Czech: Một loạt chính khách cao cấp bị bắt giữ

Thứ Năm, 27/06/2013, 18:50

Chính trường châu Âu vẫn còn chưa trấn tĩnh sau cuộc bố ráp tổng lực của Cơ quan Bài trừ tội phạm có tổ chức (UOOZ) trực thuộc Bộ Nội vụ Cộng hòa Czech vào các cơ quan đầu não của chính phủ, cũng như tòa thị chính thủ đô Prague và một loạt trụ sở văn phòng công ty hàng đầu khác. Những đối tượng bị bắt giữ gồm toàn “tinh hoa chính trị” của chính phủ Czech. Đồng thời, Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm cũng tiến hành khám xét 31 cơ sở ngân hàng, văn phòng công ty và nhà riêng của các nhân vật liên quan, tịch thu sung công quỹ hàng chục kilôgam vàng ròng và hơn 150 triệu koruna (gần 10 triệu USD) tiền mặt.

Ngay sau thời điểm phiên họp thường kỳ của Chính phủ Czech chấm dứt vào lúc 23 giờ ngày 13/6 và kéo dài đến hết ngày 15/6, hơn 400 cảnh sát đặc nhiệm đã tiến hành lục soát, bắt giữ và tống giam nhiều chính khách cao cấp đã nghỉ hưu hay đang tại chức.

Nổi cộm trong số này là bà Jana Nagyova, Bộ trưởng Phủ thủ tướng trong nội các của đương kim Thủ tướng Petr Necas, nổi danh qua biệt hiệu "Hoa khôi của Chính phủ Czech", cũng là người từng bị thiên hạ đồn đoán lâu nay có quan hệ "trên mức tình cảm" với Thủ tướng P. Necas nên được ông này ưu ái đặc cách cho giữ chức vụ mang ý nghĩa là "tổ trưởng của các bộ trưởng"; đồng thời là "người thứ 3 chen ngang" khiến người đứng đầu chính phủ vừa li dị bà vợ Radka Necasova.

Các nhân vật cao cấp bị bắt giữ khác là đương kim Chánh văn phòng nội các Lubomir Poul; Trung tướng Milan Kovanda, Cục trưởng Cục Tình báo quân đội, người vừa được Tổng thống Milos Zeman ra quyết định thăng quân hàm gần một tháng trước; đương kim Giám đốc Cục Dự trữ Quốc gia Ondrej Palenik, cũng là người tiền nhiệm của Cục trưởng M. Kovanda. Còn những người đã nghỉ hưu hoặc thuyên chuyển công tác là nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp Ivan Fuksa; cựu Thứ trưởng Nông nghiệp Roman Bocek; Petr Tluchor, cựu Chủ tịch nhóm nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Công dân (ODS) đương quyền của Thủ tướng P. Necas tại Quốc hội Czech.

Những chính khách đã chính thức bị truy tố (từ trái qua): nguyên Bộ trưởng I. Fuksa, cựu Thứ trưởng R. Bocek, Nghị sĩ P. Tluchor, Cục trưởng O. Palenik và "Hoa khôi" J. Nagyova.

Những nhân vật thuộc tầng lớp "tinh hoa chính trị" nêu trên vốn nằm trong vòng thân cận với Thủ tướng P. Necas, đều bị buộc tội lạm dụng quyền hạn đặc biệt nghiêm trọng và tham nhũng, 5 người trong số này đã chính thức bị truy tố.

Theo nguồn tin thân cận với cơ quan tư pháp thì họ bị bắt giữ bởi có quan hệ mật thiết với tỉ phú Roman Janousek, một trong những doanh nhân giàu nhất Cộng hòa Czech. Tên tuổi của họ đã lọt vào "vòng ngắm" của cơ quan công tố từ lâu, do cảnh sát đã tiến hành nghe lén hàng trăm cuộc điện thoại của R. Janousek suốt 2 năm qua, nhằm khám phá những phi vụ làm ăn phi pháp và vận động hành lang mờ ám của tỉ phú này. Tỉ phú R. Janousek chính là kẻ đã gây tai nạn giao thông trên đường phố Prague hồi tháng 3/2012 rồi lái xe bỏ chạy, làm một phụ nữ gốc Việt định cư ở Czech thiệt mạng. Hiện thủ phạm được tại ngoại hầu tra do đóng tiền thế chân bảo lãnh và chờ ngày ra tòa.

R. Janousek cũng là "chiến hữu cực thân" với cựu Thị trưởng Prague Pavel Bem, người từng giúp ông ta thắng nhiều gói thầu trong xây dựng cơ sở hạ tầng ở thủ đô, kể cả công trình tuyến đường tàu điện ngầm mới của Prague đầy tai tiếng vì chậm tiến độ, thất thoát nguyên vật liệu nên liên tục đội giá thành lên đến cả tỉ USD.

Pavel Hantak, người phát ngôn của UOOZ, cho biết, cảnh sát thực thi theo lệnh khám xét và bắt giữ từ Viện Công tố Tối cao vùng Moravia có trụ sở tại thành phố Olomouc, cũng là địa bàn nơi R. Janousek hẹn gặp gỡ để đưa hối lộ cho giới chính khách biến chất.

