Cựu Thủ tướng Séc Petr Necas bị truy tố vì tham nhũng và nghe lén

Thứ Tư, 19/03/2014, 16:30

Cựu Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Necas đã chính thức bị truy tố tội danh tham nhũng sau khi từ chức. Mọi việc bắt đầu từ cuối tháng 5/2013, khi cảnh sát thuộc Đội Đặc nhiệm chống tham nhũng đã tập kích Văn phòng Thủ tướng cùng nhiều tòa nhà chính phủ khác, bắt giữ Chánh văn phòng Jana Nagyova cùng 2 sĩ quan tình báo cấp cao và 3 cựu thành viên đảng Dân chủ Công dân (ODS) trong Quốc hội.

Các kết quả điều tra cho thấy, ông Petr Necas đã lệnh cho bà Jana Nagyova hối lộ để giúp ông không bị hạ bệ trong cuộc bầu cử hồi năm 2012. Thậm chí, ông Necas yêu cầu các cơ quan tình báo nước này thực hiện một chiến dịch theo dõi trái phép nhằm vào người vợ đang ly thân là Radka Necasova. Ngoài ra, cựu Thủ tướng còn dính líu đến nghi án quan hệ tình cảm với Chánh văn phòng Jana Nagyova.

Vụ bê bối đã làm rung động chính trường Séc cũng như dư luận nước này bởi vì Petr Necas là Thủ tướng đầu tiên sẽ phải giải trình trước tòa cùng nguy cơ ngồi tù dài hạn, và đã bị Hạ viện truất quyền miễn trừ truy tố theo yêu cầu của Viện Công tố Séc.

Liên minh mafia ngầm trong chính phủ

Petr Necas sinh năm 1964 và là một kỹ sư vật lý trước khi tham gia chính trị. Ông trở thành thành viên của đảng ODS vào năm 1991 và nhanh chóng thăng tiến. Chỉ đến năm 1995, ông đã giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Lao động và Chính sách xã hội, Phó Thủ tướng (giai đoạn 2006 - 2009) và sau đó là Thủ tướng của Cộng hòa Séc từ ngày 20/8/2010. Nhưng sự nghiệp chính trị đang độ chín của chính trị gia 50 tuổi này đã nhanh chóng "đứt gánh giữa đường".

Thực tế, những lùm xùm của Chính phủ Séc liên quan tới các hành vi sai trái của ông Petr Necas đã bị một nhà báo phanh phui từ năm 2012. Trên trang báo điện tử Parlamentnilisty.cz, nhà báo Milan Hulik, một thành viên của Ủy ban Phòng chống tham nhũng Séc, đã bất ngờ tiết lộ những chuyện "động trời" liên quan tới chính phủ của Petr Necas trong một cuộc trả lời phỏng vấn. Ông cáo buộc chính phủ Necas có dấu hiệu hợp tác với mafia.

"Thủ tướng Petr Necas đã hành động vì quyền lợi của các nhóm mafia và đây chưa phải là sai lầm duy nhất của ông ta", nhà báo Milan Hulik cho biết.

Milan Hulik theo dõi vụ án liên quan tới việc Bộ trưởng Tư pháp Jiri Pospisil bị cách chức hồi cuối năm 2012. Theo Hulik, quyết định này xuất phát từ một đề nghị vô cùng bất ngờ của Thủ tướng Petr Necas với lý do: Bộ trưởng không cố gắng kiệm chi, khiến chỉ số tín nhiệm của Necas "rơi xuống địa ngục".

Thật nực cười khi trước đó, Thủ tướng chưa từng bày tỏ thái độ bất bình với những đòi hỏi liên quan tới tài chính của Bộ Tư pháp. Thậm chí, Necas còn từng hết lòng khen ngợi vị bộ trưởng này khi làm tốt công tác chống tham nhũng và tiết kiệm kinh phí cho hoạt động nước nhà.

