Panama:

Cựu Tổng thống Martinelli bị buộc thêm tội nghe lén đối thủ chính trị

Thứ Hai, 19/10/2015, 22:10
Tòa án Tối cao Panama vừa có quyết định buộc tội ông Ricardo Martinelli, cựu Tổng thống Panama, tội danh “sử dụng công quỹ thực hiện gián điệp chính trị trái phép” - tức nghe lén đối thủ chính trị, một kiểu “Watergate” của Panama - trong thời gian ông tại nhiệm.

Theo các công tố viên, ông Martinelli đã thiết lập một mạng lưới do thám bí mật hoạt động từ bên trong Văn phòng Tổng thống để nghe lén các cuộc gọi điện thoại, đọc trộm tin nhắn và theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của khoảng 150 người bao gồm các nhà hoạt động, các chính khách đối lập, lãnh đạo công đoàn, luật sư, bác sĩ và các nhóm hoạt động công dân khác.

Tháng 8/2015, các nhân chứng tại Hội đồng An ninh Quốc gia như Gustavo Perez và Alejandro Garuz đã cung cấp bằng chứng cho cơ quan điều tra cáo buộc Martinelli. Nhân chứng Perez cho biết, ông Martinelli đã mua các thiết bị nghe lén, do thám từ một nhà cung cấp Israel với giá khoảng 13,4 triệu USD từ tiền quỹ hoạt động của quỹ NAP.

Trong một bức điện tín của Đại sứ Mỹ tại Panama Barbara J Stephenson gửi về Bộ Ngoại giao Mỹ tháng 8/2009 (do WikiLeaks tiết lộ tháng 12/2010) nói rằng, ông Martinelli khi đó đã yêu cầu bà giúp xây dựng chương trình nghe lén những kẻ chống đối mình. Bà Barbara sau đó đã phàn nàn với lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ về cách lãnh đạo kiểu "đầu gấu" của ông Martinelli.

Cựu Tổng thống Panama Ricardo Martinelli.

Ricardo Martinelli năm nay 63 tuổi, làm Tổng thống Panama trong thời gian 5 năm, từ năm 2009-2014. Đi học trung học ở Mỹ, tốt nghiệp cử nhân rồi thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Mỹ, Martinelli được xem là một nhà lãnh đạo theo thiên hướng kinh tế, có nhiều chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp và phát triển kinh tế Panama.

Bản thân Martinelli trước khi làm chính trị cũng đã là một thương nhân giàu có, kinh doanh trong ngành siêu thị. Chính ông đã góp công lớn tạo nên giai đoạn phát triển mạnh của kinh tế - xã hội nước này. Các báo, tạp chí lớn trên thế giới như New York Times (Mỹ), The Economist (Anh) đều đưa ra những nhận xét tốt đẹp dành cho ông.

Trong 5 năm dưới thời Martinelli làm Tổng thống, kinh tế Panama đã trải qua giai đoạn tăng trưởng tốt nhất khu vực Mỹ Latinh, với mức tăng trưởng bình quân 9%/năm. Đồng thời, mặc dù nằm trong khu vực được đánh giá là nghèo nhất thế giới, nhưng mức sống của người dân Panama đến năm 2014 được đánh giá là cao hơn phần lớn người dân trong khu vực Mỹ Latinh.

Bằng cách triển khai nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường sống táo bạo, Martinelli đã tạo nên sự thay đổi lớn trong cơ cấu dân sinh, giúp nâng cao đáng kể mức sống dân chúng Panama. Mức thu nhập của 10% người nghèo nhất Panama hiện chỉ thấp hơn 35 lần so với mức thu nhập của 10% người giàu nhất nước; con số tốt hơn nhiều so với tỉ lệ 60 lần trước đây.

Trong 4 năm (2010-2014), tỉ lệ thất nghiệp giảm từ 6,6% còn 4,1%, tỉ lệ hộ nghèo chung của cả nước được kéo giảm xuống còn dưới 10%. GDP bình quân đầu người của Panama hiện đạt trên 11.000 USD/người/năm.

Nhìn vào các kết quả trên, rõ ràng Martinelli có công trạng lớn đối với sự phát triển của đất nước. Vì thế, trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống, tỉ lệ dân chúng ủng hộ ông luôn ổn định ở mức cao, có lúc đến trên 90%, và cho đến khi sắp rời ghế Tổng thống vào năm 2014, bất chấp những chuyện lùm xùm liên quan đến tham nhũng, bê bối, song tỉ lệ ủng hộ ấy vẫn còn khá cao, trên 65%.

Đương kim Tổng thống Panama Juan Carlos Valera.

Những lời xầm xì về tham nhũng đã bắt đầu xuất hiện sau khi có nghi vấn tham nhũng quanh dự án xây dựng tuyến metro, cụ thể là những nghi vấn hối lộ trong đấu thầu dự án. Kế đó là sự kiện ngập lụt tại khu "phố nhà giàu" ở thành phố Panama City do sự quản lý yếu kém trong quy hoạch đô thị.

Đến cuối tháng 1/2015, sau nhiều tháng thu thập dữ liệu, Tòa án Tối cao đã quyết định mở cuộc điều tra chính thức đối với cựu Tổng thống Ricardo Martinelli và khoảng chục cựu trợ lý, phụ tá thân cận. Tòa án đã thành lập một ủy ban đặc biệt để tiến hành cuộc điều tra.

Ông Martinelli đã ra lệnh nâng khống giá trị hợp đồng metro (trị giá 45 triệu USD) để lấy phần chênh lệch mua thực phẩm khô cho Chương trình Trợ giúp người nghèo Quốc gia (NAP) - theo lời khai nhận của Giacomo Tamburelli, cựu Giám đốc NAP, một người thân cận của ông Martinelli.

Sau dự án metro, Martinelli tiếp tục bị đối thủ chính trị Juan Carlos Valera cáo buộc Martinelli và con trai nhận tiền lại quả từ một nhà thầu quân sự Italia. Ngày 28/1/2015, Martinelli rời Panama đến Guatemala để dự hội nghị nghị viện Trung Mỹ, trong khi báo chí lan truyền thông tin ông đã dự định xin tị nạn tại nước này.

Martinelli lên án cuộc điều tra và các cáo buộc của ông Valera nhắm vào ông là đòn tấn công chính trị; đồng thời tuyên bố với báo chí, ông sẵn sàng về nước để ra tòa nếu được bảo đảm an toàn. Martinelli hiện đang lưu vong tại Miami, bang Florida (Mỹ).

Vụ việc đã khiến cho đại bộ phận dân chúng Panama bị sốc nặng, bởi cho đến trước thời điểm đó, Martinelli trong mắt họ vẫn là một "nhà lãnh đạo tốt", một người đã có công lớn mang lại cuộc sống tốt đẹp cho họ trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang trải qua khó khăn do khủng hoảng kinh tế.

Với các cáo buộc "gián điệp chính trị" và tham nhũng, cựu Tổng thống Martinelli có thể đối mặt với mức án 21 năm tù giam. Điều này có nghĩa tương lai chính trị của ông Martinelli coi như đã khép lại.

An Châu (tổng hợp)
.
.