Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và cuộc chiến toàn cầu chống AIDS

Thứ Năm, 23/06/2005, 10:21

Còn quá trẻ để có thể ở ẩn vui thú điền viên nhưng lại quá nổi tiếng để có thể dửng dưng trước những tệ nạn của thế giới, cựu Tổng thống Mỹ, Bill Clinton, quyết định lao vào một cuộc chiến mới, đó là cuộc chiến chống lại bệnh AIDS trên toàn cầu. Việc làm thiết thực của ông đã mang lại nhiều kết quả đáng phấn khởi.

Đã qua rồi khoảnh khắc vô hình ngăn đôi giữa sự sống và cái chết của hai người phụ nữ trẻ được điều trị bệnh AIDS tại bệnh viện Công chúa Margaret ở Nassau, thủ đô của đảo quốc Bahamas. Paula, được điều trị bệnh AIDS cách đây ba năm và đến nay vẫn còn đang được tiếp tục điều trị. Còn Jennifer, người phụ nữ thứ hai cũng được điều trị AIDS cách đây hai năm và đang sống khoẻ mạnh. Đã qua rồi giai đoạn mà cả hai tin rằng mình sẽ chết bất cứ lúc nào trong nay mai. Vậy mà họ đã được cứu sống nhờ sử dụng thuốc đặc trị chống bệnh AIDS với giá rẻ.

Cùng với sự hồi sinh của Paula và Jennifer, niềm vui cũng trở lại trên gương mặt của Pamela White, nữ bác sĩ phụ trách khoa HIV-AIDS của bệnh viện Công chúa Maragaret. Vậy mà chỉ cách đây hơn ba năm, sự kinh hoàng luôn hiện diện tại bệnh viện này khi mỗi ngày đều có người chết vì AIDS. Chép miệng, bác sĩ Pamela White, cho biết: “Đó là địa ngục, địa ngục thật sự!”.

Niềm hy vọng của bác sĩ Pamela White chỉ lóe lên khi Chính phủ Bahamas ký một thỏa thuận với tổ chức chống AIDS toàn cầu mang tên B.Clinton (FSBC) vào tháng 12/2002 để nhận được sự trợ giúp về tài chính và kỹ thuật của tổ chức này trong cuộc chiến chống AIDS. Đến tháng 6/2003, khi những khoản tiền trợ giúp đầu tiên được giải ngân thì guồng máy phòng chống AIDS của Bahamas bắt đầu hoạt động có hiệu quả. Cho đến nay, trên tổng số 12.450 bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị, 9.000 bệnh nhân đã có sự hồi phục đáng khích lệ. Bác sĩ Pamela White cho biết thêm: “Không có sự trợ giúp thiết thực của tổ chức FSBC, chắc chắn tất cả họ đều chết”.

Vào giữa năm 2002, bức xúc trước việc nhiều quốc gia giàu có ở phương Tây, trong đó có cả Mỹ, chỉ hứa hẹn suông, mà không có hành động cụ thể nào để giúp thế giới phòng chống dịch bệnh AIDS, ông B.Clinton quyết định phải làm một cái gì đó, kiểu như một cú hích để biến những hứa hẹn trên thành hiện thực. Vì vậy, B.Clinton liền đến thành phố Boston để gặp Ira Magaziner và Sandy Thurman, từng đứng đầu tập đoàn tư vấn BCG,  tập đoàn đã xây dựng đề án cải cách y tế vào năm 1993 cho Nhà Trắng, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông và đặt vấn đề: “Chúng ta phải làm một cái gì đó để chống lại bệnh AIDS và cả nghèo khó trên thế giới”.

Lập tức Ira Magaziner làm một chuyến đi đến một số quốc gia châu Phi và Trung, Nam Mỹ để khảo sát tình hình. Trở về lại Boston, Ira Magaziner trao đổi với ông B.Clinton: “Chặn đứng sự lây lan và chữa trị  bệnh AIDS là vấn đề cấp bách của nhiều quốc gia. Thế nhưng do thiết bị thử nghiệm và nhất là giá thuốc đặc trị quá đắt đã làm bó tay các chính phủ”.

