Hội nghị Nagoya và mục tiêu Aichi

Thứ Hai, 08/11/2010, 16:20
Sau hai tuần làm việc căng thẳng, cuối cùng đại biểu của 193 nước tham gia Hội nghị Liên Hiệp Quốc (LHQ) về đa dạng sinh học lần 10 (COP10) tại Nagoya, Nhật Bản, đã thông qua một kế hoạch mang tính chiến lược từ nay cho đến năm 2020 nhằm ngăn lại tốc độ diệt vong của các loài sinh vật trên trái đất, bảo vệ hệ sinh thái và lợi ích của hệ sinh thái đối với các quốc gia. Đây được coi là thỏa thuận môi trường quan trọng nhất của LHQ kể từ Nghị định thư Kyoto năm 1997.

Ngày 30/10, 193 nước tham gia, ngoài Mỹ, đã thông qua Nghị định thư Nagoya và mục tiêu Aichi. Nghị định thư Nagoya đặt mục tiêu chia sẻ công bằng lợi nhuận tính bằng tiền tệ và phi tiền tệ có được từ việc sử dụng các nguồn gien và kiến thức truyền thống của người bản xứ liên quan đến nguồn gien.

Theo nghị định thư này, các khoản lợi nhuận được chia sẻ dựa trên các thỏa thuận giữa các bên liên quan, việc tiếp cận các nguồn gien phải được tiến hành sau khi thông báo trước cho nước có nguồn gien đó và các nước thành viên của COP10 sẽ cân nhắc các cơ cấu khung cho việc chia sẻ lợi nhuận đa phương. Các bên liên quan sẽ đặc biệt xem xét các tình huống khẩn cấp liên quan đến y tế để xác định có cho phép tiếp cận nhanh các nguồn gien hay không. Mỗi bên sẽ áp dụng các biện pháp pháp lý cần thiết và kiểm tra để đảm bảo các doanh nghiệp và viện nghiên cứu không sử dụng các nguồn gien khi chưa có sự ủy quyền.

Trong khi đó, mục tiêu Aichi yêu cầu hành động khẩn cấp, hiệu quả đến năm 2020 để ngăn chặn tổn thất đa dạng sinh học với mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái, đảm bảo cuộc sống phong phú của loài người. Để đạt được mục tiêu chung này, thế giới phải tăng diện tích các khu vực được bảo vệ trên đất liền, từ 13% đến 17 % so với tổng diện tích, và từ 1% lên đến 10% diện tích biển.

Theo Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Ryu Matsumoto, mục tiêu năm 2010 của COP đã không đạt được. Mục tiêu đa dạng sinh học 2010 được phát động vào năm 2002 là đến năm 2010, giảm đáng kể tỉ lệ mất đa dạng sinh học ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu để góp phần giảm bớt đói nghèo và có lợi cho sự sống trên trái đất. Tuy nhiên, những kết quả trong 3 cuốn Tổng quan đa dạng sinh học toàn cầu xuất bản tháng 5/2010, cho thấy mục tiêu trên đã không đạt được.

Hội nghị Nagoya bế mạc sau hơn 10 ngày họp.

Trở ngại chính của việc thông qua mục tiêu Nagoya là sự bất đồng giữa các nước giàu và các nước đang phát triển về việc cần thực hiện những hành động nào và ai là người chi trả cho những hoạt động đó.

Là nước bảo tồn đến 10% các chủng loại động vật trên thế giới, Brazil đã kiên quyết gây áp lực để một quyết định như vậy được đưa ra tại Hội nghị Nagoya. Tổng thư ký của Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới đã ca ngợi Nghị định thư Nagoya như là một thành công mang tính lịch sử.

Trong thời gian qua, quá trình mất đa dạng sinh học diễn tiến với một tốc độ chóng mặt. Hiện có khoảng 40.000 loài trên thế giới bị tuyệt chủng mỗi năm. Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu con người không ngừng làm cho các loài sinh vật tuyệt chủng thì sự kết nối phức tạp của thế giới tự nhiên sẽ bị hủy hoại với những hậu quả tàn khốc. Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) cảnh báo thế giới sẽ thiệt hại tới 4.500 tỉ USD mỗi năm nếu không hành động khẩn cấp để bảo vệ sự đa dạng sinh học của trái đất. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên như rừng, nước sạch, đất đai, các rạn san hô... bị biến mất, các loài sinh vật bị tuyệt chủng do môi trường sống bị tàn phá, ô nhiễm và khai thác cạn kiệt sẽ gây nên những thiệt hại lớn cho kinh tế. Ngoài ra, hệ sinh thái bị hủy hoại, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân cũng góp phần làm nên làn sóng di cư tại nhiều nơi trên thế giới và có thể dẫn tới những bất ổn chính trị và xung đột.

Ông Pavan Sukhdev, một trong những người khởi xướng Sáng kiến nền kinh tế Xanh của UNEP, lưu ý rằng hiệu quả kinh tế của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học không chỉ mang giá trị nhiều nghìn tỉ USD của thế giới tự nhiên đối với nền kinh tế thế giới mà còn nhằm thúc đẩy tư duy mới trong điều chỉnh chính sách và các cơ chế thị trường thông minh. Điều này sẽ giúp các nhà nước, công ty và người dân sử dụng hiệu quả và bền vững hơn các hệ sinh thái trong một thế giới đầy những thách thức mới đang nổi lên.

Xác 1 con trâu bị chết do hạn hán ở Kenya.

Báo cáo cũng đồng thời nhấn mạnh tới hệ sinh thái, định cư của con người và khu vực kinh doanh để minh họa cho các khái niệm kinh tế và các công cụ bảo vệ hệ sinh thái có thể hài hòa các giá trị của tự nhiên trong các chính sách phát triển quốc gia ở mọi cấp. Hiện nay, hơn 50% dân số thế giới hiện sống ở các đô thị, nơi có vai trò thiết yếu để tăng cường nhận thức về tầm quan trọng to lớn của nguồn vốn tự nhiên đối với việc duy trì và cải thiện cuộc sống và phúc lợi của người dân. Sự đóng góp của rừng và các hệ sinh thái khác vào cuộc sống của người dân nông thôn cũng rất lớn, vì vậy, bảo tồn các hệ sinh thái này cũng đồng nghĩa với xóa đói nghèo.

Chương trình hành động chiến lược Nagoya đến năm 2020 không mang tính bắt buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, 10 tháng sau kết thúc gây thất vọng tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Copenhagen 12/2009, thành công tại Nagoya mang lại cho tiến trình thương thuyết về môi trường một sinh khí mới

Hà Ninh (tổng hợp)
.
.