Đàm phán hạt nhân Iran: Thu hẹp khoảng cách về quan điểm các bên

Chủ Nhật, 23/01/2011, 23:30
Vòng 2 của tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 (5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức) dự kiến sẽ diễn ra vào các ngày 21 và 22/1/2011 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là vòng đàm phán quan trọng, quyết định tương lai các vòng đàm phán sẽ diễn ra như thế nào và khả năng thành công là bao nhiêu.

Ngày 15/1/2011, Iran đã đưa các phái đoàn ngoại giao nhiều nước đi tham quan một vòng quanh các cơ sở hạt nhân của nước này. Mặc dù không có mặt các đại sứ của Nga, Trung Quốc, EU và Mỹ, nhưng các cơ sở hạt nhân của Iran đã được 7 vị đại sứ thành viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đến từ Ai Cập, Cuba, Syria, Algeria, Venezuela, Oman và Liên đoàn Arập tham quan.

Theo truyền hình quốc gia Iran, các cơ sở hạt nhân mở cửa tham quan từ ngày 15-1 là Arak và Natanz. Đại sứ Iran tại IAEA Ali Asghar Soltanieh nhấn mạnh, việc mở cửa các cơ sở hạt nhân chỉ nhằm mục đích mời các đại sứ thành viên IAEA tham quan chứ không phải là hoạt động thanh sát của cơ quan này. Báo chí Iran và quốc tế cho rằng đây là những nỗ lực "minh bạch hóa" hoạt động hạt nhân của Tehran nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước trước vòng đàm phán tại Istanbul.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc Iran đồng ý quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân đã là một dấu hiệu đầy khả quan, phản ánh một chiều hướng hợp tác có thể đạt được những thỏa thuận nhất định giữa các bên để giải quyết dứt điểm các vấn đề về hoạt động hạt nhân của Iran. Việc Washington tiếp tục dùng "chiếc gậy" cấm vận kinh tế với lý do "Iran không chịu ngừng chương trình hạt nhân" ngay trước khi bước vào bàn đàm phán vòng 2 là một động thái không hay lắm về mặt chính trị và ngoại giao.

Mục tiêu đàm phán đang được nối lại chính là để thu hẹp khoảng cách về lập trường quan điểm của đôi bên đối với chương trình hạt nhân mà Iran theo đuổi. Buộc Iran ngừng chương trình hạt nhân là điều không thể, nhất là khi người Iran xem đó như một niềm tự hào của quốc gia, của dân tộc, là quyền đã được công nhận. Nguyên tắc cơ bản của Iran là tìm kiếm một sự hợp tác nhất định với phương Tây để nước này tiếp tục xây dựng các lò phản ứng hạt nhân "vì mục đích hòa bình" của mình - dùng vào việc phát điện và trị liệu y khoa.

Trong khi đó, thời gian qua đã chứng minh rằng, dùng biện pháp mạnh, như cấm vận kinh tế, không thể mang lại kết quả mong muốn mà ngược lại ngày càng khiến Iran trở nên khó thỏa hiệp hơn. Đó cũng là con đường đã dẫn các cuộc đàm phán hạt nhân "khi trồi khi sụt" với Iran trong nhiều năm qua, nhất là dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush, đi đến chỗ bế tắc hoàn toàn. Đến thời của Barack Obama lên thay thì, dù có nhiều tín hiệu "đối thoại" liên tục được phát ra, nhưng Washington vẫn giữ lập trường như cũ, không thể thay đổi được gì.

Một lối thoát khả thi vào lúc này là phương án hoán chuyển nhiên liệu từng được nhóm P5+1 đưa ra với Iran vào tháng 10/2009: chuyển một phần nguyên liệu uranium của Iran sang một nước thứ 3 để làm giàu rồi chuyển ngược trở về cho các lò phản ứng có nhu cầu của Iran. Phương án đó tuy khả thi nhưng chính những yêu cầu của các bên khi thực thi lại khiến cho nó bị xếp xó hơn một năm nay (Iran đòi làm giàu uranium ở Nga, trong khi phương Tây nhất định phải làm ở Pháp).

Điều đáng nói hơn, tháng 5/2010, 3 nước Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã cùng nhau đạt được một thỏa thuận "tay ba" cho một phương án hoán chuyển nhiên liệu khả thi là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp Iran làm giàu uranium. Tuy nhiên, phương Tây và nhất là Mỹ lại không đồng tình với phương án này, đơn giản vì nó chỉ là thỏa thuận giữa 3 nước nói trên.

Cho đến trước vòng đàm phán tái khởi động tại Vienna hồi tháng 12/2010, phương án hoán chuyển nhiên liệu lại được nhắc đến như một "lối thoát" khả dĩ nhất cho bế tắc hiện tại, nhưng những gì đạt được tại Vienna là rất khiêm tốn: sẽ tiếp tục đàm phán vòng 2 tại Istanbul!

Những diễn biến mới trong tuần lễ trước vòng đàm phán tại Istanbul đang khiến nhiều người lo âu cho khả năng thành công của các bên. Mỹ đã bắt đầu áp dụng thêm một số trừng phạt đơn phương mới, đồng thời vận động các nước đồng minh trong EU và các thành viên Hội đồng Bảo an để chuẩn bị cho một lệnh trừng phạt mở rộng đối với Iran nhằm gây sức ép với nước này trước khi bước vào đàm phán. Tuy nhiên, hiện phương án trừng phạt mới này đang vấp phải trở ngại do các thành viên HĐBA không nhất trí với nhau. Lần này, Nga và Trung Quốc đã không đồng ý tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran.

IAEA đang ngày càng cho thấy một thái độ thân Mỹ nhiều hơn và cứng rắn hơn với Iran. Đã không còn thấy những quan điểm trung lập vốn là "thương hiệu" của tổ chức này dưới thời ông Mohammed ElBaradei. IAEA dưới thời ông Yukiya Amano thiên về việc ép Iran mạnh tay hơn trong vấn đề hợp tác giải quyết những gút mắc xoay quanh chương trình hạt nhân của nước này.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Đức Der Spiegel mới đây, ông Amano đã phớt lờ những bước đi hợp tác hiệu quả mà tổ chức này thời ông ElBaradei từng đạt được với Iran. Thay vào đó là những lời chỉ trích Iran "thiếu hợp tác", là yêu cầu cứng rắn rằng Iran phải "phục tùng" vô điều kiện các hoạt động thanh sát của IAEA...

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tiếp tục nhiều hoạt động nhằm duy trì "ngọn lửa" chống Iran trong khu vực. Thủ tướng Netanyahu đã đưa Tamir Pardo lên làm Giám đốc Mossad thay cho Meir Dagan ngay sau khi ông này đưa ra tuyên bố "Iran còn lâu mới chế được bom hạt nhân". Còn bà Clinton thì kêu gọi các nước Arập đồng minh "đừng lơi tay với Iran".

Phát biểu với báo chí hôm 12/1, đại sứ Iran tại IAEA Soltanieh đã cảnh báo, thời gian dành cho các cuộc đàm phán không còn nhiều. Nếu vòng đàm phán tại Istanbul thất bại thì rất có thể trong tương lai Iran sẽ không tham gia đàm phán nữa. Liệu phương Tây sẽ đón nhận điều này như thế nào?

Văn Trương (tổng hợp)
.
.