Cựu Tổng thống Nelson Mandela từ trần: Vĩnh biệt một người hùng thế kỷ

Thứ Năm, 12/12/2013, 18:50

Vâng! Ông được xem là một "tù nhân vĩ đại", một người hùng chống lại tệ phan biệt chủng tộc Apartheid không chỉ cứu nguy cho một dân tộc Nam Phi thế kỷ XX, mà ông còn là biểu tượng của hòa giải và hòa hợp dân tộc... Người đã lãnh đạo cuộc đấu tranhthay thế chủ nghĩa Apartheid ở Nam Phi bằng một nền dân chủ đa chủng tộc. Ông chính là Nelson Mandela...

Đường dài đến tự do

Trong ký ức tuổi thơ tôi có một thần tượng anh hùng trẻ tuổi khác, ngoài Che Guevara là Nelson Mandela dù lúc ấy ông đang bị án chung thân vì tội chống tệ phân biệt chủng tộc của nhà cầm quyền da trắng ở Nam Phi. Hai người hùng ở hai châu lục khác nhau nhưng cùng có chung lý tưởng giải phóng con người khỏi áp bức bất công, đòi tự do bình đẳng cho mọi màu da chủng tộc…

Nelson Mandela là ai mà tên tuổi ông vang dội địa cầu nửa thế kỷ nay như vậy? Đó là một người Phi, là một trong số ít người nổi danh thế giới xuất thân từ lục địa châu Phi,  một người tù bằng ý chí nghị lực phi thường tranh đấu cho bình đẳng tự do giữa các màu da đã trở thành vị tổng thống lừng danh. Cuộc đời của ông bắt đầu từ lý tưởng đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng người da đen.

Sinh ra tại tỉnh Tơran Svan thuộc miền Đông Nam Phi, có cha là Tù trưởng bộ lạc thuộc tộc Kôsa. Hai mươi tuổi khi còn là sinh viên Trường đại học Fort Hare dành cho người da đen, ông bị buộc thôi học vì tham gia đấu tranh đòi quyền dân chủ bình đẳng. Năm sau, Nelson  tiếp tục đến Johannesburg học tiếp và tham gia hoạt động chính trị.

Năm 1944, lúc 26 tuổi, ông gia nhập tổ chức Đại hội dân tộc Phi (ANC) và trở thành một trong những người đầu tiên thành lập Liên minh thanh niên của ANC. Trở thành luật sư, Nelson mở văn phòng luật đầu tiên của người da đen ở  Johannesburg để giúp đỡ cho người da đen. Với lòng nhiệt tình và tài năng sẵn có, từ năm 1952, Mandela trở thành người tổ chức của phong trào đấu tranh phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid của nhân dân da đen Nam Phi.

Nelson được bầu làm Phó chủ tịch ANC, bắt đầu cuộc đời hoạt động chính trị kéo dài hơn 60 năm với tư cách là lãnh tụ người Phi. Trong cuộc đấu tranh ấy, với dằng dặc những ngày tháng bị nhà đương cục da trắng theo dõi khám xét, bắt bớ, giam cầm, chịu áp lực từ nhiều phía nhưng với sự dấn thân triệt để vì lý tưởng của mình, ông vẫn kiên trì không nao núng.

Trong một lá thư công khai trên báo chí, thể hiện lập trường của mình, Mandela đã viết: “Tôi chọn con đường này, một con đường khó khăn và đòi hỏi nhiều rủi ro, gian khổ hơn là ngồi trong nhà tù. Tôi đã phải tự tách rời khỏi vợ con thân yêu, xa mẹ già và các chị em tôi để sống như một kẻ sống ngoài vòng pháp luật trên chính đất nước của mình. Tôi đã phải đóng cửa cơ sở làm việc, từ bỏ ngành nghề chuyên môn và sống trong đói khát như nhiều triệu đồng bào tôi… Tôi sẽ chiến đấu chống chính quyền phân biệt chủng tộc sát cánh bên các bạn trong từng phân, từng dặm cho đến chiến thắng cuối cùng”.

Đầu những năm 60 thế kỷ XX, ANC bị cấm hoạt động, Mandela chuyển vào bí mật, chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh lâu dài. Mùa Xuân năm 1962, ông bí mật đến thăm một số nước châu Phi và sang Anh định tranh thủ sự giúp đỡ về huấn luyện quân đội du kích. Nhưng khi vừa trở về nước, ông đã bị bắt. Năm 1964, Mandela cùng một số lãnh tụ ANC bị kết án tù chung thân.

Còn nhớ trong diễn văn nổi tiếng biện hộ cho mình tại Tòa án Nam Phi hơn 40 năm trước, Luật sư Mandela đã từng tuyên bố: "Tôi đã chiến đấu chống lại những người thực dân da trắng, những người thống trị da đen. Tôi ôm ấp lý tưởng của một xã hội dân chủ và tự do, tất cả mọi người đều chung sống hài hòa có cùng cơ hội đồng đều. Đó là một lý  tưởng mà tôi hy vọng sẽ sống chết vì nó. Nhưng thưa ngài, nếu  cần, đó cũng là lý tưởng mà tôi sẵn sàng hy sinh…".

