Hậu trường việc trao tặng Huân chương ở Pháp

Thứ Năm, 12/10/2006, 08:00

Đại biểu Nghị viện châu Âu, bà Roselyne Bachet, đã bông đùa: “1/2 người dân Pháp đã được tặng thưởng huân chương, còn 1/2 khác đang ao ước sẽ có ngày mình cũng được trao tặng”.

“Huân chương, đó là những món đồ chơi cao cấp luôn hấp dẫn người lớn. Vậy thì hãy sử dụng các món đồ chơi này để điều binh khiển tướng”, trên 200 năm sau, câu nói bất hủ này của Hoàng đế Napoléon vẫn còn giữ nguyên giá trị của nó.

Cho đến nay, Huân chương Bắc đẩu Bội tinh (BĐBT), Huân chương cao quý nhất nước Pháp, được cài ở vạt bên phải của lễ phục hay áo veste của người được trao tặng, luôn hấp dẫn mọi người, mọi giới, từ các chính trị gia cho đến sĩ quan quân đội, từ giới thượng lưu cho đến giới văn nghệ sĩ, doanh nhân...

André Santini, đại biểu tỉnh Hauts-de-Seine tại Quốc hội, cho biết: “Ai cũng ao ước được trao tặng Huân chương BĐBT và tỏ rõ thái độ ganh tị khi thấy một ai đó có ít công trạng hơn mình lại nhận được vinh dự này. Họ tự hỏi, tại sao tôi lại không được trao tặng?”.

Về nguyên tắc, một công dân Pháp không có quyền yêu cầu được xét tặng huân chương, nhất là Huân chương BĐBT. Vì vậy mới xảy ra chuyện một số người chạy chọt, vận động để được tặng thưởng huân chương cao quý này. Việc làm này đã đi ngược lại ý nguyện của Hoàng đế Napoléon khi khai sinh ra Huân chương BĐBT vào năm 1802 là chỉ để tặng thưởng cho bất cứ binh lính nào có công trạng trên chiến trường. Còn các quan chức triều đình chỉ được xét tặng Huân chương BĐBT sau thời gian 20 năm làm việc mà không phạm phải sai lầm.

Đến năm 1962, nhằm đáp ứng nhu cầu được trao tặng huân chương của mọi giới, nhất là giới dân chính, Tổng thống Charles de Gaulle quyết định ban hành một loại huân chương cao quý khác là Huân chương Công trạng quốc gia (CTQG). Huân chương này được xét tặng cho bất cứ ai có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quốc gia suốt 10 năm liền mà không phạm sai lầm. Cho đến nay đã có 125.000 Huân chương CTQG đã được trao tặng cho các công dân Pháp thuộc nhiều giới, kể cả quân đội và cảnh sát.

Đến năm 1975, Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing đã ban hành một quyết định mang tính lịch sử  khi bãi bỏ thời hạn 20 năm mới được xét tặng thưởng Huân chương BĐBT, được ban hành bởi Hoàng đế Napoléon và 10 năm mới được xét tặng thưởng Huân chương CTQG, được ban hành bởi Tổng thống De Gaulle và quy định việc xét tặng phải căn cứ vào sự đóng góp thiết thực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quốc gia mà không cần phân biệt thời gian.

Điều này phù hợp với việc xét tặng thưởng huân chương cho các vận động viên thể thao vì sự nghiệp của họ rất ngắn ngủi. Nhờ quyết định này mà hiện nay tại Pháp, bình quân mỗi năm có đến 2.900 Huân chương BĐBT và 4.500 Huân chương CTQG đã được trao tặng (trong đó có từ 15 đến 20% người được trao tặng là phụ nữ).

Bên cạnh hai loại huân chương này, còn có những huân chương cấp bộ hay cấp ngành như Huân chương Công trạng Nông nghiệp, Công trạng Hàng hải, Công trạng Giáo dục hay Huân chương Văn hóa nghệ thuật... do người đứng đầu các bộ, ngành xét tặng và đích thân gắn cho người được trao tặng.

Điểm đặc biệt là việc trao tặng huân chương đều diễn ra trong một buổi lễ trang trọng, tổ chức tại Điện Élysées (phủ tổng thống) hay Điện Matignon (phủ thủ tướng), nếu đó là trao tặng Huân chương BĐBT hay CTQG hoặc tại trụ sở các bộ, ngành nếu là trao tặng huân chương chuyên ngành. Trong các buổi lễ trao tặng huân chương đều có sự tham gia của lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành và cả thân quyến của người được trao tặng huân chương.

