Hy Lạp: Một loạt chính khách cao cấp bị điều tra

Thứ Năm, 11/10/2012, 18:25

Viện Công tố Tối cao Cộng hòa Hy Lạp vừa quyết định mở cuộc điều tra với quy mô chưa từng thấy, liên quan đến một loạt chính khách chóp bu có nguồn tài sản bất minh khó lý giải. Vụ scandal mới này đang được dư luận Hy Lạp và châu Âu đặc biệt quan tâm theo dõi.

Trong số chính khách cao cấp bị tình nghi gian lận tài chính với nhiều thủ đoạn khác nhau bao gồm cả người đứng đầu Quốc hội, thủ lĩnh đảng phái, các cựu lãnh đạo cơ quan cấp bộ, cũng như cựu dân biểu và nghị sĩ đang tại vị. Ông Evangelos Meimarakis, 59 tuổi, nguyên Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hy Lạp trong phiên họp toàn thể Nghị viện vào  ngày 26/9 vừa qua đã tuyên bố từ chức cùng với lời lý giải nguyên nhân từ chức của mình.

Dựa theo bản danh sách mới đăng trên tờ nhật báo Real News xuất bản ở thủ đô Athens, cơ quan ngôn luận của Viện Công tố Tối cao Hy Lạp thì ông E. Meimarakis cùng một loạt viên chức cao cấp khác đang bị điều tra về tội nhũng lạm công quỹ và rửa tiền. Cụ thể theo lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Yannis Stoumaras đã có 32 chính trị gia hàng đầu lọt vào vòng ngắm của Cơ quan Bài trừ tham nhũng quốc gia, với các tội danh như khai man thuế, mua cổ phiếu với số lượng lớn qua nguồn tiền mờ ám, sở hữu tài sản bất minh…

Riêng trường hợp của Chủ tịch E. Meimarakis liên quan đến giai đoạn từ năm 2006-2009, khi ông là Tổng thư ký đảng Dân chủ mới (ND) kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp. Nhóm tội phạm cao cấp nói trên đã dùng hàng tỉ euro nhũng lạm được tẩy rửa bằng việc đầu tư vào bất động sản, ngoài E. Meimarakis ra còn có một thành viên trong Ban lãnh đạo ND là cựu Bộ trưởng Bộ Lãnh hải và biển đảo Geogrios Voulgarakis 53 tuổi, người từng giữ Chức Bộ trưởng Bộ Trật tự công cộng trong thời gian diễn ra Olympic Athens -2004.

"Tôi đề nghị Quốc hội chọn người tạm thay thế tôi tới thời điểm có kết luận chính thức từ bên tư pháp nhà nước", Chủ tịch E. Meimarakis lên tiếng thỉnh cầu  trước khi rời diễn đàn Nghị viện.

Cá nhân Bộ trưởng Bộ Tài chính Yiannis Stournaras cũng đã khẳng định tính chính xác của bản danh sách nói trên, bất chấp sự phản đối của bên công tố rằng sẽ truy cứu trách nhiệm những ai để rò rỉ thông tin khi chưa có kết quả điều tra cuối cùng. "Cơ quan phòng chống tội phạm kinh tế đã thẩm định sự giàu có bất thường của họ với nguồn gốc không rõ ràng", Bộ trưởng Y. Stournaras cho biết thêm.

Phiên họp báo của Tòa án Tối cao Hy Lạp công bố quyết định điều tra các quan chức cao cấp.

Trong bản danh sách quy tụ giới chính khách cao cấp, công chúng Hy Lạp dễ dàng nhận ra sự hiện diện của tất cả các đảng phái chính trị trong nước. Nhân vật hàng đầu trong số này là Panos Kammenos 47 tuổi, thủ lĩnh đảng Người Hy Lạp Độc lập theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, bị cáo buộc có những giao dịch bất động sản đáng ngờ. Viện Công tố tối cao đã ra lệnh kiểm kê các tài khoản của P. Kammenos gửi trong các nhà băng trên toàn quốc. Kế đến là cựu Thị trưởng thủ đô Athens Nikitas Kaklamanis 66 tuổi, bị tình nghi có những hoạt động mờ ám trong lĩnh vực phát thanh công cộng trên địa bàn thủ đô.

