Cựu lãnh đạo các nước cộng hòa thuộc SNG thường vất vả

Thứ Sáu, 15/04/2005, 07:13

Kể từ khi Liên Xô tan vỡ, tới nay, phần lớn các nước cộng hòa trở thành độc lập trong khu vực này đã trải qua không chỉ một đời lãnh đạo. Số phận của những nhà lãnh đạo khi phải về hưu thường không suôn sẻ. Thậm chí có người còn bị tử nạn khi đương chức.

Nhà chính trị mới đây nhất phải tình nguyện "bỏ của chạy lấy người" là ông Askar Akayev. Ông này ngày 12/4 tại Moskva đã phải tình nguyện làm đơn xin từ chức Tổng thống Kyrgizia sau khi lực lượng đối lập vùng lên cướp chính quyền. Ông cũng mặc nhiên bị tước hết mọi chế độ ưu đãi, thậm chí còn không được bảo đảm an toàn nếu ông lại quay trở về quê cũ. Hiện ông Akayev không biết rõ bao giờ mình mới có thể trở về Tổ quốc yên lành. Tuy nhiên, không chỉ mình ông mới gặp chuyện không hay như vậy.

Số phận bi thảm nhất trong đội ngũ những nhà lãnh đạo ở các nước cộng hòa thuộc SNG là của Zviad Gamsakhurdia ở Gruzia. Ông này đã thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1990 với ưu thế tuyệt đối (86%), nhưng rồi cũng bị phe đối lập dùng biện pháp quân sự lật đổ.  Hai năm liên tiếp Gruzia bị nhấn chìm trong lửa nội chiến. Gamsakhurdia bị tử thương ngày 31/12/1993 ở khu vực phía Tây Gruzia trong tình huống còn nhiều điều tới nay vẫn chưa rõ ràng.

Một vị cựu Tổng thống khác của Gruzia là ông Eduard Shevardnadze cũng đang gặp khó khăn sau khi bị phe đối lập vùng lên lật đổ. Con cháu ông đang bị chính quyền mới buộc cho đủ thứ tội, đặc biệt là tội lạm quyền và tham nhũng. Mặc dù cũng tình nguyện rời khỏi ghế lãnh đạo, cho tới nay, ông Shevardnadze, như lời ông tuyên bố với báo chí, vẫn chưa nhận được khoản lương hưu mà chính quyền mới đã hứa cấp phát cho ông, nên đành phải tiêu bằng tiền đã tiết kiệm được từ trước.

Cùng cảnh không có lương hưu như ông Shevardnadze là cựu Tổng thống Belarus, Stanislav Shushkevich. Hiện ông này phải ở trong một căn hộ hai phòng khá chật chội tại Minsk. Cực chẳng đã, ông Shushkevich phải đi kinh doanh.

Cựu Tổng thống Ukraina, Leonid Kuchma, cũng đang gặp nhiều chuyện phiền toái. Khi còn ở đỉnh cao quyền lực, ông Kuchma không ủng hộ đương kim Tổng thống Ukraina, Victor Yuschenko nên bây giờ, nhà lãnh đạo mới không chỉ tỏ ra hững hờ với ông, mà dường như còn khuyến khích các cơ quan tư pháp "bới lông tìm vết" về thời ông Kuchma còn trị vì. Mọi ưu đãi cũ mà ông từng được hưởng cũng đã bị bãi bỏ.

Những vị cựu lãnh đạo nào ở các nước SNG khi mất chức rồi mà vẫn ham làm chính trị thì thường gặp họa. Cựu Tổng thống Azerbaijan (giai đoạn 1991-1992), Ayaz Mulitabov,  không chỉ bị buộc phải từ chức, mà còn bị buộc tội hình sự cho tới tận ngày hôm nay. Người kế nhiệm ông Mulitabov, cựu Tổng thống Abulfaz Elchibey, khi mất chức rồi phải di tản sang Thổ Nhĩ Kỳ và chết ở đó vì bệnh ung thư.

Cựu Tổng thống Tadjikistan (giai đoạn 1991-1992), Rakhmon Nabiyev, cũng bị phe đối lập vùng lên buộc phải từ chức. Ông này chết tháng 4/1993 mà không rõ nguyên nhân. Có nguồn tin nói ông chết vì bị nhồi máu cơ tim, nguồn tin khác lại khẳng định ông tự sát, còn nguồn tin thứ ba lại cho rằng ông đã bị bắn chết.

Tất nhiên, cũng có những vị cựu Tổng thống ở khu vực SNG hiện đang tương đối an nhàn hưởng cảnh hưu trí. Đó là cựu Tổng thống Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev, cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin, cựu Tổng thống Ukraina Leonid Kravchuk... Cựu Tổng thống Armenia (giai đoạn 1991-1998), Levon Ter-Petrosian, tự làm đơn xin từ chức vì những mâu thuẫn trong nội bộ ban lãnh đạo cao cấp. Từ đó trở đi, ông chỉ làm công việc nghiên cứu khoa học. Ông được cấp một xe riêng và một nhóm bảo vệ nhỏ. Hai cựu Tổng thống Moldova là ông Mircha Snegur (giai đoạn 1991-1996) và ông Petr Luchinsky (giai đoạn 1996-2000) khi về hưu rồi hoàn toàn không tham gia làm chính trị nữa nên cũng được yên ổn

Trọng Tấn (Theo báo Nga "Pravda"
.
.