EU và cuộc đua giành vị trí đứng đầu

Thứ Hai, 10/08/2009, 22:25
Nếu không có gì thay đổi, Hiệp ước Lisbon (được coi như hiến pháp EU) sẽ được hầu hết các nước thành viên EU thông qua (giờ chỉ còn phụ thuộc vào kỳ trưng cầu dân ý lần hai để bỏ phiếu cho hiệp ước này tại Ireland vào tháng 10 tới). Khi đó, EU sẽ có một chức vụ hoàn toàn mới: Tổng thống EU.

Vinh quang đã thuộc về Ba Lan

Ngày 14/7/2009, Nghị viện châu Âu mới nhóm họp phiên đầu tiên tại Strasbourg và bầu chủ tịch cho nhiệm kỳ tới. Jerzy Buzek, nghị sĩ châu Âu từ năm 2004, cựu Thủ tướng Ba Lan giai đoạn 1997-2001, được bầu với tỷ lệ 555/644 số phiếu hợp lệ (trên tổng số 713 phiếu bầu), nhiều hơn 200 phiếu so với mức được trúng cử, bỏ xa đối thủ là bà Eva Britt Svesson, người Thụy Điển, thuộc phái cực tả chỉ nhận được 89 phiếu.

Tại Ba Lan, trên sân khấu chính trị vẫn thường xuyên diễn ra những cuộc luận chiến gay gắt. Tuy nhiên, quyết tâm giành cho đất nước Ba Lan một vị trí xứng đáng tại EU thông qua chức chủ tịch PE lần này đã khiến các đảng phái chính trị có được tiếng nói chung.

Trong 30 năm tồn tại và sau 5 năm sau khi EU mở rộng về phía đông, lần đầu tiên, một người Ba Lan từ quốc gia thuộc phe xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu trước kia, một thành viên mới, trúng cử vào chức vụ quan trọng nhất bên cạnh Chủ tịch Ủy ban châu Âu trong định chế lập pháp của EU. "Đây là lựa chọn lịch sử. Lần đầu tiên chúng ta không còn sự phân cách giữa Đông Âu và Tây Âu. Biểu tượng của sự kiện này chính là vị chủ tịch mới" - Martin Schuls, chủ tịch phái Dân chủ-Xã hội trong PE, cho biết.

Giáo sư Tiến sĩ khoa học Jerzy Buzek sinh năm 1940 tại Ba Lan. Từ năm 1963, sau khi tốt nghiệp ngành Cơ điện của Đại học Bách khoa thành phố Gliwice, ông giảng dạy tại các trường đại học và học viện kỹ thuật của Ba Lan. Ông được cấp bằng tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học tổng hợp trên thế giới như Seoul, Dortmund, Isparta...

  • Lần đầu tiên chủ tịch Nghị viện châu Âu là một người Đông Âu.
  • Tái đề cử José Manuel Barroso làm chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC): đầu xuôi đuôi chưa lọt.
  • Ai sẽ trở thành Tổng thống EU?

Năm 2004, Ba Lan gia nhập EU, ông ứng cử vào PE và đạt kỷ lục số phiếu tại địa phương với hơn 170.000 phiếu, gây kinh ngạc cho mọi người. Nhận cương vị Chủ tịch PE vào giai đoạn khó khăn của EU trước khủng hoảng kinh tế là một thử thách lớn với Jerzy Buzek. Trong diễn văn nhậm chức ông cho rằng, cuộc đối đầu vượt qua khủng hoảng tài chính sẽ là nhiệm vụ cơ bản của PE.

José Manuel Barroso - trúc trắc nhiệm kỳ hai

Nhiệm vụ đầu tiên của Nghị viện châu Âu khóa mới là bầu ra một chủ tịch mới. Nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban châu Âu  của José Manuel Barroso sẽ hết hạn vào tháng 11/2009.

Ngày 9/7 vừa qua, lãnh đạo các nước EU, đặc biệt là Thuỵ Điển, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU đã nhất trí đề cử ông Barroso tiếp tục giữ chức vụ này nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai. Ông Barroso, 53 tuổi, theo đường lối bảo thủ và từng là Thủ tướng Bồ Đào Nha, vốn là thành viên thuộc đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu, đảng vừa giành được 267 ghế và trở thành đảng lớn nhất trong PE.