Nam danh ca Enrico Macias kể lại: “Năm 1986, tôi được trao tặng Huân chương BĐBT tại Điện Matignon mà bên cạnh còn có sự hiện diện của người thân, đồng nghiệp và cả những chính trị gia tiếng tăm. Quá xúc động, tôi đã quên đọc bài phát biểu viết sẵn mà chỉ biết nói ra những cảm nghĩ từ tận đáy lòng mình”.

Có giá bán từ 100 đến 600 euro tùy theo kiểu loại nhưng Huân chương BĐBT mang lại cho người được tặng thưởng không những vinh dự về tinh thần mà cả về vật chất. Theo quy định thì người được trao tặng Huân chương BĐBT sẽ được nhận một khoản tiền tượng trưng 6,4 euro/năm được gọi là bổng lộc quốc gia cho đến cuối đời. Con cái và cháu chắt của họ sẽ được theo học miễn phí tại Trường trung tiểu học Saint-Germain-en-Laye, dành cho nam, và Trường trung tiểu học Saint-Denis, dành cho nữ.

Cơ quan được giao nhiệm vụ chế tác, sản xuất và kinh doanh các loại huân chương là Cục Quản lý tiền tệ và Huân chương quốc gia. Tuy nhiên, tiền thu được từ việc bán các loại huân chương đều phải nộp hết vào Ngân khố quốc gia. Chỉ riêng việc bán huân chương các loại trong năm 2005 đã thu về cho Ngân khố quốc gia 5,9 triệu euro.

Tại Pháp hiện nay việc được trao tặng huân chương, nhất là Huân chương BĐBT và CTQG đã trở thành một nhu cầu nhằm đánh giá cho sự thành đạt của một người và công trạng của họ về mặt nào đó trong sự nghiệp của mình. Đại biểu Nghị viện châu Âu, bà Roselyne Bachet, đã bông đùa: “1/2 người dân Pháp đã được tặng thưởng huân chương, còn 1/2 khác đang ao ước sẽ có ngày mình cũng được trao tặng. Đó không chỉ là niềm vui mà còn là vinh dự của mọi người bởi vì người ta suy diễn rằng đến tuổi 50 mà giám đốc một nhà máy chưa được trao tặng một huân chương nào thì chắc hẳn ông ta phải có sai phạm nào đó”.

Hiện nay việc xét tặng Huân chương BĐBT và CTQG do một hội đồng cấp quốc gia mà người đứng đầu phải là tướng lĩnh quân đội, một truyền thống được gìn giữ từ thời Hoàng đế Napoléon cho đến nay. Quy trình xét tặng thưởng phải trải qua 4 giai đoạn.

Ở giai đoạn thứ nhất, tất cả hồ sơ của các ứng viên phải được đích thân giám đốc cảnh sát thành phố, tỉnh kiểm tra và xác nhận về thái độ trách nhiệm và hành vi đạo đức, công trạng và không có bất cứ tì vết nào về lý lịch tư pháp.

Ở giai đoạn hai, hồ sơ tiếp tục được kiểm tra tại các bộ, ngành liên quan như Bộ Thể thao đối với vận động viên thể thao, Bộ Văn hóa đối với văn nghệ sĩ... Tại đây các bộ, ngành phải cân đối hồ sơ xét trao tặng huân chương có phù hợp với hạn mức đã được giao cho bộ, ngành mình và có hiệu lực trong vòng 3 năm hay không.

Ở giai đoạn thứ ba, tất cả hồ sơ xét trao tặng huân chương từ các bộ, ngành gửi đến sẽ được Hội đồng xét tặng huân chương quốc gia thẩm tra lần cuối trước khi trình tổng thống ký duyệt.

Ở giai đoạn thứ tư, tổng thống có quyền ký hay không ký quyết định xét tặng huân chương cho từng cá nhân. Nếu như Tổng thống Pháp có quyền ký quyết định tặng thưởng Huân chương BĐBT và CTQG thì ông cũng có quyền ký quyết định thu hồi theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng xét tặng huân chương quốc gia. Mỗi năm có khoảng 12 trường hợp thu hồi các huân chương đã được trao tặng.

Điểm đặc biệt là các đại biểu Quốc hội và thành viên nội các chính phủ không được xét tặng hai loại Huân chương BĐBT và CTQG trong thời gian đương chức. Họ chỉ được xét tặng khi đã về hưu

Văn Hòa (theo VSD)
.
.