Cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf: Cuộc chiến cản đường trở lại chính trường

Thứ Tư, 29/02/2012, 21:35

Hy vọng trở về nước tham gia cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau của cựu Tổng thống Pervez Musharraf đang ngày càng trở nên xa vời hơn khi những rắc rối pháp lý tiếp tục được các đối thủ chính trị giăng ra nhằm ngăn ông quay trở lại chính trường. Cuộc chiến pháp lý lần này sẽ rất căng thẳng, vì nó liên quan đến cái chết của bà cựu Thủ tướng Benazir Bhutto - biểu tượng được đa số dân chúng Pakistan yêu mến.

Ngày 21/2 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rehman Malik tuyên bố trên Truyền hình Quốc gia Pakistan rằng: Chính quyền Islamabad có thể sẽ yêu cầu Interpol phát lệnh bắt toàn cầu đối với cựu Tổng thống Pervez Musharraf. Yêu cầu này đồng nghĩa với việc ông Musharraf có thể bị bắt bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu ông đến, nếu Interpol ra thông báo và cảnh sát các nước thành viên buộc phải hợp tác.

Lệnh bắt Musharraf của Pakistan dựa trên cơ sở cáo buộc của Tòa án Chống khủng bố Pakistan tuyên vào ngày 11/2/2011, theo đó buộc ông tội âm mưu giết người trong vụ sát hại bà Bhutto. Ngay sau khi bà Bhutto bị sát hại vào ngày 27/12/2007, chồng bà, đương kim Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari, khi đó đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc (LHQ) điều tra.

Cuộc điều tra của LHQ đã phát hiện ra rằng, Chính phủ Pakistan, đặc biệt là ông Musharraf đã không đảm bảo an ninh đúng mức cho bà Bhutto, không ngăn chặn được âm mưu sát hại bà. LHQ cũng phát hiện các nhà điều tra Pakistan khi đó đã cố tình làm qua loa cho qua chuyện, xóa dấu vết hiện trường và không tiến hành giảo nghiệm tử thi để điều tra tới nơi tới chốn. LHQ xác định bà Bhutto đã trở thành mục tiêu đe dọa của không chỉ thành phần Hồi giáo cực đoan (như Al-Qaeda, Taliban), mà còn cả "các định chế Pakistan" (bao gồm quân đội, tình báo, giới lãnh đạo chính trị và doanh nhân).

Pervez Musharraf năm nay 69 tuổi, là một gương mặt rất quen thuộc của chính trường Pakistan. Hơn thế, ông là một trong những vị tướng quân đội làm đảo chính lật đổ chính quyền dân sự và thâu tóm quyền hành trong một thời gian dài (từ năm 1999 đến 2008). Ở Pakistan, nhắc đến Musharraf không ai không biết đến “cuộc đảo chính nhung” do ông tiến hành vào ngày 12/10/1999, và phong cách điều hành đất nước bằng quân lệnh trong nhiều năm. Từ khi bà Benazir Bhutto trở về Pakistan và bị ám sát vào cuối năm 2007, ngôi sao chính trị của Musharraf đã bắt đầu mờ dần, quyền lực sa sút mạnh. Sức ép từ các đảng phái đối lập, nhất là đảng Nhân dân Pakistan (PPP) và giới luật sư đã buộc Musharraf phải từ chức Tổng thống vào mùa thu năm 2008.

Rời khỏi chính trường Pakistan, Musharraf bắt đầu cuộc sống lưu vong nơi đất khách quê người, bôn ba nhiều nơi. Nơi đầu tiên ông đặt chân đến là Arập Xêút - xứ sở Hồi giáo Sunni có mối quan hệ hữu nghị và tôn giáo mạnh nhất và có ảnh hưởng nhất định đối với một số quyết định chính trị, tôn giáo ở Pakistan. Chính Riyadh đã đứng ra bảo lãnh cho Musharraf khi ông bị Tòa án Pakistan truy đuổi vào cuối năm 2008. Sau đó, từ Riyadh, ông đi luôn sang London, Anh, sống tại đó trong một thời gian dài và thành lập đảng Liên đoàn Hồi giáo toàn Pakistan (APML) tại đây vào tháng 6/2010.

Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rehman Malik.

Ngoài nước Anh, Musharraf cũng thường xuyên đi đến những nơi được xem là "an toàn" cho ông. Ông đến Dubai (Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất) để lưu trú trong một thời gian, tranh thủ vận động sự ủng hộ của lực lượng Hồi giáo Sunni tại đây dành cho ông nhằm chuẩn bị cho sự "trở về" trong một ngày không xa. Mặc dù sống lưu vong, Musharraf vẫn giữ quan đểm như khi còn cầm quyền: Quân đội nên giữ một vai trò lớn trong cơ cấu quyền lực Pakistan.

Từ đầu năm 2011, đã có nhiều thông tin trên báo chí đồn đoán về việc ông Musharraf có ý định quay trở lại chính trường Pakistan. Tháng 11/2011, Musharraf tuyên bố trên Đài CNN (Mỹ) về kế hoạch quay trở về Pakistan của mình. Ông dự tính sẽ trở về vào ngày 23/3/2012 để chuẩn bị tham gia cuộc bầu cử tổng thống Pakistan vào năm 2013. Tuy nhiên, con đường trở về của Musharraf dường như đang ngày càng "xa xăm".

Không chỉ có lệnh bắt của Tòa án Chống khủng bố và sắp tới là lệnh truy nã quốc tế, Musharraf còn bị cáo buộc tội "phản quốc", và một tòa án ở Abbottabad cũng đang ra lệnh bắt ông vì tội này. Cáo buộc "phản quốc" đối với Musharraf liên quan đến việc ông ban bố "tình trạng khẩn cấp" trên toàn quốc vào ngày 3/11/2007, ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Pakistan. Lệnh tình trạng khẩn cấp đó được xem là cách "thô bạo" mà ông Musharraf sử dụng đến để giành chiến thắng trước các đối thủ.

Tuy nhiên, sự kiện đảng PPP giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử tháng 2/2008 đã làm thay đổi "vận mệnh" của Musharraf. PPP và đảng Liên đoàn Hồi giáo (PML-N) của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif đã liên kết lại để chống Musharraf, buộc ông phải từ chức vào ngày 18/8/2008 để sau đó luận tội ông về việc làm đảo chính năm 1999 và ban hành lệnh "tình trạng khẩn cấp" năm 2007. Tuy nhiên, phiên luận tội chưa kịp mở thì Musharraf đã "chuồn" khỏi Pakistan

An Châu (tổng hợp)
.
.