Cựu Tổng thống Maldives bị kết án tù vì liên quan đến khủng bố

Thứ Tư, 01/04/2015, 12:45
Mohamed Nasheed là Tổng thống dân bầu đầu tiên của nền dân chủ non trẻ Maldives và là người sáng lập đảng đối lập Dân chủ Maldives (MDP) ở đảo quốc Ấn Độ Dương có hơn 300.000 người Hồi giáo phái Sunni. Nasheed lên làm Tổng thống từ ngày 11/11/2008, kết thúc nhiệm kỳ ngày 7/2/2012.

Hôm 13/3 vừa qua, một tòa án ở Maldives kết án 13 năm tù giam đối với Nasheed vì tội liên quan đến khủng bố. Bản án được thế giới đánh giá là càng làm xấu đi tình hình bất ổn chính trị đang căng thẳng, có khả năng dẫn đến bùng nổ bạo lực trên đường phố tại đảo quốc nổi tiếng là thiên đường du lịch.

Mohamed Nasheed, một nhà hoạt động môi trường và nhân quyền, bắt đầu điều hành Maldives với nền dân chủ từ năm 2008, kết thúc 30 năm cầm quyền của nhà độc tài Maumoon Abdul Gayoom. Nasheed rời khỏi chiếc ghế tổng thống năm 2012 trong hoàn cảnh được cho là đảo chính. Về sau, Nasheed cũng thừa nhận ông bị kề súng vào đầu buộc phải từ chức.

Abdullah Yameen - chính khách thuộc đảng Tiến bộ Maldives và là anh em cùng cha khác mẹ với cựu Tổng thống chuyên quyền Abdul Gayoom - lên thay vào tháng 11/2013 trong một cuộc bầu cử. Nasheed còn bị tòa án kết tội ra lệnh bắt giữ trái phép thẩm phán Abdullah Mohamed vào tháng 1/2012. Mohamed bị bắt giam do đã ký lệnh thả một chính khách đối lập dẫn đến những cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần.

Nasheed đã mỉm cười khi bản án được tuyên và bắt tay 3 thành viên trong gia đình trước khi được dẫn giải ra khỏi phòng xử án. Trong một diễn văn phát đi từ văn phòng của Nasheed, cựu Tổng thống 47 tuổi kêu gọi người dân Maldives tiếp tục "đương đầu với quyền lực của chế độ độc tài" và "nắm giữ mạng sống trong tay mình và đổ xuống đường phố".

Cựu Tổng thống Mohamed Nasheed nói chuyện với báo chí tại Malé, ngày 10/11/2013.

Tháng 2 vừa qua, cảnh sát đã dùng vũ lực, áp giải Nasheed đến tòa án bất chấp ông không hề kháng cự. Cuộc đấu tranh chính trị căng thẳng ở Maldives đã đặt Nasheed vào tình thế đối đầu với các thành phần cánh hữu thân với chế độ cũ - những người thường mô tả ông là mối đe dọa cho "các giá trị Hồi giáo truyền thống" ở Maldives. Nasheed thiên về chính sách đối ngoại thân phương Tây và có những nỗ lực chống lại chủ nghĩa bảo thủ Hồi giáo.

Các quốc gia như Ấn Độ và Mỹ cũng như Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ mối lo ngại về phiên tòa xét xử cũng như cách đối xử với cựu Tổng thống Mohamed Nasheed. Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố: "Chúng tôi lo ngại sâu sắc về tình hình ở Maldives. Chúng tôi đang theo dõi những diễn biến ở nước này".

Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) đánh giá bản án có động cơ chính trị. Vào đêm trước khi bản án được tuyên, hàng trăm người ủng hộ Nasheed tụ tập bên ngoài tòa án ở thủ đô Malé, trong đó một số người giơ cao biểu ngữ: "Tự do cho Tổng thống Nasheed" và cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ 13 người. Trong cuộc phỏng vấn của tờ The Guardian (Anh) hồi tháng 2, Nasheed kêu gọi cộng đồng quốc tế xem xét những lệnh trừng phạt chống lại đảo quốc "như là biện pháp cuối cùng" và du khách nên tìm hiểu nhiều về Maldives trước khi quyết định đến đây.

Nasheed phát biểu tại trụ sở đảng MDP: "Thật là tốt đẹp và cần thiết để có kỳ nghỉ thư giãn nhưng điều quan trọng là cũng phải hiểu những gì đang diễn ra tại đây". Hơn 1 triệu du khách, mà phần đông là từ phương Tây, du lịch đến Maldives năm 2014. Từ khi Nasheed bị bắt giữ hôm 22/2/2015 và giam tại nhà tù Dhoonidhoo gần thủ đô Malé, những người ủng hộ ông biểu tình phản đối hàng ngày và thậm chí xung đột với cảnh sát.

Ali Waheed, Chủ tịch MDP, cho biết: "Chúng tôi muốn Tổng thống Nasheed được trả tự do. Đây là bản án tồi tệ. Một bản án bất công kéo dài đến 13 năm. Chúng tôi sẽ không quên sự tàn bạo này. Đây là nỗi đau sâu sắc, nhưng chúng tôi vẫn đấu tranh đến cùng". Những người ủng hộ Nasheed nghi ngờ bản án có động cơ chính trị và nhằm ngăn chặn Nasheed ra tranh cử tổng thống vào năm 2018.

Nasheed bị cảnh sát dùng vũ lực áp giải đến tòa án.

Bộ trưởng Nội vụ Maldives Umar Naseer ra lệnh giam giữ Nasheed trong trung tâm tạm giam cho đến khi một phòng giam đặc biệt được xây dựng xong trong nhà tù Maafushi. Ibrahim Muaz Ali, người phát ngôn cho chính quyền, tuyên bố với tờ The Guardian: "Bản án không có động cơ chính trị. Chúng tôi có hệ thống chia cắt quyền lực. Tổng thống Yameen không muốn bắt giam các chính khách đối lập và dìm đất nước vào sự bất ổn. Chúng tôi tôn trọng sự phán quyết của tòa án".

Ibrahim Ali cũng cho biết, Nasheed có thể chống án lên Tòa án tối cao. Tình hình bất ổn chính trị hiện nay ở Maldives xảy đến giữa mối lo ngại về sự gia tăng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở nước này. Hiện có khoảng 70 đến 200 người Maldives bay đến Syria để gia nhập Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng hay các nhóm chiến binh khác ở đó.

Giới chức AI cũng đề cập đến vụ án Ahmed Rilwam Abdullah, nhà báo nổi tiếng mất tích bí ẩn năm 2014. Người thân của nhà báo cáo buộc cảnh sát Maldives làm ngơ hay tòng phạm trong vụ mất tích được cho là bắt cóc này. Một số người còn nghi ngờ có sự dính líu của các mạng lưới cực đoan. Tổ chức Minh bạch Maldives cũng phát đi thông điệp bày tỏ "mối lo ngại sâu sắc" về bản án dành cho Mohamed Nasheed.

Bộ trưởng Quốc phòng hiện nay Moosa Ali Jaleel - người lãnh đạo các lực lượng vũ trang Maldives dưới thời Nasheed - cũng nằm trong số 4 người khác đang đối mặt với cáo buộc liên quan đến khủng bố. Mohamed Nasheed nổi tiếng là nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu khi tổ chức cuộc họp nội các dưới biển vào năm 2009 để kêu gọi thế giới cắt giảm lượng khí thải carbon làm trái đất nóng lên và đe dọa những đảo quốc như Maldives khi mực nước biển dâng cao.

An Di (tổng hợp)
.
.