Hết nhiệm kỳ Thống đốc, “Kẻ huỷ diệt” sẽ làm gì?

Thứ Ba, 18/01/2011, 09:45
Arnold Schwarzenegger, nhà cựu vô địch thể hình người Áo trở thành tài tử nổi tiếng ở Hollywood rồi sau đó thành vị thống đốc nổi tiếng nhất trong lịch sử bang California, Mỹ, đang phải thay đổi một lần nữa. Ngày 3/1/2011, Arnold Schwarzenegger đã nhường lại chiếc ghế thống đốc bang cho Jerry Brown, người vừa trúng cử hôm 2/11/2010.

Giờ là lúc cánh báo chí đặt nhiều câu hỏi về tương lai của vị cựu thống đốc này và cá nhân ông vẫn giữ bí mật đó đến phút chót.

"Tôi có nhiều lựa chọn: đóng phim, viết sách"- ông Schwarzenegger, năm nay 63 tuổi, cho biết khi viếng thăm Moskva, Nga, tháng 11-2010, tuy rằng cũng nói "vẫn phải chú tâm vào nhiệm vụ thống đốc". Ông Schwarzenegger, còn có biệt hiệu "Governator" vì vai diễn nổi tiếng của ông trong loạt phim Terminator (Kẻ hủy diệt), phục vụ 7 năm trong chức vụ lãnh đạo tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ. Tuy được đông đảo người dân mến mộ khi trở thành một thống đốc đảng Cộng hòa với khuynh hướng cấp tiến và tái đắc cử năm 2006, sự ủng hộ của cử tri bang California dành cho ông đang xuống thấp trong thời gian cuối tại vị trên ghế thống đốc, cùng với tình hình kinh tế suy thoái của tiểu bang.

Luật tiểu bang California không cho phép ông ở quá hai nhiệm kỳ liên tục, nhưng cho dù nếu ông có được tái tranh cử đi chăng nữa, ông cũng sẽ khó thuyết phục được cử tri trong tình thế hiện nay.

Tuy vậy, ông Schwarzenegger vẫn còn có sự thu hút và sự nhiệt thành khiến nhiều người tin rằng, ông sẽ tranh cử lần nữa có thể để vào Quốc hội ở Washington. Cũng có lúc, có tin đồn nói rằng ông sẽ nhận một chức vụ nào đó trong Chính phủ Obama, có thể là về lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là dù có tham vọng, ông sẽ không thể ra tranh cử tổng thống vào năm 2012 vì Hiến pháp Mỹ không cho ứng cử viên không sinh ra ở quốc gia này được tranh cử tổng thống. Cũng có thể ông sẽ quay trở lại màn bạc sau khi nhiệm kỳ thống đốc chấm dứt.

Ông thật sự không cần tiền vì từng được lĩnh thù lao hậu hĩnh trong những bộ phim trước đây, vào khoảng 30 triệu USD mỗi bộ vào thời điểm ăn khách nhất, và tài sản nhờ đầu tư làm ăn trong thời gian qua. Việc trở lại Hollywood được Tom Arnold, người cùng xuất hiện với ông trong cuốn phim "True Lies" cho hay, hồi năm ngoái họ sẽ cùng nhau tái ngộ khán giả lần nữa ngay sau khi ông Schwarzenegger mãn nhiệm.

Tuy nhiên, dù cho là làm việc gì đi nữa, thì bà vợ Maria Shriver sẽ có tiếng nói quyết định, khác hẳn với năm 2003 khi ông loan báo với giới truyền thông về việc ra tranh cử thống đốc trước khi bàn với bà Shriver, một người cháu của cố Tổng thống John F. Kennedy và cũng là một ký giả, một người viết sách. "Trước khi tôi có quyết định gì, có hành động gì sắp tới, tôi sẽ nói với Maria: Maria, bây giờ em muốn anh làm gì" - ông cho hay trong cuộc phỏng vấn dành cho hệ thống truyền hình Fox.

Ngày 3/1/2011, Jerry Brown, 72 tuổi  chính thức tuyên thệ nhậm chức thống đốc thứ 39 của tiểu bang California, chiếc ghế mà ông ngồi lại sau 28 năm xa rời. Tuy nhiên lần này, tiểu bang mà ông lèo lái có nhiều khác biệt và khó khăn hơn nhiều so với hồi trước.

Brown, là người duy nhất trong lịch sử tiểu bang này phục vụ 3 nhiệm kỳ trong chức vụ thống đốc. Hai nhiệm kỳ trước đó của ông, từ năm 1975 đến 1983, diễn ra trước khi đạo luật giới hạn thời gian phục vụ của thống đốc là hai nhiệm kỳ được cử tri thông qua.

Con đường trở lại chính trường của ông Brown, thuộc đảng Dân chủ, kinh qua hai chức vụ Thị trưởng Oakland và Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang California.

Thống đốc Arnold Schwarzenegger khánh thành trạm nhiên liệu mới Flex Fuel, làm từ ngũ cốc.

Vị tân Thống đốc hứa hẹn sẽ áp dụng một chính sách tằn tiện trong chi tiêu và phương cách lãnh đạo khác hẳn với cách của người tiền nhiệm Arnold Schwarzenegger. Ông Brown tiên liệu một tương lai u ám cho tiểu bang đang bị nguy khốn về tài chính. Khác với người tiền nhiệm, vốn luôn hết sức lạc quan về tình hình của California, ông Brown tỏ ra thực tế hơn. California trong nhiều năm phải đương đầu với mức thâm thủng ngân sách trầm trọng và nay lại đang phải đối phó với một mức thâm thủng 28 tỉ USD khác cho đến tháng 6/2012. Ngân quỹ tiểu bang hiện thấp hơn so với 3 năm trước khoảng 15 tỉ USD, phản ánh việc thu thuế lợi tức bị sụt giảm do tình hình kinh tế suy thoái.

Ông Brown, tuyên bố trong lễ tuyên thệ: "Những năm tháng trước mắt đòi hỏi ở người dân California sự can đảm và lòng hy sinh". Ngay từ sau cuộc bầu cử tháng 11/2010, ông Brown đã nhiều lần lui tới Quốc hội tiểu bang để thu thập mọi ý kiến, gặp gỡ chính khách từ cả hai đảng và liên hệ trực tiếp đến việc soạn thảo chính sách, một sự khác biệt rõ ràng với cách làm việc của ông Schwarzenegger, người thường tìm cách đạt thỏa thuận trong những cuộc họp riêng với một số nhỏ thành phần lãnh đạo.

Dư luận hiện đang nóng lòng trông chờ kế hoạch ngân sách của Brown, vốn sẽ được đưa ra chỉ một tuần sau khi ông tuyên thệ nhậm chức. Trong nhiệm kỳ trước đây, ông Brown bị chỉ trích là thích theo đuổi các tham vọng chính trị mà sao lãng nhiệm vụ của ông đối với tiểu bang. Ông từng vận động (nhưng không thành công) để được đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống trong kỳ bầu cử năm 1976 và 1980, ông cũng thua trong kỳ tranh cử vào Thượng viện Mỹ năm 1982.

Ông cũng có sự thay đổi lớn so với lần ngồi ở ghế thống đốc trước đây: ông lập gia đình đã 5 năm với cựu luật sư trưởng của Công ty Gap Inc., bà Anne Gust Brown, người dự trù sẽ đóng một vai trò quan trọng trong văn phòng của chồng. Bà là người chọn nơi ở của hai vợ chồng trong khi ông Brown làm việc tại Sacramento, ở ngay bên kia đường nhìn sang nơi ông Brown sẽ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ ba

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.