Viện Công tố đã tiến hành kiểm tra các bản khai thuế thường niên, cũng như vô số tài khoản mà N. Kaklamanis mở tại các chi nhánh ngân hàng ngoại quốc ở Athens. Cựu Thị trưởng N. Kaklamanis đang là dân biểu thuộc đảng Dân chủ mới (ND) đương quyền của Thủ tướng Antonis Samaras, rồi cựu Bộ trưởng Bộ Lãnh hải và biển đảo Geogrios Voulgarakis 53 tuổi; cựu Tổng thư ký Michalis Karchimakis 55 tuổi của đảng Phong trào Xã hội chủ nghĩa Panhellenic (PASOK), người đang sở hữu tới 3 tòa khách sạn hạng sang ven bờ Địa Trung Hải nhưng không ghi trong tờ khai tính thuế hàng năm; cựu Chủ tịch Nikos Konstantopoulos 70 tuổi của Liên minh cánh tả cấp tiến (SYRIZA), cũng là nhà sáng lập quỹ xã hội mang tên cố Tổng thống Hy Lạp Konstantinos Karamanlis... Bản danh sách  này được chốt lại với danh tính của 11 cựu bộ trưởng và 10 cựu thứ trưởng dưới thời các chính phủ do ND và PASOK chấp chính, cũng như 12 thành viên Quốc hội đã mãn nhiệm hoặc đang tại vị.

Được biết, dựa theo báo cáo của Cơ quan Cảnh sát kinh tế trực thuộc Bộ Trật tự công cộng Hy Lạp (Bộ Nội vụ), Thủ tướng A. Samaras đã chấp thuận chuyển hồ sơ điều tra các quan chức thuộc quyền cho Viện Công tố, trước khi Tòa án Tối cao lần lượt mở các phiên xử những chính khách cao cấp liên quan.

Bộ trưởng Tài chính Y. Stournaras (phải) cam kết với Thủ tướng A. Samaras sẽ hỗ trợ toàn diện cho cuộc điều tra các chính khách sai phạm.

Cuộc điều tra do công tố viên Popi Papandreou thực hiện từ đầu năm nay để xác minh nghi vấn các chính trị gia và quan chức này đã bắt tay với các nhà thầu để rửa tiền. Các nhân viên thuộc Đội điều tra tội phạm tài chính (SDOE) Hy Lạp đã tìm thấy những khoản tiền lớn trong tài khoản của họ không khớp với thu nhập được chính họ công khai mà bản thân họ không sao giải thích nổi nguồn gốc.

Tòa án đã yêu cầu các nhân viên điều tra xem xét các vụ mua bất động sản của các chính trị gia và quan chức này trên toàn quốc trong thời gian từ năm 2005-2008, mà theo tờ Real News cho biết là họ đã sử dụng cách này để rửa hàng chục tỉ USD kiếm được từ tham nhũng.

Vì sao vụ bê bối lại nổ ra vào lúc này? Cuộc điều tra là một phần trong nỗ lực của chính quyền Athens nhằm đánh vào nạn trốn thuế, làm thất thoát hàng tỉ USD mỗi năm, nhằm tăng thu nhập cho quốc gia vốn đang phụ thuộc vào các khoản hỗ trợ của quốc tế.

Người dân Hy Lạp hết sức bất mãn trước việc các chính trị gia và giới nhà giàu dường như không bị ảnh hưởng bởi suy thoái tài chính đã lấy đi việc làm của 2 triệu người. Một khảo sát mới đây của hãng thăm dò MRB cho thấy 90% người dân Hy Lạp cho rằng việc thắt lưng buộc bụng là không công bằng.

Theo các nhà phân tích, vụ điều tra này đã phủ bóng đen lên toàn bộ hệ thống chính trị của Hy Lạp, đặc biệt trong bối cảnh Quốc hội nước này đang chuẩn bị bỏ phiếu đối với kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” mới mà Athens buộc phải thực hiện để được giải ngân phần cứu trợ tiếp theo trong gói cứu trợ thứ hai từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giúy Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ  nợ vào mùa thu này

Thu Hường – Trần Phương (tổng hợp)
.
.