Hội đồng An ninh Quốc gia đằng sau các chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ

Thứ Hai, 10/08/2015, 14:25
Được Tổng thống Harry S. Truman thành lập sau khi Thế chiến II kết thúc để giúp tổng thống giải quyết các chính sách đối ngoại lẫn quân sự, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) ban đầu chỉ bao gồm tổng thống và nội các chính phủ. Sau này, số lượng thành viên trong NSC tăng dần lên. Dưới thời chính quyền Bill Clinton, số lượng thành viên NSC tăng đến 400 người.

Khi bà Susan E. Rice được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vào vị trí Cố vấn An ninh quốc gia cách đây 2 năm, bà hết sức ấn tượng trước đội ngũ chuyên gia đông đảo của NSC. Đầu năm 2015, Susan Rice bắt đầu cố gắng thu gọn con số thành viên NSC với hy vọng giúp tiến trình hoạch định chính sách được nhanh chóng hơn.

Trung tuần tháng 7 vừa qua, Susan Rice tuyên bố đội ngũ NSC đã được cắt giảm 6%. Nhưng, có lẽ nỗ lực của bà khó có thể làm thay đổi bộ máy NSC cồng kềnh quan liêu gây ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả của những chính sách nhỏ nhất.

Tổng thống thứ 39 của nước Mỹ Jimmy Carter (nhiệm kỳ 1977 - 1981) điều hành khoảng 25 thành viên NSC cùng với Cố vấn An ninh quốc gia trực tính và mạnh mẽ Zbigniew Brzezinski, người nổi tiếng lấn át cả các bộ trưởng trong chính phủ. Đến thời Ronald Reagan, có đến 6 cố vấn trong vòng 8 năm do NSC gặp thất bại trong vụ bê bối Iran-contra.

Brent Scowcroft, Cố vấn An ninh quốc gia cho Tổng thống George H.W. Bush (Bush-cha), thường được đánh giá là "chuẩn mực vàng" do cách điều hành công việc hiệu quả với một đội ngũ NSC đoàn kết. Do lo ngại số thành viên NSC sẽ áp đảo các bộ cho nên Scowcroft giới hạn biên chế tổ chức chỉ còn 50 người. Scowcroft nhấn mạnh nhiệm vụ của NSC là tổng hợp các ý kiến để cho ra đời một chính sách an ninh quốc gia chặt chẽ.

Dưới thời Bill Clinton, NSC tăng quân số lên khoảng 100 người. Đến George W. Bush (Bush-con) con số tiếp tục tăng gấp đôi - tức 200 người! Sau khi tiếp quản Nhà Trắng được 3 tuần, Barack Obama ký một loạt Chỉ thị Tổng thống (PPG) đặt ra kế hoạch cải tổ cơ cấu NSC để đáp ứng những yêu cầu của tình hình mới, thành lập thêm 3 ủy ban từ thấp lên cao để bàn luận các chính sách trước khi được đệ trình lên tổng thống.

Một số cựu quan chức Nhà Trắng mô tả quyết định cải tổ NSC của Obama - như tăng số lượng thành viên với sự bổ sung thêm các lãnh đạo cấp bộ vào tổ chức, mở rộng thẩm quyền xem xét các chính sách đối ngoại - là yếu tố quan trọng hướng đến sự tập trung hóa nhiều hơn cho tổ chức có tầm ảnh hưởng mạnh đến thế giới này. Ban giám đốc mới của NSC sẽ chịu trách nhiệm về hàng loạt vấn đề nổi cộm như an ninh mạng, năng lượng, biến đổi khí hậu…

Sau khi Tổng thống Obama cho sáp nhập Hội đồng An ninh Nội địa (HSC) - được Tổng thống George W. Bush thành lập ngay sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 - vào NSC thì số lượng thành viên tổ chức này tăng thêm 35 người ngay lập tức.

Tổng thống Obama (giữa) và Phó Tổng thống Biden (bìa trái) họp với các thành viên NSC trong Phòng Roosevelt ở Nhà Trắng, năm 2014.

Theo kế hoạch cắt giảm nhân lực NSC, Susan Rice cho sáp nhập bộ phận xử lý các vấn đề Afghanistan - Pakistan (nằm riêng biệt dưới thời George W. Bush) vào với bộ phận Giám đốc Nam Á. Bộ phận phản ứng nhanh trước dịch Ebola được lập ra trong NSC vào năm 2014 cũng được lệnh giải tán sau khi cuộc khủng hoảng dịu xuống.

Tháng 6, một tuyên bố được đưa lên blog Nhà Trắng hứa hẹn một tổ chức NSC "nhanh nhẹn, thon gọn" với "những cuộc họp ít hơn, tập trung hơn, ít rườm rà giấy tờ hơn và trao đổi nhiều hơn để cho ra đời những chính sách hiệu quả hơn". Tháng 7, tức hơn nửa năm sau khi bắt đầu hành động, Susan Rice bày tỏ sự thỏa mãn với kết quả đạt được từ biện pháp cắt giảm nhân lực NSC của bà.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến không hài lòng về NSC của Nhà Trắng, cho rằng tổ chức ôm đồm quá nhiều việc và nên chia sẻ với các cơ quan chính phủ khác. Cựu Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta từng phát biểu về "sự gia tăng tập trung hóa quyền lực vào Nhà Trắng" cùng với sự mở rộng thẩm quyền của NSC. Còn người tiền nhiệm của ông, Bộ trưởng Quốc phòng Robert M. Gates, nhận định, cơ chế "quản lý vi mô" của Tổng thống Barack Obama "khiến tôi điên tiết".

Susan Rice.

Nhiều quan chức trong các bộ và cơ quan chính phủ coi NSC là tổ chức chiếm đoạt hết các chức trách của họ khiến họ bị đánh giá thấp và cảm thấy thất vọng. Về phía mình, ông chủ Nhà Trắng cho rằng một số quan chức chính quyền chỉ trích cơ cấu NSC nhằm để che đậy sự thiếu tổ chức và bất hòa bên trong cơ quan của họ.

David Rothkopf - cựu quan chức dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Tổng Biên tập tạp chí Foreign Policy và tác giả cuốn sách về lịch sử NSC - cũng nhận định tồn tại cơ chế "quản lý vi mô" trong NSC và coi tổ chức này giống như "ông kẹ" của nước Mỹ!

 

Duy Ân (tổng hợp)
.
.