Đàm phán về hạt nhân Iran lại thất bại

Thứ Sáu, 28/01/2011, 17:10
Sau 2 ngày đàm phán với Iran, 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức (P5+1) đã ra về tay không. Đối thoại tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỹ, đã không đem lại kết quả mong muốn và trước mắt các bên không dự kiến trở lại bàn đàm phán.

Ngày 21/1 vừa qua, Nhóm P5+1 và Iran đã bắt đầu tiến hành đàm phán tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm tìm cách giải tỏa những căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton dẫn đầu đoàn đàm phán của P5+1, Trưởng đoàn Iran là nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của nước này Saeed Jalili. Đây là vòng đàm phán hạt nhân thứ hai giữa nhóm P5+1 và Iran sau thời gian gián đoạn 14 tháng. Vòng đàm phán thứ nhất, diễn ra trong các ngày 6 và 7/12/2010 tại Geneva, Thụy Sĩ, kết thúc trong bất đồng.

Theo bà Ashton, điều quan trọng nhất là Iran phải chứng minh được với cộng đồng quốc tế rằng, chương trình hạt nhân của Tehran nhằm phục vụ các mục tiêu dân sự. Cộng đồng quốc tế lo ngại Iran theo đuổi mục tiêu chế tạo vũ khí hạt nhân. Trong phiên họp đầu tiên, đại diện nhóm P5+1 đã thảo luận với đại diện phái đoàn Iran về khả năng trao đổi uranium trên cơ sở tin cậy lẫn nhau.

Đây là những đề nghị mà cộng đồng quốc tế đã đưa ra với Tehran từ năm 2009, nhưng đã bị Iran bác bỏ. Tháng 5/2010, Iran đã cùng với Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một đề nghị khác, ít mang tính bó buộc hơn đối với tham vọng hạt nhân của Tehran. Nhưng sáng kiến của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đã không được phương Tây hưởng ứng.

Phát biểu trước báo giới sau 2 ngày đàm phán, bà Catherine Ashton cho biết, vòng đàm phán này không đạt được thỏa thuận nào do những tranh cãi về nội dung các cuộc đàm phán trong tương lai. Theo đại diện trưởng đoàn đàm phán nhóm P5+1, Iran kiên quyết đòi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhà nước Hồi giáo và coi đây là điều kiện tiên quyết. Xin nhắc lại là, tháng 6/2010, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết mới trừng phạt Iran trên phương diện kinh tế, để buộc nước này từ bỏ các hoạt động nhạy cảm trong chương trình hạt nhân. Nhiều nước khác, như Mỹ, Canada, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng đưa ra các biện pháp trừng phạt bổ sung. Tehran cũng đòi hỏi các cường quốc thừa nhận Iran có quyền làm giàu uranium.

Bà Catherine Ashton khẳng định những yêu cầu trên của Iran là không thể chấp nhận, tuy nhiên bà xác nhận, cánh cửa đàm phán vẫn để ngỏ đối với Iran. Còn theo ông Zohrevand, Phó trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, các cuộc hội đàm trong tương lai sẽ được nối lại, Iran và Mỹ cũng không cần phải đàm phán song phương.

Phát biểu tại thành phố Rasht miền Bắc Iran, ngày 23/1, Tổng thống Ahmadinejad tuyên bố, mặc dù thất bại, nhưng những điều kiện đã hội tụ để đạt được những thỏa thuận tốt trong các cuộc đàm phán tương lai nếu phía bên kia chứng tỏ sự công bằng và tôn trọng đối với Iran.

Ông Ahmadinejad cũng khẳng định, vấn đề hạt nhân Iran không thể được giải quyết chỉ trong một vài cuộc gặp gỡ, các bên có thể đạt được kết quả thông qua cách thức công bằng, hợp pháp và tôn trọng. Cùng ngày 23/1, trong một thông báo ngắn đăng trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, giới chức ngoại giao Trung Quốc cho rằng, vấn đề hạt nhân của Iran "rất phức tạp, nhạy cảm và không thể giải quyết dứt điểm trong một hoặc hai vòng đàm phán. Tuy nhiên, mỗi bên cần quyết tâm đàm phán trên tinh thần linh hoạt và thực tế, tạo lập niềm tin cho nhau và nỗ lực để giải quyết vấn đề này một cách toàn diện và hợp lý".

Trong khi đó, trong một hồ sơ mật của Bộ Ngoại giao Mỹ vừa được WikiLeaks cho công bố trên tờ The Guardian số ra ngày 20/1 tại London, ngay từ đầu năm 2009 Mỹ đã tin rằng, Iran có đủ khả năng làm giàu uranium, một bước thiết yếu để tiến tới việc chế tạo bom nguyên tử.

Bức công điện từ Đại sứ quán Mỹ ở Áo gửi về Bộ Ngoại giao báo cáo cuộc họp của các chuyên gia nguyên tử ở thủ đô Vienna ngày 20/4/2009 trong đó đại diện Mỹ khẳng định là: "Việc sử dụng hệ thống ly tâm của Iran chứng tỏ họ có đủ khả năng sản xuất uranium  làm giàu ở mức độ cao (HEU) nếu họ muốn". Không phải tất cả các nước phương Tây đều chia sẻ nhận định này với Mỹ nhưng rõ ràng là biện pháp cấm vận quốc tế đã không ngăn cản được Iran đạt tới kỹ năng cần thiết để chế tạo bom nguyên tử. Sản xuất HEU là trở lực lớn nhất cho mọi quốc gia nào có ý định chế tạo bom nguyên tử.

Chiến lược của các nước phương  Tây là làm chậm tiến trình của Iran với hy vọng áp lực kinh tế sẽ buộc quốc gia này từ bỏ chương trình phát triển nguyên tử. Kế hoạch đạt được một số kết quả bằng những hành động phá hoại bí mật như đưa vào hệ thống máy tính điều khiển nhà máy điện nguyên tử của Iran virút máy tính Stuxnet mà người ta tin là do Mỹ và Israel phối hợp thực hiện.

Trong công điện ngoại giao Mỹ còn nêu ra một số những chi tiết khác trong kế hoạch này: Nga cam kết không để Iran sản xuất nhiên liệu cho nhà máy điện nguyên tử do Nga thiết lập ở Bushehr và không cung cấp kỹ thuật cho Iran làm các điện trì nguyên tử ấy; Anh dự đoán Iran sẽ tập trung được khoảng 20 tấn uranium cấp thấp vào năm 2014, đủ để chế tạo 19 trái bom; Pháp cho biết kho nguyên liệu của Iran chỉ còn khoảng 100 tấn quặng uranium; Mỹ đã tìm cách cắt nguồn tiếp liệu thép cao cấp - được gọi là maraging steel - và sợi carbon.

Giới chức phương Tây nhìn nhận là Iran có thể tìm ra cách đi đường vòng tất cả mọi nỗ lực ngăn chặn nhưng ít nhất những biện pháp này sẽ làm họ bị chậm trễ, và điều quyết định nhất vẫn là do ở sự thay đổi chính sách của giới lãnh đạo Iran

Nguyễn Lê Bảo Phương (tổng hợp)
.
.