Ông ngồi xuống, cả phiên tòa chìm ngập trong im lặng vì xúc động… Sau đó là 20 năm trong nhà tù trên đảo Robben, ông đã biến nhà tù thâm nghiêm thành trường học, một trường đại học Mandela trước khi ông bị chuyển đến nhà tù Kêptơn…

Với uy tín của mình, từ thập niên 80, Mandela được phong trào nhân dân trong nước và quốc tế đòi trả tự do cho ông, buộc nhà cầm quyền người da trắng Nam Phi hứa sẽ thực hiện. Cuối thập niên ấy, với địa vị và tiếng tăm đặc biệt, từ trong ngục, Mandela đã tiến hành đối thoại với chính quyền Nam Phi, ông chỉ ra lối thoát duy nhất cho đất nước này chỉ có thể bằng con đường đàm phán giữa chính phủ và ANC…

Lịch sử hình như có những cuộc lựa chọn mang tính định mệnh khi năm 1989, ông F.W. de Klerk lên làm Tổng thống Nam Phi. Và với tài thuyết phục của Mandela, chính F.W. de Klerk đã bãi bỏ lệnh cấm ANC hoạt động, mở ra một cục diện mới cho chính trị nước này. Và ngày 11/2/1990, Mandela đã được trả tự do sau 27 năm tù đày để trở về với nhân dân và tiếp tục lý tưởng  ông đang theo đuổi…

Sau 27 năm sống trong ngục tù, qua giây phút đầu tiên nhìn ngắm bầu trời quê hương, Mandela lúc này với mái tóc điểm sương trắng xóa đã nghĩ đến công việc đầu tiên là hàn gắn những chia cắt trong lòng đất nước bao năm… Điều vĩ đại ở Mandela là sau khi ra tù, ông không làm kẻ báo thù mà chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc bằng cuộc đấu tranh mới. Ông đi thăm các nước tiền tuyến châu Phi, quyết định đưa Tổng bộ ANC từ nước ngoài về và không lâu sau ông được cử làm phó chủ tịch tổ chức này...

Với trọng trách này, tháng 4/1990 Mandela dẫn đầu đoàn ANC đàm phán với Chính phủ F.W. de Klerk. Đường lối phi bạo lực lúc này bị phản đối, uy tín Mandela gặp khó khăn, nhưng bằng bản lĩnh của mình, ông đã vượt qua từ chính nội bộ ANC. Tháng 7/1991 đại hội đầu tiên của ANC sau khi giành quyền hoạt động hợp pháp đã thống nhất phương châm hành động mới là đối thoại với chính phủ. Và tại đây, Mandela đã được bầu làm Chủ tịch Đại hội dân tộc Phi ANC.

Bằng những nỗ lực phi thường, triệt để không khoan nhượng, tháng 9/1992 Mandela và F.W. de Klerk đã cùng ký kết bị vong lục, bằng chứng về cuộc đấu tranh không mệt mỏi của Mandela và nhân dân Nam Phi xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Lịch sử đất nước này đã bước sang trang mới. Lần đầu tiên một người da đen được bầu làm Tổng thống trong một cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên trong lịch sử. Người đó không ai khác chính là Nelson Mandela…Cuối năm 1994, tại Đại hội lần thứ 49 Đại hội dân tộc Phi đã bầu lại Mandela làm Chủ tịch ANC. Mandela trở thành Tổng thống dân chủ đầu tiên của Nam Phi.

Khi đã có trọn vẹn quyền lực trong tay, với cách nghĩ khác hơn, một tầm nhìn nhân văn hơn, người tù Mandela đã không làm cái việc thường tình dễ hiểu là trả thù mà đưa ra liệu pháp hóa giải hận thù trong lòng dân tộc có tên "Ủy ban Chân lý và hòa giải". Liệu pháp ấy đã chữa lành căn bệnh lớn nhất cho Nam Phi để xây dựng một đất nước ổn định phát triển như ngày nay…

Hành trình xóa bỏ chế độ Aparthaid và hòa giải dân tộc là vĩ đại, nhưng lớn lao hơn, ông đã góp phần tích cực xây dựng nền móng  cho nền dân chủ của đất nước Nam Phi. Với những đóng góp to lớn cho ổn định và hòa bình, tháng 12/1993, cả Mandela và Tổng thống Nam Phi F.W. de Klerk đã được trao giải thưởng Hòa bình mang tên Nobel. Mandela nhắc lại câu nói nổi tiếng của mình: "Việc đấu tranh là cuộc sống của tôi. Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vì tự do cho tới ngày mình không còn nữa!".--PageBreak--

Quả vậy, rời ghế tổng thống năm 1999, ông vẫn đóng vai trò tích cực trong các hoạt động xã hội và quyền con người. Ủng hộ phong trào "Biến đói nghèo thành dĩ vãng", xây dựng làng trẻ SOS, và đặc biệt là chiến dịch chống HIV/AIDS. Bằng uy tín quốc tế to lớn, ông được mời tham gia dàn xếp nhiều vấn đề quốc tế quan trọng…

Cuộc đời oanh liệt của Mandela khiến thế giới nghiêng mình. Sự nghiệp mà ông để lại cho nhân dân Nam Phi và ảnh hưởng của ông thật to lớn. Ông không chỉ là một vĩ nhân của người Nam Phi mà còn là một người anh hùng trong lòng nhân dân thế giới.

