Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc: Xác lập nhiều đột phá

Thứ Ba, 27/11/2012, 11:15

Việc Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (BCHTW ĐCSTQ) khóa 18 bầu thay thế Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Hồ Cẩm Đào hôm 15/11 khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi trước đó từng có tin nói rằng, ông Hồ Cẩm Đào muốn trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1/10/1949) đến nay thực hiện việc không can dự vào chính trường sau khi kết thúc nhiệm kỳ.

Cách đây 30 năm (1982-2012), Trung Quốc từ bỏ cương vị Chủ tịch đảng, duy trì chế độ Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước và người đương nhiệm vẫn duy trì quyền lực bằng cách giữ ghế Chủ tịch Quân ủy Trung ương 2 năm sau khi hết nhiệm kỳ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.

Quan điểm phát triển khoa học

Gần hết giờ buổi sáng ngày 15/11, 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và tân Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình bước vào Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. Tại đó đang có gần 250 phóng viên nước ngoài của hơn 180 phương tiện truyền thông đại chúng đến từ 42 nước trên thế giới cùng gần 100 phóng viên của hơn 70 phương tiện truyền thông đại chúng đến từ Hongkong, Macao, Đài Loan và đông đảo phóng viên của hơn 60 phương tiện truyền thông đại chúng Trung Quốc, đang chờ để giao lưu, quay phim, chụp ảnh.

Tại buổi gặp mặt nói trên với giới truyền thông, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh, Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18 (Đại hội 18) đã kết thúc thành công và BCHTW khóa 18 đang đứng trước những khó khăn và thách thức mới. Do đó, cần không ngừng đổi mới tư duy, thực hiện cải cách mở cửa, giải phóng và phát triển sức sản xuất, nỗ lực giải quyết những khó khăn của người dân...

Trước đó, trong Báo cáo chính trị đọc trước Đại hội 18, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã nêu ra 4 thách thức lớn trong tình hình mới (thách thức cầm quyền, thách thức cải cách mở cửa, thách thức kinh tế thị trường và thách thức môi trường bên ngoài) và 4 nguy cơ lớn: nguy cơ buông lỏng tinh thần, nguy cơ thiếu năng lực, nguy cơ tách rời quần chúng và nguy cơ tiêu cực tham nhũng.

Trung Quốc đã chính thức lập "đồng hồ đếm ngược" để tới năm 2020 (kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng) hoàn thành việc xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cũng như xây dựng nhà nước hiện đại hóa, xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh và hài hòa vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Khái niệm "xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc" lần đầu tiên được đưa vào Báo cáo chính trị của Đại hội 18. Theo đó, để xây dựng "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" phải tiến hành đồng thời 5 mặt xây dựng, bao gồm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường văn minh. Lĩnh vực môi trường văn minh lần đầu tiên được đề cập và đưa vào Báo cáo chính trị của ĐCSTQ.

Một trong những điểm được coi là quan trọng nhất tại Đại hội 18 là chính thức xác lập "quan điểm phát triển khoa học" do Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào khởi xướng thành tư tưởng chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung Quốc trong những năm tới. Dư luận đặc biệt quan tâm tới việc Đại hội 18 coi Quan điểm phát triển khoa học là sự kết tinh trí tuệ tập thể của ĐCSTQ, là tư tưởng chỉ đạo lâu dài của đảng, đồng thời nêu rõ quan điểm đó đại diện cho thành tựu mới nhất mà ĐCSTQ đạt được trong quá trình áp dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện thực tiễn của Trung Quốc.

Đại hội 18 cũng xác nhận, Quan điểm phát triển khoa học cùng Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình và Thuyết 3 đại diện là tư tưởng chỉ đạo của ĐCSTQ. Cốt lõi của Quan điểm phát triển khoa học là lấy con người làm gốc. Quan điểm phát triển khoa học bao hàm mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, sinh thái, tới đối ngoại, xây dựng Đảng… Nội hàm của Quan điểm phát triển khoa học có 4 điểm chính, đó là kiên trì lấy thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội là ý nghĩa quan trọng nhất, kiên trì việc lấy dân làm gốc làm lập trường chính, lấy phát triển hài hòa, bền vững là yêu cầu cơ bản và lấy phát triển toàn diện là phương pháp căn bản.

