“Dư chấn” Nhật Bản làm chao đảo chính trường Đức

Thứ Ba, 19/04/2011, 14:30
Điều mà giới phân tích dự báo đã xảy ra tại Đức: Đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Thủ tướng Angela Merkel đã thất bại đau đớn tại các cuộc bầu cử địa phương (cấp bang) hôm Chủ nhật 27/3. Nguyên nhân thất bại được cho là do ảnh hưởng gián tiếp từ cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản do hậu quả trận động đất - sóng thần. Tại sao?

Theo kết quả sơ bộ đăng trên tờ Der Spiegel của Đức, đảng CDU của bà Merkel thất bại tại cả 2 bang được xem là quan trọng nhất là Baden Wurttemberg và Rhineland Palatinate. Đây là 2 bang từng được xem là "cứ địa" và "thánh địa" của đảng CDU, trong đó, thất bại tại bang Baden Wurttemberg đau đớn nhất, là thất bại lịch sử: CDU lần đầu tiên sau  sau gần 60 năm bị mất quyền kiểm soát.

Tai hại hơn, đảng Dân chủ Tự do (FDP) - đối tác quan trọng của CDU trong Chính phủ liên hiệp ở Berlin - cũng thất bại thê thảm, bị đánh bật ra khỏi Nghị viện bang Rhineland Palatinate. Với những kết quả sơ bộ vừa nêu, 2 đối thủ đáng gờm là đảng Xanh và SPD hoàn toàn chiếm ưu thế để nắm quyền tại 2 bang Baden Wurttemberg và Rhineland Palatinate.

Trong khi thừa nhận thất bại, bà Merkel  nhấn mạnh: thất bại này chủ yếu là do tác hại từ cuộc tranh luận quanh vấn đề điện hạt nhân xuất phát từ sự cố khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy Fukushima Daiichi của Nhật Bản. Báo chí Đức đã nhanh chóng "kết tội" bà Merkel vì những sai lầm bà mắc phải trong mấy tuần qua khi xử lý tình hình do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản. Đó là quyết định tạm dừng hoạt động đến tháng 6/2011, 7 trong số 17 nhà máy điện hạt nhân trên toàn quốc để kiểm tra độ an toàn.

Chính sách sử dụng năng lượng hạt nhân từ các nhà máy điện (ảnh trái) đã dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ của người dân Đức.

Động thái này được đón nhận bằng những lời chỉ trích nặng nề của giới phân tích. Họ cho rằng, bà Merkel không giữ vững lập trường, bởi cách đây một năm, bà cũng đã từng gây phản ứng khi quyết định nâng thời gian hoạt động các nhà máy điện hạt nhân lên trung bình 12 năm. Tai hại hơn, các đảng phái đối lập đã chỉ trích bà Merkel dùng thủ đoạn đánh lừa cử tri khi đưa ra quyết định nêu trên, làm mất lòng tin nơi cử tri.

Báo chí Đức cũng chỉ rõ rằng, trong thất bại của CDU tại 2 nơi từng là "cứ địa" vững chắc nhiều thập niên cho thấy sức mạnh chính trị của đảng này đang bị xói mòn và hiện đang có dấu hiệu rệu rã. Xu hướng đòi hỏi sự thay đổi đang ngày càng mạnh. Trong thời điểm hiện nay, trước những bất ổn do ảnh hưởng từ vụ động đất - sóng thần ở Nhật Bản, tình hình an ninh-chính trị bất ổn, rối ren ở Trung Đông và Bắc Phi cộng hưởng với những khó khăn về kinh tế, người dân càng đòi hỏi giới lãnh đạo Đức phải có quyết tâm, phải có sự quyết đoán trong xử lý mọi vấn đề nảy sinh. "Khi giới lãnh đạo thiếu quyết tâm, người dân sẽ ngoảnh mặt và đi tìm người khác".

Ở châu Âu, Đức có số lượng nhà máy điện hạt nhân không nhiều (17 nhà máy) và điện hạt nhân cũng chiếm tỉ lệ không cao (25%) trong tổng số cung ứng điện (quá ít so với 75% ở Pháp, 53% ở Slovakia, 51% ở Bỉ và Ukraina là 48%, theo Hội Hạt nhân châu Âu), thế nhưng không nơi nào ở châu Âu mà người dân lại chống đối việc sử dụng năng lượng hạt nhân dữ dội như ở Đức. Ngay sau khi xảy ra sự cố Nhà máy Fukushima Daiichi ở Nhật Bản, lãnh đạo các nước châu Âu chỉ có động thái kiểm tra lại mức độ bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân, nhưng ở Đức thì hàng trăm ngàn người đã xuống đường liên tục trong nhiều ngày tại nhiều thành phố lớn nhỏ để phản đối chính sách sử dụng năng lượng hạt nhân của chính phủ.

Tại sao người Đức lại "ghét" các nhà máy điện hạt nhân như vậy? Theo Giáo sư Claudia Kemfert tại Trường Hành chính Hertie ở Berlin, có thể báo chí đã hơi cường điệu và liên hệ trực tiếp thảm họa tại Nhật Bản với nước Đức, nhưng cốt lõi vấn đề nằm ở nếp suy nghĩ của người Đức, nhất là sau thảm họa hạt nhân ở Chernobyl năm 1986. Và phong trào bảo vệ môi trường, chống lại việc sử dụng năng lượng hạt nhân có nguồn gốc từ thời kỳ kinh tế Đức tăng trưởng như vũ bão trong những thập niên 50-60 thế kỷ XX.

Đến thập niên 70, chính quyền CHLB  Đức đưa ra 2 quyết định châm ngòi cho làn sóng phản đối lâu dài: một là quyết định xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nhằm đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế; và hai là việc Thủ tướng Helmut Schmidt (đảng SPD) ký kết thỏa thuận cho phép Mỹ đặt thêm nhiều tên lửa mang đầu đạn hạt nhân trên đất CHLB Đức. Những quyết định này đã châm ngòi cho các phong trào hòa bình, bảo vệ môi trường và chống hạt nhân cùng liên kết lại và phát triển. Và người ta nói rằng, ở Đức, muốn làm một nhà bảo vệ môi trường mà không chống hạt nhân là chuyện cực kỳ khó.

Dù sao thì thất bại tại các cuộc bầu cử địa phương này cũng chỉ mang tính cảnh báo ngắn hạn đối với những động thái thiếu nhất quán của bà Merkel và liên minh cầm quyền do CDU lãnh đạo. Từ nay cho đến cuộc tổng tuyển cử toàn quốc năm 2013 vẫn còn đủ thời gian để bà Merkel điều chỉnh những sai lầm và chuộc lại uy tín đã bị mất

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.