Quyết định loại bỏ Bộ trưởng Tư pháp Jiri Pospisil (phải) của ông Necas là một chỉ báo về liên minh mafia ngầm tồn tại trong Chính phủ Séc.

Hulik cho rằng, cú "thay ngựa giữa dòng" này chính là chỉ báo của việc Thủ tướng đang bao che cho mafia. Quyết định của Necas chứng minh một thắng lợi tiếp theo của thế lực các "ông trùm" trong chính trường Séc. Necas quyết loại bỏ Pospisil cho dù vị cựu Bộ trưởng Tư pháp nhận được sự tín nhiệm tuyệt đối của dư luận.

Hulik khẳng định Necas hành động hoặc vì sự bạc nhược cá nhân, hoặc trực tiếp và tích cực tiếp tay cho tội phạm, vốn bị cảnh sát và Viện Công tố thanh trừng từng bước nhiều năm qua. Một nước cờ khá cao tay của Thủ tướng nhằm củng cố vị thế trong đảng ODS, thu nạp thêm đồng minh để thắt chặt quyền lực.

Nhà báo Milan Hulik cũng phỏng đoán Necas sẽ đưa những tay chân thân tín (có thể là mafia trá hình) vào các vị trí quan trọng, mà khởi điểm là Bộ Tư pháp, để thay đổi luật có lợi cho hoạt động của thế giới ngầm. Ông tiếp tục đưa ra những dẫn chứng về chuyện che giấu vụ bê bối mua dàn máy bay chiến đấu CASA mà Thủ tướng muốn "đưa vào quên lãng" khi Bộ Tư pháp đang điều tra. Trên thực tế, nhiều khả năng Necas muốn xóa bỏ vị trí và những tuyên bố thẳng thắn của Pospisil về tham nhũng, rửa tiền cùng hàng loạt chiến dịch vận động Pospisil đang tiến hành ở Séc.

"Cú nước rút" nhân sự khiến đảng ODS của Petr Necas xuất hiện những rạn nứt, khiến Thủ tướng tiếp tục cách chức các thành viên ủng hộ Pospisil bằng tuyên bố: "Muốn tồn tại, phải tuân theo những gì tôi nói".

Hành động của Necas đã đánh mất sự tín nhiệm cuối cùng còn sót lại của một chính phủ luôn theo đuổi mục tiêu chống tham nhũng. Lúc mới nhậm chức, Petr Necas bày tỏ tham vọng chỉ huy một nội các chống tham nhũng. Song cuối cùng, chính ông lại để tham nhũng lũng đoạn bộ máy chính quyền.

Bê bối nối tiếp bê bối

Theo cáo buộc mới nhất của cảnh sát, Petr Necas từng hối lộ và mời 3 nghị sĩ Quốc hội vào các vị trí cấp cao trong các doanh nghiệp nhà nước để đổi lại các nghị sĩ này không tham gia nỗ lực hạ bệ ông hồi năm 2012. Ngoài ra, Petr Necas cũng đang bị điều tra vì dính líu tới hai vụ bê bối khác về sử dụng cơ quan tình báo để theo dõi vợ của ông và mối quan hệ mờ ám giữa các chính trị gia với giới doanh nhân quyền lực còn được gọi là "bố già mafia" - những nhân vật mà cảnh sát tin là có ảnh hưởng chi phối đối với các hợp đồng mua bán và đấu thầu công.

Tháng 6/2013, cảnh sát thuộc đơn vị chống tội phạm Séc đã bất ngờ mở chiến dịch bố ráp một số văn phòng của chính phủ và tới trụ sở Bộ Quốc phòng trong khi các nhân viên điều tra thu giữ nhiều tài liệu từ Tòa thị chính thành phố Prague. Cảnh sát còn "hỏi thăm" chính cựu Thủ tướng Necas và khám xét văn phòng của nhiều doanh nhân có mối liên hệ với ông.

