Elders: Liên minh "xử lý tình huống" của các cựu lãnh đạo thế giới

Thứ Hai, 13/08/2007, 11:00
Nhân sinh nhật thứ 89 (18/7/1918 - 18/7/2007), cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela làm lễ ra mắt liên minh Elders - một tập hợp các cựu lãnh đạo quốc gia, chính trị gia nhằm xử lý các vấn đề gai góc nhất hành tinh bằng giải pháp ngoại giao.

Elders có khoảng hơn chục thành viên bao gồm các nhân vật cựu lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới, như cựu Tổng giám mục Anh  Desmond Tutu; cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter; cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan; cựu Tổng thống Ailen Mary Robinson; cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright; nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Triệu Tinh; và một số nhà hoạt động nhân đạo nổi tiếng như Giáo sư Bangladesh Muhammad Yunus (giải Nobel Hòa bình 2006); Graca Machel, nhà hoạt động nhân đạo Mozambique và là phu nhân của ông Mandela; bà  Ela Bhatt, thủ lĩnh công đoàn nữ công nhân Ấn Độ.

Trong đó, hai thành viên đặc biệt, đồng sáng lập liên minh là nhà tỉ phú Richard Branson, chuyên gia từ thiện người Anh và Peter Gabriel – ngôi sao nhạc rock nổi tiếng.

Ý tưởng lập ra liên minh Elders được ông Branson phôi thai từ những diễn biến phức tạp trong quan hệ căng thẳng giữa chính quyền Iraq của Tổng thống Saddam Hussein với Mỹ trước khi Washington phát động cuộc chiến lật đổ ông S. Hussein.

Ông Branson, một người bạn của ông Mandela, kể lại rằng đầu năm 2003, ông bắt đầu nghĩ đến việc lập ra nhóm Elders sau khi tìm cách thuyết phục hai ông Mandela và Kofi Annan đi Baghdad “yêu cầu” ông S. Hussein chịu từ bỏ quyền lực ở Iraq.

Ông Mandela và ông Annan đều đồng ý và đã thực hiện chuyến du thuyết này nhưng cuộc dàn xếp bất thành vì Washington đã phát động chiến tranh.

Ít lâu sau đó, ông Branson tham gia giúp ông Mandela tổ chức một buổi hòa nhạc từ thiện. Trên đường về, Branson tình cờ đi chung chuyến bay với ca sĩ Gabriel.

Ông nói với Gabriel rằng mình đang nghĩ đến việc cần thiết thành lập một nhóm những người cao tuổi có uy tín trên toàn thế giới nhằm kịp thời tập hợp lực lượng khi xảy ra xung đột, khủng hoảng.

Ông Gabriel nói, ông cũng có ý tưởng tương tự. Thế là, trong vòng một, hai năm sau đó, Branson đã đi đến nhiều nơi, gặp gỡ và giải trình, thuyết phục các cựu lãnh đạo có uy tín, tiếng tăm để mời họ tham gia nhóm.

Đồng thời ông cũng gặp gỡ các nhà lãnh đạo đương nhiệm để giải trình ý tưởng, chương trình hành động của nhóm để xin sự ủng hộ. Mọi chi phí cho các hoạt động ban đầu đó đều do tiền túi của hai ông Branson và Gabriel bỏ ra.

Về sau, Branson đã tìm được một số "Mạnh Thường Quân" đồng ý tài trợ cho toàn bộ hoạt động của Elders trong 4 năm đầu thành lập (2007-2011).

Tuy bao gồm những người nổi tiếng và có nhiều kinh nghiệm giải quyết các vấn đề lớn trên thế giới, nhưng liên minh Elders không phải là lực lượng chuyên trách của LHQ, cũng chẳng phải là một tổ chức quốc tế được các nước trên thế giới cùng đứng ra thành lập.

Vì vậy, nhiều người cho rằng trong thời gian trước mắt, Elders sẽ gặp phải nhiều khó khăn khi tiến hành các hoạt động của mình tại các quốc gia nơi có những vấn đề cần sự trợ giúp của họ.

Hiện vẫn còn khá nhiều người hoài nghi khả năng hoạt động của Elders, và người ta chưa biết chắc thái độ của các nước, các vùng lãnh thổ sẽ như thế nào, có chấp nhận để các thành viên Elders “ra tay” trên lãnh thổ mình hay không.

Ít nhất liên minh này cũng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của một số nhà lãnh đạo có uy tín như đương kim Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki và Thủ tướng Anh Gordon Brown.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Albright cho rằng, việc có được những người dày dạn kinh nghiệm quốc tế giúp xử lý các vấn đề gai góc dẫu sao cũng rất có giá trị.

Nhưng, đôi khi cái nhìn của Elders cũng có thể bị chi phối bởi chiều hướng tư tưởng phổ biến của thế giới tư bản, của trào lưu “dân chủ” theo mô hình phương Tây, cho nên họ khó có một tư thế thật sự hoàn toàn khách quan nếu giả sử họ đụng phải các vấn đề hóc búa tại Nga, Trung Quốc, Venezuela, CHDCND Triều Tiên, hay các nước Hồi giáo khu vực Trung Đông có quan hệ căng thẳng với Mỹ như Iran, Syria,...

Dù sao thì, trong một thế giới đang tồn tại quá nhiều vấn đề gai góc, quá nhiều mâu thuẫn và khủng hoảng, việc có được một nhóm các cựu lãnh đạo cao tuổi, dày dạn kinh nghiệm hỗ trợ trong nhiều tình huống khó khăn vẫn mang lại lợi ích nhiều hơn.

Phát biểu với báo chí khi thông báo việc thành lập liên minh Elders, ông Mandela cho rằng, do các thành viên trong liên minh không còn nắm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước nên họ không bận bịu, có thể dành toàn bộ tâm trí cho sự nghiệp chung.

“Nhóm có thể hành động một cách tự do và mạnh dạn, có thể hoạt động vừa công khai vừa trong hậu trường, và làm bất cứ điều gì cần thiết”, ông Mandela nói.

Nhưng Elders sẽ không bao biện tất cả mọi vấn đề của thế giới, mà chỉ sẽ tiếp cận và xử lý từng vấn đề một thuộc phạm vi cho phép. Họ chỉ tham gia giải quyết vấn đề bên cạnh chính phủ các nước và họ chỉ thật sự can thiệp sâu hơn khi mọi nỗ lực chính thức của chính quyền sở tại đã không mang lại kết quả mong muốn.

Và dĩ nhiên, các thành viên Elders chỉ hành động khi nhận được lời mời giúp đỡ của nước sở tại, hoặc LHQ.

Còn cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, khi trả lời báo chí liệu Elders có “đá lấn sân” LHQ trong nhiều vấn đề toàn cầu hay không, đã khẳng định: “Chúng tôi không đại diện cho chính quyền hay định chế nào cả. Chúng tôi chỉ là những công dân bình thường của thế giới giúp một tay giải quyết các vấn đề toàn cầu”

Tiểu Bảo (tổng hợp)
.
.