Giới phóng viên tại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh đưa tin về Đại hội.

Quốc kế dân sinh

Tại Đại hội 1 (họp từ 23 đến 31/7/1921 tại Thượng Hải) chỉ có 12 đại biểu đại diện cho 50 đảng viên, nhưng sau 91 năm, tại Đại hội 18, Trung Quốc đã có hơn 82 triệu đảng viên. Do đó, thách thức đối với ban lãnh đạo mới với hạt nhân lãnh đạo là Tổng Bí thư Tập Cận Bình là rất lớn, nhất là khi Trung Quốc đang bước vào thời điểm then chốt trong công cuộc cải cách mở cửa, hiện đại hóa đất nước cùng nguy cơ nền kinh tế "hạ cánh cứng" ngày càng gia tăng. Đại hội 18 chứng kiến đợt cải tổ lớn nhất trong lịch sử bởi có tới 7/9 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị nghỉ hưu.

Nghị quyết của Đại hội 18 nêu rõ, ĐCSTQ coi cải cách mở cửa là con đường để xây dựng một nước Trung Quốc mạnh hơn và là đặc trưng quan trọng nhất của giai đoạn phát triển mới tại quốc gia hơn 1,34 tỉ người, đồng thời nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc thúc đẩy những tiến bộ về sinh thái. Người dân Trung Quốc quan tâm tới 3 vấn đề chính và mong được cải thiện, đó là chăm sóc y tế, giáo dục và an toàn thực phẩm. Bởi có tới 252 triệu người nhập cư không được hưởng lợi ích an sinh xã hội cũng như chăm sóc y tế, giáo dục và nhà ở như những người ở thành thị. Năm 2011, tỷ lệ đô thị hóa đạt mức 51,3% - lần đầu tiên dân số đô thị vượt dân số nông thôn. Hiện đã có hơn 160 thành phố của Trung Quốc có dân số hơn 1 triệu người, trong khi ở Mỹ chỉ có 9 thành phố. Ngoài ra, người dân còn quan tâm tới tham nhũng, bất bình đẳng trong thu nhập, cải cách hộ khẩu…

Khi ông Hồ Cẩm Đào mới bắt đầu đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (2002-2012), nền kinh tế Trung Quốc đứng thứ 6 thế giới, nhưng với tốc độ tăng trưởng trung bình 9,5%/năm trong 10 năm qua, thu nhập đầu người tăng gần 5 lần, từ 1.100 USD lên hơn 5.400 USD và trở thành cường quốc thứ 2, sau Mỹ về kinh tế. Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, Trung Quốc có thể vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 4 năm tới.

Tuy nhiên nhiều người cho rằng, sau 34 năm cải cách (1978-2012), mặc dù đã trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới, nhưng Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp, quan trọng với quy mô lớn như khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, sức ép việc làm gia tăng, chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền, khu vực ngày một lớn, môi trường sinh thái bị hủy diệt, phát triển xã hội tụt hậu so với phát triển kinh tế…

2012 không những là năm bản lề đối với Trung Quốc - khởi đầu giai đoạn thay đổi liên tục, mà còn là một năm có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với quốc gia đông dân nhất thế giới, bởi là năm thứ hai thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015), là năm thứ 34 thực hiện chính sách cải cách mở cửa (1978-2012), năm thứ 21 thực hiện chiến lược tăng tốc kinh tế, năm thứ 20 chuyển nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Với diện tích rộng 9.571.300 km² cùng đường biên giới với 14 quốc gia, chiếm gần 25% diện tích châu Á và gần 1/14 diện tích thế giới, Trung Quốc đang muốn trở thành trung tâm thế giới trong thời gian tới.