Và những lận đận đời riêng

Bởi sự dấn thân cho sự nghiệp, ông đã phải đánh đổi cả hạnh phúc riêng tư. 27 năm trong lao tù, vợ ốm, con chết, gia đình ly loạn. "Ông đã vì sự nghiệp mà phải hy sinh tình cảm riêng tư", người vợ đầu của Mandela chia sẻ. Đúng vậy. Năm 1944 sau khi lập gia đình, Mandela đã lại lên đường chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Lúc Evelyn Mase chuẩn bị sinh con là lúc Mandela bị truy nã. Nỗi đời gian khó quá sức, năm 1958 Mase quyết định chia tay Mandela dù họ đã có với nhau 4 mặt con.

Nến được thắp lên bên ngoài ngôi nhà của ông Nelson Mandela.

Bà từng tuyên bố: "Tôi chưa hề được một ngày hưởng hạnh phúc bên ông ấy. Hôn nhân với tôi là thất vọng và đau khổ. Nhưng ông ấy không có lỗi. Ông ấy có sự nghiệp của ông ấy…".

Những tưởng cuộc hôn nhân thứ 2 với bà Winnie Madikidela sẽ đem lại hạnh phúc và an ủi. Bà là người đồng chí sát cánh cùng Mandela trong những năm tháng cùng cực của cuộc đời khi ông vẫn trong chốn tù đày. Suốt 27 năm Mandela bị giam cầm, bà đã làm hết sức mình với những họat động đấu tranh vì quyền bình đẳng con người. Bà tận tụy vì sự nghiệp đấu tranh mà ông đang bỏ dở. Bà tham gia vận động quốc tế, gửi thư kiến nghị nhằm để chính quyền Nam Phi phải trả tự do cho Mandela và những chính trị phạm khác...

Với những hoạt động tích cực ấy, năm 1977 bà bị trục xuất, sau đó bị bắt (khi tập hợp phụ nữ da đen đấu tranh). Về những ngày tháng ấy, chính Mandela đã có những đánh giá cao về người vợ của mình: "Winnie Madikidela có những công lao trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Nam Phi… Tôi hết sức tự hào về Winnie".

Nhưng cuộc đời có những nghịch lý không ngờ. Khi Mandela lên nắm quyền lãnh đạo đất nước thì chính bà lại có những biểu hiện thay đổi, biến chất, đó là độc đoán chuyên quyền, buông lỏng quản lý tài chính và có những quan hệ bất minh khiến dư luận bắt đầu dị nghị và khiến Mandela không thể làm ngơ khi bà có quan hệ với người đàn ông khác dưới quyền gây nên điều tiếng không tốt…

Ở cương vị Đệ nhất phu nhân bà đã gây dư luận xấu ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo. Một ủy ban điều tra các vấn đề của bà Winnie được thành lập tại Nam Phi để xác minh các tội lỗi của bà. Mandela đã có một quyết định bất ngờ như thể để cứu nguy tình thế đất nước và cho phần đời còn lại của mình ấy là chia tay với bà Winnie để kết hôn ở tuổi 80 với bà Graca Mechel người vợ quá cố của Tổng thống Modambique…

Một trong những hình ảnh cuối cùng của Mandela.

Với người vợ cuối cùng này, Mandela đã có những ngày hạnh phúc thực sự khi giữa họ có một tình cảm đặc biệt và cả những rung động về nhau. Bỗng chốc thành góa phụ ở tuổi 40, khi vị Tổng thống Modambique bị mưu sát trong một tai nạn máy bay năm 1986, bà Graca có ý nguyện ở vậy thờ chồng nuôi con. Đến khi gặp Mandela - người anh hùng trong tâm tưởng của mình khi ông vừa từ nhà tù ra, bà chợt nhận ra cánh cửa tim mình bắt đầu rung lên những dao động mới mẻ. Và điều đó rất rõ vào năm 1992 khi Graca gặp Mandela trong lần bà sang Nam Phi nhận danh hiệu Tiến sĩ danh dự tại Trường đại học Nam Phi. Bà đã yêu Mandela từ ấy…

Năm 1998, lúc Mandela tròn 80 tuổi một hôn lễ đặc biệt của đôi tình nhân được tổ chức trang trọng, đánh dấu cho cuộc hôn nhân của hai con người đồng điệu…. Sau hôn lễ ấy, Mandela đã tự nguyện rời khỏi chính trường để sống với gia đình mà bao nhiêu năm ông không có được như một người bình thường…

Bây giờ Mandela đã đi xa, nhưng tên tuổi cùng với sự nghiệp của ông mãi là một biểu tượng đẹp về đức hy sinh, tài năng và nhân cách…

Tân Linh (tổng hợp)
.
.