Hồi ký về Hoàng gia Anh: Bi kịch của một nữ hoàng bị lãng quên

Thứ Ba, 24/12/2013, 16:15

Trang The Daily Beast gần đây có đăng tải một bài viết phân tích khá chi tiết cuốn hồi ký về Nữ hoàng Anne - nhân vật cuối cùng của triều đại Stuart, từng trị vì Vương quốc Anh trong giai đoạn 1702 - 1714. Thời gian cầm quyền của Nữ hoàng Anne chỉ kéo dài 12 năm nhưng rất đáng ghi nhớ, và đánh dấu sự nổi lên của Anh là một vương quốc hùng mạnh nhưng lại chìm đắm trong những cuộc chiến vô tận về tranh quyền đoạt vị ở châu Âu.

Trong thời gian trị vì ngắn ngủi, bà đã đưa nước Anh trở thành một quốc gia tôn sùng đạo Tin Lành, hoàn toàn đặt niềm tin vào tương lai “đã được định đoạt từ trước”. Và thế rồi, lịch sử chứng kiến sự xuất hiện của một nữ hoàng tài năng, cứng rắn với nhan sắc vô cùng quyến rũ nhưng phải trải qua một cuộc đời đầy bi kịch.

Và có lẽ, bi kịch lớn nhất mà lịch sử đang che giấu đó là chuyện Anne rất có thể là người đồng tính, đã từng vướng “lưới ái tình” với Sarah Churchill (bà cố của dòng họ cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill).

Tranh quyền đoạt vị

Anne lên ngôi là kết quả của những cuộc tranh quyền đoạt vị rắc rối giữa các nhân vật trong hoàng tộc, mang màu sắc chính trị và tôn giáo rất sâu sắc. Nữ hoàng sinh ra khi người chú Charles II đang giữ ngôi vương, nhưng ông lại không có con nên phụ thân của Anne là James - Công tước xứ York - được chỉ định là người kế vị. Trong bối cảnh người dân đang hướng niềm tin gần như tuyệt đối vào đạo Tin Lành, thì chuyện James công khai thừa nhận trung thành với Thiên Chúa giáo bị kịch liệt phản đối. Do vậy, sau 3 năm cầm quyền dưới tước hiệu James II, phụ thân của Anne đã bị phế truất. 

Quyền kế vị ngay lập tức rơi vào tay người chị của Anne là Công nương Mary II. Sau khi kết hôn với Công tước William III, Mary II phải chịu rất nhiều điều tiếng vì sự tham quyền của chồng. Tình chị em đứng trước nguy cơ sứt mẻ, các vấn đề tài chính để nuôi sống Anne trở thành mối bất hòa, xung đột lớn trong hoàng gia.

Cuối cùng, Mary II lựa chọn đứng về phía Anne, chính thức ly thân với Công tước William III. Vì hai vợ chồng không có con, nên sau khi Mary II qua đời vào năm 1694, William III cướp ngôi từ tay người vợ, duy trì một thể chế hoàng gia độc đoán, cửa quyền cho tới khi qua đời năm 1702. Cho tới lúc này, Anne buộc phải lên ngôi nữ hoàng vì không còn một hoàng thân nào có đủ khả năng kế thừa ngôi vị và cai quản đất nước.

Lời ra tiếng vào về cuộc sống riêng tư của Nữ hoàng Anne tràn ngập khắp nơi, nhưng điều đó không quan trọng đối với những thần dân của bà vì thực tế Anne đã đại diện kế vị cho tầng lớp người theo đạo Tin Lành. Thời bấy giờ, niềm tin đặt nặng trên vai Anne bởi lẽ người dân vẫn sống nơm nớp lo sợ giữa sự trở lại của chế độ quân chủ chuyên quyền Thiên Chúa giáo và sự yếu thế cầm quyền mong manh của một vị nữ hoàng tôn sùng đạo Tin Lành.

Cả đất nước dưới sự trị vì của Nữ hoàng Anne đã cùng chia sẻ một khát vọng lớn. Sau cuộc nội chiến, Nữ hoàng Anne muốn khôi phục lại thể chế cầm quyền từ thời người chú Charles II bởi vì nhân vật này có ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với Anne.

Thực tế lịch sử cho thấy, dưới sự cai trị của Nữ hoàng Anne, người Anh đã không hoàn toàn đánh mất đi bản sắc của họ vì các cuộc xung đột tôn giáo. Nhưng trải qua gần một thế kỷ bất ổn về chính trị và đổ máu trước đó, họ đã rất cực nhọc để duy trì sự thịnh vượng và tĩnh tâm dựa vào niềm tin tôn giáo về chủ quyền theo đúng mong muốn của Anne.

Chân dung Nữ hoàng Anne qua tranh của một họa sĩ Anh.

Nữ hoàng Anne cũng rất kiên định và nỗ lực đem lại sự hợp nhất hai ngôi vua của Anh và của Scotland, tránh được mối nguy từ các cuộc tranh quyền đoạt vị. Người đời sau vẫn nhắc tới bà với vẻ ngoài rụt rè, nhút nhát nhưng lại sở hữu khả năng diễn thuyết đi vào lòng người, luôn "tham công tiếc việc" và trở thành nhân vật xây dựng niềm tin cho cả một đế chế.

