Đội cố vấn truyền thông toàn nữ của ông Biden

Thứ Ba, 08/12/2020, 13:04
Ông Joe Biden đang gây chú ý dư luận bằng việc đề cử các vị trí then chốt trong nội các và mới đây vừa công bố danh sách đội cố vấn truyền thông Nhà Trắng sắp tới, trong đó có nhiều người từng làm việc cho Tổng thống thứ 44, Barack Obama.

Đội quân cố vấn truyền thông trong Nhà Trắng của ông Joe Biden sẽ được dẫn dắt bởi một nữ chuyên gia truyền thông kỳ cựu, bà Kate Bedingfield, Giám đốc truyền thông Chiến dịch tranh cử của ông. Bà Bedingfield sẽ đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng. Chức vụ thư ký báo chí sẽ do bà Jen Psaki, một nữ phát ngôn viên kỳ cựu của đảng Dân chủ, đảm nhiệm.

Ông Biden cũng có kế hoạch sẽ bổ hiệm một phụ nữ giữ chức vụ Giám đốc Văn phòng Quản trị và Ngân sách. Đó là bà Neera Tanden, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tung tâm Tiến bộ Mỹ. Bà Tanden sẽ phụ trách việc theo dõi, giám sát việc thực thi các chính sách của ông Biden.

Cả ba người trên đều từng làm việc trong chính quyền của ông Obama. Bà Bedingfield từng làm Giám đốc Truyền thông cho ông Biden khi ông làm Phó Tổng thống; Bà Psaki là Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng và sau đó là phát ngôn viên Bộ Ngoại giao; còn bà Tanden từng làm cố vấn cao cấp cho Bộ trưởng Y tế thời đó là Kathleen Sebelius.

Ông Joe Biden và người phụ tá số 1, bà Kamala Harris.

“Giao tiếp trực tiếp và chân thật với người dân Mỹ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của một tổng thống và đội ngũ này sẽ được tin cẩn giao nhiệm vụ lớn lao là kết nối người dân Mỹ với Nhà Trắng” - Tổng thống đắc cử Biden nói. Ông Biden cũng cho rằng, những người mà ông chọn đều là những người có đủ phẩm chất, già dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông và ông tin tưởng họ sẽ mang đến những góc nhìn đa dạng cho nhiệm vụ truyền thông trong Nhà Trắng.

Danh sách các nữ cố vấn truyền thông sẽ còn nối dài với những chức vụ thấp hơn trong đội ngũ truyền thông. Đó là Karine Jean Pierre, Chánh văn phòng của bà Kamala Harris, Phó Tổng thống đắc cử. Karine sẽ là Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng. Karine cũng từng làm việc trong chính quyền Obama, với vai trò giám đốc khu vực của Văn phòng Các sự vụ chính trị Nhà Trắng. Tiếp theo là Pili Tobar, Giám đốc Truyền thông các liên minh trong chiến dịch tranh cử của ông Biden, sẽ là Phó Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng.

Một người nữa cũng sẽ được giao trọng trách trong chính quyền mới, đó là Cecilia Rouse, sẽ ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của tổng thống. Rouse là một chuyên gia kinh tế về lao động tại Đại học Princeton, có những nghiên cứu tập trung vào ngành kinh tế học của giáo dục và việc giải quyết bất công giàu nghèo. Bà được giới tiến bộ ở Mỹ yêu mến do quan điểm thuận theo công bằng xã hội của mình. Rouse cũng từng là thành viên Hội đồng Cố vấn kinh tế thời Tổng thống Obama.

Ngoài bộ sậu cố vấn truyền thông, ông Biden cũng được dự báo là sẽ chọn bà Wally Adeyemo, một cố vấn kinh tế cao cấp trong chính quyền Obama, để giao phụ trách chức vụ Thứ trưởng Bộ Tài chính (một phụ nữ khác là Janet Yellen được chọn làm bộ trưởng).

Như vậy, cả 7 người phụ nữ vừa được ông Biden chọn vào bộ sậu cố vấn truyền thông và kinh tế trong Nhà Trắng đều là những người từng làm việc trực tiếp cho ông Obama hoặc trong bộ máy trong chính quyền của ông trước đây. Nếu kể luôn những thành viên nội các đã được ông Biden công bố vào hạ tuần tháng 11 vừa qua thì số lượng những nhân sự từng phục vụ trong chính quyền Obama là khá lớn, nếu không nói là chiếm số đông.

Có thể đơn cử một số trường hợp như: Tony Blinken, người được đề cử Bộ trưởng Ngoại giao, từng làm việc cho cả Tổng thống Bill Clinton và Obama và chính Biden khi ông làm Phó Tổng thống. Hay như bà Janet Yellen, được đề cử chức Bộ trưởng Tài chính, từng là Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED). Còn ông John Kerry, đặc phái viên về biến đổi khí hậu, từng là Bộ trưởng Ngoại giao nhiệm kỳ 2 của ông Obama. Avril Haines, đề cử nữ Giám đốc Tình báo quốc gia đầu tiên, từng làm Phó Giám đốc CIA, Phó Cố vấn an ninh quốc gia thời ông Obama.

Khi ông Biden công bố thành phần nội các hồi tháng trước, đã từng có dư luận đặt vấn đề phải chăng đây là “nhiệm kỳ thứ ba của chính quyền Obama” khi những người dự kiến được ông chọn đều là những nhân sự từng phục vụ trong chính quyền Tổng thống Obama.

Trong một lần phỏng vấn đài NBC News hôm 24-11, Biden khẳng định nhiệm kỳ Tổng thống của ông không phải là “nhiệm kỳ 3 của Obama”. Biden cho biết, trong việc tuyển lựa nhân sự cho nội các, ông đã cân nhắc kỹ đến thành phần bao quát trong đảng Dân chủ chứ không riêng gì những người từng phục vụ trong chính quyền ông Obama hay thậm chí cả thời ông Bill Clinton.

Giới phân tích chủ yếu nhận định rằng việc Biden chọn lựa nhiều người từng phục vụ cho chính quyền cũ của ông Obama xuất phát từ quan điểm dành sự ưu tiên cho kinh nghiệm làm việc tại từng vị trí tương ứng. Nhưng bên cạnh đó, vấn đề gây chú ý nhất vẫn là “tiêu chuẩn” từng làm việc cho Obama. Rốt cuộc, cái tên Obama vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong nhiều vấn đề của chính quyền Biden, kể cả trong giai đoạn vận động tranh cử. Ngoài bản thân ông Biden từng là phó tướng của ông Obama, hàng loạt chọn lựa nội các lẫn cố vấn là người của thời ông Obama.

Giới phân tích cho rằng, việc ông Obama là vị Tổng thống Mỹ quá nổi tiếng trên thế giới, người đã củng cố vững chắc các mối quan hệ với đồng minh, đồng thời lôi kéo các đối thủ, kẻ thù về phía mình thông qua chủ trương đối thoại đã tạo nên sự ủng hộ rất lớn của thế giới dành cho Nhà Trắng.

Tất cả những người từng làm việc cho ông Obama như đã kể trên đều có mối quan hệ tốt với chính quyền các nước. Vì vậy, việc trọng dụng lại những con người như thế hoàn toàn hợp lý và có ưu thế là những mối quan hệ có sẵn, thuận tiện cho việc triển khai các chính sách đối ngoại mới của nước Mỹ thời ông Biden.

Đương nhiên, tính đa dạng cũng được xem là một yếu tố quan trọng trong việc chọn lựa nhân sự cho bộ máy chính quyền mới của ông Biden.

An Châu (Tổng hợp)
.
.