Hành trình dài của phái nữ trên chính trường Afghanistan

Thứ Hai, 22/10/2018, 17:57
Ở Afghanistan, có nhiều yếu tố ngăn cản phụ nữ làm việc bên ngoài chứ chưa nói tới chạy đua tranh cử vào quốc hội. Để có tiếng nói của phụ nữ đối với công việc quốc gia, họ sẽ phải đi một chặng đường dài.

Nỗ lực của phụ nữ

Bố mẹ Shahba Shahrukhi đã cười lớn khi cô nói với họ rằng cô định chạy đua trong cuộc bầu cử Quốc hội Afghanistan ngày 20-10, tức cuộc bầu cử đầu tiên ở Afghanistan trong 8 năm. Cô quả quyết: “Không. Con không đùa. Con phải tranh cử”. Khi họ nhận thấy con gái nghiêm túc, họ lập tức không cười và cấm cô tranh cử.

Tuy nhiên, lần đầu tiên trong đời, nhà tâm lý học 28 tuổi này đã không nghe lời cha mẹ. Phát biểu với phóng viên kênh CNN, Shahrukhi, người chạy đua giành ghế quốc hội tại tỉnh quê nhà Samangan ở miền bắc Afghanistan, nói: “Tôi biết tôi phải làm điều này để những phụ nữ khác thấy rằng bạn có thể là một lãnh đạo và bạn có thể đấu tranh. Đất nước này cần điều mới mẻ”.

Là người phụ nữ đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học, Shahrukhi cam kết thúc đẩy giáo dục cho phụ nữ, điều mà cô coi là “nỗi đau lớn nhất của Afghanistan”. Cô cho biết, ứng cử viên nữ ở các tỉnh như cô gặp khó khăn nhiều hơn vì phải vượt qua các vấn đề văn hóa, chống đối lại chồng, cha, anh trai và họ hàng, thậm chí là cả những phụ nữ ghen tị với thành công của cô và không muốn cô vượt họ.

Shahba Shahrukhi trong một lần đi vận động tranh cử.

Theo Ủy ban Bầu cử độc lập, có 2.070 người tranh cử quốc hội, trong đó có 278 phụ nữ.

Cuộc bầu cử ngày 20-10 là một trưng cầu ý dân về cách phụ nữ Afghanistan được đối xử trong xã hội. Họ thường bị coi là công dân hạng hai. Nhiều phụ nữ trẻ như Shahrukhi vỡ mộng khi họ cảm thấy chính phủ không làm gì cho họ. Do đó, những phụ nữ này quyết tâm tự mình giải quyết vấn đề và dẫn dắt thay đổi, cho dù cái giá là gì đi nữa.

Shahrukhi nói: “Thế giới coi phụ nữ Afghanistan không thể tự lực nhưng giờ cứu vãn đất nước tùy thuộc vào chúng tôi. Chúng tôi không có thêm thời gian để lãng phí... Thay vì giao tiền cho các nhà thầu hay chính phủ, cộng đồng quốc tế cần tiếp nhận chúng tôi nghiêm túc. Chúng tôi có quá nhiều tiềm năng nhưng quá ít cơ hội để trở thành bất kỳ điều gì ngoài việc là công dân hạng hai”.

Đối với Shahrukhi và các ứng viên nữ khác, cải cách giáo dục là ưu tiên trong một quốc gia mà ước tính 2/3 trẻ em gái không được tới trường. Hồi tháng 10/2017, Tổ chức Giám sát nhân quyền ra báo cáo cảnh báo rằng an ninh ở Afhganistan đã suy giảm, tỷ lệ học sinh nữ giảm ở nhiều nơi và thành tích bấy lâu này có thể sớm bị đảo ngược.

Thúc đẩy mục tiêu giải phóng phụ nữ

Cuộc bầu cử quốc hội bị trì hoãn bấy lâu ở Afghanistan đang diễn ra với nhiều rủi ro khi mà lực lượng Taliban duy trì kiểm soát hơn 40% quốc gia và tổng số dân thường chết đã lên tới mức cao mới: 8.050 trong 9 tháng năm 2018.