Để được tái đắc cử chức vụ Chủ tịch EC, ông Jose Manuel Barroso còn phải được PE  cũng như chính phủ 27 nước EU thông qua. Chủ đề này đáng lý được thảo luận trong khóa họp của PE  hồi giữa tháng 7 vừa qua, nhưng các nghị sĩ PE đã quyết định sẽ trì hoãn ít nhất 2 tháng (đến ngày 10/9 tới) mới tiến hành cuộc bỏ phiếu tái bầu ông José Manuel Barroso, trong khi đó, đại diện các đảng Xanh và Xã hội tại PE  tuyên bố không tín nhiệm ông Barroso trên cương vị chủ tịch EC nhiệm kỳ 2. Quyết định trì hoãn trên khiến tương lai chính trị của ông Barroso trở nên mù mịt nên từ nhiều tuần nay, ông Barroso đã nhiều lần yêu cầu PE phải có quyết định sớm để tránh tình trạng lộn xộn trong bộ máy lãnh đạo của EU.

Ai sẽ làm Tổng thống EU?

Nếu không có gì thay đổi, Hiệp ước Lisbon (được coi như hiến pháp EU) sẽ được hầu hết các nước thành viên EU thông qua (giờ chỉ còn phụ thuộc vào kỳ trưng cầu dân ý lần hai để bỏ phiếu cho hiệp ước này tại Ireland vào tháng 10 tới). Khi đó, EU sẽ có một chức vụ hoàn toàn mới: Tổng thống EU. Nhân vật này sẽ có nhiệm kỳ 2 năm rưỡi và được chọn thông qua cuộc bầu cử của 27 nước thành viên.

Vị tổng thống EU chỉ có thể tái tranh cử một lần và có nhiệm vụ chủ trì các hội nghị thượng đỉnh của khối, điều hành Hội đồng Bộ trưởng EU và đóng vai trò là đại diện của khối này trong các lĩnh vực ngoại giao, an ninh. Hiện có tới 9 ứng cử viên cho chức vụ đầy quyền lực này của EU.

Nếu như trước đây, Tổng thống Pháp Sarkozy công khai ủng hộ cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cho chức vụ này thì mới đây ông đã thay đổi quyết định khi cho rằng Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker là người xứng đáng hơn cả. Mới đây, Chính phủ Anh tuyên bố ủng hộ ông Blair ra tranh cử chức vụ tổng thống EU vì cho rằng ông Blair là người có nhiều ảnh hưởng và đến từ nước lớn, hiện đang là đặc phái viên của Bộ Tứ về Trung Đông, xứng đáng đại diện cho cả khối EU.

Tuy nhiên, ngay sau đó báo chí Pháp và Đức đã ngay lập tức "quạt" lại một loạt bài trong đó nhấn mạnh "cựu Thủ tướng Blair rất xứng đáng nhưng thật đáng tiếc là nước Anh chưa phải là thành viên hoàn toàn của EU (ám chỉ Anh chưa gia nhập liên minh tiền tệ châu Âu)". Ngoài ra, khó khăn của ông Tony Blair còn đến từ Italia và Tây Ban Nha do các nước này phản đối việc quân đội Anh tham chiến cùng Mỹ tại Iraq.

Ngoài hai gương mặt trên, còn có nhiều nhân vật sáng giá khác như: Thủ tướng Đan Mạch, Anders Fogh Rasmussen; cựu Thủ tướng Ailen, Bertie Ahern; cựu Tổng thống Ba Lan, Aleksander Kwasniewski; cựu Thủ tướng Áo, Wolfgang Schuessel; Thủ tướng Đức, Angela Merkel; cựu Thủ tướng Tây Ban Nha, Felipe Gonzalez và cựu Thủ tướng Bỉ, Guy Verhofstadt.

Theo giới quan sát, sau một thời gian dài ổn định, EU đang đứng trước hàng loạt các thách thức nghiêm trọng, không chỉ từ bên ngoài do  cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mà ngay trong nội bộ khối xuất hiện nhiều bất đồng về cải cách bộ máy, cải cách kinh tế và cả các thành viên mới lẫn cũ

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.