Đức: Nữ thủ tướng Angela Merkel thắng cử lần 3 "không cần sự thử nghiệm"

Thứ Sáu, 27/09/2013, 07:35

Thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội của Thủ tướng Đức Angela Merkel được đánh giá là “lịch sử” bởi vì bà là người thứ ba của nước Đức sau các thủ tướng Korad Adenauer và Helmut Kohl liên tục cầm quyền ba nhiệm kỳ. “Lịch sử” vì bà Angela Merkel là vị lãnh đạo châu Âu duy nhất giữ được ghế qua cơn bão khủng hoảng kinh tế. Điều gì đã khiến một phụ nữ có thể làm nên nhiều điều lịch sử như thế?

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức hôm 22/9, Liên minh Thiên Chúa giáo CDU-CSU có khuynh hướng bảo thủ của Thủ tướng Merkel về đầu với 41,5% số phiếu. Về thứ nhì là đảng cấp tiến Dân chủ Xã hội SPD với 25,7% phiếu ủng hộ. Hai đảng được nhiều cử tri ủng hộ nhất sẽ thành lập chính phủ liên minh.

Đảng Tự do Dân chủ FDP của ông Philipp Rosler- người Đức gốc Việt - không hội tụ đủ 5% số phiếu tối thiểu để tham gia vào Quốc hội mới. Đây là lần đầu tiên từ sau Thế chiến II, đảng FDP vắng mặt ở Quốc hội. Điều này buộc Thủ tướng Merkel phải thay đổi liên minh. FDP là liên minh của Thủ tướng Merkel trong chính quyền mãn nhiệm.

Theo các nhà quan sát, liên minh của bà Merkel trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức lần này đã đoạt được số phiếu cao nhất kể từ năm 1990 tới nay. Thành quả đó có được nhờ uy tín của Thủ tướng Angela Merkel.

Phương cách giải quyết khủng hoảng đồng euro của bà Merkel trong những năm qua đã tạo uy tín và tin tưởng trong đa số người dân Đức.

Trong khi 19 đồng nhiệm trong EU phải ra đi hoặc từ chức như Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Italia Mario Monti… thì bà Merkel vẫn được tín nhiệm. Chả thế mà khi nhận xét về chiến thắng của bà Merkel, nhiều tờ báo châu Âu đã tỏ ra "ấm ức".

Nhật báo l'Humanité (Pháp) khẳng định: "Lãnh đạo cường quốc kinh tế số một của châu lục, bà Merkel đã ủng hộ sự trị vì của thị trường tài chính, phá vỡ mối đoàn kết vô tình nào đó, thay thế bằng thói ích kỷ, sự miệt thị của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, tiếp sức cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan". Tờ báo nhận định "nếu giờ đây bà ta là lãnh đạo châu Âu đầu tiên được bầu lại từ khi có cuộc khủng hoảng năm 2008, đó là vì bà ta đã làm cho dân mình tin rằng, chính bà đã giúp họ tránh được những điều tồi tệ nhất và chính bà đã bảo vệ họ trước những thèm khát của không ít kẻ lười nhác đang túm tụm bên ngoài biên giới nước Đức".

Sở dĩ có sự "ghen ghét" này là vì trong việc xử lý cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu trong vòng 5 năm qua, bà Merkel kiên quyết theo đuổi chính sách cân bằng ngân sách, thắt lưng buộc bụng đối với các thành viên của khối liên minh tiền tệ Eurozone. Nhìn từ Hy Lạp, hay Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, thì bà Merkel là bà đầm thép, không chút thông cảm hay đoàn kết với những nền kinh tế đang bị khủng hoảng. Từ đầu cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu, Berlin luôn cương quyết đòi giải quyết khủng hoảng bằng con đường giảm bội chi ngân sách và giải quyết nợ công.

Đường lối cứng rắn đó của Chính phủ Đức bị coi là đã đẩy các thành viên yếu kém nhất trong khối euro vào chân tường. Nhiều kế hoạch khắc khổ đã tiếp nối nhau ra đời tại các quốc gia đó, kéo theo những hậu quả tai hại về phương diện xã hội mà vẫn không đem lại tăng trưởng.

Mặc kệ bị người khác ghen ghét, bà Merkel quyết tâm bảo vệ quyền lợi của nước Đức và cho người dân Đức. Trong khi nhiều nước châu Âu rơi vào khủng hoảng tài chính, tăng trưởng âm, thâm hụt ngân sách rất cao và nạn thất nghiệp gia tăng mạnh thì nước Đức dưới sự lãnh đạo của bà Merkel vẫn tăng trưởng dương, tuy không cao nhưng mức xuất khẩu của Đức vẫn luôn đứng thứ nhì trên thế giới, vẫn tiến tới quân bình giữa chi và thu trong ngân sách quốc gia, mức thất nghiệp từ 5 triệu người đang giảm xuống dưới 3 triệu người.