Ngoài ra, theo Giám đốc UOOZ Robert Slachta thì lực lượng cảnh sát đặc nhiệm cũng tiến hành khám xét 31 cơ sở ngân hàng, văn phòng công ty và nhà riêng của các nhân vật liên quan, tịch thu sung công quỹ hàng chục kilôgam vàng ròng Thụy Sĩ và hơn 150 triệu koruna (gần 10 triệu USD) tiền mặt, là những vật chứng tham nhũng được cố tình che giấu.

"Hiện R. Janousek không có mặt tại Czech mà đang ở Croatia, nhưng có thể sẽ bị tạm giữ để làm nhân chứng đối chất khi trở về nước", Giám đốc R. Slachta cho biết thêm.

Cảnh sát đặc nhiệm trấn áp một nhân viên chi nhánh ngân hàng thương mại ở Prague.

Sau khi vụ bố ráp tổng lực kết thúc, Tổng thống M. Zeman đã có cuộc họp khẩn với Bộ trưởng Nội vụ Jan Kubice, Tổng chưởng lý Pavel Blazek và Cảnh sát trưởng Quốc gia Martin Cervícek. "Các vụ bắt giữ dựa trên những bằng chứng đáng tin cậy", như trong thông báo kết luận từ Văn phòng Tổng thống. Riêng với trường hợp của nữ Bộ trưởng 49 tuổi J. Nagyova cũng là "cánh tay phải" của Thủ tướng P. Necas, Tòa án thành phố Ostrava thủ phủ vùng Moravia đã ra quyết định truy tố với nhiều tội danh như tham nhũng và lạm quyền, "vung tiền" mua thông tin hòng hạ thấp uy tín các đối thủ chính trị, cũng như xâm phạm đời tư của người khác.

Cụ thể là tổ chức theo dõi phi pháp phu nhân của Thủ tướng nhằm tạo bằng chứng khiến ông phải đệ đơn ly hôn. Với tội danh lạm dụng chức vụ, Bộ trưởng J. Nagyova có thể đối mặt với mức án tới đa là 10 năm tù, với tội danh theo dõi phi pháp là 5 năm tù giam. Còn 2 viên lãnh đạo tình báo quốc phòng đã trực tiếp chỉ thị việc tiến hành bí mật giám sát bà R. Necasova, vi phạm quy chế quân sự đặc thù là không được xen vào lĩnh vực dân sự.

Nhân sự kiện bắt giữ hàng loạt chính khách cao cấp chưa từng có trong lịch sử Cộng hòa Czech, Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (CSSD) đối lập Bohuslav Sobotka đã đòi giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử trước thời hạn. Diễn biến mới nhất liên quan đến vụ bắt bớ gây chấn động chính trường châu Âu là vào tối ngày 17/6 vừa qua, Tổng thống M. Zeman đã xuất hiện trên Đài Truyền hình Quốc gia, chính thức lên tiếng kêu gọi Chính phủ của Thủ tướng P. Necas nên tự nguyện từ chức, nhằm "giữ uy tín cho thể diện chính trị của đất nước trước con mắt bạn bè quốc tế" như nguyên văn lời ông.

Về phần mình Thủ tướng P. Necas đã tâm sự với phóng viên của Kênh truyền hình T24, rằng: "Tôi luôn tin tưởng các đồng nghiệp dưới quyền chưa làm điều gì khuất tất. Ngay cả bản thân tôi cũng vậy nên không có lý do để nội các phải từ chức".

Tuy nhiên chỉ nội vài giờ sau, Thủ tướng P. Necas đã loan báo quyết định từ nhiệm chức vụ người lãnh đạo nội các, cũng như vị trí thủ lĩnh ODS tại buổi họp báo ở thủ đô Warsaw trong chuyến công du ngắn ngày của ông tại Ba Lan. "Ban lãnh đạo ODS sẽ chỉ định một chính trị gia khác đứng ra thành lập chính phủ mới cho đến kỳ bầu cử kế tiếp vào năm tới", Thủ tướng P. Necas cho biết.

Còn giới bình luận am hiểu cho rằng hiện thời các chính đảng khác trong liên minh cầm quyền không còn hậu thuẫn cho ODS nữa, hòng tránh bị "vạ lây" sau vụ bố ráp đầy tai tiếng. Trong trường hợp ngược lại việc thành lập chính phủ mới cũng rất nan giải, bởi liên minh cầm quyền đã mất 2 ghế là những nghị sĩ thuộc ODS vừa bị truy tố, nên không có đủ lượng dân biểu chiếm đa số tối thiểu cần thiết (hơn 50%) tại Quốc hội, điều kiện căn bản để hình thành Chính phủ theo quy định của Hiến pháp Cộng hòa Czech.

Riêng giới quan sát chính trị sành sỏi lại đề cập đến khả năng Tổng thống M. Zeman là người có tiếng nói cuối cùng trong việc bổ nhiệm tân thủ tướng, cũng là "kỳ phùng địch thủ" lâu nay với P. Necas sẽ chỉ định một người không đảng phái đứng ra làm quyền thủ tướng cho tới cuộc bầu cử Quốc hội trong năm 2014.

Được biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử sau hơn 2 thập niên tách ra khỏi Tiệp Khắc cũ một vị thủ tướng Czech đã bị mất chức vì liên quan đến vấn nạn tham nhũng

Kim Dung (tổng hợp)
.
.