Đệ nhất phu nhân “bình dân”

Thứ Hai, 09/07/2012, 04:30

Với việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua, tân Tổng thống Mohamed Morsi đã tuyên thệ nhậm chức, đất nước Ai Cập cũng đang đón nhận vị đệ nhất phu nhân Hồi giáo đầu tiên với những điều mới lạ và… tranh cãi. Điểm nổi bật nhất của đệ nhất phu nhân Ai Cập là tinh thần truyền thống, tính bình dị đến mức khiến nhiều người hoài nghi và không đồng tình.

"Bà ấy trông giống như một nông dân" - nhận xét của một phụ nữ bán bánh mì ở một khu lao động của thủ đô Cairo. "Bà ấy cũng giống như chúng tôi. Giống hoàn toàn". Đó là cái nhìn tiêu biểu của một phụ nữ Ai Cập bình thường thuộc tầng lớp lao động bình dân đối với bà Naglaa Ali Mahmoud - tân đệ nhất phu nhân Ai Cập. Rất nhiều phụ nữ Ai Cập có cái nhìn thiện cảm, quý trọng bà Naglaa, vì tính bình dị, hòa đồng của bà. Một nhận xét khác của nhiều người Ai Cập khách quan là, bà Naglaa không chỉ bình dị mà còn mang nặng nét truyền thống của phụ nữ Hồi giáo, song song với việc trao cho phụ nữ thêm những quyền lợi, sự tự do theo phong cách sống hiện đại.

Naglaa là một hình ảnh đối nghịch hoàn toàn với bà cựu đệ nhất phu nhân "Tây lai" Suzanne Mubarak (mang một nửa dòng máu Xứ Wales) về phong cách ăn mặc, quan điểm về truyền thống văn hóa Ai Cập cho đến chủ trương đối với các vấn đề xã hội, hoạt động hậu trường. Suzanne phóng khoáng, hiện đại và dễ thu hút người đối diện bởi phong cách lịch thiệp. Bà có tiếng là "dựng vua" trong cánh gà sân khấu chính trị thời chồng bà, ông Hosni Mubarak còn đương chức. Khi ông Mubarak hết thời phải thoái vị vì làn sóng "Cách mạng hoa nhài", bà cũng bị vạ lây, bị cáo buộc các tội tham nhũng (với các tài sản bí mật ở nước ngoài).

Ngược lại, Naglaa cố nép mình sau lưng chồng, không muốn để mọi người thấy mình quá hoạt bát, không muốn gây chú ý bởi sự "tài giỏi" mà chỉ muốn giữ lấy phận nữ nhi chốn hậu cung. Hoạt động quan trọng nhất của bà Naglaa là đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ, và tất cả những gì bà thể hiện qua tác phong, phong cách làm "hậu phương" cho chồng cũng chỉ là muốn tìm cho phụ nữ Ai Cập một vai trò lớn hơn trong xã hội.

Thế nhưng, những nỗ lực làm mềm hóa, bình dị hóa hình ảnh đệ nhất phu nhân của bà Naglaa cũng không tránh khỏi miệng lưỡi gièm pha của những kẻ không ưa thích mình. Sự gièm pha có muôn màu muôn vẻ, nói chung thì báo chí phương Tây có vẻ không ưa thích bà Naglaa cho lắm. Vì vậy mà trên các tờ báo đều xuất hiện kiểu thông tin dẫn lời những người chỉ trích bà Naglaa nhiều hơn là khách quan, ủng hộ bà. Thường những kẻ được các tờ báo trích dẫn chê bai bà Naglaa là thành phần trẻ tuổi không theo đạo Hồi, ham thích chạy theo xu hướng hiện đại "Tây hóa". Cuộc "đại chiến" giữa 2 phe khen và chê bà Naglaa diễn ra ầm ĩ nhất trên các trang diễn đàn, mạng xã hội trên Internet, với đủ thứ vũ khí, ngôn từ thời "a còng".

