Francois Hollande - Niềm hy vọng mới

Thứ Sáu, 28/10/2011, 09:50

Francois Hollande - một khuôn mặt "cũ mà mới" của đảng Xã hội Pháp (Party Socialiste - PS) vừa được đảng này chọn làm ứng cử viên tranh cử tổng thống Pháp, sau cuộc bầu sơ bộ ngày 16/10 vừa qua. Hollande vừa là "người cũ" vì từng lãnh đạo đảng Xã hội suốt 10 năm, vừa là "người mới" vì cho đến tận bây giờ ông mới được mọi người quan tâm, đặc biệt với tư cách là "ứng cử viên mới" của đảng Xã hội.

Sản phẩm của hệ thống đào tạo tinh hoa

Cuộc đời và sự nghiệp chính trị của ông Hollande có 2 đặc điểm đáng chú ý nhất là: ông chưa bao giờ được bầu giữ chức vụ dân sự nào; và luôn luôn đứng sau lưng vợ, luôn bị bà Royal lấn át. Chỉ sau khi chia tay bà Royal (năm 2007), ngôi sao chiếu mệnh vào ông Hollande mới cho ông cơ hội được tỏa sáng. Và đó là cơ sở để ông được đảng Xã hội Pháp chọn làm ứng cử viên tổng thống tham gia cuộc bầu cử vào tháng 4/2012 tới.

Đây là dịp để giới nghiên cứu chính trị Pháp soi xét lại một số giai đoạn trong cuộc đời ông Hollande để tìm hiểu xem ông có những đặc điểm gì nổi bật và cũng để đánh giá xem ông có bao nhiêu phần trăm thành công. Và giới nghiên cứu cho rằng, để đi tìm một ứng cử viên đảng Xã hội theo chuẩn mực truyền thống ở Hollande thì rất khó.

Francois Hollande năm nay 57 tuổi (sinh tháng 8/1954), nhỏ hơn bà Ségolène Royal 1 tuổi và lớn hơn Tổng thống Sarkozy 1 tuổi. Francois sinh trưởng tại thành phố Rouen, thủ phủ vùng Normandy. Đến khi trưởng thành, ông và gia đình về sống ở khu Neuilly-sur-Seine, ngoại ô thủ đô Paris.

Người ta nói rằng, Hollande là sản phẩm của hệ thống đào tạo tinh hoa của Pháp, chuyên cung cấp cho xã hội những "công bộc" tinh túy nhất. Theo tiểu sử về ông Hollande, ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông đã được tuyển vào học Trường Sciences Po - trường đào tạo về khoa học chính trị uy tín nhất nước Pháp. Đến năm 1974, Hollande theo học Trường Doanh thương HEC (École des Hautes Études Commerciales de Paris, cũng hàng đầu nước Pháp), nhờ đó có được một số kiến thức chuyên môn về lĩnh vực kinh tế. Quan trọng nhất trong các trường mà Hollande từng theo học là Trường Hành chính quốc gia (École Nationale d'Administration - ENA), khóa 1978-1980.

Xin nói thêm, Trường ENA của Pháp nổi tiếng là trường đào tạo quan chức cao cấp về chính trị và kinh tế cho nước Pháp, có chế độ tuyển sinh rất khắt khe, chỉ tuyển khoảng vài chục sinh viên mỗi năm. Chẳng hạn, năm 2010, 1.500 thí sinh đã phải cạnh tranh quyết liệt để tranh nhau 80 suất học tại trường. Theo truyền thống, mỗi lớp học tự chọn cho mình một cái tên riêng, thường là lấy tên những danh nhân kiệt xuất trong lịch sử nước Pháp. Lớp của ông Hollande, tốt nghiệp năm 1980, đã chọn tên là Voltaire (nhà văn, triết gia nổi tiếng nước Pháp thế kỷ thứ XVIII). Trong lớp học của Hollande, ngoài cựu Thủ tướng Dominique de Villepin còn có các bộ trưởng tài chính, văn hóa và một số đại sứ, và đặc biệt là bà Royal.

Hollande đã bắt đầu có định hướng và một số hoạt động chính trị từ khi còn di học ở trường đại học, với việc tham gia các phong trào sinh viên. Và ông đã có thiên hướng theo cánh tả ngay từ những ngày đó. Ngay sau khi tốt nghiệp trường ENA năm 1980, ông đã khởi đầu sự nghiệp chính trị trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Francois Mitterrand và góp công giúp ông Mitterrand giành chiến thắng đầu tiên cho đảng Xã hội ở nền Đệ ngũ Cộng hòa.

