Hai người phụ nữ trong cuộc đời Thủ tướng Robert Gordon Menzies

Thứ Năm, 07/09/2006, 10:00

Cho đến nay, Robert Gordon Menzies vẫn là vị Thủ tướng đạt kỷ lục phục vụ hơn 18 năm - lâu nhất trong lịch sử chính trị của Australia, trong hai nhiệm kỳ 1939-1941 và 1949-1966.

Sinh năm 1894 tại bang Victoria trong một gia đình có hoàn cảnh khiêm tốn, Menzies nhờ thông minh chăm chỉ mà đoạt được học bổng của Trường đại học  Melbourne và trở thành một trong những luật sư hàng đầu của Australia. Có chân trong Quốc hội bang Victoria vào năm 1928 và trong Quốc hội liên bang vào năm 1934, ông đã nắm giữ chức Bộ trưởng Công nghiệp trong chính quyền thuộc đảng Liên minh Australia của Thủ tướng lúc bấy giờ là Joseph Lyons.

Nhiệm kỳ thứ nhất của ông bắt đầu vào năm 1939 - là lúc Chiến tranh thế giới II nổ ra. Năm 1941, sau khi từ nhiệm, ông trở thành thành viên của đảng đối lập, giúp sức cho việc xây dựng đảng Tự do, và trở thành lãnh tụ đảng đối lập vào năm 1946. Tại cuộc bầu cử toàn liên bang vào năm 1949, ông đã đánh bại Ben Chifley - lãnh tụ đảng Lao động - và một lần nữa trở thành Thủ tướng Australia, đánh dấu cho suốt những năm nắm quyền của Liên minh đảng Tự do - Quốc gia. Năm 1966, Menzies về hưu ở cương vị thủ tướng, và qua đời vào ngày 15/5/1978.

Menzies đã gặp gỡ nàng công chúa xinh đẹp trẻ trung lần đầu tiên vào trước Chiến tranh thế giới II và nhiều lần khác nữa vào những năm sau đó. Cả hai có chung niềm đam mê thực hiện những bộ phim gia đình bằng máy quay cá nhân. Và những hình ảnh đầu tiên của Elizabeth là do Menzies đạo diễn. Sau khi Elizabeth lên ngôi nữ hoàng vào năm 1953, cả hai vẫn thường xuyên gặp nhau, cả trong những dịp ngoại giao lẫn gặp gỡ thân tình.

Mối quan hệ giữa họ được gắn kết trong chuyến viếng thăm Australia của Nữ hoàng vào năm 1954. Sự  quan tâm của Nữ hoàng dành cho Menzies được thể hiện rõ nét trong dịp bà đến thăm Australia vào tháng 3/1963 và phong tặng “Danh hiệu Hiệp sĩ Cây kế cao quý nhất” cho ông. Không giống như những tước hiệu hoàng gia khác, phần thưởng này đứng hàng thứ hai sau “Phẩm cấp hiệp sĩ Garter”, chỉ được  ban tặng khi có sự tư vấn của một vị lãnh đạo chính phủ, nhằm tôn vinh sự kính trọng của một cá nhân nào đó dành cho nền quân chủ Anh, và chỉ có tổng cộng 16 người được hưởng vinh dự này mà thôi.

Thủ tướng Menzies và nữ hàng Elizabeth tại một bữa tiệc ở Australia.

Đáp lại tấm lòng của Nữ hoàng dành cho mình, trong bài phát biểu tại Tòa thượng viện ở Canberra, Menzies đã đọc một đoạn thơ: “Tôi chẳng thấy gì ngoài bóng dáng của nàng lướt qua, nhưng tôi sẽ yêu nàng cho đến ngày rời xa trần thế”. Nghe xong câu này, Nữ hoàng đã đỏ mặt thẹn thùng! Năm 1965, Menzies còn được Nữ hoàng ban tặng những vinh dự cao hơn nữa. Đó là hai  tước hiệu cực kỳ quý hiếm: "Nguyên soái lâu đài Dover” và “Lãnh chúa Warden của Cinque Ports”...

Người đàn bà thứ 2 của Menzies chính là phu nhân của ông. Pattie Maie Leckie là  cô gái xinh xắn xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm chính trị. Pattie  gặp gỡ Menzies lần đầu tiên ở trường trung học. Họ kết hôn vào năm 1920 và sinh được 3 người con. Pattie là người ủng hộ nhiệt thành cho sự nghiệp chính trị của chồng. Nhiệm vụ đầu tiên của bà là quản lý các công việc hậu trường ở Tòa nhà chính phủ. Pattie được mệnh danh là “vũ khí bí mật của Menzies”.

Dù luôn luôn phản đối những ý kiến cho rằng mình là người có ảnh hưởng chính trị sâu sắc lên chồng, nhưng Pattie quả thực là cánh tay phải của ông, nhờ biệt tài phán đoán, nhận định  rất chính xác của bà. Bà còn tham gia công tác từ thiện, là giám đốc nhiều  bệnh viện phụ nữ, phát động phong trào nhà trẻ miễn phí. Những người khách bất ngờ đến ghé thăm nhà thường ngạc nhiên khi thấy bà  đích thân xắn tay áo, lau chùi, quét dọn, nấu nướng. Ngay cả trong những bữa tiệc long trọng, người ta vẫn thấy bà tất bật trổ tài trong bếp. Khi gần đến giờ đón khách, bà sẽ biến mất trong vài phút, rồi bất thần xuất hiện trở lại trong bộ trang phục dạ hội sang trọng.

Không cần sự  trợ giúp của thư ký, bà có thể dùng chiếc bàn đánh billards làm văn phòng dã chiến và tự tay trả lời tất cả các thư từ, công văn. Phong cách thân thiện, sự khôi hài tinh tế trong công tác xã hội khiến cho bà được nhiều người ngưỡng mộ. Nhằm ghi nhận những đóng góp của Pattie cho xã hội, Nữ hoàng Elizabeth II đã phong tặng cho bà danh hiệu “Quý bà bội tinh chiến công của Đế chế  Anh” trong chuyến viếng thăm Australia vào năm 1954. Pattie qua đời tại Canberra vào ngày 30/8/1995, thọ 96 tuổi

Thuý Hân (theo Dictionary of Famous Australians)
.
.