Từ cảnh báo của Ira Magaziner, B.Clinton quyết định thành lập một tổ chức chống bệnh AIDS mang tên mình vào tháng  8/2002, sau khi trở về từ Hội nghị phòng chống AIDS toàn cầu do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại thành phố Barcelona của Tây Ban Nha vào tháng 7/2002. FSBC có hai mục tiêu chính là đấu tranh làm giảm giá bán các loại thuốc đặc trị chữa bệnh AIDS và trợ giúp cả về kỹ thuật và tài chánh cho chính phủ nhiều quốc gia trong việc phòng chống dịch bệnh AIDS.

Từ năm 2002 trở về trước, giá thuốc đặc trị chống AIDS cực kỳ đắt khiến cho việc chữa trị gặp nhiều khó khăn. Bức xúc trước vấn đề này, B.Clinton quyết định sử dụng tổ chức của mình như là công cụ nhằm tác động đến các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Y tế thế giới và chính phủ nhiều quốc gia giàu có để gây áp lực buộc các tập đoàn dược phẩm lớn phải nhượng bộ việc hạ giá thuốc đặc trị và chuyển giao giấy phép sản xuất thuốc đặc trị cho các quốc gia đang phát triển như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi. Cuối cùng, vào tháng 10/2003, các tập đoàn dược phẩm lớn đành phải nhượng bộ. Đây chính là thắng lợi đầu tiên của FSBC.

FSBC có văn phòng đặt tại một ngôi nhà hai tầng nhỏ nằm không xa mấy trung tâm thành phố Boston với trang bị làm việc đều do B.Clinton sử dụng tiền túi để mua và do nhiều nhà hảo tâm tặng, còn các nhân viên đều là những người tình nguyện và không ăn lương. Thế nhưng, đây là một tổ chức hoạt động hữu hiệu trong việc tác động với chính phủ nhiều quốc gia, các tập đoàn kinh tế, các cá nhân giàu có để xem xét dịch bệnh AIDS dưới góc độ tích cực và thiết thực. Không ngơi nghỉ, B.Clinton đi lại như con thoi giữa thành phố New York, nơi có căn nhà của gia đình, thành phố Boston, nơi đặt văn phòng của FSBC và thủ phủ Little Rock của bang Arkansas, nơi có thư viện mang tên ông. Ngay cả khi cô con gái Chelsea làm luận văn thạc sĩ tại Đại học Oxford ở Anh về đề tài gây quỹ chống lại bệnh cũng đã cầu cứu đến sự cố vấn của cha, B.Clinton vẫn không có thời gian để bay sang Anh giúp đỡ con gái mình được.

Cuối cùng, người ta mới nhận thức được rằng, một tổ chức cấp quốc gia hay cấp quốc tế nếu không có một nhân vật tiếng tăm đỡ đầu hay thành lập thì khó mà hoạt động có hiệu quả, cho dù mục đích có cao quý cách mấy. Đó là trường hợp của FSBC. Chính ông B.Clinton đã thuyết phục Tổng thống Thabo Mbeki của Nam Phi đưa việc phòng chống AIDS tại quốc gia này thành quốc sách. Cũng chính B.Clinton đã nhiều lần thúc giục các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên công khai hóa dịch bệnh AIDS tại quốc gia mình để nhận được sự giúp đỡ cả về tài chính và kỹ thuật của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống AIDS.

Ông B.Clinton nhận định: “Sai lầm lớn nhất của chúng ta là không đánh giá đúng mức sự nguy hiểm của dịch bệnh AIDS trên phạm vi toàn cầu. Nếu được trở lại Nhà Trắng, tôi sẽ nhìn nhận dịch bệnh AIDS một cách tích cực hơn, bởi vì chúng ta mới chỉ làm có 1/10 những gì mà chúng ta cần phải làm để chống lại bệnh AIDS”

Văn Hoà (theo Le Nouvel Observateur)
.
.