Ngay năm đầu của chính phủ Mitterrand (1981), Hollande đã tham gia làm trợ lý cố vấn kinh tế cho Jacques Attali, rồi làm Chánh văn phòng Bộ trưởng Ngoại giao Roland Dumas. Năm 1999, ông tham gia Nghị viện châu Âu nhưng không được lâu thì lại từ nhiệm, và được tái cử vào Quốc hội Pháp các năm 2002 và 2007 cho đến nay. Chính trong thời gian làm việc trong Điện Élysée với Tổng thống Mitterrand, Hollande đã "học hỏi" được cách vận dụng quyền hành ở cấp cao nhất.

Francois Hollande và Ségolène Royal thời làm việc cho Tổng thống Francois Mitterrand.

Cái bóng... bên vợ

Trước sau, cuộc đời và sự nghiệp của ông Hollande có liên quan mật thiết với cuộc sống chung gần 30 năm giữa ông với bà Royal (cho đến khi 2 người chia tay vào năm 2007). Hollande và bà Royal gặp gỡ và yêu nhau thời còn học ở Trường Hành chính quốc gia. Hồi đó, 2 ông bà học cùng lớp với cựu Thủ tướng Dominique de Villepin. Hai người đã yêu nhau kể từ sau một chuyến công tác từ thiện xã hội. Nói là "vợ chồng" nhưng ông Hollande và bà Royal chưa bao giờ cưới hỏi. Có một lần, hồi 2 người còn trong độ tuổi dưới 30, trong một chương trình truyền hình, bà Royal đã bất ngờ hỏi ông Hollande: "Francois, anh sẽ cưới em chứ?". Câu hỏi này khiến ông Hollande phải lóng ngóng thoái thác: "Chuyện đó ta hãy nói sau, em nhé".

Và cũng từ đó cho đến khi chia tay (năm 2007), tuy đã có với nhau 4 người con nhưng 2 người vẫn chưa kết hôn. Theo Luật Hôn nhân Pháp, các cặp vợ chồng có quyền chọn chế độ sống chung, có ký kết hợp đồng, nhưng không nhất thiết phải cưới hỏi, tất cả là vì lý do thừa kế tài sản, quyền nuôi con… Trường hợp của ông Hollande và bà Royal rơi vào chế độ gọi nôm na là "hợp đồng sống chung" cho nên báo chí không gọi họ là vợ chồng mà chỉ dùng từ "bạn đời" (partner).

Cùng thời với nhau, Hollande và Royal từng được xem là cặp ngôi sao trẻ tỏa sáng trên bầu trời Pháp thời ông Francois Mitterrand làm Tổng thống đầu tiên của đảng Xã hội. Nhưng bà Royal thăng tiến nhanh hơn Hollande. Bà tham gia chính phủ do ông Pierre Bérégovoy làm Thủ tướng vào năm 1992, với vai trò là Bộ trưởng Môi trường, khi mới ngoài 30 tuổi. Ngay sau đó, Royal đã gây nên một cơn "bão báo chí" khi bà sinh cho ông Hollande đứa con thứ 4.

Francois Hollande và Valérie Trierweiler.

Người Pháp đã rất sốc khi một bộ trưởng của họ đã là phụ nữ lại còn sinh con khi còn đương chức nữa. Nhưng nói gì thì nói, tất cả những sự kiện thời bà Royal làm việc trong chính quyền đều lấn át vai trò của chồng, ông Hollande, và đã có lúc người ta gọi ông là "Ông Royal". Dưới thời Thủ tướng Lionel Jospin (giai đoạn 1997-2002), bà Royal vẫn tham gia nội các với vai trò Bộ trưởng, còn ông Hollande đảm nhận vai trò Bí thư thứ nhất đảng Xã hội Pháp.

Tuy nhiên, cuộc đời trớ trêu, không có thứ gì bền vững lâu dài, dù có kéo dài hàng chục năm thì rồi cũng tan. Tháng 6/2007, tức 1 tháng sau cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 2 với chiến thắng thuộc về ông Sarkozy, vợ chồng Hollande-Royal chính thức thông báo chia tay. Lý do chia tay đã được 2 người giải thích không giống nhau, nhưng chung quy vẫn là do cuộc sống chung giữa họ đã không thể tiếp tục kéo dài thêm.

