Cựu chủ tịch Hội nhà văn Rumani bị cáo buộc cộng tác với cơ quan an ninh cũ

Thứ Bảy, 13/08/2005, 07:27

Nữ nhà thơ Rumani Doina đã cáo buộc nhà văn Êugen Uricaru cộng tác với cơ quan an ninh trước đây của Rumani. Đây có thể là sự phát giác ngẫu nhiên khi cánh hữu vừa lên nắm chính quyền Rumani, cho khui ra những tư liệu cũ của Cơ quan An ninh Rumani trước đây. Nhưng cũng có thể chỉ là một đòn chính trị dọn đường cho việc hạ bệ uy tín của Uricaru tại Đại hội Hội Nhà văn Rumani tổ chức vào hai ngày 16,17 tháng 6/2005.

Khi vụ việc này được “Sự kiện hàng ngày” đưa lên mặt báo, lập tức một vài báo lớn xuất bản tại Bucarest đã vào cuộc, một số nhà văn thuộc phái hữu cũng đã lên tiếng phụ họa yêu cầu ông Uricaru rút khỏi tổ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Rumani trong nhiệm kỳ 2005-2009. Ý kiến này tiếp tục được phát biểu tại diễn đàn đại hội, truy kích, buộc ông Uricaru không tiếp tục ra tranh cử.

Kết cục do cảm thấy mệt mỏi trước dư luận hay thấy đã đến điểm dừng, ông Uricaru đã không ra ứng cử. Đại hội Hội Nhà văn Rumani bầu nhà phê bình văn học Nicolae Manolescu, Chủ nhiệm tờ Văn học Rumani, Chủ tịch Phong trào liên minh dân túy, một đảng cánh hữu vào cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Rumani nhiệm kỳ này.

Hội Nhà văn Rumani đã có quan hệ trao đổi hàng năm với Hội Nhà văn Trung Quốc và Việt Nam. Trong báo cáo tại đại hội kỳ này, một số ý kiến phát biểu trên diễn đàn cũng đã ghi nhận công lao trong hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hội Nhà văn Rumani.

Xuất phát điểm của vụ tai tiếng - “cộng tác viên” cho Cơ quan An ninh trước đây là việc hồ sơ của cơ quan này cho thấy có một nhà văn vùng Cluj mang mật danh là Udrea thường cung cấp thông tin cho cơ quan an ninh về các thông tin có liên quan tới hai nhà văn: một là nữ nhà thơ Doina Cornea gốc Hungary và nhà văn Nicolae Steinhardt, gốc Do Thái, bị tù từ năm 1949 đến năm 1963.

Theo nữ nhà thơ Cornea cung cấp cho báo chí thì “cộng tác viên” Udrea đã cung cấp cho các cơ quan an ninh những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, các hoạt động hàng ngày của hai nhà văn này. Bản thân Udrea lại bị một “cộng tác viên” khác là Nistor theo dõi. Khi báo chí hỏi, những nội dung chi tiết về các hoạt động của bà đã được Udrea theo dõi và báo cáo với an ninh là nội dung gì thì nhà thơ trả lời chung chung là do tài liệu dày nên không nhớ kỹ.

Còn Eugen Uricaru thì phản bác lại: Trước năm 1989 ông chưa hề quen biết nhà thơ Cornea và chưa từng một lần gặp bà. Còn đối với nhà văn Do Thái Steinhardt thì ông có đôi lần trao đổi qua điện thoại về bài vở khi ông còn là biên tập viên của báo Ngôi Sao, xuất bản tại Cluj. Những cuộc tiếp xúc chủ yếu qua điện thoại và ông chưa hề đi dạo cùng với nhà văn Steinhardt bất cứ một lần nào, vào những năm 70 của thế kỷ trước khi nhà văn này đến gửi bài. Không quen biết, không một lần tiếp xúc trực tiếp, không ký bất cứ một thỏa thuận làm cộng tác nào với Cơ quan an ninh thì “cộng tác viên” kiểu gì? Đó là lập luận của Uricaru.

Nhà phê bình văn học Nicalae Manolescu cũng thanh minh hộ ông, khó lòng tin một con người như Uricaru lại đi “mách lẻo” các cơ quan an ninh những hoạt động của các nhà văn, nhất là thời kỳ những năm 70-80 của thế kỷ trước, lúc đó ông còn trẻ.

Tại diễn đàn, Uricaru đã thề là lương tâm ông trong sạch, ông không thể nhúng tay vào những chuyện tương tự. Ông đã chứng minh mình từng viết nhiều tác phẩm văn học phản đối chế độ độc tài. Khi còn là quan chức ngoại giao, ông từng giữ chức Giám đốc Viện Rumani tại Roma trước đây, do bất đồng chính kiến với Đại sứ Rumani tại đây mà ông đã từ chức, ra khỏi ngành ngoại giao.

Mặc dù bị công kích nhưng bản báo cáo tại đại hội do ông đọc đã được các đại biểu hoan hô nhiệt liệt. Trong nhiệm kỳ ông Uricaru làm Chủ tịch, ông đã tổ chức được nhiều hoạt động văn học đáng chú ý nhằm tôn vinh giới cầm bút và văn hóa đọc. Hàng năm Hội Nhà văn Rumani đã tổ chức trên 20 festival văn học trong đó có 3-4 festival quốc tế, mời 50-60 đoàn nhà văn quốc tế đến tham gia.

