Đức tháo gỡ nguy cơ khủng hoảng chính trị

Thứ Năm, 05/07/2018, 14:37
Ngày 1-7, ông Horst Seehofer đã tuyên bố sẽ từ chức Bộ trưởng Nội vụ và chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo Bayern (CSU) nhằm phản đối chính sách di dân của Thủ tướng Angela Merkel mà ông cho là quá bao dung. Tuyên bố này đồng nghĩa với việc chính phủ liên minh của bà Merkel sẽ chết yểu và Đức có thể sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử mới.

Tuy nhiên, tối 2-7 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cho biết sau nhiều giờ đàm phán, ông và đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận về chính sách nhập cư, qua đó giúp tháo gỡ những bất đồng sâu sắc giữa hai đảng trong liên minh cầm quyền Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) thời gian qua.

Cuộc khủng hoảng chính trị Đức tái bùng phát khi phe cánh hữu thuộc đảng CSU trong chính phủ liên minh tại Đức ngày 18-6 gửi tối hậu thư cho Thủ tướng Merkel về việc đóng cửa biên giới với người nhập cư. Trong vòng 2 năm 2015-2016, hơn 1 triệu người đã tới xin tị nạn tại Đức, gây xung đột chính trị kéo dài.

Mục tiêu của đảng CSU là chặn tất cả di dân đã đăng ký ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), đa phần là từ Italy và Hy Lạp, ở vùng biên giới của Đức. Trong tối hậu thư, Chủ tịch CSU, ông Horst Seehofer, cho Thủ tướng Angela Merkel thời gian đến cuối tháng 6 để tìm một giải pháp cho các vấn đề di dân.

Ngày 29-6, lãnh đạo 28 nước thành viên EU đạt được thỏa thuận về hồ sơ người nhập cư tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Brussels. Trước đó, Italy đã ngăn chặn việc thông qua tuyên bố chung của hội nghị bằng cách yêu cầu tất cả các nước thành viên EU đáp ứng nhu cầu của họ về vấn đề người di cư. Đây là một cách làm chưa có tiền lệ, nó minh họa sự chia rẽ sâu sắc giữa các thành viên trong EU.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer.

Theo AFP, một nội dung quan trọng được thông qua là thành lập các trung tâm tiếp nhận người di cư ở ngoài châu Âu. Sau khi phân loại người di cư tại các trung tâm này, số còn lại sẽ được phân bổ vào từng nước trong Liên minh châu Âu theo quota khác nhau. Đề xuất này vừa tránh được việc người di cư phải vượt biển đến châu Âu trên những hành trình nguy hiểm và loại bỏ được các tổ chức tội phạm lợi dụng người di cư để trục lợi.

Hội nghị EU được tổ chức sau khi tàu Aquarius chở 630 người di cư đã bị hết Italy lẫn Malta từ chối tiếp nhận vào đầu tháng 6. Sau hơn 1 tuần lênh đênh trên biển, cuối cùng Tây Ban Nha đã đồng ý cho tàu này cập bến.

Kết quả trên không cải thiện được tình hình chính trị tại Đức. Một mặt, đảng CSU đánh giá kết quả thượng đỉnh EU là “chưa đủ” để thỏa mãn những đòi hỏi của đảng này về một chính sách di dân nghiêm ngặt hơn. Cụ thể là đảng Liên minh xã hội Thiên Chúa giáo Bayern cho rằng đồng thuận đạt được chưa cho phép giải quyết được vấn đề di dân, liên quan đến những người đã đăng ký tại một nước, nhưng sau đó lại đi sang một nước khác. Thủ tướng Merkel thì muốn có những giải pháp thông qua thương lượng với các nước láng giềng.

Ai cũng khư khư giữ lập trường của mình, những lập trường dường như khó có thể dung hòa. Trước một đảng CSU không muốn mất sĩ diện, Thủ tướng Đức đã có được một sự ủng hộ mạnh mẽ của ban lãnh đạo đảng CDU nhằm khẳng định hơn nữa quan điểm của bà, trong khi mà đảng đồng minh CSU gây áp lực, bằng cách đặt lên bàn cân lá bài từ nhiệm của Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer.

Đã từng có những lo ngại, nếu không đạt được một đồng thuận, bà Merkel sẽ là người chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng chính phủ. Thiếu thỏa thuận, chuyện gì sẽ diễn ra? Nếu chấp nhận đơn từ chức của Bộ trưởng Nội vụ, đồng nghĩa với việc bà Merkel giải tán liên minh cầm quyền mới chỉ thành lập được từ 3 tháng nay. Khi ấy, nước Đức sẽ lại rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị mới mà lần này không biết khi nào mới kết thúc.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.