Hy Lạp: Nữ chính khách vận động ‘thắt lưng buộc bụng”

Thứ Sáu, 11/11/2011, 09:00
Hara Kefalidou, một nữ nghị sĩ trẻ thuộc đảng cầm quyền PASOK, ngồi chưa nóng ghế, đang trở thành "hiện tượng" trong chính trường Hy Lạp do hành động dám "bơi ngược dòng nước" của bà. Đối mặt sự kháng cự quyết liệt của đa số nghị sĩ, chính khách vốn quen hưởng lộc ưu đãi, Hara vẫn không nao núng, và quyết tâm của bà đang bắt đầu có kết quả tích cực.

Hành động "bơi ngược dòng nước" của Hara là đã đứng ra vận động các đồng nghiệp kỳ cựu trong Quốc hội Hy Lạp chịu từ bỏ những đặc quyền đặc lợi được hưởng từ nhiều năm nay. Hành động đó bắt đầu bằng việc Hara viết một lá thư ngỏ gửi các đồng nghiệp trong Quốc hội Hy Lạp. Trong thư, Hara kêu gọi mọi người hãy cùng nhau hưởng ứng chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ, bằng cách mỗi người chấp nhận từ bỏ một số trong các khoản "bổng lộc" phụ trội được hưởng từ ngân sách.

Cụ thể, các khoản bổng lộc đó bao gồm xe ôtô riêng, điện thoại miễn phí, phí dự các cuộc họp của các ủy ban trong Quốc hội, các khoản công tác phí, vé máy bay hạng sang, 2 tháng lương phụ trội (17.200 USD) trong năm và tiền hưu trí gấp đôi so với công chức bình thường.

Hara cho rằng, việc dự các cuộc họp ở Quốc hội là hoạt động thông thường theo đúng chức trách người đại biểu được dân bầu ra mà phải dùng tiền của dân để trả phí là không đúng. Còn về việc hưởng lương hưu gấp đôi, Hara cho rằng, một nghị sĩ cũng làm việc như bao công chức bình thường khác mà lại được hưởng 2 lần lương hưu thì quả là bất công…

Tăng cường hơn nữa chính sách "thắt lưng buộc bụng" là yêu cầu quyết liệt mà EU đặt ra cho Hy Lạp để được nhận các trợ giúp. Trong khi người dân Hy Lạp, đặc biệt là người nghèo, bị buộc phải hy sinh bằng cách giảm bớt tiền lương, giảm phúc lợi và các khoản bổng lộc khác đồng thời tăng thuế để giúp Chính phủ giảm bội chi, thì giới chính khách Hy Lạp vẫn ung dung hưởng những khoản bổng lộc ưu đãi bất hợp lý như kể trên. Chính điều này đã gây nên sự bất mãn trong xã hội.

Hara Kefalidou năm nay mới 46 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Drama - một thành phố nhỏ, chuyên sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở miền Bắc Hy Lạp. Bà là con gái rượu của một cựu nghị sĩ Hy Lạp và suốt thời gian làm nghị sĩ (đến khi nghỉ hưu năm 1989), cha bà luôn là người đại biểu tích cực cho thành phố Drama.

Năm 2009, đảng PASOK đã yêu cầu Hara ra ứng cử vào chiếc ghế nghị sĩ đại biểu Drama do cha bà để lại. Hara đã không khó khăn gì để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội năm đó. Từ khi trở thành nghị sĩ, Hara ra sức khuyến khích lớp trẻ ở thành phố Drama quay trở lại với nghề làm nông như thời bố mẹ họ. Hara lập luận rằng, do các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Drama giờ đây đã chuyển dần sang các nước láng giềng như Bulgaria,…

Kể từ khi lá thư của Hara được báo chí đăng tải lần đầu vào tháng 1/2011, bà bỗng trở thành "người đương thời" nổi tiếng nhất ở Hy Lạp. Hara còn nhớ rõ cái ngày ngay sau khi tờ nhật báo Katherimerini đăng lá thư của bà, đã có vài người thuộc thế hệ cha chú trong giới chính khách thuộc tất cả các đảng phái đã gọi điện thoại hoặc trực tiếp gặp mặt để "dạy bảo" cô em "nhỏ mà hăng". Bỗng dưng Hara nhận thấy mình đang bị bao vây bởi một đám rất đông người bảo thủ quyền lợi cá nhân. Hara có cảm giác mình đang "bơi ngược dòng nước" khi phải đối mặt với sự phản đối của số đông như thế. Nhưng bù lại, Hara đã nhận được khá nhiều lời động viên, ủng hộ của cử tri lẫn những người cùng quan điểm như bà.

Nhưng thực tế tác động từ bức thư đăng báo của Hara còn chưa rõ rệt. Hara cảm thấy mình đã chờ đợi "khá lâu" mà vẫn chưa thấy các cơ quan thẩm quyền (Quốc hội, Chính phủ) có động tĩnh gì đối với những điều bà nêu trong bức thư đăng báo. Thế là, vào tháng 7/2011, Hara quyết định tự nguyện trả lại cho nhà nước chiếc ôtô riêng hiệu Mercedes Benz đắt tiền cộng với khoản tiền "họp phí" 425 USD/năm, như một hành động "làm gương". Không biết có phải do tác động của Hara hay chỉ là trùng hợp mà cùng lúc với bà còn có nghị sĩ đảng đối lập Kyriakos Mitsotakis cũng trả lại xe (nhưng tiền "họp phí" thì không).

Và cũng kể từ sau ngày Hara có hành động cụ thể, một phong trào bắt đầu lan rộng, với thành viên các đảng phái nhỏ lũ lượt trả lại xe và không nhận tiền "họp phí". Từ những hành động này, những người "chưa dám" hành động rồi cũng sẽ buộc phải làm theo, vì Hạ viện Hy Lạp đã quyết định cắt giảm tiền "họp phí" xuống còn 215 USD/năm. Song song đó, khoản bổng lộc "tháng lương thứ 13 và 14" cũng đã bị cắt, theo một quyết định mới nhất của Chính phủ Hy Lạp.

Nhưng, bên cạnh đó, các nghị sĩ Hy Lạp vẫn còn hàng loạt khoản phụ trội khác để hưởng thụ, như phụ cấp nhà ở, phí điện thoại, công tác phí ra nước ngoài, vé xe lửa hạng sang. Ngoài ra còn có cả chuyên gia riêng về y tế, dinh dưỡng, xe công dành cho nhân viên phụ tá,… Mặc dù bức thư ngỏ và hành động cá nhân của mình có tác động thực tế, nhưng Hara vẫn chưa cảm thấy hài lòng vì thực chất chuyển biến chưa nhiều và hiệu quả của phong trào vận động còn phải được đẩy mạnh hơn nữa

Văn Trương (Tổng hợp)
.
.