Bà Naglaa Ali Mahmoud - tân Đệ nhất Phu nhân Ai Cập.

Vấn đề được các tờ báo in và báo điện tử xoáy mạnh vào chính là phong cách quá giản dị và quá thiên về truyền thống của phụ nữ Hồi giáo mà bà Naglaa đang cố gắng duy trì mỗi ngày. Người ta lo rằng một phụ nữ Hồi giáo như bà rồi sẽ tiếp đón các vị khách quốc tế ra sao mỗi khi bà phải tháp tùng phu quân xuất hiện tại các cuộc tiếp tân. Người ta sợ rằng, chiếc khăn trùm đầu abaya hay khamir (bịt kín tóc, tai, da thịt ở cổ, vai, chỉ chừa lại khuôn mặt). Và người ta chê bai cả phong cách giản dị, gần gũi, hòa đồng với phụ nữ bình dân, cho rằng một bà "nội tướng" quá bình dị như thế làm sao đại diện cho hình ảnh Ai Cập trước quốc tế? Nói chung, khi đã không thích thì thứ gì người ta cũng có thể chê được, bới móc cả chuyện bà không có bằng cấp học vị cao (chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông, không học đại học).

Năm nay 50 tuổi, bà Naglaa sinh trưởng ở khu Air Shams, một khu vực nghèo khó thuộc thủ đô Cairo (chồng bà, ông Morsi cũng sinh trưởng trong nghèo khó như bà). Năm 1979, khi mới 18 tuổi và còn đang học trung học phổ thông, Naglaa đã lấy chồng, ông Morsi là một người anh bà con (theo tục lệ truyền thống) lớn hơn bà 11 tuổi. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Cairo, ông Morsi sang Mỹ để học bằng tiến sĩ ngành kỹ thuật tại Đại học Nam California. Một năm sau, bà Naglaa sang Mỹ theo chồng sau khi tốt nghiệp trung học.

Cả hai vợ chồng đều gia nhập tổ chức Muslim Brotherhood (Anh em Hồi giáo) tại nơi cư trú ở thành phố Los Angeles, Mỹ. Hai ông bà sinh ra được 5 người con thì hết 3 người phải vào tù do bị chính quyền Mubarak đàn áp phong trào hoạt động của Muslim Brotherhood. Ban đầu, Naglaa không muốn về Ai Cập, nhưng ông Morsi nhất quyết con cái của họ phải lớn lên ở Ai Cập, phải "tắm nước sông Nile" để thấm sâu văn hóa truyền thống của quê hương. Vậy là cả bầu đoàn thê tử rời nước Mỹ, trở về Ai Cập vào năm 1985.

Từ khi về nước đến nay, trên từng chặng đường hoạt động chính trị của ông Morsi, ngay cả trong những lúc Muslim Brotherhood bị Tổng thống Hosni Mubarak cấm cửa, Morsi gặp nhiều khó khăn, Naglaa vẫn giữ được một "hậu phương" vững chắc cho chồng. Trong xã hội Ai Cập, chỉ có đàn ông mới có tiếng nói trong mọi vấn đề, và việc các quý ông nhắc tên người vợ mình trước công chúng là một điều cấm kỵ. Thế nhưng, sự hy sinh, đóng góp của bà Naglaa cho sự nghiệp của ông Morsi to lớn và quan trọng đến nỗi ông đã bước qua sự cấm kỵ đó mà vinh danh tên tuổi của bà như một sự đền đáp công ơn. Ông nói, cưới được bà chính là "thành tựu lớn nhất cuộc đời tôi".

Bà Naglaa biết rõ, làm phu nhân của một nguyên thủ quốc gia không hề dễ dàng. Bà đã cố gắng rất nhiều để không trở thành mục tiêu của những kẻ đối nghịch, ưa chỉ trích. Nhưng sự đời, ăn ở sao cho vừa lòng tất cả mọi người?

An Châu (tổng hợp)
.
.