân tộc cứng rắn của Abe, chắc chắn các quan hệ hợp tác quân sự, an ninh trước đây giữa Mỹ và Nhật cũng sẽ được khôi phục

Văn Trương (tổng hợp)
.
.