Dick Cheney – “ông cậu” trong nội các Tổng thống Bush

Thứ Sáu, 26/11/2004, 16:01

"Ngay từ ban đầu, mọi người đều hiểu rằng, Bush cần một người lớn tuổi để có thể trông nom ông ta. Đó là lý do khiến Dick Cheney được mời vào chính quyền trong vai trò ‘ông cậu’ của Tổng thống” Charles Freeman, Cựu đại sứ Mỹ dưới thời Bush - cha tại Arập Xêút, lý giải.

Với một loạt đơn xin từ chức của các bộ trưởng, Nhà Trắng đang là nơi diễn ra những cuộc đấu đá quyết liệt để tranh giành chức quyền. Những người am hiểu tình hình trong toà Bạch Ốc cho rằng, người duy nhất có thể điều khiển được tình hình là Phó tổng thống Dick Cheney. Ông ta là người đã đứng ra thành lập bộ máy đầu tiên của ông Bush và cũng sẽ nắm trọng trách này trong nhiệm kỳ thứ hai.

Thành đạt nhờ vợ

Dick Cheney bắt đầu cuộc đời tự lập của mình vào năm 1959, sau khi tốt nghiệp phổ thông ở thành phố Casper (bang Wyoming) và nhận được học bổng vào Trường đại học Yale. Tuy vậy, chuyện học hành trên giảng đường đại học lại có vẻ như quá phức tạp đối với một thanh niên quê mùa, ưa thích có mặt ở sân bóng hơn trong thư viện như Cheney. Chỉ một năm sau, Cheney rời trường đại học, hài lòng với công việc của một thợ lắp ráp trong một công ty điện thoại ở Wyoming. Ngoài giờ làm việc, Cheney là một tay bợm nhậu thứ thiệt. Cheney đã hai lần bị bắt giữ vì tội lái xe trong tình trạng say rượu.

Người đã khiến Dick Cheney “tu tỉnh” lại chính là cô bạn gái từ phổ thông Lynne Vincent. Cheney yêu Vincent từ năm... 14 tuổi. Cô gái đầy tham vọng này luôn quả quyết, trong bất cứ điều kiện nào cũng không muốn làm vợ của một công nhân lắp ráp bình thường. Thế là Cheney lại phải bắt tay vào chuyện học hành, nhưng lần này tại những trường không nổi tiếng bằng Yale - ban đầu là một trường nhỏ ở thành phố Casper, sau đó là các trường đại học tổng hợp WyomingWisconsin. Chính nhờ thời gian học tập quá dài này, Cheney đã ba lần tránh được việc phải nhập ngũ và tham chiến ở Việt Nam.

Năm 1968, Cheney trở thành thực tập sinh trong văn phòng tại Washington của nghị sĩ Wiliam Styger từ bang Wisconsin. Cheney nhanh chóng gặp nhân vật được coi là quan trọng nhất trong cuộc đời mình - Donald Rumsfeld - khi đó đang đứng đầu Ban phát triển kinh tế trong chính quyền Nixon. Rumsfeld ngay lập tức nhận Cheney vào cơ quan mình. “Chàng thanh niên thông minh và có chí hướng”, đó ấn tượng đầu tiên của Rumsfeld khi gặp gỡ với Cheney.

Một vài năm sau, dưới thời Tổng thống Ford, mới 34 tuổi Cheney đã là một thành viên tích cực nhất của nhóm chính trị có cái tên không chính thức là “Những kị sĩ Rammi” - một tập hợp những thanh niên kiêu hãnh của phe Cộng hòa, mong muốn phục hồi lại uy tín của đảng sau vụ từ chức đầy nhục nhã của Nixon.

Việc Ford bị thất bại trong kỳ bầu cử sau đó không làm ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp của chính trị gia trẻ tuổi Cheney. Giới lãnh đạo đảng Cộng hòa đã tập trung nỗ lực để Cheney được bầu vào hạ viện từ bang Wyoming, nơi mà ông ta đã hoạt động trong suốt 10 năm trước khi trở thành nhân vật quan trọng thứ hai trong phe Cộng hòa tại đây.

