Đôi uyên ương quyền lực trên chính trường Argentina

Thứ Năm, 09/11/2006, 08:00
Vợ chồng Tổng thống Nestor Kirchner của Argentina được coi là đôi uyên ương quyền lực có thể nói là lý tưởng nhất thế giới hiện nay: Chồng làm tổng thống, vợ làm thượng nghị sĩ có thế lực mạnh nhất trong Quốc hội.

Họ tâm đầu ý hợp với nhau cả trong cuộc sống đời thường lẫn trên chính trường. Nhờ đó, mọi quyết sách điều hành quốc gia của tổng thống đều được thông qua và thực thi một cách thuận lợi.

Theo nhà viết tiểu sử Walter Curia, tác giả cuốn "The Last Peronist" viết về Nestor Kirchner, thì “Kirchner là một người say mê quyền lực, biết cách tạo dựng và nắm giữ quyền lực cũng như không ngừng tìm cách mở rộng quyền lực”. Quyền lực chính trị đó đã được Kirchner gây dựng từ viên gạch đầu tiên và dần dần lớn mạnh qua các giai đoạn ông làm Thị trưởng Rio Gallegos, Thống đốc tỉnh Santa Cruz, và Tổng thống Argentina.

Trong suốt quãng thời gian hơn 20 năm chinh phục quyền lực đó, bên cạnh Kirchner không bao giờ thiếu vắng người ủng hộ ông tuyệt đối: Bà Cristina Kirchner.

Nestor Kirchner sinh ngày 25/2/1950 tại thành phố Rio Gallegos thuộc tỉnh miền Nam lạnh giá Santa Cruz; còn bà Cristina Fernandez sinh ngày 19/2/1953, tại thành phố La Plata, thủ phủ tỉnh Buenos Aires. Cả 2 cùng theo học Khoa Luật Đại học Quốc gia La Plata, tỉnh Buenos Aires. Họ gặp nhau tại đó và yêu nhau. Cuộc song hành của đôi uyên ương đặc biệt này có lẽ đã bắt đầu ngay sau khi Kirchner tốt nghiệp Khoa Luật năm 1976, hai người cưới nhau và chàng đã “đưa nàng về dinh” ở thành phố Rio Gallegos để sinh sống, cùng nhau hành nghề luật, cùng nhau tham gia đảng Partido Justicialista (đảng Công lý).

Đất nước Argentina dưới thời của chế độ độc tài quân phiệt, Tổng thống Videla, các đảng phái chính trị đối lập và thiên tả bị đàn áp gắt gao. “Cuộc chiến bẩn thỉu” trong giai đoạn này đã làm hàng trăm nhà hoạt động cánh tả bị giết chết và hàng ngàn người mất tích hoặc bị giam giữ, tra tấn trong các nhà tù. (Một phiên tòa đặc biệt hiện đang được tiến hành nhằm xét xử các cựu tướng lĩnh tham gia chế độ Videla hoặc góp tay vào việc bắt bớ, tra tấn tù nhân cánh tả trong “Cuộc chiến bẩn thỉu”).

Kirchner tham gia nhóm Thanh niên Peronist, tích cực hoạt động chống chế độ độc tài Videla, và bị tống giam một thời gian. Sau khi chế độ độc tài quân phiệt sụp đổ năm 1983, Kirchner mới thật sự bắt đầu làm công chức nhà nước tại tỉnh nhà Santa Cruz. Lần đầu tiên Kirchner gây tiếng vang, tạo được lòng mến mộ của dân chúng trong vùng là khi ông làm Chủ tịch Quỹ Phúc lợi xã hội Rio Gallegos vào năm 1984, chỉ được vài tháng thì bị buộc phải nghỉ việc vì chống lại chính sách tài chính không phù hợp của thống đốc tỉnh lúc đó. Đây được xem là “viên gạch” đầu tiên trên con đường chinh phục quyền lực chính trị của Kirchner.

Năm 1986 đánh dấu cuộc “ra mắt” của Kirchner trên chính trường khi ông tham gia tranh cử thị trưởng Rio Gallegos và đã giành chiến thắng, trở thành Thị trưởng thành phố này nhiệm kỳ 1987-1991. Hai năm sau (1989), đến lượt Cristina được bầu vào Hội đồng Dân biểu tỉnh Santa Cruz. Từ đây, sự phối hợp ăn ý giữa đôi uyên ương quyền lực Kirchner đã được hình thành, giúp cho nhiệm kỳ thị trưởng đầu tiên của ông Kirchner đạt được thành công mỹ mãn, tạo được “vốn liếng chính trị” cho mình, chuẩn bị cho cuộc chinh phục chính trường sau này.

Khi ông Kirchner lên làm Thống đốc tỉnh Santa Cruz (năm 1991), bà Cristina cũng từng bước sát cánh với chồng, từ vị trí thành viên Hội đồng tỉnh trở thành Thượng nghị sĩ Argentina vào năm 1995, rồi Dân biểu (1997) và làm Thượng nghị sĩ từ năm 2001 cho đến nay. Đặc biệt, chiến thắng của bà Cristina tại cuộc bầu cử Quốc hội năm 2005 đánh dấu bước ngoặt to lớn hơn trên con đường cùng chồng chinh phục đỉnh cao quyền lực.