Bi kịch một cuộc đời

Suốt cuộc đời ngắn ngủi, Nữ hoàng Anne phải chịu đựng rất nhiều bệnh tật và những đớn đau hành hạ thể xác. Và ở tột cùng nỗi đau ấy là những lần sảy thai liên tiếp và sinh nở chẳng vẹn tròn. Kết hôn với Hoàng tử George của Đan Mạch, Nữ hoàng bị chỉ trích vì chính người chồng có phần chậm hiểu và luôn hành động kỳ quặc. Và trái tim Nữ hoàng dường như bị bóp nghẹt mỗi khi bà chứng kiến cái cảnh những người con lần lượt ra đi. 17 lần thai nghén là 17 nỗi đau. Chỉ có 4 người con được sinh ra khỏe mạnh, thế nhưng tất cả đều lần lượt qua đời từ rất sớm.

Thời bấy giờ, dư luận thường truyền tai nhau rằng Nữ hoàng Anne hoặc sẽ rất vui vẻ mang thai, hay dạo chơi với chồng hoặc sẽ đắm chìm trong bất hạnh khi chứng kiến chính những người con của bà ra đi. Cú sốc tinh thần lớn nhất trong cuộc đời Anne chính là cái chết đột ngột của cậu con trai 11 tuổi - người con sống lâu nhất của bà. Và rồi tưởng như bà sẽ gục ngã khi Hoàng tử George, người chồng "tay ấp má kề", qua đời năm 1708. Nhưng Anne lại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, bà nhanh chóng gạt bỏ nỗi buồn chỉ sau 2 ngày để tang chồng và tiếp tục công việc trị vì cả một vương quốc lớn mạnh.

Thế nhưng, bi kịch lớn nhất cuộc đời một nữ hoàng, ẩn phía sau nỗi đau của gia đình tới tột cùng, lại là một mối tình với người phụ nữ khác. Anne đã qua lại với Công nương Sarah Churchill (vợ của công tước Churchill xứ Markborough, tức bà cố của dòng họ cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill), vốn là một cận thần xinh đẹp, hấp dẫn nhưng cũng đầy quỷ quyệt, luôn đòi hỏi, ưa nổi giận và có lòng tham không đáy.

Có thể nói, "cuộc phiêu lưu ái tình" ít được tiết lộ này, nhiều khả năng diễn ra trong khi bà vẫn đang chung sống với Hoàng tử George, trở thành một trong những câu chuyện hấp dẫn nhất, song cũng mang quá nhiều bê bối, trong lịch sử Hoàng gia Anh.

Anne yêu say đắm Sarah bằng đam mê và lòng kiên nhẫn phi thường. "Chuyện tình vụng trộm" xảy ra quá thường xuyên, với những thứ xúc cảm mãnh liệt đã trói buộc một Sarah ham quyền bên cạnh Nữ hoàng, trở thành nhân tình - mà cũng có thể là bậc tôi tớ - rất mực trung thành. Anne rất sủng ái Sarah Churchill và chẳng hề biết rằng chính cá tính sắc sảo, ngang bướng của Sarah đang ươm mầm cho ý nghĩ "bám" chặt Nữ hoàng để giành lấy chút lợi thế chính trị và tài sản. Và thực tế cho thấy, Sarah Churchill đã khiến Anne hoàn toàn mê muội.

Tuy nhiên, mặc dù phải trải qua đau khổ triền miên và đắm chìm trong một mối tình kỳ lạ, Nữ hoàng Anne vẫn tìm thấy chút tỉnh táo cuối cùng. Bà luôn đau đáu vai trò một vị quân vương, làm tròn trách nhiệm với hoàng gia và hạn chế sự can dự của quyền lực thứ ba - nhân tình Sarah. Cuối cùng, Anne đã chấm dứt "sự thống trị" của Sarah cùng với ý chí sắt đá, và lấp lại khoảng trống bê bối bằng một mối tình với Abigail Masham - anh họ của Sarah.

Nhưng số phận đã an bài với những day dứt và đau đớn khi niềm tin của Nữ hoàng trở thành nỗi cay đắng đầy tủi nhục. Sarah đã hủy hoại tình yêu này khi tuyên bố cho Abigail Masham về những tai tiếng trong quan hệ với Nữ hoàng. Sau này, chính Sarah lại không tiếc lời nguyền rủa Nữ hoàng Anne, và biến cái gọi là "tình yêu" ngày nào trở thành một cuộc chiến âm thầm hỗn loạn. Sarah không bao giờ tha thứ cho Anne chỉ vì Nữ hoàng muốn tự lực, dựa vào khả năng của bà để giải quyết mọi chuyện, đặc biệt là các vấn đề chính trị nhạy cảm không thể tiết lộ.

Sự ích kỷ của Sarah không cho phép Anne được quyền trở thành một con người khác, và càng muốn Anne tiếp tục khổ đau để Sarah được vỗ về, an ủi. Cuốn hồi ký nhắc tới mối quan hệ này chẳng khác nào một bi kịch, và hé lộ một sự thật rằng, Sarah tìm mọi cách ngăn cản "người tình nữ hoàng" tìm lại niềm vui và giữ thái độ bình tĩnh khi đang cai trị cả một vương quốc hùng mạnh thời bấy giờ.

Trong những ngày dài suy nghĩ, Anne đã quyết tâm tiếp tục ngự trị ngai vàng trong sự gièm pha, trả thù của Sarah, tiếp tục xây dựng hy vọng vào đạo Tin Lành và hoàn toàn đoạn tuyệt ái tình với Abigail Masham. Cuối cùng, Nữ hoàng đã tìm thấy chút yên bình sau tàn dư khổ đau, và tại vị cho tới lúc qua đời…

Lâm Anh - Anh Trúc (theo The Daily Beast)
.
.