Tổng Bí thư Tập Cận Bình và phu nhân, bà Bành Lệ Viên.

Đôi nét về tân Tổng Bí thư Tập Cận Bình

Tổng Bí thư Tập Cận Bình (sinh ngày 15/6/1953) là con trai trong gia đình có 5 anh chị em của nguyên Phó thủ tướng Tập Trọng Huân (tên gọi khi mới sinh là Tập Trung Huân, tự Tương Cận), người từng bị bức hại trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa, là người đề ra mô hình đặc khu kinh tế Thâm Quyến, là một trong bát đại nguyên lão thời kỳ Đặng Tiểu Bình nắm quyền. Tổng Bí thư Tập Cận Bình từng không chịu đi đôi dép của chị vì bị các bạn cùng lớp trêu, nhưng đã bị bố nghiêm khắc nhắc nhở.

Được biết, trong suốt thời gian đi học, rất ít người biết ông Tập Cận Bình là con trai Phó thủ tướng Tập Trọng Huân bởi lối sống khiêm tốn, kín đáo và giản dị. Thói quen cần kiệm đã trở thành gia phong của gia đình họ Tập từ lúc nào không biết. Sự cần kiệm, chịu khó, giản dị của ông Tập Trọng Huân không những truyền cho các con, mà cả con dâu.

Trước khi được bầu làm Phó chủ tịch nước tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XI (18/3/2008), chuyện tình đầy lãng mạn của cựu Bí thư Thượng Hải Tập Cận Bình từng được đưa lên mạng. Đây là lần đầu tiên, chuyện tình cũng như cuộc sống đời thường của một Ủy viên Bộ Chính trị (nay là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và Tổng Bí thư) được đăng tải công khai. Giới truyền thông Trung Quốc cho biết, sau cuộc gặp đầy duyên phận tại một quán trà, ông Tập Cận Bình đã bị bà Bành Lệ Viên (Viện) hút hồn bằng một bài hát dân ca. Nhưng sau đó nữ ca sĩ tài sắc của thủ đô Bắc Kinh lại bị cách nói chuyện cùng nụ cười của ông Tập Cận Bình "hạ gục nhanh".

Bà Bành Lệ Viên.

Ông Tập Cận Bình đã làm quen với bà Bành Lệ Viên (sinh ngày 20/11/1962) khi đang là Phó thị trưởng thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Mặc dù là Phó thị trưởng, nhưng đám cưới của ông Tập Cận Bình (1-9-1987) khá giản đơn. Tuy có chồng giữ cương vị trong xã hội như vậy, nhưng bà Bành Lệ Viên sinh con (năm 1992) một mình, không kêu ca, phàn nàn bởi họ hiểu và thông cảm với nhau trong công việc.

Bà Bành Lệ Viên từng rất ngạc nhiên về lối sống giản dị của gia đình Phó thủ tướng Tập Trọng Huân khi ngày đầu tới nhà bố mẹ chồng tương lai - họ sống giản dị hơn cả những gia đình viên chức bình thường. Mặc dù rất bận công việc và thường xuyên thay đổi nơi làm việc, nhưng ông Tập Cận Bình chưa bao giờ yêu cầu vợ phải nghỉ việc ở nhà nội trợ, chăm sóc chồng con.

Hiện bà Bành Lệ Viên là ngôi sao ca nhạc mang quân hàm Thiếu tướng và thường xuyên xuất hiện trong chương trình đón năm mới được phát trực tiếp trên đài truyền hình. Bà Bành Lệ Viên từng nhận xét chồng là người tiết kiệm, làm việc chăm chỉ và thực tế. Họ có một con gái duy nhất (Tập Minh Trạch) và có tin nói rằng, cô đang học tại Trường đại học Harvard, Mỹ

Trường Giang - Quốc Trung (tổng hợp)
.
.