“Donald Trump” của Philippines nghênh chiến với Liên Hiệp Quốc

Thứ Năm, 29/12/2016, 16:00
Tại một sự kiện diễn ra vào giữa tháng này ở Singapore, Tổng thống Philippines Duterte gặp gỡ các doanh nhân và trao đổi về chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy do ông khởi xướng gây tranh cãi trên nghị trường không những trong nước mà cả trên phạm vi quốc tế. Sau khi chia sẻ về những nỗ lực của lực lượng cảnh sát, Duterte nói, chính ông đã từng tiến hành chiến dịch như thế này ở Davao, nơi ông là thị trưởng hơn 20 năm.

“Ở Davao, tôi nhiều lần đích thân làm việc này (giết tội phạm). Đó là cách để chứng tỏ với họ rằng nếu tôi làm được tại sao họ không thể” - hãng thông tấn AFP dẫn lời Tổng thống Duterte - “những năm ấy, tôi lái xe đi vòng quanh Davao, tuần tra dọc các tuyến đường để xem nơi nào đang có vấn đề. Tôi thực sự muốn thấy những vụ ẩu đả để tôi có thể hạ gục vài tên!”.

Trước khi đắc cử Tổng thống Philippines, ông Duterte từng là Thị trưởng Davao trong 2 thập niên. Sự cứng rắn của ông đã biến Davao từ một thành phố đầy rẫy tội phạm và bạo lực biến thành một thành phố bình yên và còn thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ông không ngại ngần “khoe” chiến tích là vào năm 1988, từng giết 3 kẻ bắt cóc để cứu một phụ nữ bị giữ làm con tin.

“Khi ấy bọn chúng có 3 người. Tôi hỏi mọi người: Phải làm gì đây trong tình huống đó? Tôi không biết cơ thể bọn chúng đã hứng bao nhiêu viên đạn từ khẩu súng của tôi. Những tên đó không phải nghi phạm mà là những kẻ tuyên chiến với luật pháp. Tôi có một khẩu M16 và luôn mang nó bên mình, bởi Davao khi đó là một nơi 'hoang dã”. Tôi phải thiết lập lại trật tự và đương đầu với mọi chuyện”, Tổng thống Philippines nói trên truyền hình ngày 17-12.

Theo ông Duterte, xét trên những vấn đề Philippines đang gặp phải, hành động của ông là chính đáng và không ảnh hưởng gì đến tư cách và cương vị tổng thống mà ông đang đảm nhiệm.

Những lời phát biểu “đanh thép” này nhanh chóng lan truyền trên các phương tiện thông tin và “bay” đến tai những người đang kịch liệt lên án chính sách “lấy bạo lực trấn áp bạo lực” của Tổng thống Philippines mà theo nhãn quan của họ, hầu như chính sách này không đếm xỉa gì đến khía cạnh nhân quyền.

Hôm 20-12, ông Al Zeid Ra'ad Hussein, Cao ủy về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã ra lời kêu gọi nhà chức trách Philippines phải tiến hành một cuộc điều tra Tổng thống Duterte: "Một nhà nước pháp quyền phải tiến hành điều tra và truy tố khi có ai đó thú nhận công khai rằng họ là kẻ sát nhân". Lời kêu gọi này khiến ông Duterte nổi cơn thịnh nộ.

Tại cuộc họp báo ở thủ đô Manila hôm 22-12, Tổng thống Duterte “phang” luôn: “Những người ở LHQ chẳng biết gì về ngoại giao. Những người này, trên tư cách là nhân viên của LHQ, đã không biết cách cư xử. Họ không thể nói với tôi như vậy, đồ con hoang”. Ông bồi tiếp: “Đồ ngu ngốc, không ai có quyền yêu cầu tôi phải làm gì. Hiểu biết của mọi người về luật quốc tế rất hạn hẹp. Chúng tôi mới là những người đóng góp cho LHQ. Tôi mới là người trả lương cho họ. Họ không được nói những lời như vậy, vì tôi mới là người thuê họ điều tra tình hình tội phạm ở đất nước tôi”.

