Cựu Tổng thống Saddam Hussein là nhà văn có tài?

Thứ Ba, 18/07/2006, 08:00

Từ năm 2000 đến 2003, lần lượt xuất hiện trên thị trường sách Iraq 4 cuốn tiểu thuyết: "Zabibah và nhà vua", "Pháo đài không chiếm nổi", "Những con người và một đô thị và Đồ quỷ quái", "Hãy xéo khuất mắt ta". Chúng đều được chú ý ngay.

Trước hết, trái với lệ thường, ở chỗ ghi tên tác giả trên bìa, nhà xuất bản đặt dòng chữ “Tiểu thuyết của tác giả của nó”.

Thứ hai, chúng phảng phất như chuyện cổ tích. Ví dụ cuốn "Zabibah và nhà vua" mở đầu bằng câu: “Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua cao lớn lực lưỡng (...). Uy thế của ông là vô bờ (... và ông gợi ra sự kính trọng, yêu thương và niềm tin, cũng như sự cảm phục và nỗi sợ hãi (...). Nhà vua biết làm cho thần dân tuân phục, dù tự nguyện hay ép buộc...”. Thứ ba, chúng nhằm vào độc giả dân thường, nên có cốt truyện rõ ràng, hấp dẫn và đều dễ đọc, dễ hiểu, chan chứa cảm xúc trữ tình, toát ra một tình yêu sâu nặng với tổ quốc và nhân dân.

Trước chiến tranh Iraq, các tiểu thuyết của ông S.Hussein được ngợi ca. “Đây là một kỳ công văn học mà không ai vượt được trong thế kỷ này”, ấy là báo chí Iraq nói về cuốn "Pháo đài không chiếm nổi". Vì sao các tác phẩm đó được đón chào đến vậy? Do sự tò mò, người ta muốn xem S.Hussein đã leo cao thế nào trong các nấc thang chính trị. Do S.Hussein muốn bất tử hóa mình cho mục đích này, đã nhờ những người khác viết sách hay làm phim về ông. Đáng kể nhất là phim "Những ngày dài, chân dung S.Hussein" do Aldel Amir Mua'la Saddam viết kịch bản, đạo diễn người Ai Cập Toufic Salih dàn dựng.

Những tác phẩm kiểu ấy không làm ông S.Hussein thỏa mãn được lâu. Ông bèn tự vẽ lấy chân dung. Chất liệu các tiểu thuyết của ông đều là tiểu sử bản thân và những sự kiện liên quan trong suốt quá trình ông chiếm lĩnh quyền lực và danh vọng ở Iraq với ước mơ lập nên một đế chế Babylone hiện đại. Nhân vật chính của các tiểu thuyết của ông là S.Hussein và kẻ thù không đội trời chung của nhân vật ấy chính là Mỹ và Nhà nước Do Thái. Bối cảnh là Chiến tranh Vùng Vịnh, sự chống đối của người Kurd...

Thành công nhất trong các tác phẩm của cựu Tổng thống S.Hussein là "Zabibah và nhà vua". Dĩ nhiên, đây là một ám chỉ chính trị. Nữ nhân vật chính, nàng Zabibah, tượng trưng cho đất nước Iraq. Người chồng tàn bạo của cô là Hoa Kỳ. Nhà vua, người báo thù và quyền năng vô tận, không ai khác ngoài S.Hussein. Zabibah bất hạnh trong hôn nhân, đem lòng yêu nhà vua và hai người duy trì một mối tình vụng trộm. “Nhà vua có cần áp đặt cho thần dân những phương sách khắc nghiệt không?”. “Tâu bệ hạ - Zabibah trả lời - thần dân cần những phương sách nghiệt ngã để cảm thấy được che chở và bênh vực”.

Những trao đổi tương tự có lẽ là cách để S.Hussein tự đối chất xấu tốt trong lòng. Nhà vua bao giờ cũng đúng trong những cuộc đàm đạo đề cập đến uy quyền, sự tàn bạo, công lý, thiên nhiên và truyền thống. Một đêm, trên đường từ nhà nàng đi ra, Zabibah bị tấn công và hãm hiếp bởi một kẻ bịt mặt - chồng cô. Nhà vua lấy đó làm cớ để trả thù. Một mặt trận lớn được mở ra, trùng với ngày tháng diễn ra chiến dịch Bão táp sa mạc trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.

"Zabibah và nhà vua" đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Giờ đây, nó càng thuyết phục, vì tính dự báo chuẩn xác đáng kinh ngạc. Dù số phận cựu Tổng thống S.Hussein thế nào đi nữa (phiên tòa xét xử ông đến hồi kết. Ông có nhiều nguy cơ bị tử hình), tên tuổi S.Hussein chắc chắn đã đi vào lịch sử văn học nước ông.

Giá trị văn chương ấy có trường tồn hay không? Một số chuyên gia hàng đầu về chính trị, xã hội và văn chương, trong đó có Avi Rubin, một cựu phái viên của Mossad, gợi ý rằng quá khứ của S.Hussein là bệ phóng mối hận thù của ông đối với những cái rộng lớn hơn thù hận nhiều, như người Do Thái và các nền văn minh phương Tây. Các nhà phê bình văn học cho rằng, văn chương của S.Hussein chứa đầy yêu thương và hận thù

Lại Quỳnh Quyên (tổng hợp)
.
.