Hậu tố “exit” đang đe dọa Italy

Thứ Tư, 14/12/2016, 16:35
Nếu trong năm 2016, Liên minh châu Âu (EU) đã phải đối mặt với những nguy cơ "Greexit" (Hy Lạp rời khỏi EU) hay hậu quả của "Brexit" (Anh rời khỏi EU), thì giờ đây, ngay tại Italy, sau những biến động chính trị, người ta đang nhắc nhiều đến cụm từ "Venexit". Một lần nữa, hậu tố “exit” đã trở thành trào lưu, gắn với địa danh du lịch nổi tiếng miền Bắc Italy là vùng Veneto.

Ngay sau cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp diễn ra ngày 4-12 tại Italy vừa qua, người dân vùng Veneto đang được một số đảng phái chính trị cánh hữu như Liên đoàn phương Bắc, Tiến lên Italy và Bằng hữu Italy vận động tham gia một cuộc trưng cầu ý dân cấp vùng, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2017, để quyết định quyền tự chủ đặc biệt cho vùng này. Lời kêu gọi được đồng loạt đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng của vùng cũng như các trang mạng xã hội như Facebook.   

Ngày 6-12, Hội đồng của vùng Veneto cũng đã thông qua với đa số phiếu ủng hộ một dự luật (27 phiếu thuận, 16 phiếu chống và 5 phiếu trắng), theo đó “người dân Veneto được coi là một dân tộc thiểu số của quốc gia”. Dự luật cấp vùng này được cho là nền tảng để đi đến một tuyên bố về nguồn gốc chủng tộc, việc sử dụng đồng thời hai ngôn ngữ gồm tiếng Italy và thổ ngữ trong hệ thống hành chính, trong trường học, các bảng chỉ dẫn công cộng và bảng chỉ đường.

Trước mắt, các đơn vị cấp tỉnh của vùng Veneto sẽ đòi hỏi việc sử dụng “ngôn ngữ Veneto” trên địa giới địa phương. Tại các trường tiểu học, việc dạy thổ ngữ Veneto sẽ trở thành bắt buộc. Phức tạp hơn nữa, dù chưa đạt được sự thống nhất về nội dung cụ thể nhưng những công chức không sinh ra tại vùng Veneto sẽ phải trải qua một kỳ kiểm tra về “cách ứng xử đặc thù Veneto”, cũng như phải có hiểu biết nhất định về thổ ngữ Veneto.

Ông Paolo Gentiloni đang bắt đầu tham vấn với các chính đảng nhằm thành lập chính phủ kế tiếp cho Italy.

Lãnh đạo đảng Liên đoàn phương Bắc tại Veneto, ông Riccardo Barbisan cho rằng việc thực hiện những bước đi nêu trên là để củng cố lộ trình đòi hỏi quy chế tự chủ đặc biệt cho vùng Veneto về thẩm quyền cũng như ngân sách, như chính quyền trung ương trước đây đã công nhận cho một số vùng khác mà Trentino là một ví dụ.

Các bước đi pháp lý này của vùng Veneto được dựa trên khuôn khổ Công ước khung về bảo vệ các dân tộc thiểu số có lịch sử của Hội đồng châu Âu, đã được chính phủ Italy phê chuẩn năm 1997.

Không hoàn toàn giống cuộc trưng cầu ý dân ở Anh mà kết quả là Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các vấn đề rắc rối trong cuộc bỏ phiếu ở Italy dường như không có mối liên hệ trực tiếp đến EU. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu ý dân vừa qua tại Italy đã làm dấy lên những câu hỏi về tương lai của Eurozone và gia tăng sự quan ngại ở Italy về những gì sẽ xảy ra sau cuộc tổng tuyển cử kế tiếp.

Hai đảng đối lập chủ chốt vốn phản đối kế hoạch cải cách của ông Renzi - đảng Phong trào 5 sao (M5S) có quan điểm kháng chính thống và đảng Liên đoàn phương Bắc có quan điểm chống nhập cư - hy vọng sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Italy trong Eurozone.

Nếu một trong hai đảng nói trên, hoặc một lực lượng khác có quan điểm hoài nghi về đồng euro, tìm cách nắm giữ được quyền lực trong cuộc tổng tuyển cử kế tiếp và tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về đồng euro, cử tri Italy có thể sẽ lựa chọn việc rút khỏi Eurozone.

Dù Tổng thống Italy Sergio Mattarella chiều 11-12 đã chỉ định Ngoại trưởng Paolo Gentiloni làm thủ tướng mới để đứng ra thành lập một chính phủ thay thế chính phủ có tư tưởng cải cách của ông Matteo Renzi - người đã từ chức hôm 7-12 sau thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp vừa qua, song giới phân tích cho rằng chính phủ mới chưa thể giải quyết được các vấn đề của Italy.

Tỷ lệ tăng trưởng chậm chạp, tình trạng thất nghiệp ở mức cao và sự hoài nghi của người dân đối với các thể chế truyền thống ở Italy vẫn có thể dẫn đến sự trỗi dậy của các phong trào phản đối cũng như chủ nghĩa dân túy. Tỷ lệ tăng trưởng thấp và sự bất ổn chính trị cũng sẽ tác động mạnh đối với hệ thống ngân hàng của Italy, vốn đang phải vật lộn nhằm tìm kiếm nguồn vốn mới và nhằm thoát khỏi gánh nặng nợ xấu khổng lồ (360 tỷ euro).

Ngoài những khó khăn kinh tế - xã hội, không thể phủ nhận Italy cũng đang phải đối mặt với thực tế các xu hướng ly khai địa phương đang trỗi dậy. Chưa thể nói về kết quả, nhưng cuộc trưng cầu dân ý cấp vùng về “Venexit” với quyền tự chủ rất có thể thành hiện thực trong tương lai gần.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.