Sự cứng rắn của bà Merkel đối với các thành viên EU "ăn chơi sa đọa" đang được kỳ vọng sẽ mềm dẻo hơn ở nhiệm kỳ 3 của bà. Một liên minh chính phủ mới đang hình thành tại Đức. Thủ tướng Đức phải thay đổi liên minh cầm quyền, liên kết với đảng Dân chủ Xã hội thay vì đảng Tự do Dân chủ mở ra triển vọng nước Đức trong 4 năm tới sẽ quan tâm hơn đến các thành viên khác trong đại gia đình châu Âu. Mọi người chờ đợi đối tác chính trị của bà Merkel trong liên minh cầm quyền mới sẽ dễ dãi hơn với các nước đang gặp khó khăn.

Trên thực thế, trong những năm gần đây, đảng Dân chủ Xã hội cũng như đảng Xanh thường xuyên ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Merkel về phương pháp giải quyết khủng hoảng châu Âu. Một chuyên gia thuộc Ngân hàng Deutsche Bank được AFP trích dẫn cho rằng, lập trường của Đức sẽ không thay đổi nhiều bởi vì đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo và Dân chủ Xã hội SPD gần như là đã có cùng một tiếng nói trên hồ sơ châu Âu, mặc dù là đảng SPD có chỉ trích bà Merkel quá coi trọng mục tiêu cân bằng ngân sách, để gây ra nhiều hậu quả tai hạn về phương diện xã hội cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Đảng SPD ủng hộ khả năng các nước thành viên khối euro cùng phát hành trái phiếu chung, gọi là "eurobond" do Ngân hàng Trung ương châu Âu bảo lãnh. Thế nhưng đại đa số người dân Đức lại không tán đồng quan điểm này. Nói cách khác đảng SPD không dễ dàng nới lỏng chính sách khắc khổ đối với các đối tác châu Âu.

Cuối cùng giới quan sát cho rằng, trong các cuộc đàm phán sắp tới giữa liên minh Thiên Chúa giáo với đảng SPD để thành lập chính phủ, đôi bên sẽ chủ yếu tập trung vào những vấn đề nội bộ của nước Đức. Những vấn đề của châu Âu sẽ chỉ xếp hàng thứ yếu.

Nói về những thách thức trong nhiệm kỳ mới của bà Merkel, tờ Le Figaro (Pháp) cho biết, trước mặt bà Merkel lúc này là 4 năm với một công trường ngổn ngang hàng đống việc phải làm. Là cường quốc kinh tế hàng đầu của châu Âu, nước Đức vẫn đang đứng trước những thách thức lớn cần phải giải quyết để giữ được vị thế của mình trên trường quốc tế. Tờ báo liệt kê ra danh mục công việc cho chính phủ của bà Angela Merkel trong vòng 4 năm đó là: Duy trì sức mạnh kinh tế của đất nước; Khắc phục những bất bình đẳng xã hội; Chuẩn bị cho sự đảo lộn về dân số; Tiếp tục theo đuổi con đường hòa nhập của châu Âu; Tiến hành thành công chuyển đổi năng lượng sau khi từ bỏ điện hạt nhân; Cải cách hệ thống phân chia và đóng góp của cải vật chất giữa các vùng nước Đức.

Một trong những lý do tinh tế khác góp phần vào chiến thắng của bà Merkel, đó là bởi người phụ nữ này hiểu được người Đức muốn gì, từ những điều nhỏ nhất. Người Đức vốn thích sự yên tĩnh. Nếu một cặp đôi có trót lớn tiếng trong sân một tòa nhà chung cư, chắc chắn, họ sẽ được nghe lời nhắc nhớ "Ruhe de!" (Yên lặng nào!) từ một cánh cửa sổ mở nào đó.

Angela Merkel là người hiểu hơn bất kỳ chính trị gia nào trong cuộc bầu cử năm nay sự khát khao yên bình của cử tri Đức. Sự thấu hiểu tinh tế đó thậm chí còn được đưa vào một trong những tuyên ngôn tranh cử của đảng CDU: "Cứ trong hai người Đức thì có một người cảm thấy khó chịu với tiếng ồn" và đảng của bà sẽ tìm cách cải thiện tình hình.

Trong suốt chiến dịch tái tranh cử, bà Merkel thậm chí còn chưa bao giờ đề cập đến tên đối thủ, lãnh tụ đảng đối lập Dân chủ Xã hội Peer Steinbruck, chứ chưa nói đến chuyện chỉ trích cá nhân hay vu khống. Khẩu hiệu tranh cử của bà chỉ đơn giản là "Angela Merkel: Thủ tướng cho nước Đức" hoặc "Cùng nhau thành công".

Thậm chí, bà Merkel còn sử dụng lại một khẩu hiệu từng được Konrad Adenauer - Thủ tướng Đức đầu tiên sau chiến tranh dùng: "Không cần sự thử nghiệm"

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.