Qua quá trình khám xét 31 ngân hàng uy tín, văn phòng công ty và nhà riêng của các nhân vật có liên quan, cảnh sát đã tịch thu sung công quỹ hàng chục kilôgam vàng ròng và hơn 10 triệu USD tiền mặt. Nhưng bất ngờ hơn, hàng loạt chính khách cao cấp kể cả đã nghỉ hưu hay đang tại chức lúc bấy giờ "cùng nhau ngã ngựa".

Theo nguồn tin thân cận với cơ quan tư pháp, những nhân vật "tinh hoa chính trị" này đều là thân cận với ông Petr Necas. Tất cả đều bị buộc tội lạm dụng quyền hạn đặc biệt nghiêm trọng và tham nhũng, năm người trong số này đã chính thức bị truy tố.

Vợ chồng cựu Thủ tướng Petr Necas và "bông hồng có gai" Jana Nagyova.

Tòa án Tối cao Séc đã ra phán quyết khẳng định cựu Thủ tướng Petr Necas không được hưởng quyền miễn trừ truy tố. Phán quyết này đồng nghĩa với việc ông trở thành quan chức cấp cao nhất trong hai thập kỷ qua ở nước này phải đối mặt với cáo buộc hối lộ.

Ngoài ra, theo lập luận của cơ quan điều tra, dù nghi ngờ vợ mình có những hành động không đúng thì ông Petr Necas cũng không thể lợi dụng chức vụ để phục vụ việc cá nhân. Hơn nữa, hành động theo dõi, nghe lén đối với một người khác là không thể chấp nhận được cho dù người đề nghị thực hiện hành động này đang ngồi ở vị trí quyền lực nhất trong chính phủ. Vì thế, nhiều khả năng, ngoài việc buộc phải từ chức và bị truy tố tham nhũng, cựu Thủ tướng sẽ đối mặt với nguy cơ bị đưa ra xét xử, thậm chí là ngồi tù.

Sụp đổ vì… “bông hồng có gai”

Một trong số những nhân vật bị bắt giữ thuộc bộ máy của Petr Necas là Chánh văn phòng Jana Nagyova. Quý bà 50 tuổi này là "cánh tay phải" đắc lực của cựu Thủ tướng, nổi danh với biệt hiệu "Hoa khôi của chính phủ Séc", và được cho là nguyên nhân chính của toàn bộ sự việc.

Jana Nagyova vốn xuất thân là nhân viên kế toán trung cấp khiêm nhường ở một doanh nghiệp nhà nước không mấy tên tuổi tại địa bàn heo hút phía tây Bohemia. Nhưng sau khi gia nhập đảng ODS những năm 1990, sự nghiệp của người đẹp tóc vàng đầy quyến rũ này bỗng nhiên thăng tiến "như diều gặp gió".

Từ trợ lý của một thượng nghị sĩ, Nagyova được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng bộ ODS vùng Karlovy Vary (1996 - 2005), rồi lọt vào mắt xanh của Phó chủ tịch quyền uy ODS lúc ấy là Petr Necas. Từ tháng 9-2006, khi Necas trở thành Bộ trưởng Lao động và Chính sách xã hội, Nagyova được cất nhắc vào chức vụ Chánh văn phòng của bộ. Sau đó nhờ sự giới thiệu của Necas, Nagyova làm công tác cố vấn cho Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng bấy giờ là Martin Bartak.

Khi Petr Necas nhậm chức Thủ tướng vào năm 2010, Nagyova cũng đồng thời đảm nhiệm một chức danh chưa từng tồn tại trước đó: Giám đốc điều hành chính phủ, qua mặt cả Chánh văn phòng Thủ tướng kỳ cựu Lubomir Poul. Theo báo chí Séc mô tả, nhờ sự nâng đỡ của Petr Necas, sức mạnh và ảnh hưởng của Nagyova vượt xa các bức tường của văn phòng của bà.

