AMLO - người hùng mới của chính trường Mexico:

“Đất nước không thể là tài sản cá nhân của 4-5 người”

Thứ Hai, 14/05/2018, 15:03
Lời hứa “xử lý triệt để tình trạng tham nhũng tràn lan” đã khiến cử tri Mexico như lên cơn sốt, đẩy tỉ lệ ủng hộ ông Andres Manuel Lopez Obrador (thường gọi tắt là AMLO) lên cao, giúp ông trở thành ứng viên dẫn đầu cuộc đua vào ghế Tổng thống Mexico nhiệm kỳ tới. Nhưng những người đối nghịch tô vẽ ông là một người cực tả và viễn cảnh ông lên làm tổng thống khiến họ cảm thấy bất an.

Lời tiên tri

Cách đây hơn 30 năm, vào năm 1987, nữ chính khách Teresa Jaber khi đó còn rất trẻ, mới tập tễnh làm chính trị, đã đến dự một cuộc họp mặt chính trị bí mật tại thành phố Villahermosa, thủ phủ bang Tabasco, tây nam Mexico, do AMLO chủ trì. Tại cuộc họp mặt đó, Jaber đã chứng kiến AMLO phát động một cuộc cách mạng theo cách gọi của ông. Jaber nhớ lại AMLO đã nói khi đó: “Đất nước không thể tiếp tục là tài sản cá nhân của 4 hay 5 người”. Rồi ông đưa ra lời tiên tri khiến Jaber sững người: “Tôi sẽ trở thành Tổng thống Mexico”.

Ngay sau những lời phát biểu như “sấm truyền” đó, Jaber lập tức đăng ký tham gia đội quân làm “cách mạng” của AMLO, trở thành một trong những người đi rao truyền quan điểm, đường lối chính trị của ông trên khắp đất nước.

31 năm sau, lời “tiên tri” của AMLO dường như đang dần trở thành hiện thực. Đất nước Mexico sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống mới vào ngày 1-7 tới, và AMLO hiện đang là người dẫn đầu trong tất cả các cuộc thăm dò cử tri. AMLO đại diện cho một liên minh đảng phái có tên gọi là Cùng nhau chúng ta làm nên lịch sử (Together We Will Make History).

AMLO tuyên bố, nếu ông giành chiến thắng vào tháng 7 tới, điều đầu tiên ông thực hiện trên cương vị Tổng thống Mexico là nắm lại quyền kiểm soát ngành công nghiệp dầu mỏ, ân xá cho những người tham gia trong cuộc chiến chống ma túy và tuyên chiến với những tên mafia ma túy đầy quyền lực ở Mexico.

Lời hứa tuyên chiến này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Mexico vốn đang phẫn nộ trước tình trạng tham nhũng quá mức của tầng lớp lãnh đạo đất nước.

AMLO sinh năm 1953, tại thị trấn Tepetitan thuộc bang Tabasco, tây nam Mexico. Ngày nay, một bức tượng bán thân được dựng bên cạnh ngôi nhà thời thơ ấu của ông, bên dưới ghi dòng chữ bằng tiếng Tây Ban Nha: “El Rostro de la Esperanza” (tạm dịch: Gương mặt hy vọng). AMLO bắt đầu bén duyên với chính trị từ cuối thập niên 70. Từ Tepetitan, ông đến vùng Nacajuca thuộc phía bắc thành phố Villahermosa, nơi có bộ tộc người da đỏ bản xứ Chontal Maya, để làm đại diện cho Viện Người bản xứ quốc gia tại địa phương.

Giai đoạn 6 năm gần gũi người Chontal Maya bản xứ đó cũng đã tạo cho AMLO gốc rễ sự ủng hộ của người dân. Những người Chontal Maya khi được hỏi đều bảo rằng họ tin tưởng AMLO hơn bất cứ ai khác. Họ tin rằng nếu AMLO làm Tổng thống Mexico, ông sẽ giúp ích cho họ nhiều hơn.

Ông Andres Manuel Lopez Obrador.

