Cựu Thủ tướng Schoroeder có nguy cơ trở thành bị cáo?

Thứ Năm, 11/05/2006, 07:23

Cựu Thủ tướng Đức Schroeder, một mặt cao giọng phản đối cuộc chiến tranh Iraq, mặt khác lại sử dụng lực lượng tình báo của mình tại Baghdad phục vụ cho quân đội Mỹ.

Mới đây, tờ New York Times đã phanh phui: Chính phủ Đức đồng ý cho mật vụ của mình thu thập thông tin tình báo chuyển giao cho quân đội Mỹ, nhưng Lầu Năm Góc lại bí mật chỉ thị cho tình báo quân đội  nghe trộm điện thoại của tình báo Đức, đề phòng người Đức cung cấp tình báo giả (!).

Mật điện từ Berlin: Cố thủ tại Baghdad

Ngày 24/2, Chính phủ Đức đã phải tường trình trước Quốc hội việc tình báo Đức phục vụ quân đội Mỹ tại Iraq (?). Báo cáo thừa nhận: Năm 2003, quân đội Mỹ xâm lược Iraq, 2 điệp viên của Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND) nằm tại Baghdad đã cung cấp tin tức tình báo cho Lầu Năm Góc.

Ngày 17/3/2003, tức là 3 ngày trước khi quân đội Mỹ đổ bộ vào Iraq, Giám đốc BND đã gửi một bức điện mật cho Đại sứ quán Đức tại Baghdad với nội dung như sau: "Không kể 2 quan chức của BND, toàn bộ các quan chức và nhân viên Đại sứ quán Đức tại Iraq đều phải lập tức rời  khỏi Baghdad. Mật điện  nhấn mạnh: 2 quan chức của BND phải ở lại Baghdad cho tới lúc chiến tranh xảy ra...”.

Vô cùng quan ngại cho tính mạng của mình, 2 mật vụ đã gửi điện về nước hỏi lại. Trong bức điện trả lời, BND cho biết: “Vấn đề an ninh tùy thuộc vào sự hợp tác của đương sự với Bộ chỉ huy của quân đội Mỹ!”.

l Người Mỹ nghi ngờ Cơ quan Tình báo Liên bang Đức

Sở dĩ BND trả lời như vậy bởi Chính phủ của ông Schroeder đã bí mật “mua bán” xong với Washington.

Để bảo đảm quyền lợi của Đức sau chiến tranh ở vùng Trung Đông, đặc biệt là tại Iraq, Đức cần phải hàn gắn những rạn nứt về ngoại giao với Mỹ. Đầu tháng 3/2003, Thủ tướng Đức đã bí mật cử Ngoại trưởng Fischer sang Washington “xin việc”, xem người Đức có thể giúp được gì trong hành động quân sự sắp tới? Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bày tỏ mong muốn 2 nhân viên mật vụ của Đức sẽ cộng tác với Lầu Năm Góc.

Vì không hiểu được ý đồ của Chính phủ Đức, nên 2 nhân viên mật vụ Đức đã rất phẫn nộ khi nhận được chỉ thị phải chuyển giao những thông tin tình báo cho quân đội Mỹ đóng tại Trung Đông. Mặt khác, xưa nay mối quan hệ giữa BND và Cơ quan Tình báo đối ngoại của Iraq rất tốt, hơn thế Thủ tướng Schroeder và dân chúng Đức vốn kiên quyết phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq, do đó 2 nhân viên này đã khước từ nhiệm vụ. Mặc dù 2 nhân viên dưới quyền phản đối nhưng BND đã chuyển hàng trăm tài liệu về tình hình quân đội Iraq do 2 nhân viên này báo cáo về cho Bộ chỉ huy quân đội Mỹ.

Lầu Năm Góc sau khi nắm được nội tình, nên đã nghi ngờ tính chân thực của tài liệu, đồng thời chỉ thị cho tình báo của mình nghe trộm điện thoại của mật vụ Đức. Sau khi chiến sự xảy ra, 2 nhân viên mật vụ Đức phải rút về nước, nhưng BND lại nhận được trả lời từ phía Mỹ: “Do chiến sự đang tiếp diễn chúng tôi không thể bảo đảm an ninh cho người Đức tại Baghdad, hy vọng các ngài tự giải quyết!”. Cuối cùng sau 15 ngày, 2 điệp viên Đức được sự giúp đỡ của Cơ quan Tình báo đối ngoại của Saddam đã trở về Đức an toàn qua ngả Kuwait. 2 điệp viên nói trên tỏ ra chán nản và đề nghị xin được ra khỏi BND.

Chính phủ Đức đứng trước cuộc khủng hoảng lòng tin

Vụ bê bối tình báo trên được đưa ra ánh sáng, đảng đối lập yêu cầu thành lập cơ quan điều tra độc lập, điều tra việc BND bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh Iraq. Qua vụ việc này, Chính phủ Đức mất tín nhiệm và ông Schroeder sẽ phải ra làm chứng trước tòa, thậm chí có khả năng trở thành bị cáo

Phạm Xuân Tiến (theo Thanh niên tham khảo)
.
.