Hậu luận tội, ông Trump thẳng tiến tranh cử

Thứ Ba, 25/02/2020, 16:12
Việc Thượng viện Mỹ bác bỏ 2 điều khoản luận tội tổng thống có nghĩa là ông Trump không bị buộc tội và bãi nhiệm, cũng có nghĩa là cuộc luận tội kéo dài suốt 5 tháng cuối cùng đã kết thúc. Phiên luận tội thứ ba trong lịch sử chính trị Mỹ tuy đã khép lại nhưng có vẻ như mọi chuyện vẫn chưa kết thúc, đảng Dân chủ sẽ không bỏ qua cho ông Trump.

Tổng thống Donald Trump là tổng thống thứ ba trong lịch sử nước Mỹ bị đưa ra luận tội và là tổng thống đầu tiên bị luận tội khi đang trong chiến dịch tái tranh cử. Trước đó, cố Tổng thống Johnson và cựu Tổng thống Clinton đều từng bị Hạ viện luận tội nhưng không bị định tội tại phiên tòa của Thượng viện và cũng không bị bãi nhiệm. Một tổng thống khác cũng bị điều tra luận tội là cố Tổng thống Nixon nhưng ông đã từ chức trước khi điều khoản luận tội được trình lên Hạ viện.

Có một trường hợp khá “lạ”, đó là Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney. Ông Romney là ứng cử viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 và là Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa duy nhất bỏ phiếu ủng hộ điều khoản luận tội đầu tiên là lạm dụng quyền lực nhưng phản đối điều khoản luận tội thứ hai là cản trở quốc hội. Hành động này khiến ông trở thành nghị sĩ đầu tiên trong lịch sử Mỹ bỏ phiếu luận tội tổng thống của đảng mình.

Giải thích cho hành động của mình, ông Romney cho rằng sự lạm dụng quyền lực của Tổng thống Trump đã vượt quá giới hạn cho phép, nếu ông không phản đối thì sẽ bị “dằn vặt lương tâm và lịch sử lên án”.

Tuy nhiên, theo trang mạng Politico, trong vấn đề luận tội, nói đến lương tâm hay đạo đức đều là giả dối. Vở kịch này về bản chất là một sự định hướng chính trị. Điều các nghị sĩ cân nhắc khi bỏ phiếu chính là tiền đồ chính trị của họ chứ không phải sự thật. Có thể thấy điều này từ ranh giới đảng phái rõ ràng trong kết quả bỏ phiếu - để bảo vệ quyền lực chính trị, đảng Cộng hòa đã gắn liền việc tái đắc cử của ông Trump với lợi ích của đảng, đoàn kết cùng nhau xây dựng “bức tường đỏ” của mình; trong khi đảng Dân chủ chỉ chờ sơ hở để công kích và bôi nhọ nhằm giảm bớt sức hút của tổng thống trong mắt các cử tri trung lập.

Quang cảnh phiên luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tờ The Guardian cho rằng, việc ông Trump được tuyên vô tội là hình ảnh thu nhỏ của sự rạn nứt trong nội bộ nước Mỹ. Trong thời đại tranh giành khốc liệt giữa các đảng phái, đảng Cộng hòa coi ông Trump là nạn nhân, trong khi đảng Dân chủ lại chỉ trích về sự bình thường hóa những điều vô nguyên tắc của ông. Cuộc đấu giữa hai đảng không biết khi nào hạ nhiệt, dù vụ luận tội đã khép lại nhưng cuộc chơi vẫn chưa kết thúc. Đảng Dân chủ tuyên bố sẽ tiếp tục điều tra các hành vi trái nguyên tắc của Tổng thống Trump để ngăn ông giành chiến thắng nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo.