Điều người Chontal Maya quan tâm nhất chính là việc công ty dầu mỏ quốc gia Pemex khai thác dầu ở vùng cư trú của họ, gây ô nhiễm môi trường, phá hỏng nơi sinh sống của họ nhưng không có động thái bồi thường nào cả. Và AMLO là người duy nhất lên tiếng về vấn đề này, tuyên bố nếu làm tổng thống, ông sẽ giải quyết ngay vấn đề này.

Chủ trương chính trị của AMLO đã đưa ông lên sân khấu chính trị quốc gia. Năm 2000, ông được bầu làm Thị trưởng Mexico City, với khẩu hiệu quyết tâm “người nghèo trên hết, vì hạnh phúc của tất cả mọi người”. Chính quyền Mexico City do ông lãnh đạo đã được dân chúng ủng hộ mạnh mẽ nhờ những chính sách thiên tả, như: tài trợ cước tàu điện ngầm cho dân chúng, cấp tiền trợ cấp hằng tháng cho người cao tuổi và những bà mẹ đơn thân, xây dựng các tuyến tàu điện trên cao nhằm tạo thông thoáng cho giao thông. Từ năm 2005, người kế nhiệm ông tiếp tục triển khai những chính sách thiên tả tương tự, nhờ đó cánh tả liên tục nắm quyền ở thủ đô Mexico.

Hy vọng không “quá tam ba bận”

Ngay từ khi triển khai các chính sách làm thay đổi bộ mặt thủ đô Mexico City, AMLO cũng bắt đầu nhắm đến việc trở thành Tổng thống Mexico để tiếp tục thực hiện ước vọng làm thay đổi đất nước. Năm 2006, ông ra tranh cử tổng thống và ngay lập tức trở thành ứng cử viên hàng đầu, được giới quan sát dự đoán sẽ trở thành Tổng thống Mexico.

Tuy nhiên, AMLO đã trở thành nạn nhân của những trò bẩn trong bầu cử, với việc đối thủ thuộc đảng PRI tung chiến dịch bôi nhọ uy tín, kèm những lời lẽ tô đậm tính đấu tranh gay gắt khiến nhiều người e ngại. Lần đó, AMLO thua đối thủ sát nút, chưa tới 1% phiếu bầu. Năm 2012, ông lại thất bại cũng bởi chiến thuật tương tự. Sau lần thất bại này, AMLO rút ra bài học, điều chỉnh chiến lược, thái độ, tạo hình ảnh ôn hòa hơn, dễ chấp nhận hơn trong công chúng.

Tuy vậy, các thế lực chống đối ông vẫn tiếp tục chiêu bài cũ. Lần này, các tờ báo Mỹ (Washington Post và Bloomberg) tung chiến dịch thông tin, bình luận về khả năng Nga can thiệp vào chính trị Mexico theo kiểu tương tự như ở Mỹ, và rằng AMLO giành chiến thắng sẽ có lợi cho Moscow. Ngay lập tức đảng PRI chộp lấy luận điệu này để xây dựng thế trận công kích AMLO, tung chiến dịch gán ghép hình ảnh ông với Moscow nhằm hướng dư luận theo chiều bất lợi cho AMLO.

Chưa hết, PRI còn xây dựng một mạng lưới trang web giả để tung ra hàng loạt tin giả nhằm hạ uy tín AMLO, tấn công mạnh vào mối quan hệ bạn bè giữa ông với ông Jeremy Corbyn, Chủ tịch Công đảng Anh, người có quan điểm thiên tả, cũng như mối quan hệ của ông với kênh truyền hình RT của Nga.

Tất cả những chiêu trò chính trị bẩn kiểu đó đang làm cho cuộc đua vào ghế Tổng thống Mexico thêm phần gay cấn, làm tăng thêm gia vị cho cuộc đối đầu giữa hai trường phái chính trị thiên tả và hữu ở Mexico. Nhiều người dân Mexico hy vọng, kỳ bầu cử này sẽ không “quá tam ba bận”, để ông AMLO có cơ hội hiện thực hóa ước mơ làm thay đổi đất nước.

An Châu (tổng hợp)
.
.