Cuộc bầu cử này sẽ là thước đo cho mọi thứ, gồm cả việc phụ nữ tiến xa tới đâu trong xã hội. Năm 2013, Quốc hội Afghanistan đã thông qua luật giảm tỷ lệ ghế dành cho phụ nữ trong hội đồng tỉnh từ 25% xuống 20%. Tổ chức Quan sát nhân quyền gọi đây là cuộc tấn công rộng rãi nhằm vào quyền lợi của phụ nữ.

Bà Lima Ahmad, học giả nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng NATO, nói: “Đôi khi không phải chính phủ coi Taliban là kẻ thù chính của nhân dân. Thay vào đó, phụ nữ vẫn bị coi là kẻ thù số một”.

Shahba Shahrukhi nói với một nhóm phụ nữ ở Samangan về tầm quan trọng của việc đi bầu cử.

Gần 17 năm kể từ khi Mỹ can dự quân sự vào Afghanistan để lật đổ Taliban, mục tiêu giải phóng phụ nữ Afghanistan vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo phụ nữ có vị trí bình đẳng trong xã hội.

Bà Palwasha Hassan, sáng lập Trung tâm Giáo dục phụ nữ Afghanistan, nhận định: “Trong giáo dục và mọi lĩnh vực, phụ nữ Afghanistan phải là nhân tố thúc đẩy thay đổi cơ bản”.

Mùa xuân năm ngoái, bà Hassan đã phối hợp với Minas List, một tổ chức là đối tác của các tổ chức tại Afghanistan giúp đỡ chuẩn bị cho các nữ lãnh đạo trong cuộc chạy đua vào quốc hội thông qua hội thảo và chương trình huấn luyện. Bà Tanya Henderson, Giám đốc điều hành Minas List, cho biết, họ đã đào tạo 29 nữ ứng viên quốc hội, trong đó có Shahrukhi. Bà lưu ý rằng, đã có 4 phụ nữ từ bỏ vì bị đe dọa giết. Một ứng viên ở tỉnh Takha vừa bị các tay súng bắt cóc.

Bà Hassan nói: “Giờ là lúc chúng ta tiếp tục thúc đẩy và chúng ta phải là những người thúc đẩy”. Theo bà, báo cáo gần đây của Thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan đã chỉ trích chương trình Promote của USAID, cơ quan đã có khoản đầu tư lớn nhất để trao quyền cho phụ nữ toàn cầu, vì đã chi gần 80 triệu USD trong 3 năm mà không tạo ra nhiều tiến triển trong nỗ lực cải thiện tình trạng việc làm cho phụ nữ. Chương trình chỉ đưa được 55 phụ nữ vào các vị trí việc làm trong chính phủ.

Bà Sakena Yacoobi, nhà hoạt động giáo dục nổi tiếng và là Tổng Giám đốc Điều hành Viện Học tập Afhganistan, cho biết, bà lo lắng khi sự chú ý toàn cầu vào Afghanistan đã giảm. Khi mà Chính phủ Mỹ với quan điểm “Nước Mỹ trước tiên” chỉ chú trọng chi tiêu cho quân sự, các nhà hoạt động lo sợ nỗ lực thúc đẩy đang tan rã. Bà nói: “Chúng tôi cần thế giới chú ý và giám sát những gì đang diễn ra. Phụ nữ là những người có thể cứu vãn đất nước và thế giới không thể phớt lờ”.

Đối với Shahrikhi, người dành phần lớn thời gian gần đây cho các cuộc họp, chỉ số thực sự cho thấy Afghanistan vẫn còn một chặng đường xa phải đi đó là tỷ lệ bạo lực nhằm vào phụ nữ cao ở mức nguy hiểm: gần 87% phụ nữ ở Afghanistan bị lạm dụng.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố hồi tháng 5 đã chỉ trích hệ thống tư pháp hình sự Afghanistan vì phớt lờ bạo lực nhằm vào phụ nữ. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani thường xuyên cho biết ông có chính sách không khoan nhượng nhưng các nhà hoạt động nhận xét ông chưa đủ cứng rắn.

Trước thêm bầu cử, Shahrukhi nói: “Tôi có niềm tin nhưng đôi khi thật khó khăn. Thậm chí, nếu tôi không chiến thắng, điều quan trọng với tôi là chỉ cho mọi người thấy rằng tôi ở đây, rằng tôi không sợ, rằng phụ nữ Afghanistan sẽ không im lặng. Chúng tôi là những người sống sót và chúng tôi sẽ luôn tiếp tục như vậy”.

Nhật Minh
.
.