Hội Nhà văn Rumani là một hội hoạt động độc lập bằng kinh phí tự tạo của mình, không nhận bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía nhà nước. Nhà nước chỉ đặt hàng một số dự án, festival văn học cho Hội Nhà văn. Các hoạt động hành chính của Hội: Hội có một bộ máy hành chính khoảng trên 10 người, lương của bộ máy này do kinh phí của Hội Nhà văn tự trang trải. Hội Nhà văn là cơ quan chủ trì trong việc tài trợ cho các dự án in sách của các nhà văn từ nguồn tiền ngân sách và nguồn tiền của các doanh nghiệp. 1/4 hội viên Hội Nhà văn Rumani đã nhận trợ cấp hàng năm từ nguồn tiền riêng của Hội Nhà văn Rumani, trong đó khoảng 100 hội viên được Hội Nhà văn báo cơm hàng ngày bằng kinh phí của Hội tại các cửa hàng ăn, do họ tuổi cao, không còn khả năng sáng tác.

Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, thông qua các hoạt động kinh doanh, Hội Nhà văn Rumani đã thu được một khoản lợi tức gần 4 triệu USD từ hoạt động: kinh doanh sòng bạc, khách sạn, nhà nghỉ, phát hành sách, báo... Hội Nhà văn Rumani có một sòng bạc, 4 khu nghỉ mát hàng năm thu hút các nhà văn và khách đến nghỉ. Trong nhiệm kỳ của mình, Uricaru đã xây dựng thêm một khách sạn 3 sao cho Hội Nhà văn Rumani tại trung tâm Bucarest bằng nguồn vốn tự có của Hội.

Tự ý thức được sự thay đổi của thời thế nên Uricaru đã chủ động rút lui. Qua nét mặt của ông được giới thiệu trên các báo Bucarest trong những ngày diễn ra đại hội, chúng tôi thấy ông tỏ ra mệt mỏi. Ngay vào tháng 10/2004, khi còn ở thế thượng phong, gặp ông tại Bucarest, chúng tôi thấy tóc ông bạc hơn nhiều so với thời kỳ ông sang thăm Việt Nam vào năm 2000. Làm thế nào được, cuộc chiến trong chính trường nào mà không khốc liệt, không làm tổn thọ con người, nhất là đối với những người cầm bút, là giới được trời phú cho họ một trái tim đa sầu đa cảm.

Mặc dù tại đại hội, nhiều nhà văn lên tiếng đòi hỏi, tuyên bố giới cầm bút cần phải tránh xa, độc lập với các cơn “áp thấp” chính trị. Bộ máy của Hội Nhà văn Rumani hoạt động và độc lập về kinh tế với chính quyền nhưng biết làm sao được, chính trị vẫn là chính trị. Khi nhà văn tham dự vào chính trường thì khó lòng mà cân đong, đo đếm được là họ sẽ được nhiều hay mất nhiều.

Những gì mà Uricaru phải trải qua cơn sóng gió vừa rồi do những dư địa chấn chính trị trên chính trường Rumani tác động đã cho thấy rõ điều đó. Một con người, dù đó là nhà văn của bất kỳ quốc gia nào cũng khó lòng thoát ra khỏi vòng xoáy của các dư địa chấn chính trị. Có điều đối với tầng lớp khác thì việc thích nghi với những dư địa chấn chính trị là chuyện nghề nghiệp, đối với giới cầm bút thì cơn địa chấn chính trị nào mà không làm cho tim óc họ đau đớn. Phát biểu với báo chí sau đại hội vài ngày, Uricaru đã cay đắng thốt lên: Xã hội Rumani hiện nay đã bước vào giai đoạn độc tài của đồng tiền tư bản...

Tiếp nhận nền tảng và cơ sở vật chất để lại, nhà phê bình văn học Nicolae Manolescu, sinh năm 1939, trên cương vị tân Chủ tịch Hội Nhà văn Rumani, ông là giáo sư đại học, Viện sĩ Viện hàn lâm Rumani, ông không khỏi lo lắng. Manolescu được đánh giá là một hiện tượng phê bình văn học có một không hai của Rumani thời kỳ sau chiến tranh, ông có nhiều đóng góp cho việc cách tân thơ ở Rumani. Ông là một nhà phê bình thẩm thơ có uy tín. Manolescu đang tìm cách thoát ra khỏi cái bóng của Uricaru từng in đậm lên các hoạt động của Hội Nhà văn trong nhiệm kỳ 2001-2005. Khi đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Rumani khóa này, Manolescu đã tuyên bố: Hãy cho ông thời gian 2 năm để ông hành động, sau thời hạn này các hội viên  sẽ phán xét ông.

Trong phiên họp đầu tiên của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Rumani sau đại hội, đã dành thời gian bàn tới các hoạt động kinh doanh, phát triển nguồn lực kinh tế cho hội..

Phạm Viết Đào
.
.