Tờ The Wall Street Journal đặt câu hỏi: “Cuộc luận tội đau đớn đã kết thúc, cuộc đấu này đã thay đổi được gì?”. Tờ báo này cho rằng vụ luận tội sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nước Mỹ: Sự phân cực chính trị ngày càng sâu sắc, quyền lực của tổng thống càng lớn hơn, quan hệ giữa đảng Cộng hòa và tổng thống càng chặt chẽ hơn... “Thương tích” từ cuộc luận tội có thể sẽ khiến 2 nhân vật quan trọng nhất của 2 đảng - ông Trump và bà Pelosi - không thể làm việc cùng nhau. Về cơ bản bây giờ họ không thể cùng đứng trong một căn phòng được nữa(?).

Bài báo cũng cho rằng, sự oán hận kéo dài như vậy là không bình thường, có thể trở thành trở ngại trong các hoạt động chính trị chung, không chỉ cho đến hết năm 2020 mà còn kéo dài trong thời gian tới. Đi kèm với phân cực chính trị là nền tảng cử tri cốt lõi của hai đảng được huy động nhiều hơn, hoạt động càng mạnh mẽ hơn.

Về phía đảng Cộng hòa, cuộc thăm dò của Gallup cho thấy trong thời gian diễn ra cuộc luận tội, tỷ lệ ủng hộ ông Trump là 49%, tỷ lệ ủng hộ trong nội bộ đảng Cộng hòa là 94%, tỷ lệ ủng hộ của phe trung lập tăng 3 điểm phần trăm, đạt 42%, là mức cao nhất kể từ khi ông nhậm chức tổng thống. Những người ủng hộ trung thành của Tổng thống Trump nói với giới truyền thông rằng họ sẽ bất chấp tất cả để bỏ phiếu cho ông tái cử.

Về phía đảng Dân chủ, những người ủng hộ đảng Dân chủ cũng như phái ôn hòa với tâm lý thất bại trong cuộc luận tội có thể gia tăng sự ủng hộ của họ đối với đảng Xanh ở các tiểu bang, giúp phe Dân chủ tăng sức cạnh tranh cho các ghế trong Quốc hội. Larry Sabato, Giám đốc Trung tâm Chính trị học của Đại học Virginia nói: “Tôi nghĩ rằng phiên tòa luận tội đã làm thức tỉnh các nhà hoạt động xã hội, khiến họ nhận ra rằng khả năng ông Trump giành được nhiệm kỳ thứ hai là rất cao”.

The Wall Street Journal còn đặt ra câu hỏi liệu rằng có phải ông Trump đã vượt qua vụ luận tội mà không để lại thương tích nào? Có lẽ mọi thứ không đơn giản vậy. Do vụ luận tội, sự đối lập giữa hai đảng đã tăng lên. Câu hỏi đặt ra là cử tri bên nào sẵn sàng hành động vì điều này? Thử nghiệm chính trị cuối cùng của cuộc luận tội có thể không nằm trong kết luận mà là ở mức độ khơi dậy cảm xúc của mọi người.

Theo một số chuyên gia, điều cử tri quan tâm nhất rốt cuộc vẫn là kinh tế và việc làm. Nếu chính sách kinh tế phiên bản đảng Dân chủ được cử tri chấp thuận, sau đó lợi dụng “vết nhơ luận tội” của Tổng thống Trump thì họ có thể đạt được hiệu quả trong việc bôi nhọ đối thủ. Ngược lại, nếu đảng Dân chủ không đưa ra được các ý kiến phê bình ý tưởng kinh tế của ông Trump thì yếu tố luận tội sẽ bị gạt ra khỏi tâm trí các cử tri và nó sẽ khó trở thành một đòn bẩy mạnh để hạ bệ tổng thống.

Trên thực tế, không có bên nào thắng trong cuộc đấu xoay quanh vụ luận tội này. Luận tội đã trở thành một công cụ chính trị phổ biến được hai đảng sử dụng để tấn công nhau và chi phối tình hình bầu cử. Công cụ này ngày càng bị lạm dụng. Cho dù vụ luận tội lắng xuống, các cuộc đấu tiếp theo vẫn sẽ bào mòn nguồn lực chính trị của Washington, sẽ chỉ khiến cử tri cảm thấy kiệt sức mà thôi.

Ngọc Lan (tổng hợp)
.
.