Cựu Đại sứ Mỹ và cuộc điều tra bí ẩn

Thứ Hai, 15/12/2014, 14:40
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang tiến hành một cuộc điều tra nhắm vào bà Robin Raphel, một cựu quan chức hàng đầu trong ngành ngoại giao Mỹ. Người ta vẫn chưa rõ tính chất thật sự của cuộc điều tra, nhưng những hoạt động lục soát, niêm phong và phát biểu của một số quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy đây là cuộc điều tra phản gián nhắm vào bà Raphel.

Theo các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ, FBI đã tiến hành các cuộc lục soát chỗ ở và văn phòng làm việc của bà Raphel tại Bộ Ngoại giao kể từ cuối tháng 10 vừa qua. Nhiều tài liệu, giấy tờ đã được các đặc vụ FBI mang ra khỏi nhà riêng của bà Raphel, còn văn phòng làm việc của bà thì đã bị niêm phong. Mục đích của cuộc điều tra hiện nay là để xác định tại sao bà Raphel tự ý mang các thông tin mật về nhà riêng, và liệu bà ấy có ý định chuyển hoặc đã chuyển các thông tin mật đó cho nước ngoài hay chưa. Bà Raphel đã bị thu hồi giấy thông hành an ninh, hợp đồng làm việc có thời hạn với Bộ Ngoại giao cũng tự động chấm dứt. Hôm 8/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã xác nhận: "Bà Raphel không còn là người của Bộ Ngoại giao nữa".

Dư luận trong giới chức ở Washington đánh giá việc FBI mở cuộc điều tra phản gián đối với một quan chức cao cấp ở Washington là điều cực kỳ hiếm. Khi đưa ra quyết định điều tra, Bộ Tư pháp Mỹ phải xem xét, cho dù kết quả điều tra thế nào, cũng đều để lại những hệ lụy khôn lường.

Robin Raphel năm nay 67 tuổi, là một quan chức lâu năm trong bộ máy chính quyền Mỹ. Bà bắt đầu sự nghiệp  bằng công việc phân tích thông tin tình báo tại Cục Tình báo trung ương (CIA). Giai đoạn đầu trong thập niên 70 thế kỷ XX, Robin lần đầu đặt chân đến Pakistan trong vai trò là nhà phân tích kinh tế cho Tổ chức Trợ giúp phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thực hiện các dự án tài trợ ở Islamabad. Năm 1978, bà trở về Mỹ và gia nhập Bộ Ngoại giao.
Bà Robin Raphel trong một cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ.

Robin lấy chồng là ông Arnold  Raphel, Đại sứ Mỹ tại Pakistan trong thập niên 80, thời tướng Mohammad Zia ul-Haq làm Tổng thống. Ông Raphel đã thiệt mạng cùng Tổng thống Zia ul-Haq khi chiếc máy bay chở họ bị tai nạn một cách bí ẩn vào năm 1988. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, trong đó có giả thuyết cho rằng vụ tai nạn là một vụ ám sát chính trị, ông Raphel bị vạ lây, bởi mục tiêu ám sát chính là ông Zia ul-Haq.

Thời điểm xảy ra tai nạn máy bay, Robin và Arnold Raphel đã ly hôn. Bà Raphel khi đó đang phục vụ trong phái đoàn ngoại giao Mỹ ở Nam Phi. Ngoài Nam Phi, Raphel còn được điều đến công tác tại Anh, Ấn Độ, và nhiều nơi khác. Năm 1993, Raphel quay trở về Washington để đảm nhận chức vụ Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách vùng Nam và Trung Á. Đến năm 1997, Raphel lại được điều đi làm Đại sứ Mỹ tại Tunisia đến năm 2000.

FBI và Bộ Tư pháp Mỹ có lý do để nghi ngờ Robin Raphel làm "gián điệp" cho Pakistan, bởi ở Washington, bà là một trong những người am hiểu Pakistan nhiều nhất, và cũng là người có mối quan hệ mật thiết nhất với Pakistan, từng vận động hành lang cho quyền lợi của Chính phủ Pakistan. Năm 2005, bà nghỉ hưu sau 30 năm phục vụ tại Bộ Ngoại giao, bà chuyển sang khu vực tư nhân, làm việc tại Công ty Cassidy & Associates,  chuyên hoạt động trong lĩnh vực vận động hành lang cho chính phủ các nước. Thời điểm đó, bà Raphel làm tư vấn và vận động hành lang cho Chính phủ Pakistan và Chính phủ Vùng Kurdistan của Iraq. Đây chính là giai đoạn "trống" trong sự nghiệp của bà Raphel khiến cho giới chức an ninh ở Washington đặt dấu hỏi nghi ngờ khi bà quay trở lại tiếp tục làm việc trong ngành ngoại giao Mỹ theo dạng hợp đồng có thời hạn.
Bà Robin Raphel tham gia điều hành một chương trình của USAID ở Pakistan.

Sau một thời gian công tác tại Pakistan (hỗ trợ cho dự án của USAID) và nhiều năm phụ trách mảng Nam Á trong Bộ Ngoại giao, Raphel được đánh giá cao về lĩnh vực này. Ủy ban 11/9 của Mỹ từng phỏng vấn bà khá nhiều về những vấn đề liên quan đến Chính phủ Pakistan và những lần bà tiếp xúc chính thức với thành phần Taliban ở Afghanistan. Năm 2009, Đại sứ quán Mỹ tại Islamabad thuê bà quản lý chương trình tài trợ hàng tỉ USD cho người nghèo ở Pakistan. Năm 2011, Raphel trở về Washington ký hợp đồng mới với Bộ Ngoại giao. Vai trò mới của bà là Cố vấn cho ông Richard Holbrooke, Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ về Afghanistan và Pakistan. Do tính chất nhạy cảm của vị trí công việc, cộng với những giai đoạn Raphel sống và làm việc ở Pakistan, có mối quan hệ lợi ích với Chính phủ Pakistan, trong khi quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Pakistan đã xấu đi nhiều sau hàng loạt sự kiện an ninh, tình báo tại Afghanistan và Pakistan, hợp đồng làm việc của bà Raphel có thêm điều khoản về tình trạng an ninh của bà. Theo điều khoản này thì thời hạn hợp đồng làm việc của bà sẽ tùy thuộc vào tình trạng an ninh bà được cấp; nếu tình trạng an ninh đó không còn nữa, đồng nghĩa với hợp đồng tự động chấm dứt.

Trong khi Washington râm ran về cuộc điều tra đối với Raphel, thì ở Pakistan, thái độ đón nhận cuộc điều tra ngược lại, có vẻ e dè và không đồng tình. Cũng dễ hiểu, vì ở Islamabad ít nhất cũng có nhiều người xem Raphel là một trong số ít quan chức Mỹ có cảm tình với Pakistan. Thậm chí, ở đó còn có tin đồn rằng, chính những "kẻ thù" của Pakistan đã đứng đằng sau dàn dựng nên cuộc điều tra này nhằm gây khó khăn cho Pakistan. Điều này có lý do, vì trên thực tế, báo chí cũng đã nói nhiều về việc bà Raphel vì bênh vực quyền lợi cho Pakistan đã công khai công kích Ấn Độ. "Raphel có thiện cảm với Pakistan, đó là lý do bà bị ghét ở Ấn Độ" - Najam Sethi, bình luận viên của Truyền hình GEO nhận định. Tuy nhiên, sẽ rất không chính xác nếu khẳng định những người "ghét" bà Raphel dàn dựng nên cuộc điều tra này.

An Châu (tổng hợp)
.
.