Thời khắc “thăng hoa” của Cheney bắt đầu vào năm 1988, khi ông ta nhận lời đề nghị của Bush -cha lên nắm chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng. Một thời gian ngắn sau, Iraq đưa quân vào Kuwait. Thắng lợi của Mỹ tại cuộc chiến này đã đem lại vinh quang thực sự cho Cheney: quân đội Iraq bị đánh tan chỉ vài tuần trong chiến dịch “Bão táp sa mạc”.

Đạo diễn chính cho chiến tranh Iraq

Sau thất bại của phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống sau đó, Cheney tạm thời rời bỏ Washington trong 8 năm. Ông trở thành người đứng đầu hội đồng giám đốc của Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Halliburton và kiếm được trung bình 2 triệu USD mỗi năm. Nhưng đến khi quay trở lại chính trường với cương vị phó tổng thống, những người quen biết với viên cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Bush - cha đã hết sức ngạc nhiên trước những thay đổi của Cheney. Từng là một người có tính cách điềm tĩnh, dễ gần và chu đáo, Cheney bỗng trở thành một quan chức rất dễ nổi nóng, ít chịu tiếp thu ý kiến của người khác. Ông công khai phê phán lãnh đạo phe Dân chủ bằng những lời lẽ khó có thể chấp nhận được tại nghị viện.

Sau vụ khủng bố 11/9, Cheney cùng nhóm tân bảo thủ của ông ta (hàng đầu phải kể đến Thứ trưởng Quốc phòng Paul Wolfowitz, Duglas Fate) đã tìm mọi cách chứng minh: bước đi quan trọng nhất trong cuộc chiến chống khủng bố chính là lật đổ Saddam Hussein và đánh chiếm Iraq. Logic của vấn đề này rất đơn giản: chỉ có thể tiêu diệt được chủ nghĩa khủng bố sau khi hoàn thành sự nghiệp “dân chủ hóa” khu vực Cận Đông. Mọi việc nên bắt đầu từ mắt xích yếu nhất là Iraq, biến nước này trở thành một “tủ trưng bày” cho “món hàng dân chủ” có xuất xứ từ Mỹ.

Cheney cùng với phe cánh của ông ta đã ráo riết lao vào tìm kiếm những nguyên nhân để có thể tấn công Iraq. Họ tung ra một giả thuyết chưa được chứng minh về việc một tên khủng bố trong vụ 11/9 dường như đã gặp gỡ với các đại diện Cơ quan Mật vụ Iraq tại Praha (Cộng hòa Séc) trước đó. Còn tình báo Mỹ bị thúc ép phải tìm cho ra bằng chứng khẳng định: Iraq sắp sửa thành công trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

Khi phía tình báo tỏ vẻ “không mặn mà” với chuyện này, Cheney cho thành lập ngay trong Lầu Năm Góc một cơ quan tình báo riêng có tên "Ban kế hoạch đặc biệt". “Họ tương tự như những tế bào ung thư - Trung tá Karen Kviatovski làm việc trong Vụ Cận Đông đã không ngần ngại nhận xét về cơ quan mới này - Sự thật không làm họ phải lo ngại. Bản thân họ đã có nhiệm vụ riêng của mình. Họ đã làm hỏng tất cả mọi thứ”.

Dick Cheney cuối cùng đã thực hiện được ước mơ của mình, nhưng nước Mỹ lại sa vào "bãi lầy" Iraq đang phải tìm lối ra. Trong nhiệm kỳ hai này, những nhân vật được Cheney đề cử vào cương vị lãnh đạo mới sẽ xác định phương sách để Mỹ xử trí với “bãi lầy” này. Theo nhiều chuyên gia nhận định, dù trong bất kỳ trường hợp nào, Dick Cheney cũng sẽ đưa nước Mỹ tới những thử thách mới

Đinh Linh (Tổng hợp)
.
.