Bà Royal có vẻ bực tức khi phát biểu trước báo giới về cuộc chia tay của mình, tuy không nêu trực tiếp nguyên nhân tan vỡ, nhưng qua các phát biểu trên báo cho thấy giữa 2 người đã có mâu thuẫn từ trong hoạt động chính trị làm ảnh hưởng đến đời sống riêng tư. Hollande tuyên bố, không muốn cuộc sống cá nhân bị ảnh hưởng bởi chính trị, nhưng với Royal thì bà không giấu giếm tham vọng sau khi chia tay ông Hollande là nhằm tìm kiếm địa vị lãnh đạo cao nhất trong đảng Xã hội. Tuy nhiên, Royal đã không thành công, và tại cuộc bầu cử chức Bí thư thứ nhất đảng Xã hội Pháp ngày 25/11/2008, bà Royal đã thất bại, thua kém bà Martine Aubry 42 phiếu.

Bà Ségolène Royal.

Trong khi đó, đối với ông Hollande, cuộc chia tay với bà Royal đã mở ra một bước ngoặt mới trong cuộc đời: ông được tự do hơn, có cơ hội tỏa sáng một mình trên chính trường nước Pháp. Mặc dù không còn làm Bí thư thứ nhất đảng Xã hội, nhưng Hollande lại bắt đầu manh nha một tham vọng mới: tranh cử vào Điện Élysée. Đó là bước đầu của quyết định tranh cử tổng thống đã được Hollande hiện thực hóa bằng cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng Xã hội bắt đầu từ hôm 9/10 và kết thúc hôm 16/10 với chiến thắng trước đối thủ là bà Martine Aubry.

Sau khi chia tay bà Royal, Hollande đã có ngay nữ phóng viên báo chí Valérie Trierweiler lấp khoảng trống. Vốn là phóng viên chuyên trang chính trị của tờ báo Paris Match, Trierweiler quen biết Hollande trong những lần tác nghiệp rồi dần dần nảy sinh tình cảm với nhau. Tuy nhiên, khi 2 người công khai việc "sống chung" vào năm 2007, dư luận lại một lần nữa râm ran về chuyện "xung đột lợi ích" của nữ phóng viên Trierweiler. Và chính vì sức ép từ dư luận quá lớn nên lãnh đạo tờ báo Paris Match đã phải yêu cầu bà Trierweiler chuyển sang bộ phận công tác khác.

Hy vọng mới cho cánh tả Pháp

Bây giờ, dư luận Pháp lại đang nói nhiều đến một Hollande thiên tả có nhiều khả năng sẽ đánh bại ông Sarkozy nếu ông này ra tái ứng cử vào năm tới. Các thăm dò ý kiến cử tri mới nhất đều cho kết quả Hollande dẫn điểm Sarkozy với 57% so với 43%. Quyết tâm chấn hưng kinh tế, giải quyết cuộc khủng hoảng nợ và tình trạng thất nghiệp trong thanh niên Pháp là thế mạnh được ông Hollande vận dụng trong các chuyến vận động tranh cử khắp nước Pháp.

Người dân Pháp đang ngán ngẩm cung cách điều hành của ông Sarkozy, chán ghét chính sách thân Mỹ và mộng bá quyền của ông khi tham gia các cuộc xung đột vũ trang ở Trung Đông và Bắc Phi, trong khi những khó khăn kinh tế trong nước lại không có được chuyển biến tích cực nào, với nguy cơ nợ công đe dọa nền kinh tế và một tương lai tăng trưởng trì trệ chực chờ trước mắt. Hollande đã nhìn thẳng vào tất cả những vấn đề đó của nước Pháp và không ngại ngần đưa ra tuyên bố sẽ giải quyết chúng một cách dứt khoát. Người dân Pháp đang hy vọng vào một sự thay đổi quan trọng trong đời sống xã hội với một tổng thống mới thuộc đảng Xã hội. Điều này cũng đang khiến cánh tả Pháp nuôi hy vọng sẽ "làm nên chuyện" vào năm tới, để lần đầu tiên sau 30 năm trở lại nắm quyền ở Điện Élysée.

Tuy nhiên, do đảng UMP vẫn chưa bầu chọn người ra ứng cử, người ta chưa biết chắc liệu đối thủ sắp tới của ông Hollande có phải là Sarkozy hay không. Hàng loạt sự cố, bê bối trong thời gian qua đang làm mờ đi hình ảnh của ông Sarkozy trong mắt cử tri Pháp, khiến cho phe cánh hữu đứng trước nguy cơ thất bại vào năm tới. Và đây chính là lý do để cánh hữu lên tiếng bóng gió về việc có thể tìm người khác thay ông Sarkozy ra tranh cử vào năm tới

An Tôn - Quốc Vương (tổng hợp)
.
.