Ông Al Zeid Ra'ad Hussein, Cao ủy về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc với lời cáo buộc khiến Tổng thống Philippines nổi đóa.

Cần biết rằng, Philippines là một trong số 141 thành viên trên tổng số 193 quốc gia của LHQ đã trả phí đầy đủ cho năm 2016, với số tiền là 4,11 triệu USD. Và ông kết luận - một câu kết luận “gây bão” từ một căn cứ quân sự ở thành phố Zamboanga, phía nam Philippines: “Các người cứ đi và nộp đơn kiện lên LHQ, tôi sẽ đốt trụ sở LHQ nếu các người muốn. Tôi sẽ đốt nó nếu tôi đến Mỹ”.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Philippines có những phát ngôn, hành động gây sốc kể từ khi nhậm chức vào cuối tháng 6 năm nay. Vào tháng 8, khi các chuyên gia về nhân quyền của LHQ yêu cầu Chính phủ Philippines giải thích về việc lạm sát người sử dụng ma túy thì Tổng thống Duterte đã phản ứng bằng việc tuyên bố sẽ cân nhắc việc rút Philippines khỏi tổ chức quốc tế quy tụ hàng trăm quốc gia như LHQ, Tòa Hình sự quốc tế và chấm dứt hiệp ước đồng minh với Hoa Kỳ. Hồi tháng 9, lãnh đạo Philippines từ chối gặp Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.

Chiến dịch chống ma túy do ông Duterte phát động sau khi nhậm chức tổng thống đã gây ra nhiều tranh cãi lẫn căng thẳng giữa Philippines và các nước phương Tây. Mỹ, EU và các tổ chức nhân quyền bày tỏ quan ngại trước tình trạng giết người không qua xét xử trong chiến dịch này. “Ít ra thì tôi đã giết người để cứu người” - ông Duterte tuyên bố - “nếu người ta cho rằng tôi sẽ vì lo sợ những nhóm này (các nhà hoạt động nhân quyền) hay các ông như Obama mà ngưng chiến dịch lại thì tôi sẽ nói rằng tôi không bao giờ có ý định đó”.

Để cứu Philippines khỏi nguy cơ trở thành một “đất nước của ma túy”, sau khi nhậm chức, Tổng thống Duterte đã khởi xướng một cuộc chiến chống ma túy. Ông ra lệnh cho cảnh sát và kêu gọi cả dân thường góp sức thẳng tay tiêu diệt những đối tượng buôn bán và sử dụng “chất trắng”. Chiến dịch này vấp phải sự lên án mạnh mẽ của Liên minh châu Âu (EU), LHQ, Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Obama và nhiều chính khách quốc tế khác.

Tổng thống Mỹ cảnh báo Philippines về việc giết hại tội phạm không thông qua xét xử là hành động vi phạm quyền con người. Tính đến thời điểm này, gần 6.000 người đã thiệt mạng trong chiến dịch truy quét ma túy mạnh tay ở quốc gia này. Nhiều người trong số đó bị bắn chết bởi các đội dân phòng, một số do các băng nhóm thù địch triệt hạ.

Bên cạnh những cái chết trên đường phố, hơn 35.000 người đã bị bắt. Khoảng 727.600 người sử dụng ma túy và 56.500 nghi phạm buôn bán chất cấm này đã ra đầu thú, khiến cho các nhà tù rơi vào tình trạng quá tải.

Tổng thống Philippines với khí chất của một nhà lãnh đạo cứng rắn cùng hàng loạt các phát ngôn nảy lửa từng được ví von là “Donald Trump của châu Á” có lẽ đang khiến ông Donald Trump bên kia bờ Thái Bình Dương “chạnh lòng” vì mấy lời tuyên bố được xem là “đỉnh” nhất của ông chỉ như “Tôi sẽ bắt bỏ tù bà” hay “Mụ đàn bà xấu xa” khi dành cho đối thủ H. Clinton chứ chưa đến mức gọi Cao ủy Nhân quyền là “đồ con hoang” và đòi đốt cả trụ sở của định chế quốc tế lớn nhất hành tinh.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.