Sau khi bị bắt, Chánh văn phòng Jana Nagyova bị cáo buộc "lạm dụng chức quyền và nhận hối lộ". Chính bà đã theo lệnh của Petr Necas hứa hẹn trao cho một số cựu nghị sĩ thuộc đảng ODS của cựu Thủ tướng những công việc "hốt bạc" trong một số công ty nhà nước với điều kiện họ phải rời bỏ Quốc hội. Các nghị sĩ này được cho là đã đồng ý rút khỏi Quốc hội nhằm chấm dứt việc họ ngăn cản những cải cách về thuế mà ông Necas muốn triển khai để gia tăng uy tín.

Ngoài ra, chính Jana Nagyova cũng yêu cầu tình báo Séc theo dõi vợ của Petr Necas cùng 2 người khác. Cựu Thủ tướng biết rõ điều này, nhưng vẫn quyết tâm bao che và phủ nhận mọi cáo buộc từ truyền thông và cảnh sát.

Vào thời điểm đó, ông Petr Necas tuyên bố sẽ ly hôn người vợ cùng chung sống gần 30 năm qua. Giới truyền thông khi ấy còn đồn đại bà Jana Nagyova chính là tình nhân của ông Petr Necas. Lời đồn này xem ra không phải thiếu căn cứ khi sau đó, Jana Nagyova đã trở thành vợ mới của cựu Thủ tướng.

Kỷ nguyên tham nhũng chỉ mới bắt đầu!

Sau khi Petr Necas đệ đơn xin từ chức, người dân Séc vẫn không thể tin được rằng, vị Thủ tướng mà họ thường mệnh danh là "Ngài trong sạch" lại liên quan đến một loạt bê bối tham nhũng, lạm dụng chức quyền và nghe lén. Hàng loạt cuộc điều tra mở rộng sau đó và việc Petr Necas từ chức đã làm ảnh hưởng đến uy tín của phe trung hữu. Các cử tri đã tẩy chay  những chính đảng lớn trong cuộc bầu cử trước thời hạn vào tháng 10 năm ngoái, đồng thời quay sang bỏ phiếu cho các đảng mới thành lập có cam kết làm trong sách nền chính trị nước nhà. Đảng Dân chủ Xã hội trung tả của ông Bohuslav Sobotka đã giành được chiến thắng và ông này đã chính thức trở thành Thủ tướng mới của Séc hồi đầu năm nay.

Việc Petr Necas từ chức, rút khỏi đảng ODS, đã làm thỏa mãn dư luận. "Tôi nghĩ rằng đó là một bước đi cần thiết, không có lựa chọn nào khác cho ông ấy trong tình huống này, và tôi nghĩ rằng ông đã làm đúng những gì một nhà chính trị phải làm", nhà báo Jaroslav Plesl cho biết. Ông cũng đồng ý rằng động thái bắt giữ bà Jana Nagyova đã khiến cựu Thủ tướng Necas không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc từ chức.

"Cô ấy là đồng minh thân cận của Thủ tướng. Vì mắc một sai lầm lớn như vậy trong chính sách nhân sự của mình nên chắc chắn ông Necas sẽ chẳng còn mặt mũi nào tiếp tục lãnh đạo đất nước".

Trớ trêu thay, cuộc ra quân dẫn tới sự sụp đổ của Thủ tướng Necas lại bắt đầu từ nỗ lực của chính ông khi trao cho cảnh sát và các công tố viên nhiều quyền lực hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Cộng hòa Séc ngày càng mệt mỏi với nạn tham nhũng tràn lan và những giao dịch mờ ám trong khu vực công nên đã hoan nghênh những nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ Petr Necas.

Sau sự ra đi của Necas, người ta chẳng thể vui mừng được, mà bắt đầu gia tăng quan ngại rằng những nỗ lực làm trong sạch bộ máy chính quyền ở Séc sẽ không thể kéo dài được lâu. Phần lớn dư luận đều khẳng định, ở quốc gia EU này, kỷ nguyên tham nhũng chỉ vừa mới bắt đầu mà thôi…

Trần Quân - Việt Dũng (tổng hợp)
.
.