Việc Cristina trở thành Thượng nghị sĩ đại diện cho tỉnh Buenos Aires, quê hương bà, và là tỉnh lớn nhất Argentina khiến cho vị thế của bà tại Quốc hội có sức mạnh hơn và tiếng nói của bà có giá trị hơn bất cứ nghị sĩ nào khác. Hơn thế, sau khi thắng cử, bà Cristina còn liên minh với các đại biểu hùng mạnh của các địa phương, hình thành thế kiểm soát tuyệt đối tại Quốc hội, tạo nên một chỗ dựa chính trị “vững như bàn thạch” cho ông Kirchner.

Ngay từ khi ông Kirchner bước chân vào Dinh Tổng thống Argentina, bà Cristina đã là trợ lực không thể thiếu của ông, được mọi người xem như “cánh tay mặt” hữu hiệu, là “tai mắt” giúp ông vận động thông qua nhiều chính sách, nhờ đó công việc điều hành đất nước của ông trong nhiệm kỳ qua đạt được thành công ngoài mong đợi của nhiều người.

Kirchner chính thức thắng cử tổng thống vào tháng 5/2003 là nhờ ứng cử viên cựu Tổng thống Carlos Menem (người đã chiến thắng tại vòng 1) tự ý rút lui khỏi cuộc đua vòng 2. Với những thành tựu kinh tế, xã hội đạt được trong gần 4 năm nhiệm kỳ qua, Kirchner đã giữ đúng lời hứa với công chúng khi tranh cử, đồng thời chứng minh cho các đảng phái đối lập thấy rằng ông đã làm được trong thực tế chứ không chỉ nói suông.

Công trạng lớn nhất của Kirchner cho đến thời điểm hiện nay chính là việc ông đã lèo lái Argentina thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế tồi tệ năm 2001 (khiến cho Tổng thống Fernando De la Rua phải từ chức sớm và các  tổng thống lâm thời phải ra đi). Dưới thời Tổng thống Nestor Kirchner, kinh tế Argentina không chỉ vượt qua khủng hoảng mà còn phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng năm 2005 được đánh giá là cao nhất từ trước tới nay, hơn 9%.

Một trong những động thái nổi tiếng của ông trong việc giải tỏa khó khăn kinh tế đất nước là quyết định giữ lại Bộ trưởng Kinh tế Roberto Lavagna, để rồi chính Lavangna đã đưa ra những biện pháp táo bạo như cấm rút tiền (nhờ đó giúp hệ thống ngân hàng đứng vững), và đặc biệt là tuyên bố “tạm thời đóng băng nợ vay” nhằm khoanh các khoản nợ vay của IMF lẫn các tổ chức, định chế tài chính khác trên thế giới với tổng số tiền nợ lên đến 185 tỉ USD. Nhờ cú tái cơ cấu nợ này mà kinh tế Argentina đã thoát được tình trạng khủng hoảng niềm tin trong cộng đồng tài chính quốc tế, trở lại là một trong những nền kinh tế phát triển năng động của khu vực Nam Mỹ và thế giới.

Dư luận công chúng Argentina hiện đang tỏ ra rất hài lòng về vị tổng thống và đệ nhất phu nhân của mình. Khi trả lời báo chí, bất kỳ người dân nào ở Buenos Aires cũng đều cho rằng họ cảm thấy tin tưởng Tổng thống Kirchner hơn, vì từ khi ông nắm quyền đến nay, công ăn việc làm được tạo ra nhiều hơn, đời sống dễ chịu hơn. Trong các cuộc thăm dò ý kiến gần đây, có đến 60%-80% công chúng ủng hộ ông Kirchner.

Trong khi đó, với thế và lực của bà Cristina Kirchner và phái Frente para la Victoria (FPV) trong đảng PJ chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội, hầu như bất cứ chính sách nào của ông Kirchner cũng đều được thông qua một cách thuận lợi. Giờ đây, khi quyền lực của bà tại Quốc hội được nhân lên đáng kể thì không ai còn dám nghi ngờ gì nữa về một đế chế “Peron mới” đang hình thành ở Argentina, thậm chí còn lừng danh hơn cả Juan Peron.

Báo Mỹ Washington Post nhận định rằng, “sau cuộc bầu cử năm 2007, Argentina hầu như chắc chắn sẽ có một Kirchner ngồi vào chiếc ghế tổng thống. Còn đa số dân chúng Argentina thì nói rằng họ ủng hộ cả hai vợ chồng ra tranh cử tổng thống vào năm tới. Cho dù ông hay bà Kirchner làm tổng thống thì các chính sách lẫn phong cách điều hành đất nước Argentina vẫn như nhau và cùng nhắm đến những mục tiêu như nhau

An Châu (Tổng hợp)
.
.