Haiti: Người “đàn bà thép” sẽ cứu đất nước ra khỏi đau thương?

Thứ Ba, 30/11/2010, 17:15
Nếu vượt qua vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Haiti vào ngày 28/11, bà Mirlande Manigat sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của đất nước đầy đau thương này.

Năm nay 70 tuổi, nữ tiến sĩ Đại học Sorbonne đã tuyên bố mình nhất quyết "đoạn tuyệt" với nền chính trị bị tê liệt hiện nay. "Phải có một sự thay đổi, nhưng không phải là bạo lực. Chúng ta không thể tiếp tục để cho hàng triệu người Haiti bị bỏ rơi nữa", bà Manigat phát biểu trên báo Time của Mỹ có trụ sở tại thủ đô Port-au-Prince.

Đó cũng gần như là khẩu hiệu tranh cử của bà Manigat. Cho đến nay, khẩu hiệu đó của bà đã thật sự được nhiều người chú ý ở đất nước đang chịu nhiều đau khổ nhất Tây bán cầu này. Nó dường như giúp bà vượt lên trước 19 ứng cử viên khác trong cuộc đua trước ngày bỏ phiếu. Trận động đất kinh hoàng hồi tháng 1/2010 đã cướp đi sinh mạng của 230.000 người, và hàng triệu người còn sống hiện đang lâm vào cảnh mất nhà cửa chưa có nơi ở mới, lại bị cơn dịch tả hoành hành khiến gần 1.000 người nữa thiệt mạng.

Chẳng ai ngạc nhiên khi thấy ứng cử viên Jude Celestin do Tổng thống René Préval chọn bị bà Manigat cho "ngửi khói" trong cuộc đua. Lý do cụ thể nhất chính là những phản ứng quá chậm chạp của chính quyền do ông Préval lãnh đạo sau khi xảy ra trận động đất kinh hoàng tại đất nước nhỏ bé này, cộng thêm trận dịch tả đang hoành hành không biết bao giờ mới tìm ra được lối thoát cho dân nghèo Haiti đỡ khổ, khiến cho người dân Haiti cảm thấy ông Préval và đảng Đoàn kết (UNITE) của ông trở nên quá xa lạ đối với họ.

Lẽ đương nhiên là chẳng ai muốn bầu cho ứng cử viên do ông Préval và đảng UNITE đề cử. Đảng UNITE cầm quyền đã mất uy tín vì để cho đất nước rơi vào tình cảnh bi đát như thế, đã thôi thúc người dân Haiti quay sang ủng hộ nghệ sĩ nhạc hip-hop người Mỹ gốc Haiti Wyclef Jean. Nhưng anh này đã bị loại hồi tháng 8/2010 vì quy định khắt khe về hộ tịch. Lúc đó, bà Manigat thậm chí chưa xuất hiện trước công chúng. Giới quan sát đặt câu hỏi "cử tri sẽ trông cậy vào ai đây?" vì họ chưa "nhìn thấy" bà Manigat.

Và mọi người bỗng ngạc nhiên khi nhận ra người mà cử tri Haiti đang quan tâm tin cậy không phải là nghệ sĩ nhạc pop Michel "Sweet Micky" Martelly vốn đang "nổi như cồn" ở Haiti mà là bà Mirlande Manigat - một bà già 70 tuổi chưa từng có thành tích gì trên chính trường! Giáo sư sử học George Michel giải thích: Bà Manigat dễ được chấp nhận hơn vì bà là một học giả có uy tín, vừa mang phẩm chất "dân túy" lại vừa được đa số người Haiti nể trọng vì uy tín và tuổi tác nhiều hơn so với các ứng cử viên khác.

Thực ra thì bà Manigat không hề "xa lạ" đối với chính trường Haiti. Bà từng là Đệ nhất phu nhân khi chồng bà, ông Leslie Manigat làm Tổng thống. Hai ông bà gặp nhau hồi thập niên 60 thế kỷ XX ở Đại học Paris. Hồi đó, ông Manigat sống lưu vong tại Pháp để tránh chế độ độc tài Francois "Papa Doc" Duvalier (mất năm 1971). Ông làm giáo sư giảng dạy tại Đại học Paris, còn bà Mirlande là sinh viên theo học lớp do ông dạy. Hai ông bà cưới nhau năm 1970, sống ở Pháp, Trinidad, Venezuela và trở về Haiti năm 1986 sau khi con trai nhà độc tài là Jean-Claude "Baby Doc" Duvalier (lên thay cha) bị phế truất.

Năm 1988, ông Leslie Manigat - đại diện đảng Đại hội các nhà Dân chủ tiến bộ Quốc gia - RDNP - giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử đầy bạo lực do bị quân đội can thiệp, trở thành Tổng thống Haiti. Tuy nhiên, ông Manigat chỉ ngồi trên chiếc ghế đó được vài tháng thì bị quân đội lật đổ. Năm 2006, ông Manigat lại ra ứng cử tổng thống nhưng không thể thắng nổi ông Préval. Theo nguyên tắc thì ông Préval năm đó phải bước vào cuộc bầu cử vòng hai vì không thể đạt quá bán, nhưng Ủy ban Bầu cử Haiti đã phớt lờ.

Nhiều ý kiến của giới quan sát ở Haiti cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống năm 2010 chính là cơ hội để ông bà Manigat "rửa" mối hận năm xưa, đặc biệt là khi các kết quả thăm dò mới nhất cho thấy bà Maginat đang dẫn trước ông Celestin với khoảng cách 30% so với 22% cử tri ủng hộ. Nếu giành chiến thắng tuyệt đối vào ngày 28/11 tới, bà Manigat sẽ thay đổi tất cả những lề thói ấu trĩ, bệ rạc hiện nay của chính trường Haiti. Nhiều người tin chắc rằng ông Manigat, năm nay đã 80 tuổi, sẽ là động lực, là nguồn sức mạnh lớn lao để bà quyết tâm đạt được điều mình muốn.

Một trong những việc bà Manigat "cần làm ngay" là quản lý thật tốt nguồn quỹ cứu trợ thiên tai của cộng đồng quốc tế trị giá hơn 10 tỉ USD phục vụ cho công cuộc cứu trợ và tái thiết Haiti. Hiện tại, công việc tái thiết, phục hồi Haiti sau động đất dường như chưa được bắt đầu. Việc dọn dẹp các đống đổ nát đòi hỏi tốn kém tiền bạc và nhân lực lớn, nhưng vấn nạn lớn nhất chính là làm sao giải quyết nơi ăn chốn ở cho hơn 1,5 triệu người bị mất nhà cửa do động đất, kèm theo đó là làm sao đẩy lùi được dịch tả đang hoành hành.

Còn nhiều thứ phải thay đổi nữa, chẳng hạn như bà Manigat cho biết, nếu giành chiến thắng, bà sẽ thay đổi Hiến pháp để cho phép công dân Haiti đang sinh sống ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, mang "quốc tịch kép". Manigat cũng dự định sẽ cải cách triệt để nhằm cải thiện tình trạng bất công trong giáo dục, mọi công dân Haiti phải được tiếp cận giáo dục công lập. Và nhất thiết, đất nước Haiti của bà Manigat sẽ không còn "sống nhờ tiền cứu trợ" nữa.

Vẫn còn một khả năng nhỏ là gian lận trong bầu cử có thể khiến cho cuộc đăng quang của bà Manigat không trọn vẹn, thậm chí có thể buộc bà phải bước vào vòng hai (ngày 16/1/2011) để tìm chiến thắng

Văn Trương (tổng hợp)
.
.