Ed Miliband – “Làn gió mới” của Công đảng Anh

Thứ Hai, 04/10/2010, 13:55
Cuộc đua "huynh đệ" vào chiếc ghế thủ lĩnh Công đảng Anh đã kết thúc với thắng lợi sít sao của của Ed Miliband. Cựu Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng đã vượt qua chính người anh trai của mình - cựu Bộ trưởng Ngoại giao David Miliband - với vỏn vẹn chưa đầy 1% số phiếu bầu. Kết quả này được coi là phản ánh đúng nguyện vọng của các tổ chức công đoàn Anh với hy vọng về một "làn gió mới" trong hàng ngũ của mình.

Nếu như họ của vị thủ lĩnh tương lai trong Công đảng Anh - lần đầu tiên sau 13 năm đã đánh mất vị thế lãnh đạo phải chuyển sang phe đối lập sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5 vừa qua - đã được các nhà quan sát nhắc tới từ vài tháng nay, thì tên cụ thể của nhân vật này chỉ được chính thức biết đến hôm 25/9 vừa qua. Nói đơn giản hơn, cuộc đua vào chiếc ghế thủ lĩnh Công đảng từ trước đó chỉ là chuyện cạnh tranh nội bộ giữa hai anh em nhà Miliband.

Ban đầu, người có ưu thế lớn hơn được coi là cựu Bộ trưởng Ngoại giao David Miliband. Chính trị gia 45 tuổi này nhận được sự ủng hộ của các thành viên theo phe Công đảng mới. Đường lối chính trị của họ theo xu hướng tập trung vào tầng lớp trung lưu và thương gia cỡ lớn trong xã hội, cự tuyệt với chính sách ưu đãi các tổ chức công đoàn mà cựu Thủ tướng Tony Blair trước đây rất tích cực theo đuổi.

Cũng theo vị cựu Thủ tướng này đánh giá trong cuốn hồi ký mới được xuất bản đầu tháng 9, Công đảng thất bại trong cuộc bầu cử gần đây chính vì nguyên nhân từ bỏ đường lối trên. Trong khi trách nhiệm cá nhân, theo ý kiến của phe Công đảng mới, thuộc về cựu Thủ tướng Gordon Brown, người đã không thể thấu hiểu quyền lợi của tầng lớp trung lưu tại Anh.

Trong khi đó, một bộ phận Công đảng đứng đầu là cậu em Ed Miliband (40 tuổi) - trước đó từng là người soạn diễn văn cho Gordon Brown và là Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng - lại kịch liệt phê phán quan điểm trên. Các thành viên phe cánh tả của đảng này cho rằng, khái niệm "chủ nghĩa Công đảng mới" kiểu trên chỉ dẫn tới tình trạng biến đảng trở thành người đại diện quyền lợi cho các ông chủ nhà băng và lơ là mối quan tâm đối với người lao động.

Cho đến sát thời điểm bỏ phiếu hôm 25/9 vừa qua, hai anh em nhà Miliband đều được đánh giá là "đồng cân đồng lạng", không ai có được ưu thế rõ rệt dù là nhỏ nhất. Kết quả là Miliband em đã vượt qua người anh David của mình chưa đầy 1%, khi thu được tổng cộng 50,65% số phiếu bầu. Yếu tố quyết định của chiến thắng sít sao trên, theo các nhà quan sát, chính là nhờ sự ủng hộ của các tổ chức công đoàn.

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới, Ed Miliband đã bác bỏ những tin đồn về việc, chiến dịch tranh cử đã khiến hai anh em họ xích mích với nhau. Bản thân Miliband anh trước đó dường như để bác bỏ những lời đồn trên cũng tuyên bố, trong trường hợp thất bại vẫn sẵn sàng làm việc dưới sự lãnh đạo của người em trong chính phủ đối lập. Có giả thuyết cho rằng, David sẽ nắm chiếc ghế Bộ trưởng Ngoại giao hay thậm chí Thủ tướng trong chính phủ đối lập.

Phát biểu trước những người ủng hộ ngay sau chiến thắng, Ed Miliband thừa nhận rằng, công đảng "đã đánh mất sự tín nhiệm và mối liên hệ với thực tế". "Giờ đây, cầm lái tại Công đảng sẽ là một thế hệ mới đang nhận thức rất rõ sự cần thiết của những thay đổi" - tân Chủ tịch Công đảng tuyên bố. Ed Miliband cho biết sẽ giải thích tỉ mỉ về những tuyên bố trên cùng với lộ trình nhằm quay trở lại nắm chính quyền của Công đảng trong hội nghị sắp tới của đảng tại Manchester.

"Mục tiêu của tôi là giành lại chính quyền cho đảng của chúng ta. Đây là một nhiệm vụ phức tạp. Chúng ta sẽ còn phải trải qua một chặng đường dài. Nhưng đảng của chúng ta đã có được bước đi đầu tiên khi lựa chọn ra được một thủ lĩnh đại diện cho thế hệ mới" - Ed Miliband đã viết như vậy trong một bài báo của tờ Sunday Telegraph. Cũng theo lời tân Chủ tịch, Công đảng cần phải thừa nhận những sai lầm của mình và thể hiện được mình đã thay đổi.

Liên quan đến những kế hoạch sắp tới của ban lãnh đạo Công đảng mới, Ed Miliband nhấn mạnh tới chính sách nhập cư bất hợp lý đang gây bất bình cho người dân, cũng như sự tham gia của Anh trong cuộc chiến Iraq. Thủ lĩnh mới hứa hẹn, Công đảng sẽ trở thành một "phe đối lập có tinh thần xây dựng", tức là không chỉ trích bừa bãi tất cả những đề xuất của chính phủ đương nhiệm - nội dung đầu tiên là ủng hộ các kế hoạch cắt giảm chi phí ngân sách.

Theo các nhà quan sát, cơ hội đầu tiên để chứng tỏ khả năng của Công đảng dưới quyền thủ lĩnh mới chính là cuộc bầu cử thị trưởng London vào năm 2012. Tuần trước, Công đảng đã nhất trí chọn ứng cử viên Ken Livingstone, người cũng đã từng lãnh đạo thủ đô nước Anh suốt 8 năm, trước khi thất bại trước Boris Johnson của phe Bảo thủ.

Phe đối lập đang nhìn nhận cuộc bầu cử năm 2012 sẽ là một chiếc "phong vũ biểu đặc biệt" giúp xác định rõ quan điểm của người dân đối với chính sách của chính phủ liên minh hiện nay nhằm khắc phục các hậu quả của khủng hoảng kinh tế. "Nếu như các bạn muốn đuổi họ (tức phe Bảo thủ), thì hãy bắt đầu từ Boris Johnson" - Livingstone đã tuyên bố rất hùng hồn như vậy.

Phe Bảo thủ lại tỏ ra rất thoải mái khi biết tin Công đảng đã chọn Livingstone cho cuộc đua sắp tới. "Công đảng đã có cơ hội để lựa chọn một ứng cử viên của tương lai, tuy nhiên thay vào đó họ lại chọn ứng cử viên của quá khứ" - Phó thị trưởng London nhận xét. Theo kết quả những cuộc thăm dò gần đây nhất, đương kim Thị trưởng Boris Johnson - người dự kiến sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ 2 - cũng không phải quá lo lắng về tương lai, khi chính sách của đảng Bảo thủ tại London đang nhận được sự ủng hộ của phần lớn người dân thủ đô.

Tuy nhiên vẫn còn gần 2 năm nữa để tân thủ lĩnh Công đảng thể hiện tài lãnh đạo, giúp cho ứng cử viên của mình lật ngược tình thế

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.